Thursday, March 28, 2024

Việt Nam muốn mua 30 triệu liều vaccine COVID-19 của Anh Quốc

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Y Tế CSVN đang đàm phán để mua 30 triệu liều vaccine AstraZeneca của Anh Quốc để “bảo đảm chích cho 15 triệu dân.” Đây là hợp đồng cụ thể, khả quan nhất trong số bốn nước mà Việt Nam đang đàm phán về việc đặt mua vaccine phòng bệnh COVID-19.

Ông Trương Quốc Cường, thứ trưởng Bộ Y Tế, cho biết như trên tại cuộc họp báo chính phủ vào sáng 4 Tháng Giêng.

Một nhân viên y tế ở Anh cầm lọ vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech, Mỹ. (Hình: Graeme Robertson/Pool via AP)

Theo báo VNExpress, Bộ Y Tế CSVN đang đàm phán mua vaccine AstraZeneca (Anh), Pfizer(Mỹ), Sputnik V (Nga) và vaccine của Trung Quốc.

“Các bên đàm phán đều yêu cầu phải ký biên bản ‘bảo mật thông tin,’ chỉ một số nội dung được công khai. Bộ đã đạt được kết quả gần nhất với công ty của Anh để họ bảo đảm cung cấp 30 triệu liều vaccine, bắt đầu từ quý 1 đến quý 4/2021,” ông Cường nói.

Với công ty Mỹ, Việt Nam cũng đàm phán lộ trình cung cấp vaccine kéo dài từ đầu năm đến cuối năm 2021. Với Nga, Việt Nam đàm phán để “có thể sản xuất vaccine COVID-19 theo bản quyền và kỹ thuật” của nước này tại một công ty thuộc Bộ Y Tế. Trong khi đó, không nghe nhắc tới Trung Quốc.

Cũng theo ông Cường, giá vaccine của các đối tác không chênh lệch nhiều, song phải đi kèm với điều kiện bảo quản, thanh toán, giao hàng… “Một điều kiện nữa là bảo đảm công tác lâm sàng, bởi các vaccine đang có sự chênh nhau về hiệu quả phòng COVID-19, thấp nhất là 65%, cao nhất gần 95%, trung bình khoảng từ 80% đến 90%,” ông Cường cho biết thêm.

Việt Nam hiện có hai vaccine phòng COVID-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm là Nanocovax, đã thử nghiệm trên người, và vaccine IVAC đã hoàn thành các đánh giá thử nghiệm an toàn trên động vật, dự kiến sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người trong Tháng Giêng này.

Theo tờ Tiền Phong, Bộ Y Tế đã gửi thủ tướng chính phủ CSVN tờ trình đề nghị dừng tổ chức và hạn chế chuyến bay từ quốc gia có biến thể virus SARS-CoV-2 mới, do hơn 40 quốc gia đã có quyết định tương tự, bởi mức độ lây lan của biến thể này.

Các chuyên gia y tế cho rằng Việt Nam “cần quản lý chặt chẽ hơn ở khu cách ly, quản lý chặt người nhập cảnh để dịch COVID-19, nhất là chủng biến thể SARS-CoV-2 mới “không lọt ra ngoài cộng đồng.”

Đặc biệt, những ngày cận Tết Nguyên Đán sẽ có nhiều người Việt ở hải ngoại nhập cảnh về Việt Nam. Nếu các trường hợp này không được phát hiện kịp thời, thì khả năng lây lan trong cộng đồng rất cao, nhất là khi họ bị nhiễm bệnh bởi biến chủng của SARS-CoV-2 mới.

Cùng ngày, tỉnh Thanh Hóa ra công điện cho biết từ ngày 10 Tháng Giêng, tỉnh này sẽ không tiếp nhận và thực hiện cách ly phòng chống dịch COVID-19 đối với người từ ngoại quốc trở về. Việc tiếp nhận trở lại vẫn chưa được xác định cụ thể.

“Do dịp Tết Nguyên Đán có rất nhiều người lên đến hàng trăm ngàn trở về quê hương, nên việc tạm dừng tiếp nhận người từ ngoại quốc trở về là một trong những biện pháp để phòng chống dịch, để bảo đảm an toàn, yên tâm cho người dân trong dịp Tết,” ông Trịnh Hữu Hùng, giám đốc Sở Y Tế tỉnh Thanh Hóa, nói.

Cục Hàng Không dừng cấp phép các chuyến bay từ ngoại quốc về Việt Nam trong Tháng Giêng, để “ngăn virus không lọt ra ngoài cộng đồng.” (Hình: Ngô Bình/Tiền Phong)

Nhằm hạn chế lượng người nhập cảnh, Cục Hàng Không Việt Nam cho hay tới nay “chưa cấp phép cho chuyến bay nào đưa công dân Việt Nam từ các quốc gia trên thế giới về nước trong Tháng Giêng. Cục Hàng Không “chỉ cấp phép bay theo lịch đưa công dân Việt Nam từ các quốc gia về nước do Bộ Ngoại Giao CSVN chủ trì xây dựng.”

Tính đến chiều tối 4 Tháng Giêng, Bộ Y Tế CSVN ghi nhận thêm ba ca mắc COVID-19 mới nhập cảnh từ Đức và Nhật, nâng tổng số bệnh nhân tại Việt Nam lên 1,497 ca. (Tr.N) [kn]

MỚI CẬP NHẬT