Thursday, April 25, 2024

Việt Nam: Dư luận đòi giải tán các ‘hội phụ huynh học sinh chỉ để thu tiền’

SÀI GÒN (NV) – Chỉ là “cánh tay nối dài” của nhà trường để ép buộc cha mẹ học sinh đóng góp tiền bạc nhiều khi quá khả năng “tự nguyện,” dư luận đang muốn giải tán các hội phụ huynh học sinh.

Hàng năm, cứ vào đầu niên học là người ta lại thấy có những lời kêu ca về những khoản đóng góp “tự nguyện” qua hội phụ huynh học sinh, hay hội cha mẹ học sinh. Nó là một gánh nặng đối với các gia đình nghèo, ngay như cái ăn hàng ngày cũng đã khá chật vật.

Mấy ngày gần đây, người ta thấy phổ biến trên tờ Giáo Dục Việt Nam một bức thư của một phụ huynh học sinh ở Sài Gòn gửi nhà cầm quyền trung ương đề nghị giải tán các hội phụ huynh học sinh. Lý do ông nêu ra, cái hội này chỉ là “cánh tay nối dài” của nhà trường để thực hiện chương trình “lạm thu” núp dưới hình thức đóng góp tự nguyện qua hội phụ huynh học sinh. Mọi người đều hiểu, tuy gọi là “tự nguyện” nhưng không đóng không được.

Ông Võ Quốc Bình là người viết đơn gửi Văn Phòng Chính Phủ, đề nghị giải tán hội phụ huynh học sinh. Theo ông, từ thực tế của những khoản đóng góp rất vô lý ở các trường học như hiện nay, “hội phụ huynh học sinh chính là một thực tế biến tướng của hoạt động với mục tiêu ‘hội phụ thu học sinh’, với các dự án mà người ta có thể gọi là ;BOT học đường.’”

Ngày 24 Tháng Chín 2017, VNExpress có bài viết ngắn ngắn của một độc giả đồng tình với ông Võ Quốc Bình và viết rằng “ban phụ huynh lớp con tôi là ‘hội lừa đảo cha mẹ học sinh.’”

“Họ coi chúng tôi như con nít để dụ dỗ đủ kiểu: nào là mua amly, loa đài, nào là đi dã ngoại, nào là mua quà cho thầy cô và ban giám hiệu… Sau đó, ban giám hiệu chỉ biết đến ban phụ huynh thôi, còn những người đóng góp tiền thì chẳng bao giờ thấy hỏi thăm đến. Thật bức xúc và bất bình,” độc giả của VNExpress viết.

Có 161 ý kiến góp ý sau bài viết vừa kể, hầu hết đều đòi dẹp hội cha mẹ học sinh.

Trước vấn nạn lạm thu rất phổ biến trên cả nước, ngày 19 Tháng Chín 2017, báo chí trong nước cho hay để “chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học,” ông Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT “rà soát các văn bản của bộ đảm bảo chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật.”

“Các khoản thu tài trợ, đóng góp tự nguyện phải đảm bảo đúng tinh thần tự nguyện của người, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt. Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ướng, bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục địa phương theo quy định, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm việc thu các khoản thu theo đúng quy định,” VietNamNet tường thuật theo bản chỉ thị của ông Vũ Đức Đam.

Ngay tại Hà Nội, sau khi tới thanh tra vài trường tại địa phương tuần qua, tin tức cho hay trường nào cũng đều “lạm thu,” tức bắt cha mẹ học sinh đóng góp những khoản mà các quy định của chế độ không cho phép.

Theo thông tư của Bộ Giáo Dục-Đào Tạo CSVN có từ năm 2011, hội cha mẹ học sinh có nhiệm vụ

“phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, tàn tật.”

Các lời kêu ca trên báo chí đều cáo buộc hội này chỉ chăm chú thay mặt nhà trường thu tiền “ngoài quy định” của cha mẹ học sinh bất kể người ta gánh nổi hay không, mà chế độ gọi bằng nhóm mỹ từ “xã hội hóa giáo dục.”

Mới đây tờ Dân Việt cho hay, phụ huynh học sinh Trường Tiểu Học Chu Văn An, thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) kêu rằng họ nhận được danh sách các khoản thu “dự kiến” của một lớp 1 với mức 16,738,000 đồng cho mỗi học sinh. Ngoài học phí, tiền ăn, bán trú, tiền học thêm, bảo hiểm, còn có thêm học tiếng Anh tăng cường… Đây là số tiền khổng lồ đối với cư dân của một thành phố cũng chẳng thuộc loại giầu có đại gia.

Tuần qua, một bà hiệu trưởng trường tiểu học thuộc huyện An Dương, Hải Phòng, đã bị phụ huynh học sinh biểu tình chống đối vì lạm thu nhiều khoản “tự nguyện” lên hơn 10 triệu đồng. Trong khi chờ đợi điều tra, nhà cầm quyền huyện đã cho bà tạm nghỉ việc 15 ngày nhưng bà làm đơn “xin ra khỏi ngành.”

Ngày 14 Tháng Mười Một 2016, hơn một nửa trên tổng số 249 học sinh mầm non xã Hưng Thắng (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đồng loạt nghỉ học vì cha mẹ không đưa đến trường. Theo tin VietNamNet, nguyên nhân chính là “do cô Hiệu Trưởng Lê Thị Thu Hà đã tổ chức thu nhiều khoản trái quy định, có những phát ngôn gây bức xúc, trong khi cơ quan chức năng chậm xử lý, nên đã cho con ở nhà để phản đối.” (TN)

Công an dí roi điện, xịt vòi rồng đàn áp 200 người biểu tình ở Hải Dương

MỚI CẬP NHẬT