Thursday, April 25, 2024

Nhớ Tết Ðất Mũi Cà Mau

Nguyễn Trọng Tín

Tôi rời Cà Mau đã gần hai mươi năm. Lâu lâu có dịp gặp nhau, bạn bè cũ thường hỏi, xa Cà Mau nhiều năm, ông thường nhớ gì về nơi ấy? Nhớ thì đủ điều, nhưng có lẽ nhớ nhất là Tết.

Cà Mau vốn là đất cộng cư của ba sắc dân Việt, Hoa và Khmer từ sơ khởi của cuộc khẩn hoang mới hơn 300 năm, cho tới nay. Với người Việt và người Hoa thì cùng có chung cái Tết. Ngay đầu con kinh Rạch Láng của quê tôi có tiệm tạp hóa của một Hoa Kiều. Ông chủ tiệm này cao lêu nghêu nên dân trong vùng gọi chết danh là Chệt Cao.

Tôi nhớ khi mùa mưa đã đi qua, bông sậy bắt đầu bung bay lang thang trong từng cơn gió bấc, bất chợt một ngày đến tiệm Chệt Cao thì thấy có hai tấm liễn bằng giấy hồng đơn dài, với chữ Hán được viết bằng mực Tàu, dán hai bên cửa nhà. Còn nhiều nữa những mảnh giấy hồng đơn có viết chữ Hán, đủ kích cỡ, dán lên nhiều đồ vật trong nhà và cả bàn ông Thiên ngoài sân. Vậy là đã sắp đến Tết.

Ngày đó đồng đất Cà Mau chỉ làm một vụ lúa trong năm. Mùa Tết cũng là mùa thu hoạch lúa. Những sân nhà trong xóm chất đầy những cà lang lúa bó, mặc sức cho trẻ con chơi trò trốn tìm. Làng xóm ấm trong mùi rơm rạ. Năm nào ruộng nhà tôi cũng cấy riêng một công lúa nếp dành ăn Tết. Công lúa nếp này luôn được thu hoạch trước tiên. Khi tiệm ông Chệt Cao cho dán liễn trước cửa thì anh em tôi cũng được má phân công xay giã thành gạo cái chỗ lúa nếp vừa mới thu hoạch.

Hoa Tết về rừng. (Hình: Lê Nguyễn)
Hoa Tết về rừng. (Hình: Lê Nguyễn)

Tôi không rõ ngoài Bắc và Trung thì gọi thế nào chứ ở trong Nam không ai gọi lễ Tết hay Tết một cách chung chung mà luôn gọi là ăn Tết. Và trên thực tế, phục vụ cho cái ăn là “hạng mục” hàng đầu trong việc chuẩn bị Tết. Với đám trẻ con thôn quê, bánh mứt là món hấp dẫn đầu tiên của Tết. Cũng chẳng phải cao lương mỹ vị gì, nhưng đó là những món ngày thường ít khi được ăn. Từ số gạo nếp đã được xay giã, má tôi đã biến chúng thành cả một đội quân bánh trái cho ngày Tết. Má tôi thường làm đủ thứ bánh mứt, vì con đông, ba tôi có nhiều bạn bè khách khứa. Năm nào khó khăn thì có ít đi, nhưng có ba thứ bánh Tết năm nào cũng phải có, đó là bánh phồng, bánh ít và bánh tét.

Bánh phồng nó ngon ra làm sao? Thật khó trả lời. Nhưng nếu không có tiếng chày quết bánh phồng, tôi thật khó lòng hình dung ra mùa Tết. Cái bánh phồng trông thật đơn giản, hình trăng tròn, khi ăn phải nướng lên và nó cho ta một ngạc nhiên, từ chỗ đường kính chỉ chừng gang tay, mỏng như chiếc bánh tráng, nó vụt phồng dày lên, nở lớn ra có khi hơn cả gấp đôi. Khi ăn, có cảm giác cái ngọt, cái bùi, cái béo nó tan ngay trong miệng khi ta vừa cắn, nên lại tiếp tục cắn thêm miếng nữa, miếng nữa.

Nhưng để làm ra chiếc bánh phồng đơn giản này là cả một quy trình hết sức công phu. Thường thì một khuya nào đó sau lễ cúng tiễn ông Táo về trời, má tôi lục đục thức dậy nổi lửa nấu xôi phần gạo nếp đã được ngâm từ hôm trước. Khi vừa chín, cả chõ xôi nóng được cho ngay vào cối giã. Một thanh niên lực lưỡng phải liên tục quết chày từ 15 đến 20 phút với sự giúp sức trộn trở của một người phụ nữ khéo tay. Khi phần xôi kia trở thành khối bột nhuyễn thì má tôi cùng các dì các cô trong xóm đem cán ra thành từng cái bánh.

Ði chơi Tết ở Ðất Mũi. (Hình: Lê Nguyễn)
Ði chơi Tết ở Ðất Mũi. (Hình: Lê Nguyễn)

Vì mê ngủ thường thì tôi không nhìn thấy công đoạn cán bánh, chỉ sáng ra mới thấy những chiếu bánh đã được phơi trên những chiếc giàn giữa sân. Khi phơi còn có những thao tác như trở bánh, tắm bánh, cắt bìa cho bánh. Ngoài ra còn có những bí quyết trong những công đoạn ngâm gạo, nấu sôi để bánh không bị sượng khi nướng. Nhưng với tôi, tiếng chày quết bánh âm vang trong mơ màng nửa thức nửa ngủ mới là ấn tượng không thể mờ phai trong ký ức về ngày Tết và món bánh phồng, cho tới tận bây giờ.

Bánh tét thì năm nào cũng được nấu vào đêm 30 Tết. Ðó là đêm mà trẻ con vừa được mặc quần áo mới, vừa được đốt pháo đón giao thừa lại được thức thả cửa vì có nhiệm vụ canh lửa cho lò nấu bánh tét. Bánh tét ăn với thịt kho tàu, dưa cải, dưa củ kiệu là món “lương khô” ngày Tết của đám trẻ nhà tôi vì không phải chờ nấu nướng mất thì giờ.

Tết chỉ có vẻn vẹn ba ngày, nhưng mùa Tết thì không gói gọn trong ba ngày ấy. Từ sau 23 Tháng Chạp, ngày cúng đưa ông Táo về trời, mọi công việc thường nhựt của nhà tôi đều được gác lại, chỉ còn việc chuẩn bị cho Tết. Việc dọn dẹp trang hoàng nhà cửa thì được làm từ trước đó nữa. Việc trang hoàng nhà cửa này còn mang một ý nghĩa tâm linh là để tiễn những gì không hay của năm cũ ra đi, chuẩn bị đón điều may mắn của năm mới sẽ đến.

Nồi bánh tét đêm 30 Tết. (Hình: Lê Nguyễn)
Nồi bánh tét đêm 30 Tết. (Hình: Lê Nguyễn)

Không khí Tết đến với nhà tôi bắt đầu từ việc trang hoàng bàn thờ ông bà. Những vật dụng thờ cúng trên bàn thờ như lư hương, chân đèn, đỉnh trầm… được lau chùi đánh bóng. Mới hơn ngày thường là thêm lọ độc bình cắm một cành mai nụ. Ngoài ra còn có mâm ngũ quả và cặp dưa hấu, loại dưa tròn, lớn trái có dán chữ “Thọ” (Hán tự) viết bằng nhũ vàng trên giấy đỏ, nói lên mong ước cho ông bà cha mẹ còn đang sống được trường thọ.

Vườn nhà tôi có mảnh đất dành làm nghĩa trang chung cho cả họ, nên thường niên ngày 25 Tháng Chạp là ngày con cháu tụ về để tảo mộ cho ông bà, cha mẹ. Việc cúng tảo mộ thường chỉ cúng nơi nền mộ với trà, bánh, nhang, đèn, nhưng vì có bà con đông đảo tụ về nên với nhà tôi đó là một ngày tiệc tùng. Thời chiến tranh còn chưa ác liệt, năm nào má tôi cũng nuôi sẵn con heo từ đầu năm để làm thịt trong dịp này. Nhưng tiệc tùng cũng chỉ hết một phần thôi, số thịt còn lại được chia cho bà con làng xóm mà không lấy tiền ngay, mùa sau sẽ lấy bằng lúa, vì thế nó cũng thành ngày hội nho nhỏ của xóm.

Ngày 30 Tháng Chạp là ngày cúng lớn và nghiêm trang nhất, đó là cúng rước ông bà. Ở quê tôi có tập quán vào ngày này nhà nào cũng cúng, nhưng ngôi nhà ở đầu xóm là cúng sớm hơn cả, nhà nào trong xóm cũng có người đến đây dự cúng, rồi sau đó lập thành đoàn lần lượt đi đến từng nhà trong xóm.

Sậy trổ bông báo mùa Tết đến. (Hình: Lê Nguyễn)
Sậy trổ bông báo mùa Tết đến. (Hình: Lê Nguyễn)

Các nhà đều dọn mâm vừa cúng xong ra đãi đoàn, nhưng các thành viên trong đoàn cũng chỉ uống với gia chủ một vài ly rượu để còn đến chúc Tết những nhà khác trong xóm. Tôi nghe ông bác Hai, anh của ông ngoại tôi nói, tập tục này có từ thời ông mới 12 tuổi, đi theo ông cố tôi từ Bến Tre vào đây khẩn hoang, xóm làng chưa thành chỉ có thưa thớt vài nhà đến từ tứ xứ. Người dưng nước lã nhưng họ coi nhau còn hơn ruột thịt. Ðoàn chúc tết này chấm dứt ở ngôi nhà cuối cùng trước lúc giao thừa để ai về nhà nấy.

Thời khắc giao thừa cả nhà tôi từ người lớn đến trẻ con đều áo quần tề chỉnh, lần lượt thắp nhang lạy bàn thờ tổ tiên, gọi là lễ mừng tuổi ông bà. Sau đó người lớn tuổi trong nhà kể lại cho con cháu nghe chuyện thời xưa, thời ông bà đến khai phá đất này.

Mới tờ mờ sáng mùng Một thì tôi đã thấy thằng Nuôl, thằng Tăng quần áo bảnh chọe từ xóm Miên qua rủ đi bắn cu ly (bắn bi). Dân xóm Miên có Tết riêng, nhưng ở gần nhau nên họ vẫn sắm Tết, chơi Tết cùng với người Việt. Ðể rồi qua đến Tháng Tư, bọn tôi lại kéo qua xóm Miên ăn Tết Chol Chnam Thmay, chơi bông đèn gió và coi hát Dù Kê.

Do mưu sinh, bây giờ cả nhà tôi đều trôi dạt xa đất Cà Mau. Tôi cũng không còn ở chung ngôi nhà với má. Con gái tôi sau khi lập gia đình cũng có một chỗ ở riêng. Nhưng mỗi năm vào thời khắc giao thừa, tôi, con tôi, cháu tôi và tất cả em trai, em gái, con cháu trong nhà đều về nhà má tôi, xếp hàng thắp nhang mừng tuổi ông bà!

MỚI CẬP NHẬT