Saturday, April 20, 2024

Ai sẽ ở trong nội các của ông Trump?

Nguyễn Văn Khanh

Những ai đã được mời và những ai hy vọng sẽ được mời vào trong nội các chính phủ của tổng thống đắc cử Donald Trump? Câu trả lời đúng nhất: chưa biết, cho dù đồn đãi thì rất nhiều, nghe đâu danh sách cũng rất dài.

Mười ngày sau khi ông Trump đắc cử, tin đồn chính trị cho thấy có rất nhiều người được ban tham mưu của vị tổng thống đắc cử nhắm tới cho những vai trò khác nhau, nhưng đến chiều Thứ Năm, 17 Tháng Mười Một, vẫn chưa có công bố chính thức, đẩy mọi người tới chỗ phải chờ đợi xem ông Trump sẽ chọn những ai, đặc biệt là những vai trò quan trọng, như các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, tư pháp, hoặc tài chánh.

Tin duy nhất được xác nhận là tin ông Trump gặp ông phó Mike Pence để “bàn chuyện” trước khi công bố danh tánh những người được chọn, đi kèm theo tin vị tổng thống tương lai của nước Mỹ “chưa vội thông báo ngay lúc này, sẵn sàng đợi đến đầu tuần tới khi Tổng Thống Barack Obama về lại Washington, DC.” Tại sao ông Obama của đảng Dân Chủ lại dính dáng đến chuyện của vị tổng thống đắc cử Cộng Hòa? Xin thưa: giới thạo tin nói rằng theo đề nghị của ông Chánh Văn Phòng Reince Prebius, “chỉ nên công bố danh sách tân chính phủ sau khi ông Obama hoàn tất chuyến công du cuối cùng,” để vị tổng thống đương nhiệm không phải trả lời các câu hỏi của báo chí về người được ông Trump bổ nhiệm.

Một lời đồn khác cũng được giới thạo tin tại Washington, DC đưa ra, cho biết danh sách những người được chọn “sẽ được công bố vào đầu Tháng Mười Hai,” sau khi người dân Hoa Kỳ cùng gia đình nghỉ Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving). Khi được hỏi về chuyện này, bà sếp ban tham mưu tranh cử Kellyanne Conway cũng trả lời nước đôi, bảo rằng “có thể danh sách sẽ được công bố trước Thanksgiving, cũng có thể sẽ được loan báo sau Thanksgiving.”

Chưa rõ bao giờ ông Trump mới công bố danh tánh những người được chọn, chỉ thấy đồn đãi về những nhân vật có triển vọng tham gia chính quyền ngày một nhiều và một sôi nổi hơn. Dẫn đầu vẫn là ông cựu Thị Trưởng New York Rudy Giuliani, người hùng của nước Mỹ sau biến cố 11 Tháng Chín, 2011. Từng làm việc ở Bộ Tư Pháp, ông Giuliani hãnh diện nói “không ai biết Bộ Tư Pháp bằng tôi,” khiến mọi người nghĩ ông muốn về điều khiển bộ này, nhưng một hai ngày qua lại có tin cho biết ông đang trên đường trở thành ngoại trưởng, thực hiện chính sách ngoại giao của Tổng Thống Trump.

Thứ Hai vừa rồi, khi có mặt tại Washington, DC tham dự buổi nói chuyện do nhật báo The Wall Street Journal tổ chức, ông Giuliani khéo léo ủng hộ một chính trị gia bảo thủ cũng đứng trong danh sách ứng viên cho chức vụ này là ông John Bolton, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, nói rằng chọn ông này là “điều hợp lý,” nhưng khi được hỏi có thấy ai sáng giá hơn không, ông nói nửa đùa nửa thật “có thể (người sáng giá hơn ông Bolton) là tôi.” Nhưng đến tối Thứ Tư, lại có tin nói bà Thống Ðốc Nikki Haley của tiểu bang South Carolina sẽ là nữ ngoại trưởng, sáng sớm Thứ Năm lại có tin nói ông Trump muốn giao vai trò quan trọng này cho ông Mitt Romney.

Ngoài những nhân vật vừa nêu trên, còn có ít nhất hai người khác cũng được báo chí nêu tên, gồm ông Henry Paulson, cựu bộ trưởng tài chánh, và ông Richard Amitage, cựu thứ trưởng ngoại giao. Ðồn đãi chính trị cho rằng ông Amitage “không sáng lắm” tức chẳng có nhiều hy vọng, còn ông Paulson “có nhiều triển vọng trở lại vị trí tổng trưởng tài chánh.” Tin này được tung ra hồi sáng Thứ Ba, đến buổi trưa thì… tắt ngúm, sau khi tỷ phú Carl Icahn gửi tin nhắn qua mạng xã hội, báo tin “đã nói chuyện trực tiếp với ông Trump, được (ông Trump) báo là đang tính chuyện chọn ông Steven Mnuchin làm sếp Bộ Tài Chánh.”

Ông Mitt Romney có thể là ngoại trưởng dưới thời chính quyền Donald Trump. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)
Ông Mitt Romney có thể là ngoại trưởng dưới thời chính quyền Donald Trump. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Ông Steve Mnuchin là ai? Xin thưa: ông từng làm việc với đại tổ hợp tài chánh Goldman Sachs trước khi làm trưởng ban vận động tài chánh cho ứng cử viên Trump. Ngoài nhiệm vụ “tay hòm chìa khóa” giúp ông Trump tranh cử, ông Mnuchin còn là người soạn thảo kế hoạch kinh tế, cũng là người thúc đẩy ông Trump phải “đánh thật mạnh, phải nhắc đi nhắc lại với cử tri rằng chỉ có mình Trump mới đưa kinh tế nước Mỹ trở lại thời thịnh vượng, chỉ có mình Trump mới lấy lại công ăn việc làm cho công nhân Hoa Kỳ.”

Cũng phải nói thêm trong tin nhắn qua mạng, ông tỷ phú Icahn còn tiết lộ người nhiều triển vọng giữ chức bộ trưởng thương mại là ông Wilbur Ross, một nhà đầu tư nổi tiếng trong giới sinh hoạt tài chánh, cũng đi sát với ông Trump ngay từ lúc đầu. Ngoài ra, ông Dan DiMicco, chủ tịch công ty thép Nucor Corp., được nói sẽ giữ vai trò đại diện thương mại Hoa Kỳ (US Trade Representative). Ông DiMicco không được nhiều người biết đến dù là cố vấn chuyên trách mậu dịch cho ứng cử viên Donald Trump, nghe đâu ông chính là người đưa ý kiến xếp Trung Quốc trong danh sách những quốc gia “cố ý hạ giá đồng tiền để trục lợi khi xuất cảng hàng sang Mỹ,” sau đó sẽ đánh mức thuế nhập cảng tới 45% trên các mặt hàng Trung Quốc sản xuất bán sang Mỹ.

Vẫn theo đồn đoán, chức bộ trưởng quốc phòng sẽ được trao cho Thượng Nghị Sĩ Jeff Sessions (Cộng Hòa-Alabama), người đầu tiên trong Thượng Viện lên tiếng ủng hộ ông Trump đồng thời cũng là thành viên trong ban cố vấn đặc trách về đối ngoại. Một vài ngày gần đây, lại có tin cho hay ông Stephen Hadley, cựu cố vấn an ninh quốc gia thời Tổng Thống George W. Bush, cũng là ứng cử viên cho chức vụ này, cùng với cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Talent nổi tiếng của nhóm dân cử bảo thủ cứng rắn.

Bên cạnh những người đang trông chờ được tuyển chọn là những người đã lên tiếng cho hay sẽ từ chối nếu được mời. Ðứng trong danh sách này có ông Ben Carson, đầu năm nay từng là đối thủ chính trị của ông Trump trước khi quay sang ủng hộ vị tổng thống đắc cử. Ông Benson được dự đoán sẽ điều hành Bộ Y Tế hoặc Bộ Giáo Dục, nhưng theo lời ông “tôi tin rằng nếu đứng ngoài chính phủ, tôi có thể giúp Tổng Thống Trump nhiều hơn.” Cũng với lời phát biểu tương tự, ông Newt Gingrich, cựu chủ tịch Hạ Viện, cho tờ Politico biết sẽ không tham gia chính phủ “chỉ muốn giữ vai trò cố vấn,” đóng góp ý kiến cho Tổng Thống Trump và các quan chức chính quyền.

Sôi nổi nhất trong số những nhân vật “chưa kịp lên nhưng… đã xuống” là trường hợp của cựu Dân Biểu Mike Rogers, thành viên ủy ban tuyển chọn người tham gia chính phủ, đồng thời cũng là nhân vật sáng giá cho cả chức bộ trưởng nội an hoặc chức giám đốc CIA.

Trưa Thứ Ba vừa rồi ông Rogers bất ngờ loan báo từ chức, không đầy nửa giờ đồng hồ sau khi truyền thông khắp nơi đưa tin ông bị loại chỉ vì chuyện “đấu đá nội bộ.” Ông bị người trong gia đình Trump ghét bỏ vì có liên hệ thân tình với Thống Ðốc Chris Christie, người cũng vừa bị giáng chức, từ vị trí chủ tịch ủy ban tuyển chọn xuống làm phó chủ tịch.

Tin cho hay người đòi giáng chức ông Christie và đẩy ông Mike Rogers khỏi ủy ban là Jared Kushner, con rể của ông Trump. Một trong những lý do được nói tới: khi còn là công tố liên bang, ông Chris Christie đã thực hiện cuộc điều tra đưa thân phụ của anh Jared Kushner vào tù về tội trốn thuế, do đó cậu con rể đầy quyền uy của vị tổng thống tương lai có ác cảm với ông là điều chẳng ai ngạc nhiên, và chuyện cậu tìm cách giáng chức người đã hại cha cậu và đẩy lui những người thân tình với “kẻ thù” là điều được đoán trước sẽ xảy ra.

Anh Jared Kushner sẽ giữ vai trò gì trong chính phủ Donald Trump cũng là điều mọi người đang thắc mắc. Tuần trước khi ông Trump đến Washington, DC gặp Tổng Thống Barack Obama, cùng một lúc Tòa Bạch Ốc có ba cuộc gặp gỡ, thứ nhất là cuộc gặp giữa vị tổng thống đương nhiệm và người sẽ kế nhiệm, thứ nhì là buổi gặp gỡ giữa Ðệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama và bà Melania Trump, đệ nhất phu nhân tương lai của nước Mỹ, cuộc gặp thứ ba là buổi gặp gỡ giữa ông chánh văn phòng Denis McDonough và anh Jared Kushner. “Ðiều đó,” theo một viên chức đang làm việc tại Tòa Bạch Ốc, “xác nhận Jared là người được ông Trump tin cậy nhất, là cánh tay mặt, là tai mắt của ông.”

Nhận xét đó có lẽ đúng.

Tối Thứ Tư vừa qua, đài truyền hình NBC đưa tin nói ông Trump muốn cậu con rể có mặt với ông để nghe viên chức an ninh tình báo liên bang trình bày những tin quan trọng nhất trong ngày, tựa như bản báo cáo nói về tình hình Hoa Kỳ và thế giới mà Tổng Thống Barack Obama và Phó Tổng Thống Joseph Biden được nghe mỗi buổi sáng. Theo NBC, ngoài cậu con rể tháp tùng, ông Trump còn muốn có sự hiện diện của cựu Trung Tướng Michael Flynn, người sẽ đảm nhận vai trò cố vấn an ninh quốc gia.

MỚI CẬP NHẬT