Thursday, April 25, 2024

Báo cũ, Sáng Tạo 60 năm trước

Viên Linh

1-Cầm trên tay tờ tạp chí đã cầm đã đọc 60 năm trước, trong tôi một ngày đầu năm dương lịch 2017, có lác đác vài giọt mưa thưa thớt hiếm hoi của Little Saigon ở Nam California, là một trời sũng mưa của Sài Gòn 1957, một mình trong áo mưa đứng trước một sạp báo bên lề đường, hay một mình trên chiếc velo-solex chạy băng băng trên đường Võ Di Nguy Phú Nhuận, lòng ngổn ngang những nỗi bâng khuâng đơn lẻ đang đi kiếm bạn tâm giao.

Hồi ấy người bạn ngồi quán thân nhất của tôi là Hoán, em ruột họa sĩ Phạm Tăng nổi tiếng trên tờ Bách Khoa, Hoán vẽ đẹp không thua anh, tiếc thay đã không bao giờ đi theo nghiệp vẽ, đậu tú tài xong theo học Sư Phạm, và trở thành một nhà giáo chuyên nghiệp, song tôi tin anh chỉ là nhà giáo vì việc mưu sinh, con người ấy không sinh ra để chỉ sống giữa bốn bức tường lớp học. Thế mà hình như tôi đã sai, người tôi tin sẽ là một họa sĩ tài ba lại chẳng bao giờ là họa sĩ, trừ thời gian ngắn ngủi anh trình bày minh họa cho tạp chí Văn Chương của nhóm Joseph Huỳnh Văn, Phạm Kiều Tùng, Nguyễn Tường Giang. Còn tôi trái lại, lăn vào đời, mài miệt với bút mực, không thiết cái gì khác, sáng mê báo sáng tin tức nóng hổi, chiều mê báo chiều tin tức mới hơn, đọc và đọc, không biết đọc để làm gì, nhưng đọc trước hết để thấy để biết có cái gì mới hơn vừa xảy ra. Hôm nay đọc chưa hết báo hôm nay thì sáng mai lại có báo kế tiếp, báo chẳng bao giờ ngừng ra nên tôi chẳng bao giờ ngừng đọc, thú vị biết bao khi ta có được thứ chẳng bao giờ hết?

2-Mấy hôm nay đầu năm dương lịch, lòng tôi trống vắng từ nửa tháng qua khi xuống máy bay ở phi trường Dulles, IAD, trở về vùng tam biên Hoa Thịnh Đốn 14 ngày, thì 3 ngày đầu Virginia lạnh có lúc tới 20 độ, không ra tới đường, bấm điện thoại cho các bạn cũ, không thấy một ai. Bạn Cao Thế Dung gan thật, gọi mãi không nghe. Thanh Hà thổi sáo cũng thế, [hôm sau mới biết Hà về Việt Nam ở lại, mà qua đời cũng hai ba tháng rồi]. Trong 9 ngày liền chỉ gặp hai người bạn tị nạn năm xưa, ra phố được hai buổi, bằng hữu cũ tiêu sơ, đúng ra là hoang vắng. Đầu năm Đinh Cường ra đi, cuối năm Nguyễn Ngọc Bích lên trời rồi không bước xuống nữa. À còn Đào Trường Phúc, gọi mới hay tuần báo Phố Nhỏ mới đóng cửa, chàng ký giả trẻ [trẻ có nghĩa là lớp sau, chứ cũng cỡ hơn 60 mươi rồi]. Bây giờ người bạn trẻ có nghề mới: làm thông dịch viên Tòa Án. Thế là lớp làm báo vùng tam biên nơi tôi khởi sự năm 1975 với các tờ Lửa Việt, Đuốc Tuệ, Thời Tập nay không còn ai là người cũ theo nghề báo nữa, sau 42 năm. Đi sớm nhất là Linh Mục Trương Duy Nhất của tờ Việt Chiến, rồi nhà thơ Nguyễn Đức Vinh chủ xướng thơ Phi Thi, rồi Giang Hữu Tuyên của Hoa Thịnh Đốn Việt Báo, còn quá trẻ; rồi Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng của Văn Nghệ Tiền Phong [tờ báo mà hai nhân viên bị bắn chết vì bị thanh toán – trong có một ký giả và một chỉ là người sửa bài] – còn Chử Bá Anh của tờ Phụ Nữ đột sinh đột tử; đến Ngô Vương Toại, cũng còn quá trẻ; rồi Văn Uyển của Trần Nghi Hoàng đã dọn lên gần New York;…

Ngôi nhà tôi cư ngụ ít ngày ở Virginia lại không có internet, thành ra sự liên lạc bị cắt đứt, cũng may cửa sau nhìn thẳng ra Hồ Ngỗng Trời, nhờ đó tôi có cái thú đếm xem buổi sáng trong cái hồ bên Jaguar Trail ấy có mấy chục con, sao buổi chiều chỉ còn lác đác, chúng bay đi đâu, hay chui vào hang hốc ven hồ. Không có bạn văn nghệ báo chí, cũng may còn một hai bạn 75, bạn Mai Thọ lái bà già L.19, bạn Cảnh đầu bò trực thăng võ trang, … Dù sao, đó là những ngày cho tôi thấy rõ, như một nhan đề tiểu thuyết của Ngọc Linh: “Tới một tuổi nào…” Đúng thế, tới một tuổi nào, lẳng lặng và bất ngờ, tất cả lịm đi mất tăm mất tích. Cũng đến lúc đứng trước tủ sách, đi tìm những gáy sách cũ nhất, những tập báo vàng ố nhất, tìm lại người xưa, bóng cũ, để thấy thật sự ai còn ai mất, ai đã mất mà vẫn còn, ai vẫn còn mà thực sự đã mất. Nhớ một lời nhạc hình như là của Y Vân: “60 năm cuộc đời…”

3-Mấy tờ Sáng Tạo trong năm 1957 còn rất hiền hòa, tác giả nửa này nửa kia, chưa phải tất cả đều đã “đứng về phía những cái mới” như lời hô hào của Mai Thảo sau này. Trên tờ số 8 tháng 5.1957 bên bài thơ tự do “Bài ngợi ca tình yêu” của Thanh Tâm Tuyền còn cái đoản văn mở đầu “Bích Hà mến” của Tô Kiều Ngân; nhưng tờ báo trông đã đẹp, sáng sủa và gọn gàng, chững chạc, bài vở đa diện với các tác giả tên tuổi: Duy Thanh bàn về hội họa, Nguyên Sa nói về triết, truyện ngắn của Vĩnh Lộc, Lý Hoàng Phong, thơ của Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Sỹ Tế viết biên khảo văn học và Thanh Nam đọc sách mới của Doãn Quốc Sỹ. Báo còn mỏng, có 56 trang, song không tẻ vì thứ gì cũng có, tin tức, phê bình, viết ngắn viết dài, thư tín trả lờn bạn đọc, quảng cáo sách, …bên cạnh những sáng tác nhận định đã kể ở trên.

Cũ như thế, cũ đã 60 năm, song thơ văn của nó cho tới giờ vẫn không cũ. Những gì gọi là sáng tác – chữ nghĩa nẩy sinh từ những cây bút ý thức, viết từ sự khổ công tra vấn tìm tòi, sẽ còn mới mãi vì những chữ chủ yếu trong ấy là do các tác giả dùng theo sự xếp đặt, cấu trúc riêng của bài thơ câu văn của họ, sẽ không ai có thể dùng lại được giống như họ. Có những bài thơ trong số báo này đã trở thành những bài thơ của văn học Việt Nam thế kỷ XX.

Bài ngợi ca tình yêu
ĐEN
Một người da đen một khúc hát đen
Bầu trời đen sâu không cùng
Những giòng nước mắt
Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng
Bằng giọng của máu của tủy của hờn bắt đầu ngày tháng
Giữa rừng không lối rừng mãi trống không
Ném mình ném đám đông vào trần truồng tủi cực hơn xác thịt
Tan vỡ hôm qua hôm nay kể gì ngày mai.
(Thanh Tâm Tuyền, Sáng Tạo số 8, 5.1957, trang 48)

Nhan đề “Bài ngợi ca tình yêu” do Thanh Tâm Tuyền đặt ra, trong có nhiều khúc, mà khúc trên có ghi ở đầu bài chữ ĐEN [viết hoa], có những câu nhiều người thuộc lòng. Bài thơ nhắc đến điệu kèn nhạc Blues của người da đen: “Vì Blues không xanh vì điệu blues đen.” Lúc này thi phẩm đầu tay của ông, “Tôi không còn cô độc” mới xuất bản được vài tháng (1956). Tên ông còn mới tinh trên văn đàn miền Nam. Cũng còn mới tinh là bài thơ và bút hiệu Tô Thùy Yên dưới đây, xuất hiện ở trang 10 trong cùng số báo:

Tôi lên tiếng
Tôi gật đầu trước mặt ái tình
Như một loài cỏ ngoan vâng lời gió dạy
Kìa máu chảy ngoài đường
Kìa máu chảy
Tôi ra giữa công trường cất tiếng kêu oan
Nhân loại ngây thơ đời đời chịu tội
Sắt đỏ cày nhăn trán mịn màng
Lúa đầy đồng người gặt thiếu ăn
Chúng nó đòi thủ tiêu thi sĩ
Tôi là thi sĩ tôi yêu
Chúng ta góp tay đẩy đời đi tròn
(Tô Thùy Yên, Sáng Tạo số 8, 5.1957, trang 10)

Và ở hai trang trước, cũng cùng số báo, là một bài thơ và người thơ sau này đều cùng nổi tiếng bên nhau, gần nhau, trở thành ba thi sĩ thơ tự do trong văn học sử Việt Nam suốt 60 năm qua:

Tôi sẽ bỏ đi rất xa
Tôi sẽ bỏ đi rất xa thành phố
Có những bờ hè
Và những người gặp nhau buổi sáng thứ hai
Không cười với nhau một lần
Không nói với nhau lấy một câu
Người con gái áo tím đã trả lời: không có thì giờ!

Phải người con gái đã trả lời: không có thì giờ!
Và tôi không dám góp ý kiến
Vào chuyện người ta
Nhưng òng tôi thầm hỏi:
Như một người bơ vơ
Hỏi một người bơ vơ
Có những người yêu nhau không có thì giờ
Chim lấy đâu mà về tổ
Tôi lấy đâu mà làm thơ
Em lấy đâu mà đọc những bài thơ sắp viết.
(Nguyên Sa, Sáng Tạo số 8, 5.1957, trang 8)

Chỉ một số báo, Sáng Tạo số Tháng Năm, 1957, 60 năm trước, chúng ta có ba bài thơ như thế, ba thi sĩ như thế, tạp chí như thế mới là tạp chí văn chương. Và văn chương như thế mới gọi là văn chương sáng tạo. Khi tôi viết những dòng này, hai người trong số trên đã ra đi, chỉ còn Tô Thùy Yên ở Houston, nhưng không thấy lên tiếng gì nữa. *


*Tòa soạn Sáng Tạo trước sau chỉ có hai người: Mai Thảo và Đặng Lê Kim, như ghi trong ô vuông trong hình trên ở trang bìa 3 tờ báo. Sau này ở Sài Gòn có người tự nhận là thư ký tòa soạn Sáng Tạo, điều đó không đúng. Ông quản lý Đặng Lê Kim hiện ở Úc, có qua thăm gia đình ở California, có ghé thăm tôi ở tòa báo, ông có thể xác nhận điều này. (3 Tháng Giêng, 2017).

MỚI CẬP NHẬT