Câu chuyện ngoại giao

Lê Phan

Sir Henry Wotton, một nhà ngoại giao Anh thời thế kỷ thứ 17, nổi tiếng khi nói “Một nhà ngoại giao là một gentleman lương thiện được gửi đi ngoại quốc để nói láo phục vụ nước mình.” Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ bây giờ hẳn sẽ thấy lời nói đó thấm thía đến mức nào.

Nghề ngoại giao, nhất là theo truyền thống Tây phương mà Hoa Kỳ là số một, là một nghề được kính nể. Các nhà ngoại giao, dầu cho là lão thành hay mới vào nghề, thường hiểu rõ tình hình ở nhiệm sở mình, và do đó là nguồn thông tin mà mọi người từ những nhà báo, các vị dân cử đến các chính phủ đều tìm đến.

Tôi còn nhớ chính một nhà ngoại giao Úc ở Hà Nội kể cho tôi nghe cuộc tranh quyền giữa phe Lê Duẩn và phe Trường Chinh. Và chính vì vậy, những bức điện tín từ các nhà ngoại giao đã được các chính phủ tin cậy để định hướng chính sách.

Đại Sứ George F. Kennan, đại sứ Hoa Kỳ ở Liên Xô, nổi tiếng với một bức điện tín tràng giang đại hải giải thích cặn kẽ tình hình cũng như cơ chế quyền lực của Liên Xô và tham vọng bành trướng của họ.

Nhưng truyền thống đáng tự hào đó đang bị chính tổng thống Hoa Kỳ vùi dập. Ngày nay, các nhà ngoại giao của Hoa Kỳ, khi đến các cuộc tiếp tân, thật khác hẳn những con người tự tin chỉ mới cách đây hai ba năm. Bây giờ họ gật gù nhưng không nói bao nhiêu, tránh khỏi bình luận về tổng thống.

Nhưng biện minh cho chính sách của tổng thống, dầu cho ngược ngạo đến đâu, là nhiệm vụ của họ. Tổng thống tuy vậy đã tạo cho họ thêm một thách thức hoàn toàn mới: Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ nay phải giải thích sự suy nghĩ của ông ở nơi mà đôi khi không có tí gì tính toán cả, tìm cách hiểu những chính sách khi rất ít những chính sách đó đã thực sự hình thành.

Công việc còn tệ hơn nữa ở những tòa đại sứ mà tổng thống đã đưa những người trung thành với ông lên làm đại sứ. Sự việc là nhiều nhiệm sở còn bỏ trống thực sự là một tin mừng cho các nhà ngoại giao. Những nhà ngoại giao nào phải làm việc cho những nhân vật được tổng thống bổ nhiệm phải học cái nghệ thuật mới làm sao kiểm soát cái bản năng thiếu ngoại giao của mấy ông boss mới.

Thí dụ như trường hợp của ông Richard Grenell, đại sứ Hoa Kỳ ở Cộng Hòa Liên Bang Đức, người mà ngay sau khi tổng thống rút khỏi hiệp ước hạch nhân Iran đã bảo các doanh nghiệp Đức hãy rút khỏi Iran ngay tức thời.

Chưa hết, vài ngày sau ông lại tuyên bố ở một cuộc phỏng vấn là ông đang dự định “tạo uy quyền” cho các phong trào bảo thủ trên toàn Âu Châu. Ông đã bị các đồng nghiệp người Đức cũng như chính phủ Đức nhắc nhở một cách rất ngoại giao, là can thiệp vào nội tình của một đồng minh thân cận không phải là một phần vụ trong công việc của ông.

Bộ Ngoại Giao dưới thời ông Rex Harrison vắng như chùa bà đanh, bởi vì ông tin là giảm nhân viên sẽ mang lợi ích như thời ông còn làm tổng quản trị ExxonMobil.

Bộ Ngoại Giao dưới thời ông Mike Pompeo lại còn có những hành động kỳ lạ hơn. Ngay trước Hội Nghị Thượng Đỉnh của khối G7, khối các cường quốc kinh tế số một trên toàn thế giới, bộ tung ra một chiến dịch trên Twitter vinh danh 500 ngày của sự thành công vĩ đại dưới triều Tổng Thống Donald Trump.

Một nhà ngoại giao Anh bảo ông suýt tưởng lầm ông vào lộn trang Twitter vì trông nó không khác gì trang tuyên truyền của một quốc gia độc tài kiểu như ông Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ.

Và trong cái tweet, Bộ Ngoại Giao dưới thời ông Pompeo loan báo “sự vĩ đại của Hoa Kỳ” dưới triều tổng thống và nay Hoa Kỳ đã “trở lại chính trường thế giới.” Để cho rõ, nhiều cái tweet khác kê khai thành quả kể cả dọn tòa đại sứ về Jerusalem, rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. May quá, vì nó trước thời ông nên ông ngoại trưởng quên khoe thành tích rút lui khỏi Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong khi đó, cách tiếp xúc kiểu trọng thương và trọng lợi của tổng thống với chính sách ngoại giao – cũng như sự không mấy che giấu thán phục các nhà độc tài, đang làm hại đến hình ảnh của Hoa Kỳ ở hải ngoại. Chẳng phải tổng thống đã biện minh cho việc hủy các cuộc thao diễn quân sự với Nam Hàn là “đỡ tốn tiền” đó sao.

Chỉ vài tháng sau khi Tổng Thống Trump lên nắm quyền, một cuộc khảo sát trên 37 quốc gia của tổ chức nghiên cứu dư luận Pew Research Center cho thấy trung bình chỉ có 22% đặt tin tưởng là lãnh tụ Hoa Kỳ sẽ làm điều đúng trong bang giao quốc tế, so với 64% dưới thời Tổng Thống Barack Obama, vào năm cuối nhiệm kỳ của ông.

Cô lập hơn là vẻ vang chính là vị trí của Hoa Kỳ sau Hội Nghị Thượng Đỉnh G7. Ở hội nghị đó, tổng thống lật ngược thế cờ, tấn công các đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ và xỉ vả vị lãnh tụ nước chủ nhà, Thủ Tướng Justin Trudeau.

Tổng thống đến hội nghị hầm hầm, cương quyết theo đuổi nghị trình bảo hộ mậu dịch của mình và đề nghị rằng Nga nên được mời trở lại cái câu lạc bộ thân mật đó. Rồi khi rời khỏi, ông tung ra một tràng đạn tweet xỉ vả ông chủ nhà và thông cáo chung.

Trong khi những nhà ngoại giao Hoa Kỳ hốt hoảng trước sự sụp đổ của bao nhiêu năm xây dựng, tổng thống và những đàn em của ông thích thú. Họ sung sướng với sự việc là lối hành xử của tổng thống với ngoại giao là theo kiểu bắt nạt thay vì ngoại giao.

Theo tạp chí The Atlantic, chủ thuyết Trump được một trong những viên chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc diễn tả là “We’re America, bitch.” Thú thật kẻ viết bài này không biết dịch làm sao cho lột được cái ý nghĩa vừa khinh thị vừa kiêu căng đó.

Một biểu hiện truyền thống hơn của ngoại giao đã theo sau hội nghị G7, khi tổng thống đến Singapore cho cuộc họp lịch sử với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un. Cách đây chưa lâu, chính tổng thống đã đe dọa chiến tranh với Bắc Hàn, thành ra dầu sao nhân loại cũng phải cảm ơn là đối thoại thay thế đe dọa chiến tranh.

Sự háo hức của tổng thống tuy vậy hẳn đã làm một số nhà ngoại giao ngượng ngùng nhất là khi họ đã được huấn luyện để khẳng định vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ, không những về quyền lực mà còn về đạo đức nữa.

Ngược lại với những lời lẽ thô bạo mà ông dành cho các đồng minh dân chủ của Hoa Kỳ, tổng thống đã đầy những lời ca tụng cho nhà độc tài vốn đã đàn áp và bỏ đói dân mình, ấy là chưa kể đã giết một cách vô lý một sinh viên người Mỹ vô tội: “Cá tính vĩ đại và rất thông minh. Tập hợp tốt. Một nhà điều đình xứng đáng.”

Thật khó có thể lý luận nào khác hơn là cuộc họp thượng đỉnh ở Singapore đã là một đòn ngoại giao ngoạn mục. Có điều nó là đòn ngoại giao của ai. Thật khó có thể bác bỏ sự việc là ông Kim đã “chơi ông Trump như là chơi một cây đàn vĩ cầm,” như một nhà cựu ngoại giao Hoa Kỳ nhận xét. Ông Kim đã dành được uy tín và sự công nhận quốc tế và đáp lại chỉ cần đưa ra những lời hứa hẹn. (Lê Phan)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.