Chiến tranh mậu dịch nguy hiểm

Hôm Thứ Năm vừa qua, Tổng Thống Donald Trump nói sẽ đánh thuế 25% trên thép nhập cảng và 10% trên hàng nhôm. Ông nêu lý do: An ninh quốc gia! Nhập cảng kim loại nhiều quá sẽ khiến nước Mỹ bớt khả năng tự chế lấy vũ khí. Ngay sau đó, nhật báo Wall Street Journal, xưa nay vẫn ủng hộ đảng Cộng Hòa, viết một bài quan điểm, coi đây là một “sai lầm về chính sách lớn nhất” của ông tổng thống.

Thị trường chứng khoán Mỹ tụt giảm ngay lập tức, sáng hôm sau, thị trường chứng khoán Á Châu và Âu Châu tụt giảm theo. Vì ai cũng lo các nước xuất cảng thép và nhôm sang Mỹ sẽ trả đũa. Họ sẽ tăng thuế trên các hàng mua từ Mỹ, từ máy bay, máy vi tính cho tới đậu nành hoặc gà vịt. Nếu không thỏa hiệp, một cuộc “chiến tranh mậu dịch” sẽ diễn ra, giống như thời 1930, đưa tới khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khi các nước chủ trương “bảo hộ mậu dịch” bằng cách đánh thuế nặng trên hàng mua từ nước khác.

Sang ngày Thứ Sáu, ông Donald Trump đã “tuýt” một lời mạnh bạo hơn. Ông nói thẳng: “Chiến tranh mậu dịch tốt, và dễ thắng!”(trade wars are good, and easy to win)! Nghị Sĩ Ben Sasse, Cộng Hòa, Nebraska, cảnh cáo: “Chiến tranh mậu dịch không có ai thắng. Cả hai bên cùng thua!… Nếu ông tổng thống tiếp tục chính sách này, nó sẽ giết công việc làm ở Mỹ.”

Nhiều người coi việc tăng thuế quan có tác dụng giống như tăng thuế tiêu thụ. Vì khi giá thép và nhôm tăng, hầu hết các nhà chế tạo dùng hai thứ kim loại đó sẽ phải tăng giá hàng bán, từ xe hơi đến chiếc lon chứa rượu bia!

Nghị Sĩ Mike Lee, Cộng Hòa, Utah, cũng báo động, tăng thuế quan, là một cách tăng thuế giết rất nhiều công việc làm. Ngược lại, nhiều nhà chính trị đảng Dân Chủ lại hoan nghênh Tổng Thống Trump, đặc biệt có các nhà lãnh tụ công đoàn.

Nghị Sĩ Sherrod Brown, Dân Chủ, Ohio, ca ngợi hành động của Tổng Thống Trump sẽ giúp cho kỹ nghệ thép và các công nhân ngành thép ở Ohio, giúp họ khỏi trở thành những nạn nhân do chính sách gian thương của Trung Quốc!

Trong khi tranh cử, Tổng Thống Trump vẫn đả kích chính quyền Trung Cộng trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước sản xuất thép để có thể bán giá thấp vẫn có lời. Đó là hành động cạnh tranh bất chính với công nghiệp thép ở Mỹ. Quyết định tăng quan thuế trên thép và nhôm được các người lãnh đạo xí nghiệp trong các ngành này cũng như các công đoàn nhiệt liệt hoan nghênh.

Nhưng Tổng Thống Trump nhắm vào quốc gia nào khi đưa ra biện pháp trên?

Một điều ít người chú ý là việc nếu Mỹ tăng thuế thép nhập cảng thép sẽ không ảnh hưởng mấy đến kinh tế và ngoại thương của Trung Quốc. Mỹ nhập cảng rất ít thép từ nước này. Mỗi năm cả nước Mỹ dùng khoảng 100 triệu tấn thép; trong đó khoảng 35.6 triệu tấn phải nhập cảng, trị giá $33.6 tỷ. Thép mua từ Trung Quốc chỉ chiếm 2.9% số thép Mỹ nhập cảng, cỡ một triệu tấn. Từ mấy năm qua, số thép xuất cảng không còn quan trọng nữa. Trong năm 2016, thép chỉ chiếm 2.4% hàng xuất cảng từ Trung Quốc. Số thép này được bán cho hơn 220 quốc gia khác nhau. Thép Trung Quốc bán qua Nam Hàn nhiều nhất (17%), sau đến Việt Nam (11%) còn nước Mỹ chỉ nhập cảng 1% số thép Trung Quốc bán ra – theo thống kê của bộ Thương Mại Hoa kỳ.

Cho nên biện pháp tăng thuế quan trên thép, nhôm của Tổng Thống Trump sẽ không gây thiệt hại cho Trung Cộng đáng kể. Vậy các nước nào bị thiệt hại nhất?

Các nước bị tấn công mạnh nhất là các đồng minh của Mỹ. Canada bán 17% số thép Mỹ nhập cảng, đứng hạng đầu trên Brazil và Nam Hàn. Hai nước Á Đông là đồng minh quân sự của Mỹ trước mối đe dọa của Bắc Hàn là Nhật Bản và Nam Hàn, cả hai đều xuất cảng thép qua Mỹ. Ở Châu Âu, là nước Đức.

Bộ trưởng Thương Mại Nhật, Hiroshige Seko, tỏ ý hoài nghi: “Tôi không tin là việc Mỹ nhập cảng thép từ Nhật Bản, một nước đồng minh, lại ảnh hưởng xấu đến an ninh nước Mỹ” như Tổng Thống Trump nêu lý do khiến ông tăng thuế.

Ông Jürgen Kerkhoff, chủ tịch Hiệp Hội Thép ở Đức, lo ngại rằng không những các nhà sản xuất thép của Châu Âu khó bán hàng sang Mỹ vì thuế cao, mà còn bị cạnh tranh mạnh hơn khi các nước khác đưa thêm thép bán sang Châu Âu; vì họ cũng khó bán sang Mỹ! Ông Kerkhoff kết luận: Nếu chúng ta không trả đũa, công nghiệp thép của chúng ta sẽ là nạn nhân của chính sách bảo hộ mậu dịch của nước Mỹ!”

Các nước khác có thể trả đũa như thế nào?

Một cách giản dị, họ cũng tăng thuế trên các thứ hàng nhập cảng từ Mỹ. Một tiêu điểm cho các nước khác tấn công là những sản phẩm nông nghiệp mà Mỹ là nước xuất cảng nhiều nhất. Các nước khác đã từng trả đũa như vậy. Thời 1990, khi Mexico tranh chấp với Mỹ vì luật lệ giao thông khiến các xe tải của họ không được phép qua Mỹ, Mexico đã trả đũa bằng cách tăng thuế nhập cảng trên các món như táo, rượu vang. Năm 2009, khi chính phủ Mỹ tăng thuế nhập cảng trên bánh xe hơi do Tàu chế tạo, Bắc Kinh đã tăng thuế nhập cảng trên một món ăn nhập từ Mỹ: đùi gà!

Ông Brian Kuehl, giám đốc điều hành tổ chức “Nông Dân Ủng Hộ Mậu Dịch Tự Do” (Farmers for Free Trade) ở tiểu bang Montana, báo trước: “Theo kinh nghiệm, khi các nước khác trả đũa về thương mại, nhà nông chúng tôi sẽ bị tấn công trước hết!” Những tiểu bang miển Trung Tây chuyên về nông nghiệp, kể cả chăn nuôi, và cả tiểu bang California sẽ thiệt hại vì xuất cảng khó khăn hơn. California xuất cảng rượu vang và các thứ trái cây, những thứ rất dễ bị đánh thuế trả đũa.

Ông bộ trưởng Thương Mại trong chính phủ Trump cho rằng các nhà nông không cần phải lo lắng. Ông nói: Nếu các nước không mua lúa mì của Mỹ thì họ sẽ phải mua nơi khác với giá đắt hơn! Cuối cùng, họ sẽ phải quay về với Mỹ!

Nhưng chính phủ Trump không phải chỉ cần đối phó với nước ngoài, mà còn phải lo chống đỡ ngay trong nước Mỹ. Một nghị sĩ Cộng Hòa đã ngạc nhiên nhận xét rằng chính sách tăng thuế nhập cảng hoàn toàn trái với chủ trương tự do mậu dịch của đảng! Nếu một vị tổng thống thuộc đảng Dân Chủ tăng thuế thì không ai ngạc nhiên!

Hầu hết các ngành công nghiệp ở Mỹ sẽ chịu thiệt thòi khi giá thép và nhôm lên cao sau khi thuế quan tăng. Những nhà sản xuất nông cụ, máy móc, hai thứ hàng xuất cảng mà nước Mỹ chiếm ưu thế, sẽ phải mua thép, nhôm với giá cao hơn, và sau đó có thể còn bị đánh thuế cao hơn khi xuất cảng. Số lao động làm trong các công nghiệp sử dụng thép cao gấp 80 lần số người làm việc trong ngành thép.

Trong khi các nhà sản xuất thép và nhôm của Mỹ hoan nghênh quyết định của Tổng Thống Trump, một công ty lại tỏ ra dè dặt. Công ty Alcoa Corp không đồng ý với biện pháp tăng thuế nhập cảng nhôm. Họ đề nghị chính phủ hãy giải quyết các tranh tụng mậu dịch qua Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO). Sau khi nghe Tổng Thống Trump tăng thuế, Alcoa đã đề nghị chính phủ hãy miễn không áp dụng thuế mới trên nhôm nhập cảng từ Canada. Trong mạng lưới sản xuất của công ty này, các chi nhánh của họ ở Canada, khai thác những mỏ ở Canada cũng như ở Chile, khi đem qua Mỹ sẽ bị đánh thuế như hàng ngoại quốc!

Nếu Tổng Thống Trump làm đúng như những điều ông tuyên bố, sẵn sàng gây “chiến tranh mậu dịch” vì “thắng dễ dàng” thì nhiều ngành kinh tế Mỹ sẽ bị đánh trả đũa, từ xe hơi, máy bay, cho đến rượu vang, đậu nành. Theo kinh nghiệm, cuối cùng không có nước nào thắng, càng khó lòng “thắng dễ dàng” như ông Trump nói.

Dù chỉ nói mạnh, làm nhẹ, như thói quen của ông Trump, một cuộc chiến tranh mậu dịch ngắn ngủi và ôn hòa cũng gây ảnh hưởng tai hại trên nền thương mại quốc tế. Từ thời 1930 đến nay, nước Mỹ đã rút kinh nghiệm thấy chiến tranh mậu dịch chỉ có hại. Sau năm 1945, Mỹ đã xây dựng các định chế tài chánh và thương mại quốc tế để bảo đảm hàng hóa, tiền vốn và nhân công được di chuyển qua các nước tự do hơn. Nếu các định chế “hạ tầng cơ sở” đó bị suy yếu, thì kinh tế thế giới sẽ bị thiệt hại, trong đó có kinh tế Mỹ. (Ngô Nhân Dụng)