Kinh tế California vừa mừng vừa lo

Ngô Nhân Dụng

Theo bảng xếp hạng của Quỹ Tiền Tệ Thế Giới, 10 nước kinh tế cao nhất trong năm 2017 là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, rồi tới Anh, Ấn Độ, Pháp, Brazil, Italy, và Canada. California, vì không phải là một quốc gia, không có trong danh sách này. Nhưng Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) của nước Anh, hơn $2,624 tỷ, vẫn còn thấp hơn California, năm ngoái là $2,751 tỷ!

California chỉ có khoảng 40 triệu dân, nhưng hiện nay giàu hơn Anh (64 triệu) và Pháp (67 triệu). Năm 2002, California từng đạt ngôi vị GDP hàng thứ năm rồi. Khi kinh tế Mỹ lâm khủng hoảng tài chánh năm 2007, 2008, California cũng xuống theo; năm 2012 đã tụt xuống đến hạng 10!

Trong nước Mỹ, California đứng hạng đầu, vượt xa ba tiểu bang có GDP trên một ngàn tỷ và dân số thấp hơn, là Texas ($1.7 ngàn tỷ, 29 triệu dân), New York ($1.6 ngàn tỷ, 20 triệu) và Florida ($1.0 ngàn tỷ, 20 triệu), California chiếm 12% dân số Mỹ nhưng sản xuất 12.8% GDP nước Mỹ trong năm 2012, rồi lên tới 14.2% sản lượng toàn quốc trong năm 2017. Tiểu bang đóng góp 16% vào số việc làm tăng thêm của cả nước trong những năm trên, tạo thêm 2 triệu công việc làm mới và sản lượng tăng thêm $700 tỷ.

Những yếu tố giúp cho California phát triển mạnh cũng là sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Đó là óc kinh doanh, hay “máu làm ăn” (entrepreneurial spirit), và năng suất lao động cao nhờ dùng máy móc và kỹ thuật tin học. Khác với những tiểu bang làm giàu nhờ công nghiệp, sản xuất hàng hóa, chế tạo xe hơi hoặc khai thác dầu lửa, kinh tế California thiên về dịch vụ, từ tin học đến giải trí. Dịch vụ là những hoạt động kinh tế của tương lai, mà trên toàn nước Mỹ các ngành “thứ ba” này, sau nông nghiệp và công nghiệp, đã chiếm 80% sản lượng toàn dân.

California vẫn mang “tiếng xấu” là tiểu bang đánh thuế cao và nhiều luật lệ khắt khe, là những thứ làm nản lòng các doanh nhân. Nhưng tiểu bang vẫn thu hút nhiều vốn và nhân tài từ các nơi khác đến, kể cả người ngoại quốc, hiện tượng này cũng có lý do.

Các công nghiệp cổ truyền hay gây ô nhiễm đóng vai trò thiểu số ở tiểu bang ở bờ biển này, nên California đặt ra những luật lệ bảo vệ môi trường khắt khe hạng nhất. Các ngành công nghiệp mới dùng kỹ thuật cao, như máy vi tính hay mạng Internet, cùng với các công ty phim ảnh, các khu giải trí, không phải lo đối phó với những thứ luật lệ chống ô nhiễm đó.

Trong năm 2017, lãnh vực đứng đầu giúp kinh tế tăng thêm $20 tỷ là ngành tin học, với các công ty lớn bậc nhất thế giới. Riêng một công ty Apple, thu nhập năm ngoái là $229 tỷ, gấp năm lần GDP của tiểu bang Wyoming. Hai ngành dịch vụ tài chánh và địa ốc gộp lại góp thêm $26 tỷ. Các công nghiệp sản xuất góp $10 tỷ. Những công ty phim ảnh, giải trí cũng là một sức mạnh của tiểu bang, không kem gì vai trò của các nhà sản xuất máy bay. Khi các đại công ty này kéo tới các vùng quanh San Francisco, San Jose, Los Angeles và San Diego, họ tạo nên thứ “hiệu quả của giàu có” (wealth effect), vì nhân viên của họ lãnh lương cao sẽ tiêu tiền nhiều, tạo thêm công việc cho các doanh nhân và những người khác.

Một dấu hiệu của tình trạng phồn thịnh là số người di máy bay lên cao. Các phi trường ở Long Beach, San Jose, San Luis Obispo và Sonoma tăng số hành khách vãng lai hơn 10% trong năm 2017.

Nhưng sự giàu có cũng mang theo các hậu quả tiêu cực. Giá nhà cửa lên cao, số người “vô gia cư” (homeless) tăng nhanh nhất trên toàn nước Mỹ (14% trong năm 2017), đã lên tới 134,000. Các cơ quan từ thiện, công và tư, mỗi đêm chỉ cung cấp được hơn 30% chỗ ngủ cho đạo quân không nhà đó. Đường xá không tăng lên kịp với đà phát triển, nạn kẹt xe diễn ra hằng ngày, và nhiều nơi kẹt suốt ngày. Ai giàu thì giàu, nhưng sao đời sống của mình vẫn cực quá!

Nhớ lại California đã từng đứng hạng 5 trong kinh tế thế giới, rồi tụt xuống hàng thứ 10, chúng ta thấy kinh tế tiểu bang thăng trầm mạnh hơn các vùng khác và các nước khác. Khi cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế sập xuống nước Mỹ năm 2008, California là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Sau đó, ngân sách tiểu bang đã giảm số thu 19%, so với con số trung bình 8% trên cả nước Mỹ.

Một lý do là vì tiểu bang dựa vào thuế đánh trên lợi tức của những người giàu nhất; thu nhập của những người đó giảm mạnh khi thị trường chứng khoán tụt xuống. Khi kinh tế lên, từ năm 2009 đến nay, chính quyền tha hồ thu thuế, cho nên ngân sách đã chuyển từ khiếm hụt “kinh niên” sang thặng dư, dư hơn 6 tỷ trong năm nay. Nhưng lần sắp tới, khi kinh tế xuống, chắc chắn California sẽ trở lại tình trạng khiếm hụt! Biết thế để chuẩn bị tâm lý!

Kinh tế lên cao cũng đi với tình trạng chênh lệch giàu nghèo, một vấn đề thông thường trên thế giới. Một nửa nhân viên công ty Facebook có lợi tức trên $240,430 một năm, con số này là “lương trung vị,” đứng giữa (median) cho cả công ty. Nhưng lương trung vị của Amazon, một “đại bàng” khác, chỉ có $28,446. Tức là một nửa số nhân viên Amazon, khắp thế giới, mỗi năm được lãnh dưới $28,446. Trên toàn nước Mỹ, lương trung vị là $37,000 một năm ($56,516 cho mỗi gia đình). Và 40% người lao động ở Mỹ chỉ kiếm được dưới $15.5 một giờ.

Cảnh chênh lệch giàu nghèo có khi cho thấy những mức lương cao “vô lý!” Chánh sở cứu hỏa ở thị trấn San Ramon, với 72,000 dân, lãnh $516,344 trong năm 2016. Hơn 200 cảnh sát viên trong tiểu bang kiếm được hơn $300,000 một năm, kể cả lương làm giờ phụ trội.

California là một “trường hợp đặc biệt” khi người Mỹ bàn về chính sách thuế khóa. Một tiểu bang đánh thuế nặng nhất, tỷ số thu nhập trao cho chính quyền quyết định cao hạng nhất, nhưng kinh tế vẫn phát triển tốt. Tiểu bang này ấn định lương tối thiểu cao bậc nhất, $10.50 một giờ, sẽ lên tới $15 vào năm 2023. Tiểu bang chủ trương đa văn hóa, đề cao và thu hút rất nhiều di dân, cũng dễ dãi với di dân lậu, toàn những chính sách “cấp tiến.”

Nhưng khi so sánh Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) của California với các tiểu bang, và so sánh nước Mỹ với các nước khác, chúng ta chưa thấy hình ảnh thực của thịnh vượng kinh tế. Cần phải tính đến “lợi tức theo đầu người,” (GDP per capita).

Trong 10 quốc gia kinh tế lớn nhất, nước Mỹ vẫn còn được nằm trong danh sách 10 nước có lợi tức theo đầu người cao nhất. Trong bảng phong thần này, ước tính cho năm 2018, Mỹ ($59,578), đứng sau các nước Luxembourg ($107,500), Thụy Sĩ ($80,922), Na Uy ($73,334), Iceland ($70,228) và Ireland ($67,342).

So với các tiểu bang khác ở Mỹ, theo dự đoán cho năm 2018, California (với per capita $58,619) cũng chỉ đứng hàng thứ tám, sau Massachusetts ($65,545), New York ($64,579), Alaska ($63,971), Delaware ($63,664), North Dakota ($62,837) và Wyoming ($58,821); Texas đứng hạng 13 ($53,795).

Một mối lo lớn cho kinh tế California là viễn ảnh một cuộc “chiến tranh mậu dịch” giữa Mỹ và Trung Quốc. Tiểu bang này mua bán nhiều với nước Tàu, với thương vụ $175 tỷ trong năm 2017. Trong danh sách 128 món mà chính quyền Trung Cộng sẽ đánh thuế trả đũa nếu Tổng Thống Donald Trump “gây chiến,” có những nông sản từ California, kể cả trái cây và hạt dẻ. Có 14,000 người làm việc sản xuất đậu nành, một món Bắc Kinh sẽ tấn công. Thành phố Los Angeles có 40,000 người làm trong các công nghệ sẽ bị ảnh hưởng. Các quận Ventura, Fresno, San Diego, Kern, Alameda, Napa, Sonoma và Monterey nằm trong danh sách 25 quận bị thiệt hại nhất nếu hai nước găng nhau đến cùng. Riêng Fresno, có 18,400 người làm trong các khu vực bị Trung Cộng nhắm tăng thuế.

Vì vậy, California là tiểu bang lên tiếng chống chính sách tăng thuế nhập cảng hàng hóa từ Trung Quốc mạnh nhất. Và đó cũng là một mối xung đột giữa tiểu bang với chính quyền Donald Trump, ngoài những vấn đề di dân, bảo vệ môi trường, vân vân.

Người dân California có thể đang sung sướng vì tỷ lệ thất nghiệp xuống tới mức thấp nhất trong 17 năm qua (tuy vẫn cao hơn tỷ lệ toàn quốc chút đỉnh). Nhưng không thể quên kinh tế tiểu bang lên cao rồi sẽ xuống. Mà California sẽ xuống nhanh hơn rất nhiều nơi khác trong nước Mỹ. (Ngô Nhân Dụng)