Vĩnh biệt Cassini

Lê Mạnh Hùng

Tiến trình countdown đã bắt đầu. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, phi thuyền Cassini sẽ đâm lần cuối cùng vào khoảng cách giữa Thổ Tinh (Saturn) và hệ thống vòng (rings) của hành tinh. Sau đó, Cassini sẽ bay qua Titan, mặt trăng vệ tinh lớn nhất của hành tinh để rồi bị sức hút của hành tinh hút dần rơi xuống bề mặt của hành tinh này.

Đến khoảng trưa giờ GMT ngày 15 tháng 9 phi thuyền sẽ rơi theo một vòng xoắn xuống bầu khí quyển của Thổ Tinh chấm dứt chuyến du hành lịch sử kéo dài 20 năm này bằng một đợt bốc cháy tựa như một cái pháo bông.

Cái tên Cassini của phi thuyền được lựa chọn để vinh danh nhà thiên văn người Pháp gốc Ý Jean Dominique Cassini của thế kỷ thứ 17, người đã khám phá ra một số các mặt trăng vệ tinh của Thổ Tinh. Những hình ảnh và số liệu đo được mà phi thuyền gởi về đã giúp các nhà khoa học viết ra một chương mới trong việc tìm hiểu Thái Dương Hệ của chúng ta.

Sứ mạng của Cassini bắt đầu vào năm 1997 như là một trong hai thành phần của một phi thuyền kép Cassini-Huyghens. Sau bảy năm du hành trong vũ trụ, phi thuyền kép này đến Thổ Tinh vào năm 2004. Huyghens sau đó được tách ra khỏi hệ thống và cho hạ cánh xuống bề mặt của Titan, mặt trăng vệ tinh lớn nhất của Thổ Tinh và trong khi hạ cánh, lập ra môt kỷ lục mới như là phi thuyền hạ cánh xuống bề mặt tại một thiên thể xa nhất từ trước tới lúc đó.

Là một hơp tác tay ba giữa cơ quan NASA của Mỹ, Cơ Quan Không Gian Châu Âu (European Space Agency – ESA) và Cơ Quan Không Gian của Ý ASI, những thành quả thu được của hệ thống Cassini-Huyghens đã biến những thông tin mới ở tình trạng phác thảo thu được từ các sứ mạng Voyager và Pioneer trước đó ba thập niên thành một cuốn sách dầy, tuy rằng còn chưa đầy đủ về Thái Dương Hệ. Nay thì chúng ta biết Thổ Tinh (Saturn) có đến 62 mặt trăng bay quanh nó (như vậy là có đến 12 mặt trăng mà trước đó người ta không biết). Titan nay được biết trên phương diện hóa học có thành phần giống như là một trái đất bị đông cứng vì lạnh và có chứa cả những hợp chất hữu cơ, một bằng chứng về khả năng có thể có sự sống. Một mặt trăng khác, Encedalus có những tia nước khổng lồ phun lên từ một đại dương dưới lòng đất. Và người ta cũng còn đang chờ đợi thêm nhưng ghi chú mới từ Cassini. Trong khi đâm xuống bề mặt Thổ Tinh, truớc khi chết Cassini được dự trù sẽ gởi về những chi tiết về thành phần và cấu trúc của bầu khí quyển Thổ Tinh và những đo đạc chính xác hơn về độ dài của một ngày trên sao Thổ.

Trong lúc Mộc Tinh (Jupiter) là hành tinh lớn nhất trong Thái Dương Hệ, Thổ Tinh (Saturn), hành tinh lớn thứ nhì lại được coi như là hành tinh đẹp nhất. Chàng “khổng lồ khí” (gas giant) này, đứng xa thứ sáu về khoảng cách đối với mặt trời, có thành phần hầu hết là khí hydrogen và helium, vẫn được ca tụng vì những vòng sáng bay chung quanh mình như một cái vương miện. Các vòng này lớn hơn và sáng hơn là các vòng bay chung quanh Mộc Tinh (Jupiter), Thiên Vuơng Tinh (Uranus) và Hải Vuơng Tinh (Neptune). Các vòng chính được đánh dấu từ A đến G tuy rằng nguời ta không hiểu tại sao lại không theo thứ tự (D nằm gần với Thổ Tinh nhất). Các vòng này còn được tạo ra bởi những vòng nhỏ hơn mà con số có thể lên đến hàng ngàn. Cái vương miện này trải dài cách Thổ Tinh 175,000 dặm được cấu trúc từ đá và nước đá. Trước đó người ta nghĩ rằng các vòng này phải có tuổi bằng tuổi của Thái Dương Hệ, tức là khoảng hàng tỷ năm. Nhưng rồi Cassini tới và cho thấy các vòng này là nơi mà xảy ra những đụng độ gay gắt  – những đụng độ này mạnh đến nỗi chúng không thể kéo dài lâu đến như vậy được và phải tan rã từ lâu nếu xuất phát cùng lúc với vịệc hình thành Thái Duơng Hệ. Sự kiện rằng chúng còn hiện hữu cho thấy tuổi của chúng phải đo bằng mức hàng triệu năm thay vì hàng tỷ.

Các vòng này có thành phần là những mảnh của những mặt trăng và sao chổi bị vỡ vụn vì trọng lực của Thổ Tinh. Các mảnh này nhỏ thì có thể bằng hạt cát trong lúc lớn thì có thể bằng một cái nhà. Sự thành công của Khúc Đại Kết Cục (Grand Finale) như các nhà khoa học đặt tên cho giai đọan giã từ của cuộc hành trình của Cassini tùy thuộc vào việc phi thuyền có thể tránh đụng vào những mảnh vỡ này và an toàn rơi vào khí quyển Thổ Tinh.

Bên ngoài hệ thống vòng, di sản đáng chú ý nhất của Cassini-Huyghens là tìm ra  những dấu hiệu có thể có sự sống – tuy rằng chỉ dưới dạng vi khuẩn tại môt số mặt trăng của Thổ Tinh. Hiện nay nguời ta nghĩ rằng Titan và Enceladus cộng với Hỏa Tinh và Europa, mặt trăng của Mộc Tinh (Jupiter) là những thiên thể trong Thái Dương Hệ có nhiều triển vọng tìm thấy sự sống nhất bên ngoài quả đất.

Cái chết của Cassini sẽ là một phút đau buồn cho nhiều người trong đó có tôi, vốn theo dõi và trình bày việc phóng phi thuyền này cho ban Việt Ngữ đài BBC cách đây 20 năm. Đối với nhiều nhà khoa học, sự kết thúc sứ mạng của Cassini cũng đánh dấu một giai đọan trong cuộc đời sự nghiệp của họ. Giáo Sư Michele Dougherty của Viện Đại Học Imperial College London, một nhà khoa học vốn đi theo với Cassini trong gần 30 năm cho biết tuy rằng buồn và mệt mỏi, nhưng bà cũng tự hào vì Cassini đã sống được đến ngày nay.

Mời độc giả xem bình luận “Lương y như ác mẫu”(Phần 1)