Friday, March 29, 2024

Vòi bạch tuộc của chế độ độc tài

Hiếu Chân/Người Việt

Hôm Thứ Hai, 17 Tháng Tư, FBI và cảnh sát New York bắt giữ hai người gốc Hoa bị cáo buộc thành lập và điều hành một đồn cảnh sát chìm tại khu Chinatown, New York, chuyên theo dõi và đe dọa những người đối kháng với chính phủ Trung Quốc định cư tại Mỹ. Cũng thời gian này, dư luận Việt Nam xôn xao vụ ông Đường Văn Thái – tên khác là Thái Văn Đường, một Youtuber đang tị nạn chính trị tại Thái Lan – có vẻ như đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc đưa về nước, lặp lại một kiểu đàn áp mà Hà Nội đã thực hiện vài lần ở một số quốc gia.

Youtuber Thái Văn Đường (Đường Văn Thái). (Hình: YouTube Thái Văn Đường)

Hai câu chuyện xảy ra ở hai nơi cách xa nhau, không liên quan với nhau, nhưng cho thấy cùng một thực tế đáng ngại: Vì quyền lực độc tôn, đảng Cộng Sản Trung Quốc và đàn em Việt Nam sẵn sàng chà đạp lên luật pháp quốc tế, rải mật vụ khắp nơi như những vòi bạch tuộc để đàn áp những tiếng nói đối lập.

Nhật báo The New York Times cho biết nhà cầm quyền Trung Quốc thiết lập khoảng 100 đồn cảnh sát chìm ở nhiều nước. Những đồn cảnh sát bí mật này, bề ngoài là nơi cung cấp một số dịch vụ hành chính cho Hoa kiều, nhưng chủ yếu là để theo dõi những người Trung Quốc bất đồng chính kiến hoặc đấu tranh dân chủ hóa đất nước.

Trung Quốc có hẳn vài kế hoạch bắt Hoa kiều ở nước ngoài đem về xét xử. Đáng chú ý là các “Chiến Dịch Săn Cáo” (Operation Fox Hunt) và “Chiến Dịch Lưới Trời” (Operation Sky Net), hoạt động bí mật toàn cầu từ năm 2014 theo chỉ thị của Chủ Tịch Tập Cận Bình. Dưới chiêu bài bắt các quan chức tham nhũng bỏ trốn đưa về Trung Quốc xử tội, hai chiến dịch này thực chất nhắm mục tiêu vào những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài nhằm ngăn chặn hoạt động chống đảng và chính phủ Cộng Sản. Trang mạng Wikipedia dẫn nguồn từ nhật báo The South China Morning Post cho biết, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2015, “Chiến Dịch Săn Cáo” đã “hồi hương” về Trung Quốc hơn 680 người.

Thành tích lớn đầu tiên của chiến dịch này là bắt và dẫn độ một phụ nữ họ Trương (Zhang) từ Ý năm 2015 – lần đầu tiên một nước Châu Âu cho phép dẫn độ một công dân Trung Quốc. Tháng Ba, 2017, công an tỉnh Ninh Hạ phối hợp với Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Paris, Pháp, bắt ông Zheng Ning đưa về nước. Ông là người đã sống ở Pháp ba năm mà chính quyền Pháp không hề hay biết. Ông Paul Charon, chuyên gia về Trung Quốc của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược thuộc Bộ Quốc Phòng Pháp, nói rằng vụ này cho thấy sự liều lĩnh của Bắc Kinh, dám thực hiện bắt cóc người ở nước ngoài, chà đạp chủ quyền của các quốc gia khác.

Chừng như chưa thỏa mãn, sang năm 2015, ông Tập cho mở thêm “Chiến Dịch Lưới Trời” do Bộ Công An (MSS) thực hiện, sử dụng các biện pháp như lập đồn cảnh sát chìm, phái đặc vụ ra ngoại quốc để đe dọa người bất đồng chính kiến, bắt cóc và mang họ về Trung Quốc chịu tội. Cả hai chiến dịch của Bắc Kinh trong 10 năm qua đã đưa về Trung Quốc gần 10,000 “người đào tẩu,” trong đó có nhiều nhà hoạt động và người đấu tranh chính trị. Cộng tác đắc lực cho các chiến dịch này là các đồn cảnh sát chìm nêu trên. Đồn cảnh sát chìm tại New York bị lục soát năm ngoái chẳng hạn, thuộc quyền chỉ đạo của Sở Công An Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

***

Việt Nam học rất nhanh bài học của Trung Quốc, nước đàn anh có cùng thể chế chính trị. Sau khi thành công trong việc cưỡng ép các nước láng giềng Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia đập bỏ các bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam bỏ mình trên đường đi tìm tự do, gần đây, Hà Nội đẩy mạnh việc cử đặc vụ ra ngoại quốc bắt những người mà chế độ căm ghét mang về nước xét xử, chả coi luật pháp quốc tế ra gì.

Trong vụ mới nhất, truyền thông độc lập cho biết ông Đường Văn Thái – người được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cấp quy chế tị nạn và đang chờ định cư ở một nước thứ ba – rời nhà trưa ngày 13 Tháng Tư, chạy xe gắn máy ra phi trường đón người quen và mất liên lạc từ đó. Hai hôm sau, báo chí trong nước đưa tin “Tối 14 Tháng Tư, công an xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, phát hiện một người đàn ông không có giấy tờ tùy thân, xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới thuộc xã Sơn Kim 1. Người đàn ông này khai nhận tên Đường Văn Thái (41 tuổi, quê quán ở thôn Hà Lâm 3, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Hiện công an huyện Hương Sơn đã tiếp nhận người đàn ông này để kiểm tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.”

Mối nghi ngờ của bạn bè ông Thái rằng ông bị mật vụ Việt Nam bắt cóc trên đất Thái Lan và bí mật đưa về nước chứng tỏ là có căn cứ vì ông Thái không thể lội bộ từ Bangkok về Hà Tĩnh trong tình trạng chỉ có bộ quần áo mặc trên người, không giấy tờ tiền bạc gì cả. Vả lại, một người tị nạn đang chờ đi định cư thì không có lý do gì phải băng rừng vượt núi về nơi họ đã bỏ ra đi. Tin “phát hiện người xâm nhập trái phép” chẳng qua chỉ là một lối tuyên truyền thô thiển của công an cộng sản, không lừa được ai, nhằm che giấu hành vi tội ác, nhằm trả thù một Youtuber độc lập thường tung hê những bí mật cung đình trong các cuộc đấu đá giành quyền lực ở Hà Nội.

Đây không phải là lần đầu tiên nhà cầm quyền Việt Nam phái đặc vụ ra nước ngoài đe dọa hoặc bắt cóc những người bất đồng chính kiến. Báo Taz của Đức hôm 17 Tháng Tư dẫn lời ông Daniel Bastard thuộc tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) cho biết vụ bắt cóc mới này được cho là do cơ quan mật vụ Việt Nam thực hiện, cho thấy “sự vô đạo đức ngày càng tăng của chính quyền Việt Nam trong việc theo đuổi những tiếng nói độc lập.” Theo báo Taz, nếu được xác nhận thì vụ ông Thái sẽ là vụ bắt cóc công dân Việt Nam ở nước ngoài thứ bảy do mật vụ Việt Nam thực hiện kể từ năm 2003.

Tháng Năm 2007, ông Lê Trí Tuệ, sáng lập viên Công Đoàn Độc Lập Việt Nam, mất tích ngay tại thủ đô Phnom Penh của Cambodia và từ đó đến nay không có tin tức gì về ông. Có lẽ ông Tuệ đã bị thủ tiêu. Tháng Giêng, 2019, nhà báo Trương Duy Nhất, một cộng tác viên của đài Á Châu Tự Do (RFA), đang xin quy chế tị nạn với UNHCR tại Bangkok, bị bắt cóc và đưa về nước xét xử. Nhưng gây chú ý nhất là vụ các mật vụ của Bộ Công An Việt Nam sang tận thủ đô Berlin của Đức để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh – một quan chức tham nhũng – trong một chiến dịch gây đổ vỡ quan hệ ngoại giao Việt Nam với Đức.

Còn rất nhiều vụ khác ít người biết, nhưng thực tế là nhà cầm quyền Việt Nam bố trí mật vụ dày đặc ở các nước, tác động các chính phủ hoặc hối lộ cảnh sát địa phương để theo dõi, đe dọa và bắt cóc những người mà họ quyết trừng trị, nhất là những nhà báo, nhà hoạt động cho dân chủ, tự do, nhân quyền.

Chưa có bằng chứng cho thấy Cộng Sản Việt Nam lập đồn công an chìm hoặc bắt cóc người bất đồng chính kiến tại Hoa Kỳ, nhưng chuyện gì Trung Quốc đã làm thì sớm muộn gì Việt Nam cũng sẽ làm theo, nếu có lợi cho đảng. Các nơi tập trung đông đảo người Việt tị nạn trên đất Mỹ như Little Saigon (Orange County, California), Bellaire (Houston, Texas), Eden (Falls Church, Virginia) biết đâu đã có sẵn những mật vụ mà Hà Nội cài cắm để theo dõi các nhà đấu tranh và sẵn sàng ra tay khi có lệnh từ Ba Đình!

Có điều Mỹ không phải là nơi các vòi bạch tuộc dễ tác oai tác quái. Trong cuộc đối đầu với các chế độ chuyên chế, từ thời chính quyền Tổng Thống Barack Obama, Hoa Kỳ rất cảnh giác, thực hiện nhiều vụ bắt giữ gián điệp Trung Quốc. Ông Christopher Wray, giám đốc FBI, nhận định: “[Trung Quốc] đã có những hành động mà chúng ta không trông đợi từ một nhà nước có trách nhiệm. Thay vì vậy, nó giống như những hành động của một băng đảng tội phạm có tổ chức” khi ông thông báo vụ bắt giữ tám đặc vụ Trung Quốc chuyên quấy rối các cộng đồng người Mỹ gốc Hoa hồi Tháng Mười, 2020. Hy vọng với nỗ lực của bộ máy công lực Mỹ, các vòi bạch tuộc bí mật của Trung Quốc và Việt Nam sớm bị chặt đứt, trả lại cuộc sống an lành, tự do cho những cộng đồng hải ngoại. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT