Thursday, April 25, 2024

Bài học thứ hai cho Việt Nam có thể là từ Biển Đông

Chính Biên

Ngày 17 Tháng Hai, 1979, quân đội “anh em” Trung Cộng đã kéo 600,000 quân theo lệnh của Đặng Tiểu Bình sang Việt Nam để dạy cho Việt Nam một bài học.

Đây là bài học thứ nhất. Bài học này xuất phát từ biên giới Việt-Trung. Nay với tham vọng bá chủ biển Đông, nếu Việt Nam mà hó hé gì thì ông Tập Cận Bình (cũng tên Bình) sẽ chẳng ngại ngần gì mà lại cho Việt Nam một bài học thứ hai, có thể là từ Biển Đông.

Điều tiên đoán này là dựa theo tình hình hiện tại: Mỹ đang kéo Việt Nam vào vòng vây Ấn Độ-Thái Bình Dương để thắt chặt cái vòng vây này. Chứng cớ, Mỹ đã dỡ bỏ cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam (thời Tổng Thống Barack Obama) và liên tục tìm cách bán cho Việt Nam các loại vũ khí mà Việt Nam cần hoặc Mỹ cho là Việt Nam đang cần.

Mỹ cũng đã liên tục cấp cho Việt Nam những loại tàu tuần tra biển. Mới đây theo lời của Đô Đốc Phil Davidson, chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, sẽ chuyển giao thêm một tàu tuần tra của lực lượng Tuần Duyên Mỹ cho lực lượng tuần tra biển của Việt Nam.

Một chứng cớ khác nữa là Mỹ đã chọn Việt Nam để gặp gỡ với lãnh tụ Bắc Hàn (Triều Tiên), gián tiếp nâng cao uy thế cho Việt Nam trước chính tình thế giới. Điều này theo nhiều nhà quan sát cho rằng cái uy thế ấy để Việt Nam có đủ can đảm tranh chấp thực tế và cụ thể những đảo đã bị Trung Cộng cướp mất ở Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời dám mạnh mẽ đòi lại và đủ can đảm để đưa vấn đề tranh chấp này ra Tòa Án Quốc Tế như Philippines đã làm.

Nếu Việt Nam dám làm thì Mỹ sẽ rất có lợi. Trước hết, để có đủ uy lực, Việt Nam sẽ thân Mỹ hơn và sẽ để cho Mỹ đặt những căn cứ quân sự trong chương trình phòng chống tham vọng Biển Đông của Trung Cộng như Đô Đốc Davidson vừa tuyên bố trước Quốc Hội Mỹ rằng, chính phủ Mỹ đang tiến hành thảo luận với các nước trong khu vực để có thể đặt những căn cứ quân sự đối ứng với việc trung cộng đã quân sự hóa bảy đảo tân tạo trái phép của họ.

Kế nữa là Việt Nam có thể đang giúp Mỹ kinh tế hóa Bắc Hàn của Kim Jong Un vì ông này đã tỏ ý muốn phát triển kinh tế theo mô hình của Việt Nam. Mà mô hình của Việt Nam là từ bỏ kinh tế bao cấp Xã Hội Chủ Nghĩa, chạy theo Tư Bản Chủ Nghĩa dù có tự ái mà thêm cái đuôi “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.”

Mà đi vào kinh tế thị trường là đi theo tư bản, đứng đầu là Mỹ. Không có Mỹ, thì không thể đi theo kinh tế thị trường được, nghĩa là đã vào cuộc chơi với tư bản thì phải theo luật lệ cuộc chơi rất hạn chế quyền hành của đảng mà những luật lệ này đã giúp cho Trung Quốc luồn lách tránh né mà trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển bực nhì thế giới.

Tại sao ông Kim không theo mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc. Điều dễ hiểu, giữa Trung Quốc và Bắc Hàn có nhiều điểm khác biệt, không như Việt Nam, từng là kẻ thù của Mỹ thì nay lại là đối tác của Mỹ trong nhiều vấn đề từ kinh tế cho đến quốc phòng, an ninh… Có thể ông Kim đã nhìn ra điều này khi muốn phát triển kinh tế cho đất nước Triều Tiên. Vả lại khi phát triển kinh tế thì Bắc Hàn không thể quên Nam Hàn và Nhật Bản, hai nước đồng minh của Mỹ.

Thế nên, ông Tập Cận Bình của Trung Quốc mới không ngớt tìm cách ảnh hưởng đến Kim Jomg Un để giữ chân ông đàn em cũng khá khó bảo này (Tập từng khuyên Kim nên theo mô hình kinh tế của Singapore, nhưng Kim từ chối).

Điều này lý giải vì sao ông Nguyễn Phú Trọng lại “lánh mặt” không muốn gặp Kim khi Kim đến Việt Nam họp thượng đỉnh với Mỹ và sau đó thăm chính thức Việt Nam. Đó là vì Trọng muốn làm vui lòng Tập Cận Bình.

Trở lại vấn đề có thể có bài học thứ hai cho Việt Nam từ Tập Cận Bình.

Việt Nam trong việc trở mình thoát Trung, chắc cũng hiểu cái thế nhược tiểu của mình với ông anh Trung Quốc, nên trong hơn 10 năm qua, Hà Nội đã liên tục chi những khoản tiền lớn để mua vũ khí quốc phòng. Nga là nước bán vũ khí siêu đẳng cho Việt Nam. Không chỉ có Nga mà còn Do Thái, Ấn Độ và nay thì Mỹ. Điều hiển nhiên ai cũng thấy, quốc phòng của Việt Nam chỉ là đề phòng đến Trung Cộng, không ai khác. Các nước trong khu vực và kể cả Mỹ nay không còn là mối đe dọa đối với Việt Nam, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Nhìn chung, những vũ khí mà Việt Nam mua sắm cho quân đội của mình là những loại vũ khí tân tiến, mới nhất của Nga, đặc biệt là sáu chiếc tàu ngầm loại tối tân Projekt 636 Kilo trị giá gần $2 tỷ.

Phòng chống ai mà cần đến những loại tàu ngầm này. Xét trong khu vực Đông Nam Á thì chưa có nước nào có lực lượng tàu ngầm như Việt Nam, trừ Trung Quốc có tới hơn 70 chiếc tàu ngầm đang hoạt động ở Biển Đông, nhưng đều là loại chạy bằng Diesel dễ bị phát hiện. Rõ ràng là Việt Nam rất lo ngại một ngày nào đó “4 Tốt” và “16 chữ vàng” rơi xuống thì Việt Nam sẽ lại lãnh một bài học thứ hai từ biển vào.

Bài học thứ nhất, Trung Quốc đã lấn sâu vào biên giới Việt Nam hơn 1 cây số làm Việt Nam mất băng Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan và nhiều cao điểm chiến lược… Thì, bài học thứ hai biết đâu vịnh Hạ Long, Cam Ranh cũng theo một số phận với Bản Giốc, Ải Chi Lăng.

Nhưng nhiều người lại cho rằng ông Tập Cận Bình khôn hơn ông Đặng Tiểu Bình. Ông Tập không cần động binh mà cũng sắp lấy được những Đặc Khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc êm ả, không gây dư luận thế giới và căng thẳng thêm với Mỹ. (Chính Biên)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT