Friday, April 19, 2024

Trận Hamburger Hill: Cuộc chiến cam go và nhiều tranh cãi

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Đồi Hamburger Hill, tức là Đồi Thịt Băm, là nơi diễn ra một trong những trận chiến cam go và gây tranh cãi nhiều nhất trong Chiến Tranh Việt Nam, chỉ một năm sau cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân của Cộng Quân hồi năm 1968.

Đồi này chính là Cao Điểm 937 (vì nó có cao độ 937 mét tính từ mặt biển), nằm giữa khu rừng rậm của thung lũng Ashau Valley (A Sầu), cách thành phố Huế khoảng 30 km và cách biên giới Lào khoảng 1.5 km. Dân địa phương gọi ngọn đồi này là Núi A Bia, tức núi muông thú ẩn mình. Toàn bộ vùng đồi núi này là một dải đất gồ ghề, hoang dã, được rừng cây và những tàn tre mọc dày đặc bao phủ, cộng với cỏ voi cao ngang thắt lưng.

Bối cảnh trận chiến

Các trận đánh trên cao điểm 937 hồi Tháng Năm, 1969, là giai đoạn 2 của Chiến Dịch Apache Snow (gồm ba giai đoạn) nhằm mục đích tiêu diệt lực lượng Cộng Quân trong khu vực thung lũng A Shau, một mắt xích trên tuyến đường chi viện và tiếp tế của các lực lượng Cộng Sản vào miền Nam Việt Nam.

Năm 1966, sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi vùng này, các đơn vị bộ đội Cộng Sản Bắc Việt đã tiến vào chiếm đóng các doanh trại cũ của quân Mỹ và thiết lập sự hiện diện tại đây. Bộ Tư Lệnh Quân Đội Mỹ tại Việt Nam quyết định huy động một lực lượng cấp trung đoàn, với sự hỗ trợ của trọng pháo và phi pháo, để hoàn thành nhiệm vụ.

Lực lượng tham chiến tại Đồi 937 gồm bốn tiểu đoàn của Sư Đoàn Không Vận 101 (101st Airborne Division) rất nổi tiếng trong Đệ Nhị Thế Chiến, dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Melvin Zais. Các tiểu đoàn này đều thuộc Trung Đoàn 3 do Đại Tá Joseph Conmy chỉ huy.

Hai tiểu đoàn 2/1 và 4/1 thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được giao nhiệm vụ yểm trợ các nỗ lực tấn công của Trung Đoàn 3. Các đơn vị yểm trợ khác trong chiến dịch bao gồm Lữ Đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và Thiết Đoàn 3 thuộc Trung Đoàn Kỵ Binh 5 Lục Quân Hoa Kỳ.

Diễn tiến trận đánh

Kế hoạch của Trung Đoàn 3 quân Nhảy Dù Mỹ là dùng bốn tiểu đoàn mở cuộc tấn công vào thung lũng bằng trực thăng, nơi có sự hiện diện của khoảng một trung đoàn Cộng Quân, để tìm kiếm và phá hủy các kho vũ khí và quân nhu của bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt. Cũng theo kế này, Thủy Quân Lục Chiến và các đơn vị trinh sát tiến về phía biên giới Lào, trong khi các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa có nhiệm vụ cắt đường giao thông qua thung lũng.

Quân Nhảy Dù Mỹ đã chạm súng với Cộng Quân trên sườn đồi Hamburger Hill ngay trong những giờ đầu trong ngày 10 Tháng Năm. Với các vị trí chiến đấu được chuẩn bị kỹ lưỡng, Trung Đoàn 3 của Cộng Sản Bắc Việt đã đẩy lùi cuộc tấn công ban đầu của Mỹ, và lực lượng Mỹ đã bị buộc phải rút lui. Ngày 11 Tháng Năm, trong bối cảnh rừng rậm ngút ngàn, các chiếc trực thăng võ trang Cobra của Mỹ đã lầm các toán quân bạn với một đơn vị Cộng Quân nên đã nhả đạn và gây một số thương vong cho quân Mỹ, buộc họ phải ngưng cuộc tấn công để rút lui vào vị trí phòng thủ đêm.

Trưa ngày 13 Tháng 5, Đại Tá Conmy quyết định đưa quân cắt đứt nguồn chi viện của Cộng Quân từ Lào sang bằng cách tấn công Hamburger Hill từ phía Nam cùng các ngọn đồi 903 và 916 gần đó. Quân Mỹ sử dụng một tiểu đoàn Nhảy Dù chia làm hai mũi tiến công đánh lên đỉnh Hamburger Hill nhưng không thành công. Ngày 14 Tháng Năm, Cộng Quân bất ngờ tấn công một đại đội Nhảy Dù Mỹ cách đồi 916 khoảng 2 km về phía Đông, khiến quân Mỹ phải lui xuống sườn đồi.

Từ ngày 15 Tháng Năm trở đi, Cộng Quân tranh thủ thời gian giữa hai đợt phản kích để đào hầm hố và chiến hào nhằm tránh đạn trọng pháo và bom Mỹ. Với hệ thống công sự này, Cộng Quân ẩn mình trong lòng đất đã tránh được phần lớn đạn pháo và bom Mỹ liên tục cày nát ngọn đồi, đồng thời còn có thể tổ chức phản kích hàng chục đợt tấn công của quân Mỹ.

Trưa ngày 15 Tháng Năm, trực thăng Mỹ đổ một đại đội quân Nhảy Dù xuống cao điểm 916, đồng thời tung hai tiểu đoàn về phía cao điểm 900, phối hợp nhau lấn dần sang Hamburger Hill. Hai bên giành giật từng tấc đất suốt hai ngày liền. Quân Mỹ đã ba lần phải thay quân trong khi quân số của Cộng Quân cũng hao hụt dần trong khi hầm, hào của họ thi nhau sụt lở, không kịp củng cố. Tuy vậy, Cộng Quân vẫn tiếp tục bám giữ Đồi A Bia của họ.

Trong hai ngày 16 và 17 Tháng Năm, nhiều trận đánh diễn ra liên tiếp trong khu vực các đồi 903, 916 và phía Nam Hamburger Hill. Quân Mỹ không dùng chiến thuật tấn công dữ dội rồi ngưng nghỉ nữa mà đổi sang chiến thuật tấn công liên tục, nhằm gây căng thẳng dẫn đến suy sụp về ý chí và tinh thần chiến đấu, buộc phía Cộng Quân phải rút khỏi Hamburger Hill vì kiệt sức.

Binh sĩ Mỹ dìu đồng đội bị thương sau trận Hamburger Hill. (Hình: Bettmann/Getty Images)

Bị cầm chân suốt năm ngày, các cấp chỉ huy Mỹ đã ra lệnh thực hiện một cuộc tấn công phối hợp hai tiểu đoàn vào ngày 18 Tháng Năm, một từ phía Nam và một từ phía Bắc, nhằm cô lập lực lượng địch. Nhưng một trận mưa dữ dội trút xuống chiến địa đã làm sút giảm sức yểm trợ của không quân cũng như khả năng dứt điểm trận đánh của bộ binh Mỹ.

Do phải chịu nhiều thương vong trong suốt một tuần lễ tấn công và phải nhận chịu áp lực của báo chí thiên tả tại Hoa Kỳ, một số các vị chỉ huy quân sự Mỹ, trong đó có cả Tướng Creighton W. Abrams, tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Việt Nam, đã tính đến việc ngưng các cuộc tấn công lên đỉnh Hamburger Hill. Nhưng các sĩ quan chỉ huy tại chỗ lại cảm thấy sẽ bị mất mặt khi một lực lượng thiện chiến cỡ Sư Đoàn 101 Không Vận mà phải rút lui trước đối phương trên một ngọn đồi vẫn còn ít ai biết đến. Do đó, Tướng Zais quyết định tiếp tục tấn công và đưa thêm một tiểu đoàn mới vào chiến đấu thay thế cho những đơn vị đã bị hao hụt quân số sau các cuộc giao tranh. Trong khi đó, vào đêm 18 Tháng Năm, Cộng Quân bắt đầu thực hiện kế hoạch rút lui khỏi trận địa Núi A Bia và chỉ để lại một bộ phận nhỏ làm nghi binh.

Ngày 20 Tháng Năm, Trung Đoàn 3 Không Vận tung ra bốn tiểu đoàn tấn công thằng lên đỉnh đồi vào lúc 10 giờ sáng sau một loạt các cuộc oanh tạc phủ đầu của trọng pháo và máy bay Mỹ. Đơn vị còn sót lại của lại của bộ đội Cộng Sản Bắc Việt đã phải vừa đánh vừa rút chạy về phía biên giới Lào. Quân Mỹ hoàn toàn chiếm lĩnh Hamburger Hill vào lúc 5 giờ chiều trong ngày.

Kết quả trận đánh

Vì trận Hamburger Hill quá khốc liệt, cuộc tranh giành ngọn đồi này giữa quân Mỹ và quân Cộng Sản Bắc Việt đã được đạo diễn John Irvin đưa lên màn ảnh lớn qua cuốn phim “Hamburger Hill,” ra mắt khán giả vào Tháng Tám, 1987, một dư âm của cuốn phim “Pork Chop Hill” do đạo diễn Lewis Milestone thực hiện hồi năm 1959, kể lại trận đánh cùng tên diễn ra hồi năm 1953 giữa các lực lượng Mỹ và chí nguyện quân Trung Cộng trong cuộc Chiến Tranh Triều Tiên (1950-1953).

Theo Samuel Zaffiri, tác giả cuốn “Hamburger Hill” xuất bản vào năm 2000, quân Mỹ đã chiếm được đồi Hamburger Hill với số thương vong gồm 72 người chết và 372 bị thương, nhưng lại phải bỏ vị trí này một tháng sau đó, bởi vì trên thực tế, cao điểm này không có giá trị chiến lược đáng kể để phải cầm chân một đơn vị đồn trú tại đó. Căn cứ vào xác dịch quân đếm được tại trận, quân Mỹ cho hay phía Cộng Quân có 630 người tử trận, chưa kể số bị thương, sau 10 ngày kịch chiến với các lực lượng Mỹ.

Các cuộc tranh luận về “Trận Hamburger Hill” đã diễn ra sôi nổi tại Quốc Hội Hoa Kỳ, với những lời chỉ trích mạnh mẽ từ các Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy, George McGovern, và Stephen M. Young thuộc đảng Dân Chủ. Họ gọi đây là “cuộc hành quân điên rồ và vô trách nhiệm, trong đó sinh mạng của binh sĩ Mỹ đã bị phung phí chỉ để giữ thể diện nhà binh cho các cấp chỉ huy.” Báo chí thiên tả Mỹ ngày 25 Tháng Năm, 1969, gọi Hamburger Hill là “Đồi Thịt Băm của lính nhảy dù Mỹ.” Phe phản chiến Mỹ cho rằng tất cả những người chết đều là nạn nhân của “trận đánh điên rồ và vô nghĩa” trên đồi Hamburger Hill.

Mặc dù các lực lượng Mỹ, có được sự trợ giúp của các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa, đã chiến thắng, chiếm được Hamburger Hill và gây ra mức thương vong lớn lao cho quân Cộng Sản Bắc Việt sau 10 ngày ác chiến, nhưng chính các binh sĩ Mỹ tham dự trận đánh cũng nhìn nhận rằng trận chiến diễn ra hết sức kinh hoàng, và Cộng Quân đã chiến đấu rất kiên cường, giao tranh ngang ngửa với quân Mỹ. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì Cộng Quân luôn được tuyên truyền nhồi sọ rằng binh lính chiến đấu Mỹ đến Việt Nam là đội quân xâm lược, và họ thực sự căm thù quân Mỹ bởi vì miền Bắc của họ đang bị Hải Quân và Không Quân Mỹ oanh tạc dữ dội.

Một hậu quả đáng chú ý của trận Hamburger Hill là việc đánh giá lại chiến lược và chiến thuật của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam. Nhằm giữ cho số thương vong của các lực lượng chiến đấu Mỹ không cao quá mức, Tướng Abrams đã cho ngưng chiến thuật “áp lực tối đa” chống lại quân Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập, đồng thời Tổng Thống Richard Nixon ra lệnh đẩy nhanh sách lược “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” (“Vietnamization”).

Điều này dẫn đến việc tăng cường sức mạnh của Hải, Lục, Không Quân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bằng những vũ khí tối tân hơn và đạn dược dồi dào hơn để họ đủ sức một mình gánh vác cuộc chiến khi các lực lượng Mỹ dần dà rút đi. Kéo theo đó là đà tiến triển của các cuộc hòa đàm với phe Cộng Sản đang diễn ra vào thời điểm đó tại Paris, Pháp, nhằm chấm dứt cuộc Chiến Tranh Việt Nam.

Áp lực ngày một gia tăng của phe phản chiến tại chính quốc Mỹ đã khiến cho Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài phải tìm cách làm sao cho quân đội Mỹ có thể rút lui “trong danh dự” khỏi một cuộc chiến tranh lâu dài và tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. [qd]

MỚI CẬP NHẬT