Wednesday, April 24, 2024

Biến thức ăn dư thừa thành phân bón

Hà Dương Cự/Người Việt

Ở Hoa Kỳ đa số đều rất phí phạm, thức ăn dư thừa đều bị đổ bỏ. Theo Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (Environment Protection Agency) thì thức ăn thừa và cây cỏ mục là 30% vật chất mà chúng ta thải ra. Những thứ đó có thể làm thành phân bón.

Thứ nhất là như vậy sẽ giảm số rác bỏ ra bãi rác và thứ hai là có phân bón hữu cơ tốt cho việc trồng cây hay rau hơn là phân bón hóa học mua ở tiệm. Trong bài này tôi xin nói về cách chế biến thức ăn thừa thành phân bón. Cách thức này tiếng Mỹ gọi là composting, dịch là sự ủ phân, còn compost dịch là phân ủ.

Ủ phân hoạt động ra sao 

Ủ phân là một quá trình biến các thức hữu cơ như rau quả hay cỏ cây thành phân bón. Nhân vật chính trong quá trình đó là các vi khuẩn. Tuy nhỏ nhưng vì có rất nhiều nên vi khuẩn có khả năng biến đổi các chất hữu cơ. Có hai loại vi khuẩn trong việc ủ phân, một là loại vi khuẩn ưa khí (aerobes) và loại vi khuẩn kỵ khí (anaerobes). Ngoài vi khuẩn còn có sâu bọ cũng như một số loại nấm như là men hay mốc đều góp phần vào việc biến chất hữu cơ thành phân bón.

Ủ phân bằng vi khuẩn kỵ khí 

Vi khuẩn kỵ khí không cần không khí để sống sót. Nếu bạn cho thức ăn thừa vào một túi nylon, cột chặt lại và để dưới ánh sáng mặt trời. Thức ăn thừa đó sẽ bị vi khuẩn kỵ khí biến đổi. Đó là một thí dụ của cách ủ phân bằng vi khuẩn kỵ khí. Trong quá trình ủ phân bằng vi khuẩn kỵ khí thì cacbon đioxit, mêtan, và hyđro sunphua (hydroden sulfide) được thải ra. Năng lượng dưới dạng nhiệt cũng được tỏa ra.

Cacbon đioxit và mêtan là hai khí có hiệu ứng nhà kính. Cacbon đã có trong chất hữu cơ từ trước nên không kể là làm tăng thêm cacbon trong không khí. Trong những công trình ủ phân quy mô thì mêtan được thu lại để dùng làm khí đốt. Hyđro sunphua có mùi hôi như trứng thối, nên ủ phân theo kiểu này có mùi hôi.

Thời gian làm thành phân của phương cách ủ phân bằng vi khuẩn kỵ khí thì rất chậm, nhưng ngược lại không phải chăm sóc gì nhiều. Một trường hợp điển hình của phương cách này là đào một cái hố sâu, bỏ những chất hữu cơ như cỏ hay lá xuống rồi lấp đất kín. Để chừng từ sáu tháng tới một năm thì những chất liệu đó sẽ biến thành mùn.

Ủ phân loại lớn. (Hình: organics.org)

Ủ phân bằng vi khuẩn ưa khí 

Vi khuẩn ưa khí cần dưỡng khí (oxygen) để sống. Ở một môi trường thuận tiện thì vi khuẩn ưa khí sẽ tiêu hóa chất hữu cơ và biến đổi thành mùn. Trong quá trình đó cacbon đioxit và nước được thải ra. Năng lượng dưới dạng nhiệt cũng được phát ra, do đó nếu bạn sờ vào thùng ủ phân sẽ thấy nóng hơn bình thường. Đây là phương cách ủ phân thông dụng nhất vì có hiệu năng hơn loại ủ phân bằng vi khuẩn kỵ khí và kết quả nhanh hơn. Nếu làm đúng thì không có mùi hôi như phương cách ủ phân bằng vi khuẩn kỵ khí.

Những yếu tố quan trọng của sự ủ phân bằng vi khuẩn ưa khí 

-Cacbon: Vi sinh vật cần cacbon để có năng lực. Những vật liệu có nhiều cacbon là cành cây, lá cây khô, lõi bắp, vỏ trứng, túi giấy màu nâu. Những phần này còn gọi là chất liệu nâu.

-Nitơ: Cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho vi khuẩn để tăng trưởng và sinh sản. Những vật liệu có nhiều nitơ là thức ăn bỏ, cỏ vụn, lá xanh. Những phần này còn gọi là chất liệu xanh.

-Nước: Vi khuẩn cần có hơi nước để sống. Tuy nhiên không được có quá nhiều nước

-Dưỡng khí: Vi khuẩn ưa khí cần có dưỡng khí để sống và phân hóa chất hữu cơ. Nếu thiếu dưỡng khí thì vi khuẩn kỵ khí sẽ sinh sôi mạnh và phân ủ sẽ có mùi hôi. Để cho có đủ dưỡng khí thì đống phân ủ cần phải xới lên. Nếu dùng thùng quay thì phải quay vài vòng.

Chất liệu có thể dùng được 

Những thứ sau đây đều có thể cho vào làm phân ủ:

-Hoa quả và rau.

-Vỏ trứng.

-Xác cà phê và trà.

-Báo, giấy gói đã được xé ra nhỏ.

-Cỏ vụn có được khi cắt cỏ.

-Cây nhỏ trồng trong nhà.

-Lá.

-Mùn cưa.

-Tro từ lò sưởi.

Thùng quay ủ phân. (Hình: stonepierpress.org)

Chất liệu không nên dùng 

Có những chất liệu có thể để làm phân được nhưng không nên dùng vì rất có mùi và có thể lôi cuốn ruồi bọ. Sau đây là những thứ không nên dùng làm phân ủ:

-Sản phẩm từ sữa, như bơ, sữa, và sữa chua. Các thứ này rất có mùi nên hấp dẫn ruồi bọ và các súc vật gậm nhấm như chuột hay sóc.

-Dầu mỡ cũng vì lý do như trên.

-Thịt cá hay xương cũng sinh ra mùi hôi.

-Cây cỏ bị bệnh hay hư hại vì côn trùng. Bệnh hay côn trùng có thể sống sót qua quá trình ủ phân và truyền bệnh cho cây mới.

-Những cây cỏ có thuốc diệt trùng, thí dụ như cỏ mới xịt thuốc diệt trùng mà bỏ vào thì có thể làm chết vi khuẩn.

-Giấy báo bóng láng và có màu sắc, mực trong đó có thể độc hại.

Những ích lợi của phân ủ 

-Làm đất tốt hơn, giúp giữ hơi ẩm.

-Giảm sự cần thiết dùng phân bón hóa học.

-Giảm lượng cho ra bãi rác.

Ủ phân ở nhà 

Bạn muốn không phí phạm thức ăn dư thừa thì có thể biến những chất hữu cơ bỏ phí trong nhà ra thành phân bón. Nhà có sân rộng hay là nông trại thì có thể làm loại lớn.

Loại này tốn rất nhiều công và thường có mùi hôi, nên phải làm chỗ nào xa nhà và xa hàng xóm.

Còn có loại nhỏ rất tiện lợi cho người ở nhà nhỏ hay không muốn mất nhiều công. Ở Hoa Kỳ có bán những dụng cụ đặc biệt dùng để ủ phân loại này, gọi là thùng quay ủ phân (compost tumbler).

Cần chú ý khi dùng thùng quay ủ phân 

-Cân bằng: Muốn có được phân ủ tốt thì cần có sự cân bằng giữa chất liệu xanh và chất liệu nâu. Vì các chất liệu khác nhau nên khó biết đâu là sự cân bằng. Bạn có thể bắt đầu bằng một phần chất liệu xanh và hai phần chất liệu nâu. Nếu thấy có mùi hay sũng nước thì cho thêm chất liệu nâu như mấy tờ báo đã xé vụn. Nếu thấy khô hay lâu không mục thì cho thêm chất liệu xanh như thức ăn dư.

-Quay: Gọi là thùng quay tức là phải quay nó. Nên quay vài vòng và làm như vậy từ hai tới bốn lần một tuần. Có hai tác dụng của sự quay. Một là trộn đều các chất liệu và các vi khuẩn trong đó. Hai là để cho có không khí vào. Dưỡng khí rất cần cho sự sống của vi khuẩn ưa khí.

Khi bạn thấy chất trong thùng quay trông giống đất và cũng có mùi giống như mùi đất thì lúc đó các chất hữu cơ đã biến thành mùn.

Kết luận 

Các quốc gia thuộc Liên Minh Châu Âu, Gia Nã Đại và nhiều thành phố tiến bộ ở Hoa Kỳ như Denver, Colorado, đã có những chương trình thu thập các vật liệu hữu cơ thải ra từ tư gia để làm phân bón. Tuy nhiên bạn có thể tự biến thức ăn dư thừa thành phân bón tại nhà. Vừa tốt cho môi trường vừa có phân bón hữu cơ cho rau trái trồng tại nhà và vừa tiết kiệm được tiền mua phân bón hóa học. (Hà Dương Cự)

—–
Nguồn tài liệu: www.epa.gov, www.planetnatural.com, www.livescience.com

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT