Friday, March 29, 2024

Hội Hoa Lan: Cách ‘Thay Chậu, Tách Nhánh’

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

Garden Grove, California (NV) – Vào trưa Thứ Bảy, 21 Tháng Tư, Hội Hoa Lan Việt Nam lại có một buổi sinh hoạt về đề tài “Thay Chậu, Tách Nhánh” để các hội viên có dịp trao đổi những kinh nghiệm trồng lan, do hội nầy tổ chức tại First Presbyterian Church, Garden Grove.

Theo ban tổ chức, đây là một thú vui tao nhã và thắt chặt thêm tình thân hữu giữa các hội viên có cùng chung một niềm say mê ham thích “Thú chơi lan.”

Bà Đặng Hoàng Mai, hội trưởng cho biết: “Hàng tháng, cứ mỗi Thứ Bảy của tuần thứ ba, Hội có buổi họp mặt để các hội viên cùng trưng bày những loại lan của mình đã được chăm sóc tại nhà của họ, cũng như của các nhà vườn là hội viên đã tự ươm trồng. Trong buổi họp mặt cũng có phần chấm điểm xếp hạng về các chậu lan đã được các hội viên mang đến, cũng có cuộc vui nhẹ như xổ số để gây quỹ cho hội và buổi ăn nhẹ.”

“Để có đủ ngân quỹ thực hiện những công việc trên, các hội viên đóng tiền niên liễm chỉ có $30/năm và chỉ $15 tiền mỗi phần ăn cho trọn năm để hội chi phí trong những lần họp mặt. Ngoài ra, cũng có các vị hảo tâm tự nguyện đóng góp thêm về ẩm thực hay những chi phí khác trong những lần hội tổ chức,” hội trưởng cho biết thêm.

Ông Bùi Mạnh Hà, Hội phó nói về cách “Thay Chậu, Tách Nhánh” trong buổi tổ chức Sinh hoạt Hội Hoa Lan “Thay Chậu, Tách Nhánh” tại First Presbyterian Church, Garden Grove. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cũng theo bà hội trưởng, cứ mỗi lần tổ chức thì có một vài hội viên mới xin gia nhập hội.

Ông Bùi Xuân Đáng, sáng lập viên Hội Hoa Lan Việt Nam từ năm 2004, cho hay: “Mục đích của Hội Hoa Lan Việt Nam là: Tìm hiểu về hoa lan, nhất là những bông hoa hiếm quý mới phát hiện tại Việt Nam, quảng bá một thú vui tao nhã, thắt chặt tình thân ái giữa các hội viên và thân hữu bốn phương, kết giao giữa người Việt chúng ta và người nước ngoài. Vì thế, hội thường có những buổi hội thảo để trình bày việc nuôi trồng lan, đồng thời cung cấp những tài liệu về lan qua các bản tin trên mạng hay đặc san…”

Trong buổi tổ chức, có khoảng 50 chậu lan được trưng bày gồm nhiều loại khác nhau như Dendrobium (Lan Hoàng Thảo), Schomburkia, Cymbidium (Lan đất), Laelia (Cát Lan), Paphiopedilum (Lan Hài)…

Nói về những hội viên thắng giải về sưu tầm các loại lan quốc tế, ông Bùi Mạnh Hà, Hội phó kể: Khoảng bốn năm trước, ông có tìm ra một giống Hoa Lan Kiếm (Lan Đất, vì lá giống như lưỡi kiếm, nên mới gọi là Hoa Lan Kiếm).

“Tôi đã mang giống lan nầy đến triển lãm trong một Hội Chợ Hoa Lan Quốc Tế ở Santa Barbara, thì cây lan của tôi được chiếm giải nhất trên tất cả những loại Hoa Lan Kiếm trong cuộc triển lãm nầy. Đây cũng là điều vinh dự cho tôi, và cũng là niềm hãnh diện cho người Việt Nam chơi lan tại Hoa Kỳ,” ông Mạnh Hà kể.

Cũng theo ông Mạnh Hà, đối với những người Việt ở đây, phong trào chơi lan rất là ngộ nghĩnh, vì khi những người đã bắt đầu “ghiền” về lan, thì phần nhiều họ đã chơi rất nhiều loại lan trên thế giới, nhất là loại lan của Úc Châu, thường được triển lãm trong những buổi Hội Chợ Tết. Vì loại hoa lan nầy nhìn đồ sộ, nở rất nhiều hoa và có thêm mùi thơm nữa, nên rất nhiều người Việt Nam thích trồng loại lan nầy. Những loại lan này thì rất hiếm quý và khó trồng, nhưng thú chơi lan của người Việt mình thì thích sưu tầm những loại lan hiếm quý.

Bà Đỗ Huệ Lạc, hội viên mới, và những chậu lan được triển lãm trong buổi tổ chức Sinh hoạt Hội Hoa Lan “Thay Chậu, Tách Nhánh” tại First Presbyterian Church, Garden Grove. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong Hội Hoa Lan Việt Nam thì có rất nhiều hội viên thích trồng những loại lan gốc từ Việt Nam. Nhưng theo thời tiết ở Hoa Kỳ, muốn trồng lan Việt Nam thì không dễ, vì hoa Lan Việt Nam từ gốc Á Châu, nên độ ẩm ở đó cao hơn ở Hoa Kỳ, mặc dù thời tiết nóng, nhưng độ ẩm Việt Nam lại có quanh năm. Còn ở Hoa Kỳ thì độ ẩm rất khô. Vì thế, muốn trồng Lan Việt Nam ở đây thì là điều không dễ từ mùa nóng cũng như mùa lạnh. Nhưng đối với các hội viên người Việt trong hội, khi cực khổ về trồng những giống lan đặc biệt như Lan Việt Nam thì mới thú vị.

Nói về cách thức tách nhánh hoặc thay chậu, ông Bùi Mạnh Hà cho biết, rất nhiều cây lan không ưa thay chậu như: Coelogyne citrina Cuitlauzina pendula Dendrobium Oerstedella schweinfurthianum Sobralia… Nhưng lại có nhiều cây ưa thay chậu tối thiểu một hay hai năm một lần như: Paphiopedilum (Nữ Hài) Phalaenopsis Miltonia,… Tuy nhiên, khi cây đã mọc ra ngoài thành chậu, rễ bị bó chặt sẽ không hút được nước hay lớp vỏ cây đã bị mục nát, thì chúng ta bắt buộc phải thay chậu nếu không sẽ bị thối rễ.

Trường hợp rễ dính chặt lấy chậu, dùng búa cao su gõ xuống miệng chậu hoặc cắt bỏ chậu cũ. Cắt bỏ rễ thối, lấy hết những vỏ cây mục nát ra, cắt bớt các củ, bẹ già không còn lá. Những củ bẹ này không sinh sản được, để lại chỉ chật chỗ. Nhưng cần phải để lại 5 nhánh hay củ tối thiểu là 3, cây mới có đủ sức mọc mạnh. Sau đó rắc bột diêm sinh (Sulfure Powder) hay vôi ăn trầu vào chỗ cắt để trị nấm làm cho thối củ, thối rễ. Lót đáy chậu khoảng 1 đá hay chất xốp (Peanut foam).

Các thành viên trong hội Hoa Lan Việt Nam trong buổi tổ chức Sinh hoạt Hội Hoa Lan “Thay Chậu, Tách Nhánh” tại First Presbyterian Church, Garden Grove. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Thời gian tốt nhất để thay chậu vào Mùa Xuân, khi cây vừa tàn hoa hay khi cây con mọc mầm và bắt đầu ra rễ mới. Nếu sang chậu không đúng lúc, cây sẽ bị khựng lại có khi bị thối rễ và chết cây.

Hai loại thông dụng nhất là chậu nhựa và chậu bằng đất nung. Chậu nhựa được người ta ưa dùng hơn cả vì rẻ tiền, bền nhưng hay bị đọng nước. Vì vậy, khi dùng chậu nhựa cần khoan thêm lỗ ở ngang hông và dưới đáy. Chậu đất thấm nước, mau khô và thoáng khí cho nên cần tưới nước thường xuyên hơn chậu nhựa. Chậu đất dễ vỡ, thường bị các chất cặn muối, phân bón đóng ở đáy chậu làm cho rễ cây bị cháy.

Nhiều hội viên mang lan của mình đến triển lãm, trong đó có bà bà Ngữ Nguyễn, cư dân Westminster. Theo bà kể, bà đã thích trồng lan hơn 15 năm. Lúc còn ở Việt Nam thì bà cũng có trồng lan, nhưng không có điều kiện thoải mái như bên nầy, vì lúc đó bà còn phải lo công việc để sinh sống.

“Khi sang Mỹ thì mình đã có tuổi và không đi làm việc, nên thời gian cũng cho phép tôi có thì giờ để vui với mấy cây lan. Nhưng trước kia, vì không kinh nghiệm, nên nuôi cây lan nào cũng không sống được lâu. Rồi sau đó tôi mới vào hội viên của hội. Một thời gian sau, nhờ sự hướng dẫn của các anh chị em trong hội nên tôi mới có thêm kinh nghiệm về lan. Và cũng từ khi là hội viên, vì sự ham thích săn sóc mấy cây lan thì sức khỏe của tôi rất tốt, ít khi bị bệnh hoạn, mặc dù tôi đã trên 70 rồi,” bà Ngữ chia sẻ.

Bà Trần Thị Bạch Mai, cư dân Santa Ana đã trồng lan trên 30 năm, cho biết: “Lan đến với tôi là giúp mình vừa khỏe, vừa trẻ và đẹp. Tôi không làm thương mại về lan, chỉ vì yêu thích ngắm nhìn và săn sóc lan hằng ngày. Vì thế, trên 30 năm nay tôi đã sưu tầm được 500 chậu lan của nhiều giống khác nhau. Khi có giống lan nào đặc biệt thì cũng nhờ các hội viên có thì mình sẽ trao đổi với họ về các giống lan đặc biệt này.”

Cần liên lạc với hội xin vào website: hoalanvietnam.org. (Lâm Hoài Thạch)

Mời độc giả xem phóng sự cộng đồng “Triễn lãm tranh thiếu nhi 2018”

MỚI CẬP NHẬT