Monday, April 29, 2024

Kỷ niệm với anh Lưu Phát Tấn

Tường An

Lại thêm một người quen nữa ra đi!

Gần đây, nhận toàn tin buồn. Những người quen hay chỉ biết nhau qua các hoạt động cộng đồng, các sinh hoạt đấu tranh lần lượt ra đi: anh Nguyễn Gia Nam, chị Hà Lan Phương, ông Phan Khắc Tường….và bây giờ lại thêm một người nữa từ giã cuộc chơi: Anh Lưu Phát Tấn.

Tôi được biết anh Lưu Phát Tấn là cảnh sát quốc gia, làm việc tại Vũng Tàu trước 1975.

Anh Lưu Phát Tấn, cựu cảnh sát quốc gia, làm việc tại Vũng Tàu trước 1975. (Hình: Facebook Tường An)

Những ngày cùng sống tại Hòa Lan, tôi và anh vẫn gặp nhau trong các sinh hoạt cộng đồng, rồi đến khi tôi qua Pháp, thỉnh thoảng anh cũng qua Pháp tham dự biểu tình, anh em lại có dịp tay bắt mặt mừng.

Có lần anh gọi tôi tâm sự thật lâu, được biết bên bề ngoài cứng cỏi của một cựu quân nhân che dấu một nỗi buồn sâu lắng về chuyện tình cảm, mà ai lại không có những góc khuất của cuộc đời cơ chứ?

Với anh Tấn, tôi có một kỷ niệm khó quên, mỗi lần anh em gặp nhau là nhắc lại “giây phút ban đầu” ấy.

43 năm trước, ngày tôi đi từ Vũng Tàu qua Cần Giờ để chuẩn bị cho chuyến vượt biên. Trên chiếc tàu chở khách từ Vũng Tàu qua Cần Giờ, người đi lại lăng xăng, tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng nói chuyện rổn rảng tạo thành một cái chợ nhỏ trên chiếc tàu buôn mà lần đầu tiên tôi được đi, mặc dù sinh ra, lớn lên tại vùng biển này.

Trong đám hỗn độn giữa những người ăn mặc lam lũ đầy mùi tanh của thủy sản và đám giỏ cần xé đựng cá, tôm, nước đá… Tôi nhìn thấy một người đàn ông trung niên và một đứa bé khoảng 9-10 tuổi, họ có vẻ không thuộc về nhóm người đi buôn này.

Trong khi tôi còn cảm thấy lạc lỏng giữa đám người ấy và loay hoay không biết chọn chỗ nào để đứng, đang sợ té vì dưới chân đầy những dây thừng nằm ngổn ngang thì một người có vẻ là nhân viên trên tàu gọi lớn: “Cô kia, đưa cho tôi sợi dây.”

Tôi ngơ ngác nhìn không biết có phải ông ta gọi mình không? Và dây là dây nào? Dưới sàn tàu đầy những dây, biết chọn dây nào? Mà có chọn chưa chắc tôi cầm nỗi vì sợi dây thừng to gần bằng cổ tay tôi.

Trong lúc tôi còn ngơ ngác không biết làm gì, thì người đàn ông đi với đứa bé chạy tới lấy một sợi dây thừng đưa cho họ.

Tôi gặp anh Lưu Phát Tấn trong một hoàn cảnh tình cờ như thế. Tôi quên đi người đàn ông và đứa bé trên chuyến tàu.

Sau đó vài ngày, khi lên thuyền vượt đại dương tìm tự do, tôi không ngờ, anh cũng lên cùng một chuyến ghe vượt biên với tôi, ở cùng trại tị nạn Singapore và cùng định cư tại Hòa Lan.

Gần một năm sau, khi mọi hãi hùng của chuyến vượt biên đã ở lại sau lưng, khi được định cư tại Hòa Lan thì tôi mới gặp lại anh. Anh cười nói: “Lúc trên tàu, nhìn em là biết dân vượt biên rồi.”

Quả vậy, nhớ lại tôi mới thấy mình ngây thơ quá, đi vượt biên mà mặc áo trắng quần đen, ngây thơ, lớ ngớ giữa đám người buôn bán lam lũ, có tên công an nào là nó sẽ nhận ra ngay.

Gặp bạn bè, anh thường nói: “Tôi và con nhỏ này đi cùng thuyền từ Vũng Tàu, mới nhìn là biết nó là dân vượt biên liền.”

Anh nói chuyện từ tốn, điềm đạm, nhưng bên ngoài cái vẻ hiền lành ấy là một tinh thần cương quyết, trung thành với cờ vàng và một quan điểm chống cộng triệt để.

Lưu Phát Tấn, anh ra đi khi giấc mộng chưa thành. Hãy phù hộ những người còn ở lại tiếp nối con đường của anh, anh Tấn nhé.

[disqus_shortcode_codeable]