Sunday, April 28, 2024

Tưởng nhớ Cựu Đại Tá Trần Ngọc Thống

Tiểu sử Cựu Đại Tá Trần Ngọc Thống

Đại Tá Trần Ngọc Thống sinh năm 1923 trong một gia đình có truyền thống Nho giáo thuộc tỉnh Hà Nam, Bắc Việt. Ông là hậu duệ đời thứ 12 của Cụ Thủy Tổ Trạng Nguyên Trần Văn Bảo triều Nhà Mạc, vị Trạng Nguyên thứ 36 của Việt Nam. Khởi đầu ông học chữ Nho, chữ Quốc ngữ, sau đó lại học tiếng Pháp, tiếng Anh để trở thành một nhà giáo.

Cứ nghĩ rằng cuộc đời sẽ êm trôi trong ngành giáo dục với một nghề đạm bạc nhưng cao quý này. Nhưng đến năm 1945, đất nước lâm vào cảnh nhiễu nhương, chiến tranh lan tràn khắp nẻo. Năm 1951 ông động viên vào Quân đội để đi làm nhiệm vụ của người trai thời loạn. Ông được gọi vào học Khóa 1 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, khóa đào tạo sĩ quan trừ bị đầu tiên của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.

Ông tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy và được bổ nhiệm về Tiểu Đoàn 30, Quân khu 2. Đây là một tiểu đoàn lưu động, hành quân khắp các tỉnh Miền nam Trung Việt, nơi chiến trường đang sôi động, với nhiều hiểm nguy và gian khổ. Ông lần lượt trải qua các chức vụ: Trung đội trưởng, Đại đội phó, rồi Đại đội trưởng.

Sau đó ông được thăng cấp Trung úy và được thuyên chuyển về Huế, làm Đại đội trưởng Đại đội 1 , Tiểu đoàn Danh dự kiêm Chánh văn phòng, phụ trách việc phòng thủ Thành Nội, Huế. Rồi Đại Đội Trưởng Đại Đội Tổng Hành Dinh Quân Khu 2.

Năm 1955 ông được thăng cấp Đại úy và được chuyển vào Saigòn, làm việc tại Bộ Quốc Phòng. Từ đây binh nghiệp của ông đã rẽ sang một hướng khác là chuyên ngành Hành chánh và Tham mưu. Ông đã đảm nhiệm các chức vụ như: Trưởng Phòng Lục Quân. Trưởng Phòng Không Quân.

Năm 1963 ông được thuyên chuyển về Phòng Tổng Quản Trị, Bộ Tổng Tham Mưu làm Trưởng Khối Thăng Thưởng, Huy chương; rồi Trưởng Khối Điều Hành Quân Nhân.

Năm 1968 ông được bổ làm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Quản Trị Trung Ương, một trong những trung tâm quản trị lớn nhất của Quân Lực VNCH.

Năm 1970 ông được thăng cấp Đại Tá và trở về làm việc lại tại Bộ Tổng Tham Mưu với chức vụ Phó Trưởng Phòng Tổng Quản Trị, rồi Trưởng Phòng Tổng Quản Trị. Phòng TQT Bộ Tổng Tham Mưu là cơ quan chuyên trách về hành chính và quản trị toàn thể Quân Lực VNCH.

 

 

Năm 1973 ông được chuyển về làm việc tại Bộ Quốc Phòng với chức vụ Giám Đốc Nha Trừ Bị cho đến ngày 30 tháng Tư năm 1975. Đại Tá Trần Ngọc Thống là người tính tình điềm đạm, cân thận ngay thẳng và thanh liêm, có nhiều sáng kiến trong công việc nên được đông đảo bạn bè và các cấp lãnh đạo trong Quân Đội quý mến, cũng như được các thuộc cấp kính trọng.

Trong suốt 25 năm phục vụ trong Quân Lực VNCH, ông đã được tặng thưởng hơn 20 huy chương các loại, trong đó có huy chương cao quý nhất của VN là Bảo Quốc Huân Chương. Ông đã được tặng thưởng Đệ Ngũ Đẳng, rồi Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Ngoài ra Ông cũng được tặng nhiều huy chương của các nước đồng minh như: Đại Hàn, Thái Lan, Phi Luật Tân, Úc Đại Lợi và nhất là của Hoa Kỳ. Trong số các huy chương của Hoa Kỳ ông được nhận có Bronze Star và Army Commendation Medal.

Ông đã đi Mỹ 3 lần: Một lần đi du học về Quản Trị Nhân Viên và Tổng Quản Trị từ 1958 – 1959. Hai lần đi du hành nghiên cứu ở Mỹ. Trong thời gian làm việc, ông cũng đi du hành nghiên cứu về ngành TQT ở Nhật Bản, Đài Loan và Căm Bốt. Đại Tá Trần Ngọc Thống là người cầu tiến. Để bổ sung cho kiến thức trong công tác của mình, ông còn ghi danh học luật tại Trường Đại Học Luật Khoa Saigon. Ông đã đậu 2 Chứng Chỉ Cử Nhân Luật Khoa. Bằng Cử Nhân Luật chỉ cần có 3 chứng chỉ, nhưng ông đành phải bỏ dở vì bận công việc và thời cuộc. Sau tháng 4 năm 1975 ông đã chịu đựng 13 năm tù cải tạo, trải qua 7 nhà tù từ Nam ra Bắc, rồi lại từ Bắc vào Nam. Năm 1991 ông bà được đoàn tụ với các con tại Hoa Kỳ và định cư ở Quận Cam. Ở hải ngoại, ông là Trưởng Ban Tổ chức Đại Hội ngành Tổng Quản Trị 3 lần, có các Tướng lãnh tham dự. Ông còn là Chủ Tịch Ủy Ban Quản Trị Hội Cựu chiến binh VNCH trong 2 nhiệm kỳ.

Là dòng dõi cụ Tổ Trạng Nguyên, có Gia Phả bằng chữ Nho để tại Tổ Đường Miền Bắc, nhưng khi di cư vào Nam, ông không mang theo được một tài liệu nào. Nhờ có khả năng hiểu biết chữ Nho, ông đã vào Thư Viện Quốc Gia, Viện Khảo Cổ ở Saigon để tra cứu, sưu tầm sử sách ghi chép về Trạng Nguyên Trần Văn Bảo. Ông đã tìm được 15 cuốn sách chữ Nho, như các cuốn: Đại Việt Lịch Triều Đăng Khoa Lục của Nguyễn Hoàn, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú, Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn, vv… Do đó ông đã soạn ra cuốn “Gia Phả Họ Trần Ngọc” đầu tiên bằng tiếng Việt được in tại Saigon năm 1968. Năm 1988 sau khi đã trải qua hơn 13 năm tù cộng sản nhờ có Gia Phả gốc bằng chữ Nho và tài liệu từ Miền Bắc mang vào, ông biên soạn lại cuốn Gia Phả Họ Trần Ngọc và tái bản năm 1990. Cho đến nay, cuốn Gia Phả này, đầy đủ tài liệu về Trạng Nguyên Trần Văn Bảo, là cuốn duy nhất được lưu truyền trong các Gia đình họ Trần Ngọc từ Bắc vào Nam. Trong thời gian còn tại chức, với chức vụ Trưởng Phòng TQT, Bộ Tổng Tham Mưu, năm 1972, ông đã soạn ra quyển “Kỷ yếu Tổng Quản Trị”, trong đó ghi chép đầy đủ các hoạt động, các trách nhiệm về hành chánh, quản trị của Phòng TQT, Bộ Tổng Tham Mưu, một tài liệu quý giá về Quân Lực VNCH. Ông cũng thực hiện chương trình “Tiếng Nói Tổng Quản Trị”, được phát đi hàng tuần trên đài Truyền Hình số 9 của Đài Truyền Hình Saigon.

Năm 2011, tại Hoa Kỳ, Đại Tá Trần Ngọc Thống, với sự cộng tác của 2 chiến hữu Thiếu tá Hồ Đắc Huân và Trung úy Lê Đình Thụy, đã xuất bản cuốn “Lược Sử Quân Lực VNCH”. Đây là cuốn Quân sử gần 1, 000 trang, với nội dung phong phú về lịch sử Quân Đội, các tổ chức các cấp, các ngành trong suốt chiều dài lịch sử của Quân Đội VNCH. Sách còn ghi chép đầy đủ tiểu sử các sĩ quan cấp Đại Tá, các Tướng Lãnh trong toàn thể Quân lực VNCH. Với tuổi đời đã ngoài 80, ông đã quên ăn, quên ngủ, bỏ công sức ra trong gần 10 năm trời để thực hiện cuốn sách có giá trị này. Khi phát hành cuốn sách, ông đã được các báo, đài phỏng vấn, khen ngợi. Các sử gia Tướng Lãnh, các học giả và độc giả khắp nơi trên thế giới cũng gửi lời khen công trình sưu tầm to lớn này. Hiện nay, cuốn “Lược Sử Quân Lực VNCH” là nguồn tài liệu đáng tin cậy nhất cho những ai muốn tìm hiểu về Quân Đội VNCH, cũng như về cuộc đời và sự nghiệp của các Tướng Lãnh VN.

Có thể nói cuộc đời của Đại Tá Trần Ngọc Thống đã trải qua nhiêu thăng trầm cùng với những biến động nổi trội của lịch sử đất nước. Ông đã dành nhiều tâm huyết để vinh danh dòng họ Trần Ngọc và hiến dâng gần trọn cuộc đời cho Tổ quốc và Quân Lực VNCH.

 

[disqus_shortcode_codeable]