Thursday, March 28, 2024

Vàng Ðen (Kỳ 2)


LTS –
“Vàng Ðen” là tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Dũng Tiến, được xây dựng trên những tư liệu cùng huyền thoại liên quan tới vùng “Tam Giác Vàng,” một trong những nguồn sản xuất và cung cấp thuốc phiện (“vàng đen”) lớn nhất thế giới. Ngoài việc viết văn, tác giả Nguyễn Dũng Tiến cũng là một trong những người Việt Nam đầu tiên có công gầy dựng vườn cây ăn trái cho người Việt ở xứ người. Ông hiện là chủ nhân vườn cây LA Mimosa Nursery, 6270 East Allston Street, Los Angeles, CA 90022-4546. Tel: (323)722.4543. Ðược sự cho phép của tác giả, Người Việt hân hạnh giới thiệu tiểu thuyết “Vàng Ðen” trên mục truyện dài của Nhật Báo Người Việt cũng như Người Việt Online.


 


Kỳ 2


 


“Thưa hoàng thân, trên nguyên tắc, chiếc cầu rất có lợi cho nền kinh tế của cả hai nước Thái Lan và Lào của chúng ta, nhưng thực chất, tôi e ngại rằng, Thái Lan và Úc Ðại Lợi sẽ hưởng nhiều quyền lợi hơn chúng ta, vì xứ của chúng ta không sản xuất được gì cả, dù ta có rất nhiều hầm mỏ.


Tất cả mọi thứ hàng thông dụng hàng ngày đều phải mua từ Thái Lan, còn với cây cầu này, Úc sẽ dễ dàng định được giá cát…”


“Cát? Tôi tưởng chỉ có người Nhật mới mua cát để làm thủy tinh, Úc có chán vạn gì cát.”


“Thưa ngài không, cát bồi tại lòng sông Mêkông nơi xứ của chúng ta mới thật sự tốt để sản xuất được loại thủy tinh tốt. Kỹ nghệ máy móc của người Nhật rất cần đến thủy tinh tốt, hơn cả người Úc, nhưng những trục lộ giao thông chính của chúng ta đã được người Úc thầu và tu bổ, gián tiếp người Nhật vẫn phải trả tiền vận chuyển cho người Úc, qua những dịch vụ chuyển vận của Úc Ðại Lợi. Nhưng điểm chính tôi muốn trình bày cùng ngài là tụi Thái-y-sản (giống dân Thái lai Lào, hung dữ, sống dọc biên giới Thái, Lào). Cây cầu chính thức mở cửa biên giới hai nước sẽ là điều dễ dãi cho tụi Thái-y-sản xâm nhập, luân lý và đạo đức của nước chúng ta đã bị băng hoại bởi những Pháp, Mỹ, và hầu như gần bị người Việt Nam đồng hóa, nay lại thêm tụi Thái-y-sản, tôi không biết quốc gia ta sẽ đi về đâu?”


“Ðúng là điều làm tôi nát đầu bấy lâu nay. Trước kia, chúng ta còn có con sông Mêkông làm biên giới, nay khó lòng kiểm soát được tụi Thái man dã đó.”


Sau tiếng thở dài của hoàng thân Lào, cả hai cùng im lặng. Mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình.


Ðoàn xe bon bon chạy trên những con đường của thủ đô Vạn Tượng, sửa soạn băng qua những vùng ngoại ô để vượt những cánh đồng lúa nếp trước khi đến biên giới Thái-Lào. Chợt nhìn thấy từ phía trước, thật xa, thấp thoáng những bóng áo vàng, hàng một đang phất phơ bay trong gió.


Ðoàn sư gần chục người, đầu không nón đội trời, chân không giầy đạp đất, lặng lẽ đi ngang những người đàn bà Lào đang kính cẩn quỳ bên vệ đường, và những người đàn bà rón rén bỏ tặng phẩm vào bình bát của từng vị sư. Từng món tặng phẩm được cung kính đưa ngang mày trước khi đặt nhẹ vào bình bát, nhẹ đến độ tay không dám chạm vào bình bát, như chừng sợ làm ô uế chuyện tu hành của những nhà sư. Trong khi những nhà sư không một lời cám ơn, chỉ lặng lẽ chìa những chiếc bình bát được làm bằng đồng hay bạc, lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời, để đón nhận.


“Ðây mới chính là lối thoát, đây mới chính là lối thoát, cho xe dừng lại, dừng xe lại.”


Giọng của hoàng thân hớn hở thật bất ngờ, bất ngờ hơn nữa, ngài lại ra lệnh dừng xe lại, chiếc xe chao nhẹ rồi từ từ dừng lại.


“Cạnh những nhà sư kia, lái lại gần chỗ những nhà sư.”


Chiếc xe từ từ nhích lên, rà sát lại cạnh những nhà sư đang đi cầu thực. Lệnh của hoàng thân ra thật bất ngờ, làm những chiếc xe hộ tống đi đầu lẫn đi sau đâm ra tán loạn hàng ngũ, chiếc trở đầu, chiếc cặp sát bên ven đường, chiếc thắng ken két trên mặt đường làm mọi người dưới đường, từ sư cho đến dân giả đều hoảng hốt, chừng như nhận ra hoàng thân Souvano Xithôn khi ngài đang bước xuống xe, mọi người đều quỳ rạp đất để lạy, kể cả các nhà sư đang được khách thập phương quỳ lạy.


“Xin mời quý sư đứng dậy.”


Hoàng thân Xithôn từ tốn mời các nhà sư đứng dậy, trong khi đó người sĩ quan chỉ huy toán hộ tống xanh mặt chạy lại.


“Trình hoàng thân, chỗ này không được an toàn, lại nữa ngài có thể đến đó trễ mất.”


Khẽ xua tay, hoàng thân hỏi người sĩ quan:


“Người và toán lính lấy hết tiền ra cho ta mượn.”


“Trình… trình…”


“Trình, trình cái gì, có bao nhiêu tiền gom hết ra đây, ta chỉ mượn thôi chứ có lấy của các người đâu.”


“Thưa chúng tôi không dám nghĩ như vậy, nhưng ngài thật sự muốn mượn?”


“Ta đùa với nhà ngươi à?”


Sau khi gom được một món tiền kha khá từ tay những người lính cận vệ và nhẩm đếm, hoàng thân cung kính chia thành từng món tiền nhỏ, đều nhau, tay lễ độ đưa lên trán, trước khi nhẹ nhàng bỏ vào từng cái bình bát của từng nhà sư. Những nhà sư, sau khi nhận lễ của hoàng thân, cũng cung kính lạy để tỏ sự cám ơn, hoàng thân chỉ khiêm tốn trả lễ.


Sự việc diễn ra chỉ chừng vài phút, nhưng không biết ở đâu dân chúng đã lũ lượt rủ nhau ra xem hoàng thân Xithôn để tỏ lòng ái mộ. Dù đang ở thật xa, nhiều người đã khởi sự vái lạy. Những người đàn bà, ngay từ khởi đầu, quỳ gần hoàng thân Xithôn, nên đã chứng kiến hết những cảnh, một người của hoàng tộc, hạ mình vay mượn tiền của đám cận vệ để cung kính cúng dường, đã không dấu nổi những cảm động nên xì xụp lạy.


Ðoàn xe lại tiếp tục lên đường.


“Ðạo Phật mới chính là lối thoát tinh thần, đạo đức cho dân tộc của chúng ta.”


Sau câu nói của hoàng thân, chỉ thấy nhà sư già trầm ngâm.


“Thưa ngài, tôi nghĩ cũng chưa hẳn, đạo Phật cao siêu, ý tưởng của Phật vô cùng, tôi được ngài thương nên ban cho chữ đắc đạo, cho được cận kề ngài để giúp ngài về những chuyện công quả, nhưng quần chúng quá giản dị, chỉ hiểu hời hợt bề ngoài của đạo pháp, người dân tưởng rằng càng cúng dường nhiều, tội lỗi sẽ được trả nhiều, cùng tạo nên được nhiều phước đức, nên họ dám đặt cả chuyện tạo nghiệp và chuyện cúng dường lên bàn cân để xem lỗ, lời.”


“Cũng không trách họ được, dân trí thấp, chính là lỗi ở ta, lỗi của những người lãnh đạo tinh thần, nhưng ngược lại, quốc sư cũng phải nhận thấy một điều, nhiều khi cái tinh thần sùng đạo đến độ cuồng tín cũng có lợi cho những người lãnh đạo, chỉ cần dùng tôn giáo chúng ta đã có thể lay chuyển cả một khối ù lì, trì trệ.”


“Tôi chỉ cầu cho vị lãnh đạo của chúng ta thật anh minh.”


Cắt ngang câu chuyện bằng cách chỉ tay về phía trường quân sự Chinimụ, nơi C.I.A. đã đổ tiền để đào tạo những sĩ quan tình báo bản xứ, hoàng thân Xithôn khẽ nói:


“Hình như mình cũng sắp đến nơi?”

MỚI CẬP NHẬT