Friday, March 29, 2024

Trung Quốc có thể gia tăng tập trận trên Biển Đông để ‘tỏ thái độ’ với Mỹ

BẮC KINH, TRung Quốc (NV) – Trung Quốc có thể cho các lượng gia tăng các cuộc tập trận trên Biển Đông như một cách Bắc Kinh tỏ thái độ khi Washington gia tăng cường độ “tuần tra hải hành” và tập trận ở khu vực.

Những ngày đầu Tháng Ba vừa qua, nhóm tàu đặc nhiệm do mẫu hạm USS Theodore Roosevelt đã tập trận trên Biển Đông sau khi thăm viếng cảng Tiên Sa của Việt Nam.

Cũng trong khoảng thời gian này, khu trục hạm USS McCampbell đi vào bên trong phạm vị 12 hải lý của một đảo trong quần đảo Hoàng Sa Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền nhưng đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm.

Mỹ không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nên vẫn cho chiến hạm “tự do hải hành” và các loại phi cơ quân sự “tự do phi hành” ở các vùng biển và vùng trời họ coi là quốc tế và lại còn đang có tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước khu vực.

Những cuộc tuần tra và tập trận của Mỹ như thế hiển nhiên làm Bắc Kinh tức giận khi cho các viên chức ngoại giao và quân sự đả kích thậm tệ hành động của Hoa Kỳ.

Theo một bài viết trên tờ South China Morning Post hôm Chủ Nhật, Bắc Kinh có thể gia tăng các cuộc tập trận trên Biển Đông để chứng tỏ họ cũng không kém cạnh.

Sau khi nhóm tàu Mỹ USS Ronald Reagan tập trận ngày 10 Tháng Ba, báo quân đội Trung Quốc đưa tin kèm theo một số hình ảnh nói lực lượng không quân của họ với sự phối hợp của các tàu chiến cũng đã mở cuộc tập trận chống tàu ngầm trên Biển Đông. Đồng thời cũng đã “đuổi” các “máy bay địch” ra khỏi khu vực không phận “chủ quyền.”

Không những thế, bản tin quân sự Trung Quốc còn khoe rằng máy bay khu trục đã thực tập “bắn hạ máy bay địch bằng hỏa tiễn để bảo vệ cho các chiến hạm Trung Quốc” khi khu trục hạm USS Mc Campbell đi vào bên trong 12 hải lý ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Phát ngôn viên Bộ tư lệnh miền Nam Trung Quốc Li Huamin (Lý Hoa Mẫn) nói với báo chí rằng “Mỹ cứ lập đi lập lại trò khoe cơ bắp, chuyên khiêu khích và kích động gây rối trên Biển Đông”

Zhou Chenming (Chu Chấn Minh), chuyên gia thuộc Học Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng và Chiến Lược Trí Viễn, cơ quan do chính phủ Trung Quốc tài trợ, kêu rằng việc Mỹ gia tăng các cuộc tuần tra hải hành “cho lực lượng Trung Quốc nhiều cơ hội hơn để huấn luyện tác chiến,” theo SCMP.

“Cho đến nay, tất cả các hệ thống võ khí mà Trung Quốc vận hành trên Biển Đông đều chỉ là phòng vệ,” theo lời Chu Chấn Minh. Các thứ võ khí đó gồm cả các hỏa tiễn chống hạm HQ-9 bố trí trên các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa. “Nhưng Mỹ gia tăng tập trận bắn đạn thật ở khu vực sẽ là sự khuyến khích cho lực lượng Trung Quốc gia tăng tập trận cho mình.”

Đội đặc nhiệm do mẫu hạm USS Ronald Reagan dẫn đầu tập tận trên Biển Đông hồi Tháng Mười 2019. (Hình: US Navy)

Những căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc trên Biển Đông có dấu hiệu nhiều hơn từ đầu năm nay. Tháng Hai vừa qua, Hải Quân Mỹ tố cáo một khu trục hạm Trung Quốc đã bắn laser vào máy bay tuần tra trinh sát biển P-8A Poseidon của Mỹ khi nó đang hoạt động trên không phận vùng biển quốc tế khoảng 600km phía tây đảo Guam.

Trên Biển Đông, ngày 19 Tháng Ba vừa qua, nhóm tàu đặc nhiệm USS Theodore Roosevelt đã tập trận với hỏa tiễn diệt hạm tầm trung Standard Missile-2 (SM-2), phóng đi từ khu trục hạm USS Barry và tuần dương hạm USS Shiloh.

“Hai chiếm hạm USS Barry và USS Shiloh được trang bị với nhiều loại hỏa tiễn khác nhau, như hỏa tiễn tấn công Tomahawk. Dù vậy, họ không bắn loại này mà lại bắn SM-2,” Chu Chấn Minh nói.

Theo ông ta, nếu tàu Mỹ bắn Tomahawk có thể hiểu như sự đe dọa đối với các đảo nhân tạo và đảo trên Biển Đông mà Bắc Kinh xây dựng các căn cứ quân sự.

Sau khi Tập Cận Bình lên cầm đầu Trung Quốc, ông ta đã tiến hành gấp rút kế hoạch bồi đắp các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa từng cướp của Việt Nam từ năm 1988. Đồng thời mở rộng và xây dựng các căn cứ quân sự quy mô tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Phi đạo tại đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) và 3 đảo nhân tạo ở Trường Sa đủ dài cho các phi cơ quân sự lớn nhất của Trung Quốc sử dụng, khống chế toàn bọ Biển Đông.

Chi Le-yi (Trì Lạc Nghĩa) một nhà quan sát quân sự ở Đài Bắc được SCMP dẫn ý kiến cho rằng cả Trung Quốc cũng như Mỹ đều muốn gia tăng sự hiện diện quân sự trên Biển Đông. (TN)

MỚI CẬP NHẬT