Friday, March 29, 2024

Chính quyền Long An bán đất thủy lợi, bỏ mặc dân khốn đốn

LONG AN, Việt Nam (NV) – Ðất thủy lợi nhưng chính quyền tỉnh xẻ đem bán cho doanh nghiệp tư nhân đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kênh thủy lợi và sinh hoạt của người dân ở huyện Ðức Hòa, Long An.

Theo báo Thanh Niên, dự án thủy lợi Phước Hòa được Bộ Nông Nghiệp xây dựng để lấy nước từ sông Bé cấp tại chỗ cho Bình Dương, Bình Phước và bổ sung cho hồ Dầu Tiếng để cấp cho Tây Ninh, Long An và Sài Gòn sử dụng trong sinh hoạt và nông nghiệp.

Trong đó, kênh chính Ðức Hòa dài gần 18 cây số đi từ Tây Ninh, Sài Gòn nối khu tưới Ðức Hòa, huyện Ðức Hòa, Long An, nhằm tưới tiêu cho hơn 10,180 ha đất nông nghiệp của tỉnh này.

Từ cuối năm 2016, ủy ban tỉnh Long An đã tiến hành bán đất tại 9 bãi vật liệu cho các doanh nghiệp tư nhân để san lấp mặt bằng, với khoảng 3.86 triệu khối, giá trị khoảng 104 tỉ đồng.

Trong số này, ủy ban tỉnh giao cho công ty Chính Phước Thành quản lý, khai thác 2 bãi vật liệu số 3 ở xã Hòa Khánh Nam và bãi số 5 ở xã Ðức Lập Thượng, có tổng diện tích hơn 184 ngàn mét vuông, để lấy số tiền hơn 23.5 tỉ đồng; giao bãi vật liệu số 6 ở xã Mỹ Hạnh Bắc, rộng hơn 111 ngàn mét vuông cho công ty Nhật Thịnh thu về 4.66 tỉ đồng…

Phóng viên báo Thanh Niên được người dân địa phương dẫn đi thực tế, chứng kiến cảnh khai thác đất ồ ạt và đang đe dọa đến sự an toàn của công trình thủy lợi. Cụ thể, tại bãi số 4 ở xã Hòa Khánh Ðông, có diện tích hơn 46 ngàn mét vuông, ủy ban tỉnh giao lại cho một đơn vị khai thác để thu hơn 5.1 tỉ đồng.

Suốt đoạn đường dẫn vào hầm, xe xúc, xe ben hoạt động ầm ĩ. Hai bên là những núi đất được múc lên, chờ đem đi nơi khác để san lấp. Hầm đất này dù đã múc sâu hoắm, thẳng đứng đã gây sạt lở một đoạn khoảng 10 mét lấn vào hành lang bảo vệ công trình thủy lợi nhưng vẫn tiếp tục được múc đất đem đi. Do đang vào mùa mưa, chủ bãi phải sử dụng nhiều máy bơm hoạt động liên tục, đưa nước ra khỏi hầm khai thác để lấy đất.

Nước từ hầm đất trực tiếp đổ vào con kênh khiến nguồn nước bị đục ngầu. Dưới lòng kênh đoạn này, một lớp bùn đất sét dày hơn 40 cm ở dưới đáy. Những ruộng lúa gần kênh cũng đóng đầy đất sét khiến người dân tức giận. Dù ruộng ở sát kênh Ðức Hòa nhưng gia đình ông Lê Văn Hiếu (57 tuổi), ấp Thôi Môi, xã Hòa Khánh Ðông, vẫn mong chờ trời mưa để có nước trục ruộng và sạ lúa.

Trả lời báo Thanh Niên, ông Trần Văn Cần, chủ tịch tỉnh Long An, biện minh: “Nói tỉnh giao lại cho nhà thầu khai thác đất mặt để bán là không có. Khi làm hồ Ðức Hòa, có khai thác rất nhiều hầm để lấy đất đắp kênh nổi. Sau khi đắp xong, những bãi đất còn thừa, bộ giao lại cho địa phương quản lý thì huyện mới tiếp tục khai thác bằng cách đấu giá để bán.”

Trong khi đó, ông Trần Tố Nghị, quyền cục trưởng Cục Quản Lý Xây Dựng Công Trình, Bộ Nông Nghiệp, cho biết, sau khi hoàn thành dự án thủy lợi Phước Hòa, tỉnh Long An có văn bản đề nghị xin lại quỹ đất để quản lý và sử dụng và bộ đã đồng ý, nhưng sau đó địa phương sử dụng thế nào thì chưa nắm được. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT