Thursday, April 25, 2024

Cựu Chuẩn Tướng VNCH Nguyễn Hữu Hạnh qua đời tại Sài Gòn

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 29 Tháng Chín, tin cho hay ông Nguyễn Hữu Hạnh, cựu chuẩn tướng VNCH qua đời tại bệnh viện Thống Nhất, Sài Gòn, thọ 96 tuổi. Bệnh viện này lâu nay là nơi chữa bệnh cho quan chức, cựu quan chức CSVN, nếu như họ không đi nước ngoài chữa trị.

Không chỉ là tướng VNCH, ông Hạnh còn là “cơ sở nội tuyến chiến lược của Ban Binh Vận Trung Ương Cục Miền Nam” của Cộng Sản. Trong ngày 30 Tháng Tư, 1975, ông từng ra lệnh cho sĩ quan, binh sĩ án binh bất động, thuyết phục Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ buông súng đầu hàng.

Bản tin trên báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin từ gia đình cho hay: “Ông Nguyễn Hữu Hạnh qua đời sau thời gian dài nằm điều trị tại bệnh viện Thống Nhất. Lễ tang của ông sẽ được tổ chức tại quê nhà ở ấp Cây Đa, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Sài Gòn. Lễ an táng tổ chức vào 6 giờ ngày 2 Tháng Mười.”

Tờ báo của Thành Đoàn TNCS cho biết thêm: “Sau 1975, ông Hạnh được bầu làm ủy viên Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam với tư cách nhân sĩ yêu nước.”

Ông Hạnh và tấm bằng ghi nhận công lao trong ngày 30 Tháng Tư, 1975, do chính quyền Cộng Sản trao tặng. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Hồi Tháng Mười Hai, 2018, cộng tác viên Nhật Bình của báo Người Việt có bài viết về ông Hạnh và cho biết, ông sống những năm tháng cuối đời tại một căn nhà tuềnh toàng trong khu nghĩa trang ở tỉnh Tiền Giang, cùng với người vợ sau, nhỏ hơn ông 33 tuổi, trước đây làm nghề bán vé số.

Đã lập được công trạng với chế độ Cộng Sản như vậy, ông Nguyễn Hữu Hạnh nay bị bỏ rơi.

Thời điểm đó, phóng viên hỏi ông Hạnh: “Ông có nhớ gì ngày 30 Tháng Tư, 1975 không?” Bà vợ kề tai ông nói lại như phiên dịch. Ông trả lời: “Có cái nhớ, có cái không.”

Về con cái và nhà cửa của ông Nguyễn Hữu Hạnh, báo Tiền Phong ở Việt Nam trong bài “Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh bây giờ…” xuất bản ngày 26 Tháng Tư, 2017, có đoạn: “…Ngôi biệt thự (của ông Hạnh) ở đường Phan Kế Bính sau khi người bạn đời của 14 người con mất đã bán đi, mua mảnh đất ở ấp Tám, Tân Phú Trung, Củ Chi, Sài Gòn để ở, rồi lại khóa cửa để đấy, ông Hạnh về đây quanh quẩn vui thú điền viên với bạn bè…”

Về quá khứ của ông Hạnh, báo Sài Gòn Giải Phóng của Đảng Bộ thành phố ở Sài Gòn, cho hay: “Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh được Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam móc nối tạo quan hệ từ 1963. Ông được bồi dưỡng để trở thành tình báo, tuy nhiên Mặt Trận được lệnh không giao nhiệm vụ gì để chức vụ của ông không bị ảnh hưởng, chờ thời cơ đắc dụng. Những ngày cuối Tháng Tư, 1975, Trung Ương Cục Miền Nam đánh giá là đã đến lúc đưa ông Nguyễn Hữu Hạnh quay lại Sài Gòn…”

Hồi năm 2016, báo Công An Nhân Dân từng viết: “Tháng Mười, 1963, khi đang là đại tá tham mưu trưởng Quân Đoàn IV, dưới quyền Tướng Huỳnh Văn Cao, cha ông Hạnh là Nguyễn Hữu Điệt qua đời. Do ý nguyện của cha muốn được chôn cất tại quê nhà, nơi đang thuộc quyền kiểm soát của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam tỉnh Mỹ Tho, ông Hạnh đã thỏa thuận ngưng bắn ba ngày để làm lễ tang và chôn cất cha. Điều này khiến cho Ban Binh Vận của Trung Ương Cục Miền Nam chú ý và nảy ra ý đồ vận động ông này làm cơ sở. Nhiệm vụ tiếp cận, vận động, bồi dưỡng ông được giao cho ông Nguyễn Tấn Thành, bác họ của ông. Trước đó, có hai lần ông Thành bị quân đội VNCH bắt giữ, nhưng đều được ông can thiệp và trả tự do. Ông Hạnh được [Bắc Việt] gán mật danh là S7 hoặc Sao Mai, nhưng hầu như không được giao nhiệm vụ gì có thể ảnh hưởng đến vị trí của ông…” (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT