Thursday, April 18, 2024

Dân vùng lũ Hà Nội ‘tắm nhờ nước mưa, ăn khoai thay cơm’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đã 10 ngày qua, người dân xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, bị nước lụt khiến không điện, không nước sạch, cơm ăn chỉ một bữa, còn lại chống đói bằng mì tôm, khoai luộc.

Sáng 2 Tháng Tám, 2018, tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, những ngôi nhà nằm ven cánh đồng, gần đê sông Bùi vẫn ngập sâu 2 mét, trong khi các ngôi nhà ở giữa thôn chỉ còn ngập khoảng nửa mét.

Tuy nhiên, theo báo VNExpress, đường làng đã biến thành kênh bẩn, rác thải và bèo nổi khắp nơi. Gặp lúc trời nắng khiến nước bẩn và mùi phân gà, vịt bốc lên hôi thối rất khó chịu.

Ngồi trong Nhà Văn Hóa thôn Nhân Lý, nơi duy nhất không bị ngập, trong khi đàn ông lên thuyền đi làm từ sớm, chỉ còn lại một số phụ nữ, chị Nguyễn Thị Yến thở dài nói: “Cả làng chạy lũ, nhà tôi cùng nhiều nhà khác ngập sâu nên phải chuyển ra đây tá túc. Gấp gáp quá, chỉ kịp chạy người và ít thóc, còn lại tài sản đành ngâm nước 10 ngày nay.”

“Nhà tôi có lợn nái đẻ 10 con, lúc chạy lũ chuyển lên đây thì chết mất 9,” chị Nguyễn Thị Ngà góp chuyện.

Trong phòng hội họp chừng 100 mét vuông, các gia đình xếp đầy thóc lúa, ti vi, tủ lạnh xung quanh. Dãy bàn họp xếp chính giữa làm nơi ăn uống và ngủ ban đêm. Các ghế quây lại thành giường cho trẻ nhỏ chơi và ngủ.

Do toàn thôn mất điện, nên phụ nữ dựng tạm bếp củi nấu giữa sân Nhà Văn Hóa. Mỗi ngày, họ chỉ ăn một bữa chính vào buổi tối. Thời gian còn lại, khi nào đói họ ăn khoai sọ nhà trồng hoặc húp tạm bát mì tôm.

Bữa trưa với khoai sọ luộc của chị Nguyễn Thị Yến. (Hình: VNExpress)

Đặt túi nylon đựng ba miếng khoai sọ luộc lên bàn, chị Yến dùng đũa bới từng miếng đưa lên miệng. Khoai khô khốc, phải ăn nhiều ngày nên chị cứ nhăn mặt. “Mì tôm nóng lắm, không ăn được nhiều. Ăn khoai đỡ hơn nhưng vẫn khó nuốt. Mưa lũ phải chịu chứ không biết làm sao,” người phụ nữ gần 40 tuổi nói.

Những ngày ngập lũ, ngoài chuyện ăn uống vất vả, người dân Nhân Lý còn “đau đầu” vì chuyện tắm giặt thiếu nước sạch. “Chúng tôi phải đợi trời mưa để tắm, nếu không mưa thì phải 2-3 ngày tắm một lần,” chị Yến kể.

Tin cho biết mặc dú chính quyền xã Nam Phương Tiến đã di tản hết người dân khỏi những ngôi nhà ngập. Nhưng để tài sản không bị trộm cắp, hầu như nhà nào cũng cắt cử một người ở lại trông nom.

Trong ngôi nhà ba tầng khang trang nằm giữa làng, anh Nguyễn Tự Tuyên kể, năm 2009 gom góp tiền, vợ chồng anh xây được ngôi nhà này và tưởng sẽ không phải chịu cảnh ngập nữa, thế nhưng hai trận lũ chưa đầy một năm khiến cả tầng một chìm trong nước, đồ đạc hư hết.

“Mỗi buổi chiều tôi bơi sang nhà hàng xóm tắm nhờ, sau đó nhờ người chở thuyền về nhà và ngủ trên tầng hai. Một mình nên tôi không nấu nướng gì, mì tôm được hỗ trợ, đến bữa thì nấu ăn tạm,” anh Tuyên nói.

Tương tự, cách thôn Nhân Lý chừng 5 cây số là thôn Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai nằm ven sông Bùi và “không mùa nước nào là không ngập.” Nhiều người dân nơi đây đã sống quen với lũ nên bám trụ để bảo vệ tài sản.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Quá từ ngày có lũ chỉ quẩn quanh trong ngôi nhà cấp 4 nước ngập đến cửa sổ. Chiếc giường đôi được kê tạm bằng gạch chỉ cao hơn mép nước chừng 10 cm.

“Năm nào nước lên nhà tôi cũng ngập, tôi với vợ ở lại để chăm sóc đàn lợn. Ban ngày nếu không đi nhận đồ cứu trợ thì chỉ loanh quanh trên giường rồi đi ngủ,” ông Quá nói.

Trước đó, báo VNExpress cho hay, từ ngày 22 Tháng Bảy đến nay, bốn xã của huyện Chương Mỹ gồm Tốt Động, Thủy Xuân Tiên, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến và thị trấn Xuân Mai bị ngập nặng, có nơi sâu hơn 2 mét. Nguyên nhân là lưu vực sông Bùi mưa rất to, lũ sông Bùi vượt báo động 3 tới nửa mét, trong khi địa bàn trũng thấp, việc tiêu thoát nước ra các sông lân cận rất chậm.

Ngập lụt đã khiến hai chị em ruột ở xã Tốt Động bị đuối nước. Toàn huyện có hơn 3,680 nhà bị ngập dưới 2 mét, hơn 3,240 hécta lúa và gần 600 hécta hoa màu bị thiệt hại. Tổng chiều dài đê, hồ, đập bị sạt lở 12,110 mét… (Tr.N)

Về Nghe Gió Kể hay thân phận của người thiểu số ở Tây Nguyên

MỚI CẬP NHẬT