Wednesday, April 24, 2024

Huế lấy tiền thuế dân xây khu lưu niệm nhà thơ ‘nịnh đảng’ hơn $1 triệu

THỪA THIÊN-HUẾ, Việt Nam (NV) – Tố Hữu – người có nhiều bài thơ “nịnh đảng” được đưa vào nội dung sách giáo khoa như “Từ Ấy,” “Lượm,” “Hoan Hô Chiến Sĩ Điện Biên”… – được huyện Quảng Điền cho xây dựng một công viên văn hóa và khu lưu niệm mang tên ông, bên bờ sông Bồ.

Điều đáng nói là công trình vừa hoàn thành vào đầu Tháng Mười sau sáu tháng xây dựng, có kinh phí lên đến 25 tỷ đồng (hơn $1 triệu), nhưng nhìn qua các hình ảnh mà báo nhà nước đăng tải, người ta thấy lèo tèo một cái nhà lưu niệm rộng 250 mét vuông và nhà thờ rộng 70 mét vuông, cùng hai chòi nghỉ, cây cối, bồn hoa và tiểu cảnh.

Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu nằm ở thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. (Hình: Tiền Phong)

Tờ Tiền Phong dẫn lời ông Trần Quốc Thắng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Quảng Điền, rằng người dân Quảng Điền “rất vui mừng, đồng tình, phấn khởi” về việc xây dựng khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu.

“Đây là thiết chế văn hóa mới phục vụ cộng đồng, tạo điểm tham quan, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương,” tờ báo viết thêm.

Ông Tố Hữu, người qua đời hồi năm 2002, quê ở huyện Quảng Điền, được biết đến là “nhà thơ cách mạng,” từng làm ủy viên Bộ Chính Trị, phó chủ tịch thứ nhất Hội Đồng Bộ Trưởng CSVN.

Đến nay, Tố Hữu vẫn bị cộng đồng mạng mỉa mai khi nhắc đến những câu thơ trong bài “Đời Đời Nhớ Ông” sáng tác năm 1953: “Stalin! Stalin!/ Yêu biết mấy, nghe con tập nói/ Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!…”

Hiện nay, ở Hà Nội, Huế và thành phố Đồng Hới ở Quảng Bình đều có con đường mang tên Tố Hữu. Riêng tại huyện Quảng Điền còn có một ngôi trường mang tên ông.

Tuy được các báo đảng hết lời ca tụng sự nghiệp, nhưng tên tuổi Tố Hữu còn gắn liền với vụ bê bối liên quan đến nhà công vụ. Hồi năm 2018, nhà báo Quốc Phong, cựu phó tổng biên tập báo Thanh Niên, tiết lộ trên trang cá nhân: “Nhà ông Tố Hữu ở phố Hồ Xuân Hương được hóa giá rẻ như cho sau khi họ trả nhà công vụ ở Phan Đình Phùng, Hà Nội. Báo Tiền Phong đã có bài phàn nàn về một cố ủy viên Bộ ChínhTrị, nhà thơ Tố Hữu không có chỗ để lập bàn thờ. Mới nghe, ai cũng mủi lòng thương cảm với ông. Nhiều người tỏ ra bất bình với đảng và nhà nước sao lại đối xử phũ phàng với một bậc lão thành như vậy.”

Ông Phong cho biết thêm là sau đó, ông Hữu Thọ, thời điểm đó là trưởng Ban Tư Tưởng Văn Hóa, đã “nói lại cho rõ” về vụ này.

Nhà lưu niệm rộng 250 mét vuông và nhà thờ rộng 70 mét vuông. (Hình: Tiền Phong)

“Số là sau khi gia đình ông Tố Hữu chuyển về phố Hồ Xuân Hương, gia đình nhà thơ đã cho một hãng dầu nhờn nước ngoài thuê, lấy mỗi tháng tới $8,000. Vì thế, bà Thanh, nguyên phó Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đảng, vợ cố nhà thơ Tố Hữu, phải về nhà con ở tại phường Thành Công ở nhờ để tiếp tục xin thêm chế độ nhà theo tiêu chuẩn ngang thứ trưởng của riêng bà. Vì nhà chật nên bàn thờ không được đàng hoàng như biệt thự nếu ở phố Hồ Xuân Hương mà gia đình được mua rẻ. Báo Tiền Phong bữa đó bị hớ to,” theo Facebook Quốc Phong.

Nhà báo này cũng tiết lộ ngôi biệt thự của ông Tố Hữu ở phố Hồ Xuân Hương sau này gia đình ông bán với giá “cả chục ngàn cây vàng” cho ông Phạm Nhật Vũ, em trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng và hiện đang thọ án ba năm tù với cáo buộc “Đưa hối lộ” trong vụ án MobiFone mua AVG. (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT