Tuesday, April 23, 2024

Quân đội CSVN ‘không làm kinh tế nữa’

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – “Hiện nay đã có một chủ trương của Bộ Quốc Phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế nữa, mà tập trung cho xây dựng quân đội chính quy hiện đại.” Và “chúng tôi đang cho thanh tra toàn bộ đất quốc phòng ở Sài Gòn.”

Đó là tuyên bố của Thượng Tướng Lê Chiêm, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng tại buổi làm việc của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc với chính quyền thành phố Sài Gòn sáng 23 Tháng Sáu, theo báo Tuổi Trẻ.

Tường thuật về “buổi làm việc” này, các tờ báo ở Việt Nam đồng loạt nhấn mạnh việc giới hữu trách có bàn đến “sân golf Tân Sơn Nhất.”

“Sân golf Tân Sơn Nhất” dường như là giọt nước cuối cùng làm tràn ly phẫn nộ của dân chúng Việt Nam đối với chuyện “quân đội làm kinh tế.”

Chủ trương “quân đội làm kinh tế” được khởi xướng từ thập niên 1980, mở đường cho sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp hoặc được đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của quân đội CSVN, hoặc là liên doanh giữa quân đội CSVN với ngoại quốc, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân.

“Vốn” mà quân đội CSVN “đầu tư” vào các doanh nghiệp của mình hoặc đem “góp” cho các liên doanh là phương tiện quốc phòng (ví dụ hệ thống hạ tầng về thông tin, viễn thông quốc phòng nay là “xương sống” của Viettel – hiện là một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam), đất đai, thậm chí quân lực.

Trên thương trường, chủ trương vừa kể tạo ra hàng loạt doanh nghiệp đương nhiên được thụ hưởng vô số đặc quyền, đặc lợi, thậm chí dù bất hợp pháp cũng bất khả xâm phạm vì hoạt động có liên quan tới… “quốc phòng.”

Đó cũng là lý do quân xa thường xuyên được sử dụng để chở hàng buôn lậu, hàng cấm, các doanh trại trở thành tổng kho của loại hàng hóa này với số lượng cực lớn (Tháng Tư 2015, Ban Chỉ Đạo Chống Buôn Lậu, Gian Lận Thương Mại và Hàng Giả của Việt Nam chính thức loan báo, các doanh trại quanh khu vực phi trường Tân Sơn Nhất có 132 kho chứa hàng lậu, hàng gian-hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng).

Chủ trương “quân đội làm kinh tế” cũng là chỗ dựa để quân đội CSVN mạnh tay giao cho Long Biên – công ty tư nhân của một cựu thiếu tá quân đội – 120 hécta đất của phi trường quân sự Gia Lâm (Hà Nội), 157 hécta “đất quốc phòng” cạnh phi trường Tân Sơn Nhất để công ty này biến thành hai sân golf. Đi kèm theo hai sân golf là các khách sạn, nhà hàng, biệt thự, apartment cao cấp cho thuê bằng Mỹ kim. Tuy giá mà quân đội CSVN cho công ty Long Biên thuê chưa bao giờ được công bố song nhiều người tin rằng, chúng sẽ thấp đến mức gây ngỡ ngàng nếu so với giá thị trường.

Điểm đáng nói là vì phi trường Tân Sơn Nhất kẹt cứng, tắc nghẽn cả dưới đất lẫn trên trời nhưng vì cho quân đội CSVN quyền hưởng dụng vài trăm hécta đất quốc phòng tại khu vực này để “làm kinh tế,” chính quyền Việt Nam đã quyết định vay $15.7 tỷ để xây dựng phi trường mới ở Long Thành, Đồng Nai. Đó cũng là lý do cả chính quyền Việt Nam lẫn quân đội CSVN bị dân chúng và các chuyên gia chỉ trích kịch liệt suốt sáu năm vừa qua.

Nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng, đầu năm nay, quân đội CSVN quyết định giao lại cho chính quyền Việt Nam 21 hécta đất quốc phòng để mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất, song dân chúng càng thêm phẫn nộ khi quân đội CSVN xua các đơn vị phòng không-không quân trú đóng quanh phi trường Tân Sơn Nhất đi nơi khác, chứ dứt khoát không đụng tới 157 hécta đã giao cho công ty Long Biên…

Đến nay vẫn chưa có bất kỳ thống kê nào cho biết chủ trương quân đội CSVN “làm kinh tế” hỗ trợ cho quốc phòng ra sao, thỉnh thoảng dân chúng Việt Nam chỉ thấy trên Internet những thông tin xa, gần về khối tài sản càng ngày càng khổng lồ của các viên tướng là lãnh đạo Bộ Quốc Phòng, chỉ huy các tổng cục, các cục, các quân khu, quân đoàn… song những thông tin như thế chưa bao giờ được điều tra, xác định đúng sai.

Gần đây, người ta bắt đầu thắc mắc rằng, khi mà chỉ vài ông chủ của một số công ty có thể lèo lái Bộ Quốc Phòng theo ý mình thì ai dám chắc những ông tướng đang lãnh sứ mệnh “bảo quốc, an dân” luôn luôn “kiên định” trước tác động đủ mặt của các thế lực thật sự là thù địch của Việt Nam?

Trong bối cảnh như vừa kể, tuyên bố của Tướng Lê Chiêm hôm 23 Tháng Sáu trở thành đặc biệt đáng chú ý. Ngoài việc loan báo rằng quân đội “không làm kinh tế nữa,” rằng tất cả các doanh nghiệp của quân đội sẽ được cổ phần hóa, quân đội cũng sẽ rút hết vốn khỏi các liên doanh, viên tướng vừa kể nói thêm, “quỹ đất quốc phòng” tại Sài Gòn rất lớn và “có nhiều vấn đề.”

Bộ Quốc Phòng sẽ “thanh tra toàn bộ đất quốc phòng tại Sài Gòn,” chỉ giữ lại những nơi thật sự cần cho quốc phòng còn không cần thì sẽ giao lại cho chính quyền thành phố Sài Gòn để “phát triển kinh tế.” (G.Đ)

Giáo sư Phạm Minh Hoàng bị bắt, có thể bị trục xuất

MỚI CẬP NHẬT