Sau những lời hứa hẹn, nay là công chuyện khó

Lê Mạnh Hùng

Trong hàng trăm năm, lịch sử là câu chuyện của các người hùng, những người như Napoleon, Elizabeth I, Julius Caesar, Gengis Khan, v.v… Tập trung vào một số cá nhân có tầm mức vỹ đại hơn người thường dễ hấp dẫn người ta hơn trong việc tả lại cuộc hành trình của nhân loại hay của một dân tộc qua thời gian. Không riêng gì các sử gia, các nhà văn và kịch tác gia cũng đã thường xuyên kể lại những câu chuyện về các ông hoàng bà chúa, các vị thánh và những ác quỷ trong bối cảnh hưng suy của quốc gia dân tộc. Như Shakespeare viết trong vở kịch Richard III: “Hãy ngồi xuống đây và nghe kể câu chuyện về cái kết thúc đáng buồn của một vị vua!” (Now let’s us sit down and tell the sad tale of the end of king).

Thế nhưng một cái nhìn chính xác hơn về lịch sử thì thấy những người hùng này cũng giống như những người trượt sóng (surfer) lướt trên ngọn sóng của lịch sử vốn đã có sẵn khi họ xuất hiện. Những ngọn sóng mà những lãnh tụ hiện nay – Putin, Tập Cận Bình, Theresa May và nhất là vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, Donald Trump – đã dùng để cưỡi lên tới thành công chính là phong trào dân túy (populism) thế kỷ thứ 21.

Dân túy là một phong trào vốn đã có từ ngàn xưa. Trong thời đế quốc La Mã, Julius Caesar là một trong những nhà chính trị đã sử dụng cái sức mạnh của tập thể dân thường (plebs) để đánh đổ quyền lực của Viện Trưởng Lão (Senate) La Mã. Dân túy có thể bảo thủ hay cấp tiến, quốc tế hay dân tộc, và nó đã thể hiện như trong phong trào “hippies” tại Mỹ với những học sinh đại học cài hoa trên tóc cũng như dưới hình thức những nguời Mỹ trung lưu trong bộ đồ nghề và cái nón lưỡi trai (baseball cap). Khi một phần đáng kể quần chúng trong một xã hội cảm thấy bị bất mãn, bị bỏ rơi hay không được tôn trọng bởi những người mà họ coi là tầng lớp “thượng lưu” chỉ lo cho quyền lợi của mình thì phong trào dân túy có môt môi trường phì nhiêu để phát triển. Dưới hình thức ôn hòa nó có thể là những than phiền về thuế má và những ràng buộc luật lệ phiền toái, nhưng nó có thể nổ bùng thành một phong trào phản kháng rộng rãi. Tại một quốc gia chuyên chế hay độc tài nó có thể trở thành một phong trào cách mạng, nhưng trong một nước dân chủ người ta dùng lá phiếu để “đuổi đám ăn hại” đi và “mang chính phủ lại cho người dân.”

Mọi chính phủ quả là sớm muộn đều có một vấn đề. Nó bắt đầu một cách khiêm tốn và nhạy bén với những vấn đề của dân. Nhưng với thời gian, nó lớn dần lên và thu hút vào trong đó một tầng lớp càng ngày càng lớn những thư lại, “lobbyist” và những đại diện cho quyền lợi cục bộ vốn biết làm sao kéo các đòn bẩy quyền lực để đạt mục đích của họ. Cái nhà thờ nhỏ nhắn ban đầu dần dà trở thành một một thánh đường khổng lồ với những trang trí phức tạp. Và công việc cũng như sứ mạng của nó dần dà bị những người mà nó có trách nhiệm cai trị và bảo vệ không hiểu và bất mãn. Những hứa hẹn mang trở lại một quá khứ đơn giản hơn đã tìm được một sự cộng hưởng qua những bất mãn đó.

Thế nhưng không một xã hội nào có thể tồn tại trường cửu khi bị điều hành qua một cơ sở “cách mạng” như vậy. Nhà nước hiện đại cần những người hiểu biết, các nhà khoa học tự nhiên và nhân văn, kinh tế gia, những người làm chính sách và một đạo quân các công chức biết được vì sao cần phải có đạo luật 19-409 chẳng hạn và biết làm sao thực thi nó. Đó là vì nhà nước hiện đại cần phải quản lý một nền kinh tế và một xã hội phức tạp, xây dựng hạ tầng cơ sở (đường xá cầu cống), duy trì một lực lượng quân sự (hải lục không quân) với tất cả những trang bị phức tạp của nó, cũng như là dung hòa quyền lợi của các tầng lớp dân chúng.

Thành ra cứ vài chục năm lại có một phong trào dân túy nổi lên và lật đổ trật tự cũ. Nó có thể dẫn đến những hậu quả tồi tệ nhất tỷ như trường hợp cuộc Cách Mạng Văn Hóa tại Trung Quốc làm 30 triệu người chết và hàng trăm triệu người khác còn mang vết thương trong đầu óc và cơ thể. Nhưng nó cũng có thể dẫn tới một hậu quả tốt đẹp tỷ như cuộc Cách Mạng Nhung của Tiệp Khắc dẫn tới một sự giã từ nhẹ nhàng chế độ Cộng Sản tại Tiệp. Khi một phong trào dân túy nổi lên có nghĩa là trong xã hội còn có những người mà tiếng nói và những bất bình của họ còn cần phải được nghe. Nhưng một nhà lãnh đạo khôn ngoan như ông Vaclav Havel có thể trở thành người nói lên những tiếng nói đó và sau đó lùi lại vài buớc và để cho những chưyên gia thực hiện công việc của họ. Như ông Havel vẫn thích đưa ra câu ngạn ngôn của Tiệp Khắc: “Hãy đi theo người nào đi tìm chân lý, nhưng hãy chạy trốn khỏi nhưng ai nói là đã thấy chân lý.”

Tổng thống Donald Trump tuyên bố mở cuộc điều tra bỏ phiếu gian lận

Những người mà đang trượt trên ngọn sóng dân túy hiện nay hứa hẹn sẽ nói lên tiếng nói của đa số trầm lặng. “Tôi là tiếng nói của các bạn” ông Donald Trump hứa hẹn như vậy khi ra tranh cử. Nay thì ông đã chiến thắng. Và bây giờ mới tới lúc khó khăn: làm sao thực hiện những hứa hẹn đó.

Thực tế có nhiều triển vọng sẽ làm cản trở những tham vọng của ông Trump. Chính phủ Mỹ không phải là một chiếc xe đua F1 mà người ta có thể điểu khiển quay vòng 180 độ một cách dễ dàng, mà nó giống như một chiếc tầu chở container khổng lồ trên đại dương có một quán tính to lớn và cần phải nhiều hải lý mới dừng lại được chứ chưa nói để trở đầu.

Hầu hết mọi vị tổng thống Mỹ khi nhậm chức đều muốn có một tác động ngay nhưng nó không dễ dàng như người ta tưởng. Giống như Tổng Thống Harry Truman đã bình luận khi nói về những thay đổi mà tổng thống mới đắc cử Dwight Eisenhower muốn làm khi lên thay thế ông: “Ông tướng sẽ thấy khi ngồi vào Phòng Bầu Dục, không phải ông cứ ra lệnh mà mọi chuyện xảy ra.”