Wednesday, April 24, 2024

Bông súng quê nhà

Tạ Phong Tần

Bông súng là loại cây thân củ mọc ngầm dưới phần đất đáy ao, đầm, phía trên là thân giả vươn lên khỏi mặt nước dài theo chiều sâu của nước, hễ nước càng sâu thì phần thân giả càng dài. Thân giả suông, tròn, chính giữa rỗng, nếu cắt ngang thân giả sẽ thấy có hình giống như cái bông nở sáu cánh và những điểm nhỏ li ti chung quanh như đầu kim may. Trên đầu thân giả mọc ra lá, bông, vươn lên khỏi mặt nước thì nó nở ra thành hình tròn như cái mâm nhỏ màu xanh biếc hoặc là cái bông dập dờn trên mặt nước.

Bông súng có nhiều màu sắc khác nhau. Loại bông súng bự cọng bằng ngón tay, dài cỡ một mét đến mét rưỡi màu nâu tím, bông nở ra màu đỏ cánh sen gần giống như bông sen, nhụy vàng ở giữa, kêu là bông súng Ðà Lạt, cọng và bông lớn nhứt trong các loại bông súng. Bông súng có bông trắng thì cọng chỉ lớn hơn chiếc đũa ăn cơm một chút, bông cũng nhỏ bằng một phần ba bông súng Ðà Lạt, kêu là bông súng ta. Cùng loại với bông súng trắng này có loại cũng nở bông màu trắng tim tím lợt, cũng kêu là bông súng ta luôn.

Lá bông súng cũng có cọng giống y như cọng của bông nhưng không ăn được vì nó dai và chát chát. Người ta lặn xuống ao nhổ cọng bông súng lên tận cái gốc trăng trắng của nó, lấy khoảng chừng năm sáu cọng khoanh lại thành vòng tròn, lấy dây chuối khô cột lại, mỗi cọng trên đầu có cái bông là có thể đem ra chợ bán được rồi. Chợ quê bán đủ loại bông súng. Người đi chợ thích mua bông súng Ðà Lạt hơn vì nó lớn cọng, đỡ tốn nhiều công tước vỏ, phần cọng bên trong giòn rôm rốp, vị ngòn ngọt và mát lạnh trong miệng. Bông súng ta nhỏ cọng, lại không giòn bằng bông súng Ðà Lạt nên ít ai chịu mua, thành ra giá bán rẻ hơn bông súng Ðà Lạt.

Bông súng có bông quanh năm, nhiều nhất là Tháng Giêng đến Tháng Ba âm lịch. Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần bà ngoại hay mẹ tôi đi chợ mua bông súng về ăn là tôi thích lắm, loại nào cũng thích, trắng hay đỏ đều có cái bông để chơi. Lặt hết các cánh bông bên ngoài đi, lộ ra cái trái nhỏ nhỏ, cắt ra bên trong có nhiều hột nhỏ li ti như trứng cá, tụi con nít như tôi rất khoái thứ này, cứ cạp ăn ngon lành.

Năm tôi bảy tám tuổi, ngày nào cũng mò xuống ao đình trầm dưới đó để tắm, lặn sâu xuống đáy ao mò mẫm lén lén nhổ bông súng của ông Từ giữ đình đem về nhà ăn. Biết cách nhổ thì dễ, thấy cái bông nó ở đâu cứ nắm ngay cái bông rồi lần lần lặn xuống tận gốc nhổ lên, nếu không làm vậy nhổ nhằm cọng lá hổng có ăn được.

Phần cọng bông súng sau khi tước vỏ rửa sạch rồi ngắt thành từng khúc dài khoảng ba đến bốn phân để cho ráo nước. Vậy là có thể dọn cơm ra ăn với bông súng chấm mắm sặc kho, cá kho được rồi. Ðơn giản vô cùng mà lại rất ngon. Mắm kho muốn ngon phải kho bằng mắm cá đồng loại mặn trộn thính thơm phức. Mắm kho rất dễ nấu. Lấy khoảng chừng nửa ký mắm sống nấu với nước cho sôi lên, để lửa liu riu thịt cá tan ra nước hết thì lượt bỏ xương cá. Cho thêm sả nguyên cây đập giập giập (cột lại cho gọn), củ ngải bún, cà dái dê cắt khúc, thịt heo ba rọi hay tôm, cá gì cũng được, chút bột ngọt, chút đường vô, nấu cho sôi lên hớt bỏ bọt dơ là xong. “Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì vô Ðồng Tháp ăn cho đã thèm.”

Bông súng. (Hình: Bùi Ánh/Người Việt)
Bông súng. (Hình: Bùi Ánh/Người Việt)

Nếu siêng hơn thì nấu món canh chua cơm mẻ, cá rô đồng với bông súng. Ở quê, nhà nào cũng có hũ cơm mẻ nuôi để trong bếp dùng nấu canh chua hay chế biến nhiều thứ món ăn khác, gần như món nào cũng cần xài cơm mẻ, ăn chơi cũng ăn cơm mẻ. Chỉ cần lấy một tô cơm mẻ đổ nước sôi vô tán cho cơm mẻ tan đều trong nước ra hết chất chua của nó, lượt bỏ cái. Nước cơm mẻ nấu sôi lên bỏ thêm cá đồng, tép đã lột vỏ, gia vị các thứ cho vừa miệng, nấu sôi lên hớt bọt, nhận bông súng vô, rắc thêm rau hành ngò mùi cắt nhỏ lên mặt là có thể múc ra một tô canh chua bông súng ăn với nước mắm dầm ớt hiểm hay chén muối cục đâm ớt hiểm là ngon bá chấy bù chét luôn.

Có thêm tép tươi hay lỗ tai heo luộc xắt mỏng là có thể trộn gỏi bông súng. Làm gỏi cũng không khó, cọng bông súng chẻ làm tư rồi cắt khúc ngắn như nấu canh chua vậy thôi. Pha chén nước trộn gồm nước chanh tươi, nước mắm ngon, đường, ớt bằm, rồi rưới nước gia vị này vô bông súng trộn đều sơ qua, không trộn nhiều quá bông súng bị dập ăn mất ngon. Xong rồi cho ra dĩa bàn lớn, thịt heo xắt miếng mỏng, tôm lột bỏ vỏ để nguyên con xếp lên trên, rắc thêm rau răm, rau mùi xắt nhỏ, đậu phộng rang vàng giã nhỏ vừa phải rắc vô cho thơm trên mặt đĩa bông súng trộn là xong. Vừa đẹp lại vừa ngon.

Hoặc là trộn bông súng với chút giấm, chút đường, chút muối cho nó xèo xuống kêu là bóp xổi. Món này cũng ăn với cá kho, thịt kho mới đúng bài của nó. Gặp khi thắt ngặt trong nhà không có miếng thịt miếng cá nào, chỉ duy nhất món bông súng bóp xổi, không những cũng ăn được với cơm mà còn ăn được rất nhiều cơm, vì nó cũng có đủ vị mặn, ngọt, chua, cay. Có điều ăn như vậy hơi bị mau xót ruột do thiếu chất đạm và chất béo. Nhưng miền quê thời nghèo khó những năm thập niên 70-80 thế kỷ 20, gạo bán theo tiêu chuẩn tem phiếu người lớn được có mười ba ký một tháng, con nít năm ký một tháng, có cơm nóng ăn với bông súng là quá tốt rồi, còn đòi hỏi gì hơn nữa.

Kể ra nhiều món cho thiên hạ thèm nhỏ dãi thôi, chớ những năm sau ngày 30 Tháng Tư 1975 mấy món như bông súng trộn gỏi tai heo, tôm luộc gần như một năm mới ăn được một lần, mà mỗi lần chỉ đủ nhét kẽ răng thôi.

Còn lại thường xuyên ăn canh chua đực chớ làm gì có cá, tôm mà ăn, cái giống gì cũng hợp tác xã hết. Dân miền Tây có cách nói ngộ lắm. Nấu ra nồi canh, những thứ trong nồi như cá, tôm, thịt… thì kêu là cái. Ðứa nào vớt cá, tôm ăn trước sẽ bị chửi: Ðồ cái thứ “ăn không coi nồi, ngồi không coi hướng,” nó ăn trước vớt cái ăn hết, còn lại nước lỉnh bỉnh trong nồi thì ai ăn? Cho nên, nấu canh mà không có cái (tôm, cá) đương nhiên kêu là nấu canh chua đực (không phải cái thì là đực, chẳng lẽ pê-đê?). Canh chua đực nấu cơm mẻ cũng y chang như nấu có tôm, cá vậy thôi, có điều không có con tép, con cá nào, ăn với chén muối đâm ớt hiểm cay xé họng cũng thấy ngon vô cùng. Chắc là tại lúc đó đói quá nên ăn cái gì cũng thấy ngon.

Chợ người Việt ở Nam California, Hoa Kỳ thấy bán rất nhiều loại rau Việt Nam nhưng không thấy có bán bông súng. Mà có bán chưa chắc đã ngon như bông súng trồng dưới ao miền Tây Nam bộ. Tôi đã ăn rau muống, rau cần, rau đắng, rau má… trồng ở Mỹ rồi, khi mua nhìn thấy mập mạp, hấp dẫn lắm mà ăn vô thì mùi vị nhạt nhẽo, không ngon chút nào, nếu nói giống như nhai cỏ thì hơi quá. Nhưng quả thiệt, ngay cả cỏ ở quê tôi, nếu sáng sớm khi sương còn ướt đẫm hai bên vệ đường, mùi cỏ vẫn nồng nàn, ngai ngái, gợi cho tôi cảm giác ngon lành đến phát thèm, dù chưa dám thử ăn cỏ bao giờ.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 15 tháng 3 năm 2017

Hình như cái đất, cái không khí miền Nam đã sản sinh ra từ con cá, con tôm đến tất cả các thứ rau cỏ đều nồng nàn, quyến rũ hương vị đất trời.

MỚI CẬP NHẬT