Tuesday, April 23, 2024

Mỹ đối đầu với Đảng Cộng Sản Trung Quốc

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Tiếp theo hai dự luật về Hồng Kông được lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua và Tổng Thống Trump ký ban hành, ngày 4 Tháng Mười Hai, Hạ Viện Mỹ lại bồi thêm một đòn mới trong quan hệ với Trung Quốc bằng việc thông qua dự luật chống lại tình trạng “giam giữ tùy tiện, tra tấn và quấy rối” người Hồi Giáo Uighur ở Trung Quốc.

Với tỷ lên đồng thuận gần như tuyệt đối dự luật này đã được thông qua với 407 phiếu thuận và 1 phiếu chống tại Hạ Viện.

Điều này, làm cho mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đến mức căng thẳng chưa từng có, lại càng thêm căng thẳng hơn.

Ngay từ khi lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua hai dự luật về Hồng Kông, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bất bình và dọa nạt. Ngoài việc triệu tập đại sứ Mỹ đến để phản đối, những lời lẽ của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các cơ quan truyền thông chính thống của Bắc Kinh đã dùng những lời lẽ đe dọa, thóa mạ nặng nề.

Thế rồi khi Tổng Thống Trump ký ban hành thành luật, phản ứng “mạnh mẽ” của Trung Quốc là không cho tàu hải quân Mỹ cập bến Hồng Kông và cấm một số tổ chức phi chính phủ đến Hồng Kông như Tổ Chức Dân Chủ Quốc Gia, Viện Dân Chủ Quốc Gia Về Các Vấn Đề Quốc Tế, Viện Dân Chủ Quốc Tế, và Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền.

Đánh giá về cái gọi là “trừng phạt trả đũa” của Bắc Kinh, một viên chức quốc phòng Mỹ giấu tên nhấn mạnh: Việc Trung Quốc từ chối cho tàu chiến Mỹ thăm Hồng Kông không có tác động tới các hoạt động quân sự của Mỹ. Nghĩa là những cái gọi là “đòn trả đũa” kia chẳng hề hấn gì với những hoạt động của Hải Quân Mỹ.

Còn các tổ chức dù là phi chính phủ, nhưng cứ dính đến Dân Chủ, Nhân Quyền… là những điều tối kỵ của Trung Quốc thì đã từ lâu ít có cơ hội được đón tiếp tại đây và họ cũng không có nhiều tham vọng hiện diện tại Hoa Lục.

Thật ra, đây chỉ là những động thái tượng trưng như những hành động để “chữa ngượng” khi đã trót to tiếng hăm dọa.

Điều người ta nghĩ đến là Trung Quốc có thể “trả” những “đũa” gì trước những hành động của chính phủ Hoa Kỳ?

Dù rất mạnh miệng trong các tuyên bố, nhưng trong điều kiện hiện nay, liệu Trung Quốc có muốn và dám làm căng thẳng thêm mối quan hệ với Hoa Kỳ hay không?

Tình hình mọi mặt của Trung Quốc gần đây đối diện với những vấn đề nghiêm trọng, ngoài những lý do nội tại do thể chế cộng sản độc tài gây ra, thì một tác động rất lớn là từ cuộc chiến Mỹ-Trung đem lại.

Cuộc chiến với Trung Quốc của Chính phủ Mỹ, mở đầu bằng cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm rưỡi qua, rồi sau đó kéo cả các nước khác cùng tham gia đã gây cho Trung Quốc những sự khốn đốn rõ nét.

Những số liệu do các cơ quan chính phủ Trung Quốc công bố gần đây đã xác nhận nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không dễ vượt qua.

Từ một nền kinh tế có thời kỳ hàng chục năm GDP liên tục tăng trưởng với tốc độ trung bình đến 9.8%, cao hơn 3% so với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của thế giới trong cùng thời kỳ, thì đến quý 3 năm nay, tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm xuống 6% – thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua – và có xu hướng tiếp tục giảm trong quý 4 này.

Chưa hết, một tương lai u ám đang chờ đợi Trung Quốc phía trước, khi mà Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) còn dự báo viễn cảnh tồi tệ hơn: Nếu như 6% là mức đáy trong mục tiêu tăng trưởng cả năm nay, thì đến năm 2020, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 5.8%. Đây là con số sẽ trở thành ác mộng của Trung Quốc.

Nhận xét về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, học giả Nhật Bản Satoru Nagao thuộc Viện Nghiên Cứu Hudson cho rằng: Đó là cách đúng đắn để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bởi như vậy, Mỹ có thể làm cho “Trung Quốc nghèo trở lại.”

Nhiều tham vọng của Trung Quốc như dự án “Một vành đai, một con đường,” kế hoạch “Made in China 2025” đã đều vấp phải sự công phá trực tiếp từ nhiều đối tác khác nhau.

Mới đây, theo báo ABC News (Australia), bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35, Bộ Trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross hôm 5 Tháng Mười Một đã công bố sáng kiến mang tên “Blue Dot Network” (BDN – Mạng lưới Điểm Xanh) với mục đích đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng “bền vững.” Các đơn vị chủ trì dự án này là Tập Ðoàn Đầu Tư Tư Nhân Ngoài Nước (OPIC) của chính phủ Mỹ, Ngân Hàng Hợp Tác Quốc Tế Nhật Bản (JBIC) và Bộ Ngoại Giao-Thương Mại Úc (DFAT).

Nhiều quốc gia từ chỗ phấn khởi tiếp nhận những dự án từ nguồn vốn Trung Quốc trong chuỗi “Một Vành đai, một con đường” đã nhanh chóng nhận ra những mối nguy hiểm và xem xét lại, thậm chí từ chối thẳng thừng các dự án đó.

Đây là câu trả lời cho dự án tham vọng “Vành đai, con đường” mà càng ngày, nhiều nước càng “đọc” được tham vọng của Trung Quốc qua các chiến lược “bẫy nợ” này.

Về mặt đối ngoại, đi kèm với những mâu thuẫn trong quan hệ kinh tế, là những mâu thuẫn trong đối ngoại và bang giao. Nhiều quốc gia xung quanh Trung Quốc và trên thế giới đã nâng cao cảnh giác khi một Trung Quốc trở nên hùng mạnh và không che dấu tham vọng xưng hùng, xưng bá.

Ấn Độ, một quốc gia lớn bên cạnh Trung Quốc, vốn đã có những mâu thuẫn với nhau về đường biên giới, nay lại càng nâng cao cảnh giác hơn đối với các chính sách của Trung Quốc muốn hình thành một chuỗi quan hệ bao vây quanh Ấn Độ.

Nhật Bản, một cường quốc về kinh tế, bị tranh chấp quần đảo với Trung Quốc, đã cho thấy sự ủng hộ của mình với cuộc thương chiến Mỹ-Trung là hoàn toàn tự nhiên khi những cuộc thăm dò gần đây của hai tổ chức là Genron NPO và Pew cho kết quả là 85-90% người Nhật Bản có thái độ cảnh giác và tiêu cực về Trung Quốc.

Mới đây, trong cuộc họp tổ chức 70 năm ngày thành lập NATO, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương này đã ra bản tuyên bố chung, trong đó lần đầu tiên đề cập đến những thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Đó là chưa kể các nước nhỏ mà nhiều khi vì những áp lực khác nhau đã không mạnh mẽ thể hiện thái độ của mình, nhưng không mấy hân hoan tin tưởng vào Bắc Kinh và việc “Làm cho Trung Quốc nghèo trở lại” là điều mà nhiều đất nước đồng thuận.

Việc làm cho Trung Quốc “nghèo trở lại” được nhiều quốc gia và các tổ chức xã hội quan tâm, thậm chí là đồng thuận, nghe có vẻ không phù hợp ở thời đại “đồng tiến” và “cùng chiến thắng” trong quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên, điều này không lạ, bởi chính những hành vi hung hăng, bá quyền nước lớn của Trung Quốc, chèn ép, xâm chiếm lãnh thổ láng giềng, mưu đồ bành trướng lộ rõ ràng khắp thế giới khi “trong tay có sẵn đồng tiền.”

Đồng thời, chính thái độ “kiêu ngạo Cộng Sản” đã đưa đến việc Trung Quốc bộc lộ quá sớm những tham vọng của mình.

Những tham vọng và ý đồ bẩn thỉu đó của Trung Quốc đã làm cho nhiều nước cảnh giác. Chính những hành động khuất tất, cách hành xử không đàng hoàng trong làm ăn và quan hệ quốc tế đã đưa Trung Quốc đến chỗ bị tẩy chay nhiều nơi sau một quá trình dài cố gắng vươn ra khắp thế giới.

Với dự luật vừa được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua liên quan đến người Hồi Giáo Uighur ở Trung Quốc, một lần nữa, Hoa Kỳ quyết tâm tấn công vào những tử huyệt của Trung Quốc: Nhân quyền và chính sách tàn bạo của Bắc Kinh đối với người dân Hoa Lục, nhất là các vũng lãnh thổ bị Trung Quốc chiếm đóng.

Thực chất, đây là cuộc chiến đối đầu với đảng Cộng Sản Trung Quốc, hiện là lực lượng độc tài nắm giữ tuyệt đối mọi quyền sinh, quyền sát đối với đất nước này.

Mới đây, nhân kỷ niệm 30 năm bức tường Berlin sụp đổ, hôm 8 Tháng Mười Một, Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng: “Tại Trung Quốc, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang định hình một cái nhìn mới về chế độ toàn trị, một thứ mà thế giới chưa từng chứng kiến trong một thời gian rất lâu rồi.”

Thế giới cần giúp đỡ cho người dân Trung Quốc sớm thoát khỏi tai họa này. (J.B Nguyễn Hữu Vinh)

MỚI CẬP NHẬT