Friday, April 19, 2024

Mỹ-Trung ‘chia ly’ vì đại dịch COVID-19

Hiếu Chân/Người Việt

Nếu ví von quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc như một cuộc hôn nhân thì trong những ngày này mối lương duyên kéo dài 48 năm này bắt đầu có dấu hiệu tan vỡ, đem lại đau khổ và mất mát cho cả đôi bên.

Chuyện cơm không lành canh không ngọt khởi đầu từ một cuộc thương chiến tới nay vẫn chưa ngã ngũ, và lên cao trào từ khi đại dịch COVID-19, khởi phát từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tràn vào Hoa Kỳ gây bao đau thương, chết chóc, tính đến đầu tuần này đã cướp đi mạng sống của hơn 71,000 người Mỹ và làm tê liệt toàn bộ nền kinh tế với số người xin trợ cấp thất nghiệp lên tới hơn 30 triệu người!

Sau thời gian đầu “yên tâm” với những thông tin của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ bắt đầu bực mình, và trước những lời chỉ trích ở trong nước về cách ứng phó lúng túng, kém hiệu quả, chính phủ Hoa Kỳ chĩa mũi dùi vào Trung Quốc, tố cáo Bắc Kinh giấu diếm thông tin về dịch bệnh và gây tổn thất nặng nề cho toàn thế giới.

Tuy không đưa ra bằng chứng cụ thể, các giới chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ, từ Ngoại Trưởng Mike Pompeo đến Tổng Thống Donald Trump đều nói không úp mở rằng căn nguyên của dịch là một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Con virus chết chóc đã từ đó phát tán ra quốc đồng dân cư, do “một sai lầm khủng khiếp,” như lời ông Trump, hay “có rất nhiều bằng chứng” về giả thuyết đó, như lời ông Pompeo. Rải rác đã có những đề nghị đòi Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm, phải bồi thường với mức $10 triệu cho một nhân mạng tử vong vì dịch.

Trung Quốc cũng không chịu lép vế, miếng bấc ném đi thì hòn chì ném lại. Lo sợ một hậu quả khủng khiếp nếu bị buộc tội gây ra đại dịch, Bắc Kinh một mặt bịt hết các đầu mối thông tin, xóa dấu vết căn nguyên của dịch, mặt khác thực hiện một chiến dịch tuyên truyền tổng lực trên toàn thế giới đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc như một quốc gia nhân hậu thông qua những hoạt động “ngoại giao khẩu trang” được quảng bá ầm ĩ. Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng từ thủ đoạn gắp lửa bỏ tay người như cho guồng máy ngoại giao tung tin đồn COVID-19 do quân đội Hoa Kỳ mang tới Vũ Hán, đến đe dọa dùng áp lực kinh tế để uốn nắn những chính phủ cứng đầu – như Úc – không chịu nghe theo họ.

Người dân ở cả hai nước cũng bị lôi vào cuộc chiến. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới đây của trung tâm nghiên cứu Pew Research ghi nhận có tới 66% dân Mỹ bây giờ nhìn Trung Quốc bằng con mắt không thiện cảm, tăng 6% so với cuộc khảo sát mùa Hè năm ngoái và ở mức tiêu cực nhất trong 15 năm qua. Tâm lý ghét Trung Quốc không chỉ có ở những người theo đảng Cộng Hòa, tuổi trên 50 và có trình độ cử nhân trở lên như trước mà có cả ở những cử tri Dân Chủ trẻ tuổi, ở những người chưa qua đại học.

Người Trung Quốc cũng vậy. Sau khi chủ nghĩa Marxist mất sức hấp dẫn, Bắc Kinh tập trung khai thác chủ nghĩa dân tộc, gieo vào đầu óc dân chúng một “Trung Hoa Mộng,” mà cốt lõi là cuộc sống sung túc cho cá nhân và vị thế siêu cường cho Trung Quốc, trả thù và gột rửa “một thế kỷ ô nhục” trong đó Trung Hoa bị các cường quốc áp bức và khinh miệt. Trong nền giáo dục nặng về hận thù như vậy, người Trung Quốc từ già đến trẻ đều nhìn Hoa Kỳ như một thế lực đế quốc ác ôn, luôn tìm mọi cách để ngăn chặn sự phát triển chính đáng của đất nước họ. Đại dịch COVID-19 cùng những lời buộc tội liên tục từ phía Mỹ càng làm cho Bắc Kinh ra sức thổi bùng ngọn lửa chống Mỹ trong tâm lý người dân xứ này.

Xem ra, Mỹ và Trung Quốc khó mà hòa thuận trong thời kỳ hậu COVID-19, cuộc hôn nhân khó khăn này có lẽ sớm đổ vỡ.

Nhưng hậu quả của cuộc chia tay sẽ rất bi thảm cho cả hai bên, và cả thế giới nữa.

Trung Quốc chắn chắn sẽ thiệt hại. Về thương mại, Trung Quốc sẽ mất đi thị trường tiêu thụ lớn nhất, mất luôn quyền tiếp cận các sản phẩm công nghệ Mỹ cần thiết cho nền sản xuất của họ. Trường hợp tập đoàn công nghệ Hoa Vi (Huawei) là mô hình thu nhỏ của kinh tế Trung Quốc khi bị bứt ra khỏi thị trường Mỹ. Nhưng cũng như Huawei, Trung Quốc không lo lắng nhiều. Không bán được hàng vào Mỹ, họ sẽ bán cho rất nhiều nước khác, cho các “con nợ” trên “Nhất Lộ Nhất Đới” trải dài từ Đông Á đến tận Châu Âu và Châu Phi. Không tiếp cận được công nghệ mới thì họ sẽ “ăn cắp” – xưa nay Trung Quốc vẫn là bậc thầy về ăn cắp công nghệ rồi.

Hoa Kỳ cũng thiệt hại không kém, trước tiên là mất đi một nguồn khổng lồ cung cấp hàng hóa tiêu dùng giá rẻ cho các hệ thống siêu thị từ Wal-Mart, Dollar General cho đến Costco và Best Buy – nguồn hàng thiết yếu cho bộ phận người lao động có thu nhập không cao. Các nông gia và nhà công nghiệp Mỹ cũng mất một khách hàng lớn, Trung Quốc là thị trường xuất cảng lớn thứ ba và tăng trưởng nhanh nhất của Hoa Kỳ.

Có người lo lắng, mất quan hệ với Trung Quốc thì Hoa Kỳ mất cái ngân hàng vẫn thường cho Mỹ vay tiền qua việc mua trái phiếu do Bộ Tài Chính phát hành. Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn thứ hai, nắm giữ khoảng $1,200 tỷ trái phiếu, mà Hoa Kỳ đang cần vay thêm nhiều tiền để tài trợ cho các chương trình hỗ trợ kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trị giá nhiều ngàn tỷ đô la mà Quốc Hội mới đề ra. Nhưng lo như thế hơi xa, không có mợ chợ vẫn đông, trái phiếu chính phủ Mỹ là mối đầu tư an toàn, dù tiền lời không cao nhưng hầu như không rủi ro, nên không lo ế.

Đáng lo hơn là hậu quả cuộc ly hôn Trung Quốc-Hoa Kỳ không chỉ gây thiệt hại trong lĩnh vực kinh tế mà việc dịch chuyển cán cân quyền lực từ cạnh trang sang đối đầu có nguy cơ đẩy thế giới vào một cuộc chiến tranh lạnh nữa, giữa “thế giới tự do” và liên minh các nền độc tài mới mà Trung Quốc là trung tâm.

Có cách nào thoát ra khỏi cuộc chia tay định mệnh này không? Trong nguy có cơ, đại dịch COVID-19 gieo mầm phân rã Trung Quốc và Hoa Kỳ nhưng cũng giúp thế giới nhận ra mối hiểm nguy của “Pax Sinica” (nền hòa bình kiểu Trung Quốc).

Thủ Tướng Scott Morrison của Úc đề nghị điều tra việc Trung Quốc ứng phó với dịch. Người phụ trách đối ngoại của Liên Âu, ông Josep Borrell, cay đắng nói với báo Pháp Le Journal du Dimanche hôm Chủ Nhật, 4 Tháng Năm, rằng Châu Âu “đã quá ngây thơ” trong quan hệ với Trung Quốc và sẽ có chính sách thực tế hơn.

Nhiều quốc gia, tan nát vì đại dịch, cũng có thể có cảm giác tương tự.

Nếu Hoa Kỳ tập hợp được một lực lượng quốc tế đủ mạnh, gây một sức ép đủ lớn để buộc Bắc Kinh phải minh bạch về căn nguyên của đại dịch và có hành động khôi phục lòng tin của quốc đồng thế giới thì vẫn còn khả năng tránh được một chia ly trong cay đắng giữa hai cường quốc.

Vẫn chưa quá trễ để Chủ Tịch Tập Cận Bình và Tổng Thống Donald Trump nhận ra rằng, việc đổ vấy cho nhau nhân danh niềm tự hào dân tộc là rất viển vông so với những tổn hại thực tế mà cuộc đối đầu giữa các siêu cường sẽ sinh ra.

Hãy nắm lấy cơ hội hòa giải! (đ.d.)

MỚI CẬP NHẬT