Những dữ kiện lịch sử về Hoàng Sa và Trường Sa

Phạm Phong Dinh

Sách sử thế kỷ thứ 19 đã ghi lại rành rành những sự kiện như sau, mà đã chứng minh chủ quyền của Việt Nam, rồi hai nền cộng hòa của nước Việt Nam Cộng Hòa đã kế thừa chủ quyền này trên Hoàng Sa và Trường Sa. Hãy lấy một đoạn ký sự của chính người Trung Hoa nói về Trường Sa. Trong bộ Hải Ngoại Ký Sự của Thích Đại Sán, một hòa thượng thời Khang Hy nhà Thanh đã chu du đến tận đất Thuận Hóa dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Chu ngày 13 Tháng Ba 1695. Chúa Nguyễn đã nhờ vị quốc cựu (cha vợ Chúa) cùng hai hòa thượng Đàng Trong (thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, phần đất dưới quyền chúa Trịnh gọi là Đàng Ngoài) tiếp đón nhà tu Trung Hoa rất trang trọng. Thích Đại Sán đã diễn tả hệ thống canh phòng các cửa biển của Thủy Quân Việt Nam rất chặt chẽ, cơ quan thuế vụ giao dịch với thương buôn ngoại quốc được tổ chức rất chu đáo và giản tiện. Hòa Thượng Thích Đại Sán đã được mời cùng đi với Thủy Quân Việt Nam ra thăm đảo Trường Sa. Kỹ thuật đi thuyền của quân ta rất lợi hại trên vùng biển đầy bão tố và xa nghìn dặm, đã được nhà du hành kể lại như sau :

Qua ngày 30, đánh thanh la nhổ neo, mấy mươi chiếc thuyền đánh cá ra cửa biển. Đầu thuyền ngồi một vị quan, dưới thuyền đứng một người cầm lái, giữa thuyền sáu mươi bốn người lính đứng chèo, giữa khoang thuyền có bốn cọc nạng sơn son, trên bắc ngang một cây mõ gỗ. Một người lính gõ mõ làm nhịp cho những người đứng chèo, miệng hò lơ, chân dậm ván, đều răm rắp theo nhịp mõ chẳng chút đơn sai. Thuyền dài mà hẹp như hình long chu, mũi cất cao, đuôi thuyền sơn đỏ, giữa không thấy để bếp nấu, thầm nghĩ bao nhiêu người sẽ ăn uống vào đâu.

Gió Nam thổi dịu dần, thuyền chạy dát tới dát lui chẳng tiến được bao nhiêu. Bỗng chốc mưa lớn, gió bấc thổi mạnh, thế không chạy tới được, cả thuyền lo ngại vì quãng đường đến Trường Sa. Ta khoác y vào niệm chú. Hồi lâu, phía Đông Nam một trận gió bão nổi lên, đêm tối mịt mù, ngửa bàn tay không thấy. Mọi người đều sảng hồn, mường tượng trông thấy rồng bay phượng múa hai bên thuyền. Ước chừng một canh, rồng bay đi. Khoảng đường gió Bắc thổi đi nãy giờ, trong giây phút đã thấy thuyền trở lại chỗ cũ. Sau cơn mưa, màu trời sắc biển suốt gần xa, đến đây lòng về đã nguội lạnh hết vậy. Sáng ngày, mây tạnh trời quang, xa xa trông thấy ngấn núi, cách chừng vài mươi dặm. Theo gió xuôi vào sơn cảng, người trong thuyền đánh trống tạ thần, đều giơ tay lên trán nói rằng: “Thực là sống sót.

Dĩ nhiên cuộc sống sót của chiếc thuyền chắc chắn không phải là do thần thông của hòa thượng, mà nhờ vào kinh nghiệm đi biển, lòng gan dạ và tài lái thuyền của quân dân Đại Việt. Những đoạn ký sự đi biển của nhà tu Trung Hoa đã chứng minh rằng từ thời Chúa Nguyễn, Trường Sa đã thuộc về nước Nam, mà chính thuyền của người Đại Việt đã đưa ông ta ra đó. Đến triều Nguyễn, kế thừa chủ quyền của tổ tiên dòng Chúa Nguyễn, rất nhiều văn kiện ngoại quốc đã nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa. Hãy lấy một đoạn ký sự của Đức Giám Mục Taberd thời vua Gia Long:

Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ 34 năm nay quần đảo Paracels mà người An Nam gọi là Cát Vàng (Hoàng Sa) gồm có rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát, khiến cho kẻ đi biển rất e ngại, đã được người Việt xứ Đàng Trong chiếm  cứ. Chúng tôi không rõ họ có thiết lập một cơ sở nào tại đó không, nhưng có điều chắc chắn là Hoàng Đế Gia Long đã quan tâm muốn trang sức thêm vương miện của ngài bằng bông hoa đó, nên chi ngài đã xét cần phải đích thân ngự giá đi chiếm hữu đảo này, và vào năm 1816, ngài đã long trọng cho thượng Quốc Kỳ xứ Đàng Trong ở đó.

Trước Giám Mục Taberd ít lâu, ông J.B. Chagneau cũng đã có ghi chép trong cuốn Mémoire sur la Cochinchine (Hồi Ký Về Xứ Đông Dương), rằng đương kim hoàng đế, tức là vua Gia Long, đã chính thức chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa và là vị vua Nguyễn đàu tiên cho thành lập Đội Hoàng Sa. Một vị hoàng đế tấm thân vạn thặng như vậy, đáng lẽ ngài chỉ sai một quan đại thần là đủ, vua Gia Long đã không ngại hải trình thiên lý, đã ngự giá ra tới vùng đảo hoang vu quanh năm sóng gầm để cắm lá Quốc Kỳ Việt Nam trên đó. Là một chiến tướng xông pha trăm trận và từng ngược xuôi trên khắp nẽo đại dương, vua Gia Long nào có xem những con sóng dữ biển Đông ra gì đâu. Công lao dựng nước và mở mang bờ cõi của tiền nhân chúng ta vĩ đại, cao cả và lao nhọc đến như vậy, mà bầy ngạ quỷ Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng cùng bọn Cộng Sản Hà Nội, một lũ đớn hèn khiếp nhược, chỉ với một tờ giấy lộn ký ngày 14 Tháng Chín 1958, đã dâng Hoàng Sa, Trường Sa rất dễ dàng và vô điều kiện cho ông thầy của chúng nó là Trung Cộng. Mà nào Hoàng Sa, Trường Sa có phải thuộc chủ quyền của lũ chúng nó đâu. Hiệp Định Geneva ngày 20 Tháng Bảy 1954, quy định những phần đất ở phía Nam vĩ tuyến 17 thuộc quyền bảo vệ của Việt Nam Cộng Hòa. Bản Hiệp Ước Pháp-Thanh ký tại Bắc Kinh ngày 26 Tháng Sáu 1887 có vài điều khoản liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa như sau:

Bản hiệp ước này không hề đề cập tới việc phân định địa giới theo nghĩa rộng giữa Trung Quốc và Việt Nam, nhưng chỉ có liên quan tới việc phân định địa giới giữa tỉnh Quảng Đông và Bắc Việt, cùng những hòn đảo nằm trong Vịnh Bắc Việt ở vào khoảng giữa đảo Hải Nam với duyên hải Bắc Việt và Quảng Đông.

Do đó không thể được viện dẫn để áp dụng cho trường hợp quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vốn không thuộc lãnh hải Bắc Việt, mà thuộc lãnh hải Trung Việt và Nam Việt.

Hiệp Ước Thiên Tân trước đó ký ngày 18 Tháng Năm 1884 giữa Pháp và Trung Hoa, Trung Hoa đã ký nhận từ bỏ quyền “thiên triều” hữu danh vô thực từ xưa đối với Việt Nam, cam kết tôn trọng những hiệp ước Pháp-Việt sau đó. Ngày 6 Tháng Sáu 1884, Hòa Ước Patenôtre ký kết tại Huế trong một buổi lễ phá bỏ ấn tín của Thanh triều Trung Quốc. Kể từ thời điểm này, các toàn quyền Pháp ở Việt Nam đã lần lượt cho thiếp lập hải đăng trên đảo Hoàng Sa, liên tục cử nhiều đoàn khảo sát khoa học, dân sự và quân sự khác nhau lên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một văn kiện quan trọng bậc nhất xác định chủ quyền Việt Nam trên những quần đảo này là Hiệp Định Việt-Pháp ngày 8 Tháng Ba 1949, trong đó Pháp chính thức công nhận nền độc lập và thống nhất của quốc gia Việt Nam, Quốc Trưởng Bảo Đại là vị lãnh đạo chính danh thứ nhất của nước Việt Nam độc lập. Từ đó, Việt Nam có đầy đủ tư cách để tự bảo vệ trên bình diện ngoại giao chủ quyền của mình trên tất cả hải đảo, bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 7 Tháng Chín 1951, Hội Nghị Quốc Tế San Francisco với 51 nước đã long trọng ký bản tuyên bố xác nhận chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về quốc gia Việt Nam. Trung Cộng và Trung Hoa Quốc Gia (Đài Loan) biết trước là sẽ chẳng được sơ múi gì, đã tuyên bố “tẩy chay” không tham dự hội nghị, cho đỡ mất mặt vậy thôi.

Từ năm 1954 cho đến ngày 30 Tháng Tư 1975, Việt Nam Cộng Hòa luôn thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền Việt Nam. Năm 1956, Hải Quân Việt Nam đã thay thế hẳn Hải Quân Pháp chịu trách nhiệm trú đóng và gìn giữ các hải đảo phía Nam vĩ tuyến 17. Thủy Quân Lục Chiến, Địa Phương Quân, chuyên viên khí tượng và hải dương học Việt Nam Cộng Hòa đã thường xuyên đồn trú và thực hiện những công tác chuyên môn trên Hoàng Sa và Trường Sa.

Cờ Vàng Đại Nghĩa Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa

Tháng Tám 1956, Hải Quân Việt Nam đã gửi chiến hạm đến đổ bộ lên các đảo thuộc Trường Sa thượng Quốc Kỳ Vàng Ba Sọc Đỏ và dựng bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa, để tỏ ý chí của quân dân Việt Nam Cộng Hòa nhất quyết bảo vệ Trường Sa trước những yêu sách vô lý ngang ngược của Trung Cộng, Đài Loan và Phi Luật Tân. Trong thời điểm đó, mặc dù Hải Quân Việt Nam chỉ có một số tàu cũ của Pháp để lại, nhưng thái độ rất cứng rắn của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đủ để cho những nước này nhợn mặt không dám làm hỗn. Dù vậy, năm 1959, Trung Cộng thử  trắc nghiệm phản ứng của Việt Nam khi cho nhiều tàu “đánh cá” xâm nhập các đảo Hữu Nhật, Quang Hòa, Duy Mộng. Hải Quân Việt Nam bắt ngay 80 “ngư phủ” Trung Cộng, giam giữ một thời gian và phóng thích chúng.

Ngày 13 Tháng Bảy 1961, do Sắc Lệnh số 174 – NK của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm, quần đảo Hoàng Sa đã được đặt trực thuộc tỉnh Quảng Nam, thay vì tỉnh Thừa Thiên, mang tên chung là xã Định Hải, quận Hòa Vang. Ngày 21 Tháng Mười 1969, do Sắc Lệnh số 709 – BNV/HC của Thủ Tướng Chính Phủ, xã Định Hải được sáp nhập làm một với xã Hòa Long, cũng thuộc quận Hòa Vang. Năm 1973, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký sắc lệnh đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc quản hạt hành chánh của tỉnh Phước Tuy.

Những cuộc hải chiến

Hải Quân Việt Nam dưới sự giúp đỡ của đồng minh Hoa Kỳ đã lớn mạnh vượt bậc, được xếp hàng thứ 9 trong những lực lượng hải quân mạnh nất thế giới. Cho đến thời điểm từ năm 1972 trở đi, con số chiến sĩ chiến đấu trên khắp vùng sông rạch, kinh đào, cận duyên và đại dương đã lên đến hơn 40 ngàn người. Những chiến hạm Hải Quân ngày đêm tuần tra hải phận Việt Nam ngăn chận sự xâm nhập đổ người và tiếp liệu của tàu Bắc Việt vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa bằng đường biển. Để hỗ trợ cho công tác tuần phòng của Hải Quân, các phi cơ của Không Quân Việt Nam và Hoa Kỳ đã được sử dụng để khám phá và thông báo kịp thời những tàu lạ khả nghi.

Vây bắt tàu Bắc Việt ngày 29 Tháng Hai 1968

Khoảng 19 giờ 30 ngày 29 Tháng Hai 1968, phi cơ không tuần báo cáo có ba chiếc tàu lạ xuất hiện trong hải phận Nha Trang và Đà Nẵng. Bộ Chỉ Huy Vùng II Duyên Hải liền điều động các lực lượng thuộc Duyên Đoàn 21, 25, 27, 28 cùng các chiến đĩnh PCF Hoa Kỳ, các chiến hạm HQ 11, HQ 12, HQ 617 tuần tra những vùng tình nghi địch xâm nhập và ngăn chận các tàu lạ.

Theo lệnh Hải Quân Thiếu Tá Phạm Mạnh Khuê, chỉ huy trưởng Hải Quân Vùng II, tất cả chiến hạm và ghe đều phải âm thầm theo dõi những con tàu lạ và không được chớp đèn khi hải hành. Không biết rằng vòng vây đang dần khép chặt, ba chiếc tài lạ vẫn từ từ tiến vào hải phận Việt Nam. Chiếc thứ nhất đâm thẳng vào bờ với vận tốc 8 gút (1 gút = 1,852 mét), nhưng đến 1 giờ sáng ngày 1 Tháng Ba 1968, đột nhiên nó quay đầu chạy về hướng Bắc, sau một đêm lảng vảng ngoài hải phận quốc tế. Chiếc thứ hai vận tốc 9 gút đi theo hướng 320 độ có vẻ muốn xâm nhập vùng biển Phổ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, đã bị Hải Quân Việt-Mỹ thuộc Vùng I Duyên Hải chận bắt. Chiếc thứ ba vận tốc 12 gút, đâm thẳng vào bờ lúc 22 giờ 30 đêm 29 Tháng Hai 1968, cách Hòn Hèo 13 hải lý, nghĩa là vẫn còn nằm trong hải phận quốc tế. Những radar quan sát của Hải Quân tiếp tục bám sát hướng di chuyển của những con tàu này. Đến nửa khuya rạng ngày 1 Tháng Ba 1968, chiếc tàu thứ ba đã vào đến hải phận Việt Nam Cộng Hòa.

Tất cả những chiến hạm đang theo dõi đều được lệnh phải bám thật sát những hoạt động của những con tàu lạ, những ghe của các Duyên Đoàn 21, 25, 27, 28 di chuyển gần bờ biển bố trí thành một hàng rào cản từ bờ biển Mũi Cơ, Mũi Bãi Chướng đến Mũi Cây Bàng sẵn sàng đánh địch. Gần 1 giờ khuya, những ghe của Duyên Đoàn 25 đã khéo léo di chuyển đến cách con tàu lạ chừng 300 thước, cách Mũi Cơ ngoài khơi chừng một cây số. Tàu địch không phát giác được tàu Duyên Đoàn 25 vì tối trời và quân ta đã không thắp đèn hiệu. Đến 1 giờ 36 phút chúng vẫn ung dung tiến thẳng vào Bãi Cây Bàng, cách Nha Trang độ 20 cây số. Đến đây thì Hải Quân Vùng II Duyên Hải đã có thể kết luận, chúng là những chiếc tàu của Cộng Sản Bắc Việt lén lút chở vũ khí, tiếp liệu cho binh đội của chúng trên đất liền. Cuộc xâm nhập này đã được thực hiện một thời gian ngắn ngay sau khi tiếng súng Mậu Thân đã vừa tàn trên khắp miền Nam. Có lẽ Hà Nội muốn bù đắp phần nào thiệt hại tiếp liệu quân sự quá nặng nề của quân cộng ở Vùng II. Chúng phải liều lĩnh cho tàu xâm nhập vào mọi chỗ có thể được, mà không thể ngờ rằng máy móc phát giác và các phi tuần quan sát đã phát hiện được chúng từ lâu.

Tàu lạ vừa giảm tốc lực tìm chỗ cặp vào, thì tất cả  những chiến hạm, ghe Duyên Đoàn đều đã cùng bật đèn chiếu thẳng đến, ánh sáng hừng lên cả một vùng biển. Chiếc tàu lạ lắc lư theo những đợt sóng, bọn thủy thủ kinh hoàng trước những ánh đèn pha sáng chói từ các chiến hạm. Hỏa châu từ các con tàu cũng đã được bắn lên đầy trời đêm. Với ý định bắt sống tàu địch nguyên vẹn, nên các đơn vị tham dự chỉ được lệnh tác xạ bằng những loại súng nhỏ từ 12 ly trở xuống. Đánh phủ đầu không cho quân địch “lên tiếng” trước, những ổ súng của lực lượng vây bắt đã nỗ dòn dã vào con mồi. Chiếc tàu Bắc Việt trong giây phút đã trở thành cái bia nhắm cho những loại đạn tấn công của Hải Quân. Để ngăn chận thủy thủ địch trốn chạy lên bờ, đại bác trên các HQ đã trải một loạt thảm đạn dọc theo bờ biển. Đột nhiên từ bên trong nội địa, nhiều loạt đạn trung liên, súng cối 60 ly và B40 đã bắn trả ra ngoài khơi dữ dội và quyết liệt không kém. Như vậy là đã có một lực lượng cộng quân đã nằm chờ sẵn, có lẽ là để vận chuyển hàng. Với hỏa lực hùng đó, Bộ Chỉ Huy Vùng II Duyên Hải đã ước lượng phải đến một đại đội địch. Tàu địch nhận được hỏa lực yểm trợ của bộ binh, chúng liền nổ súng vào lực lượng Duyên Đoàn với hy vọng mở một con đường máu vượt thoát. Nhưng thoát làm sao nỗi trong cái lưới đã đan kín.

Cuộc hải chiến và hải-bộ chiến giữa quân ta và quân địch kéo dài đến 7 giờ sáng, thì súng địch trên bờ đã hoàn toàn ngừng hẳn. Chiếc tàu địch trúng nhiều đạn của Hải Quân đang chìm dần xuống, chỉ còn một nửa thân nhô lên khỏi mặt nước. Một đại đội xung kích Hải Quân nhanh chóng đổ bộ lục soát và truy kích địch. Các chiến sĩ xung kích đã tìm thấy 9 xác cộng quân nằm rải rác trên bờ. Trong khi đó thì những toán Người Nhái của Hải Quân đã leo lên con tàu thám sát và phát hiện 5 thủy thủ địch đã chết. Con tàu sắt Bắc Việt dài 60 thước, rộng 5 thước, trọng tải 600 tấn, có trang bị 2 đại liên phòng không 14 ly 5 và radar. Con tàu này có hình dáng rất giống các chiếc tàu Bắc Việt bị bắn hạ tại Vũng Rô, Ba Động trong những năm trước, nhưng kích thước lớn hơn nhiều, chứng tỏ cộng sản muốn đổ nhiều tiếp liệu hơn trong một chuyến đi. Tất cả số tiếp liệu khá lớn  trên tàu đã được bốc lên bờ và được liệt kê như sau:

-67 vũ khí đủ loại : 36 súng B40, 28 súng AK47, 3 đại liên phòng không 14 ly 5 và 2 nòng.

-26 thùng đạn B40, 2 thùng đạn B41, 1 thùng đạn súng cối 81 ly, 3 thùng dược phẫm chế tạo tại Đông Đức và Trung cộng.

-50 tấn đạn dược và hàng ngàn vũ khí bị phá hủy.

Ba năm trước, ngày 16 Tháng Hai 1965, tại Vũng Rô, thuộc vùng bờ biển tỉnh Phú Yên, cách Tuy Hòa 30 cây số về hướng Đông Nam,Hải Quân Việt Nam cũng đã phát hiện một cuộc xâm nhập của tàu cộng sản. Không Quân Việt Nam được điều đến oanh kích hủy diệt ngay chiếc tàu. Các đơn vị Bộ Binh đã mở cuộc hành quân tảo thanh và bình định Vũng Rô. Sau những cuộc lục soát, quân ta đã khám phá được 12 hầm chôn dấu vũ khí. Như vậy là chiếc tàu địch đã chất hàng xong, chuẩn bị trở ra khơi đào tẩu thì đã bị phát hiện và bị tiêu diệt. Đúng với cái tên của nó, Vũng Rô là một vụng biển ăn sâu vào đất liền, tiếp giáp với những dãy núi cao, rậm rạp và rất hiểm trở, từ đó quân du kích hay chủ lực địa phương Việt cộng có thể ẩn núp kín đáo và an toàn. Một dãi cát hẹp gần vách núi rất thuận tiện cho việc xuống hàng và tẩu tán hàng nhanh chóng. Hàng ngàn khẩu súng và nhiều tài liệu quan trọng tịch thu được, cho thấy âm mưu dấy động chiến tranh của Hà Nội trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, mà chúng vẫn thường chối bai bải là do “nhân dân” Miền Nam nổi dậy. Những thùng đạn in chữ Trung Hoa, Liên Sô và khối Đông Âu là chứng cớ rõ ràng giúp cho Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến lập biên bản. Sự kiện Vũng Rô hay Hòn Hèo, Bãi Chướng, Nha Trang chứng tỏ rằng cuộc chiến tranh xâm lược này do chính khối cộng sản quốc tế yểm trợ, nói chính xác hơn, chủ động, mà đạo quân xung kích của chúng là binh đội Cộng Sản Bắc Việt.

Chiến công của HQ 4 Trần Khánh Dư ngày 24 Tháng Tư 1972

Với một chiều dài bờ biển từ Cửa Việt đến tận Mũi Cà Mau đến 2,000 cây số, hàng trăm ghe thuyền và chiến hạm của Hải Quân Việt Nam đã luôn luôn tuần tra nghiêm nhặt bảo vệ hải phận. Nhưng cũng có nhiều lúc những tàu xâm nhập Bắc Việt cũng đã tìm thấy những kẻ hở ở những thời điểm thích hợp và đã lọt vào bên trong. Đã có nhiều tàu bị bắt sống hay bắn hạ, nhưng Hà Nội vẫn cứ tiếp tục cho tàu tiếp liệu võ khí đạn dược lén lút cặp vào những vụng biển hoang vắng nhất, từ đó du kích hay bộ đội nhanh chóng tiếp nhận, chôn dấu hay phân phối hàng cho các đơn vị có nhu cầu. Chiến sĩ Hải Quân Việt Nam trên tàu, ghe, chiến hạm đã phải rất vất vả ngày lẫn đêm truy lùng tàu địch. Một chiếc lọt lưới, có nghĩa là đồng đội Bộ Binh của các anh càng nguy nan hơn trên chiến trường. Những nỗ lực này đã mang đến nhiều thành quả quan trọng, mà đã giảm nhẹ phần nào nỗi chết chóc cho các chiến sĩ Bộ Binh trên đất liền.

Lúc 10 giờ 19 sáng ngày 24 Tháng Tư 1972, trong lúc bốn quân khu đang chìm ngập trong cơn bão lửa của cuộc tổng tấn công mùa Hè 1972, Hải Quân Việt Nam đã lập công lớn khi bắn chìm một tàu tiếp tế của Cộng Sản Bắc Việt và tóm trọn thủy thủ đoàn trong vùng biển Phú Quốc. Khi con tàu địch còn lảng vảng ngoài hải phận quốc tế, thì Hải Quân Việt Nam đã phát hiện được nó và theo dõi nhiều ngày. Chiếc tàu Bắc Việt không hề biết rằng chúng đang bị bám sát, đã thản nhiên lấy hướng tiến vào vùng biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ngày 23 Tháng Tư 1972 tàu HQ 4 Trần Khánh Dư, mà hai năm sau sẽ bắn chìm một chiến hạm Kronstadt của Trung Cộng trong cuộc hải chiến Hoàng Sa, nhận lệnh truy bắt tàu giặc. Khi quan sát thấy chiếc HQ 4 lừng lững xuất hiện và bám sát, bọn trên tàu biết đã bị lộ, chúng chỉ còn có mỗi việc là hối hả quày tàu chạy trốn. Nhưng đã quá muộn, chiếc khu trục hạm Trần Khánh Dư đã chận đường ra biển mất rồi. Dù vậy, HQ 4 vẫn nhận được lệnh từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam phải hết sức kiên nhẫn, dùng mọi cách bắt tàu này xưng danh hiệu, kéo quốc kỳ và đổi hướng theo chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa về căn cứ, theo đúng thể thức quốc tế về việc bắt giữ những tàu thuyền xâm nhập hải phận một quốc gia.

Cuộc rượt bắt và cưỡng chế tàu lạ diễn ra sôi nỗi, căng thẳng từ 7 giờ 25 sáng ngày 24 Tháng Tư 1972. HQ 4 Trần Khánh Dư đã dùng quang hiệu, kỳ hiệu liên lạc với tàu lạ, đặc biệt phát thanh kêu gọi thủy thủ đoàn cộng sản Bắc Việt trở về với chính nghĩa quốc gia. Dĩ nhiên, những con người đã bị nhồi sọ, nhồi nhét những tư tưởng căm thù khát máu, thì chừng nào mà mũi súng của quân ta chưa dí vào mặt, thì chừng đó chúng còn hung hăng khao khát chiến tranh. Con tàu địch không trả lời và cố gắng chạy ra hải phận quốc tế. Hạm trưởng HQ 4 quyết định cho nổ một loạt đạn 12 ly 7 cảnh cáo bắn chận đầu. Nhưng cũng chẳng ăn thua gì, vì chúng đã quyết tâm chém vè. Một phút sau, HQ 4 bắn một phát đại bác cách mũi tàn địch 200 thước để cảnh cáo lần nữa, rồi một quả nữa xê dịch đến gần hơn. Chúng vẫn chạy. Có thể là cái ám ảnh lọt vào tay “ngụy” và chắc chắn bị “ngụy” bắn chết tại chỗ, như chúng đã được tuyên truyền ngoài Bắc, đã khiến cho lính cộng càng chạy trối chết hơn. Nhưng khi đã có may mắn được quân ta bắt và sống sót, được đãi ngộ tử tế, những người lính Bắc Việt vỡ lẽ ra và cảm kích vô ngần. Người lính Bắc Việt đã được người lính Việt Nam Cộng Hòa, mặc dù nghèo rách mồng tơi, trên nón sắt dưới giày bốt đờ sô, đã mời các anh hút thuốc đầu lọc, uống bia và thưởng thức đồ hộp của “đế quốc Mỹ.” Đến nỗi có nhiều tù binh luôn luôn xin thêm hộp cocktail trái cây đóng hộp trong khẩu phần của quân ta.

Nhận thấy rằng không cho tàu Cộng Sản Bắc Việt chưa thấy quan tài là chúng chưa đổ lệ, HQ 4 tác xạ thẳng vào tàu địch, cùng  với những loạt pháo đại bác 76 ly 2 nhắm vào bánh lái tàu. Cuộc xạ kích kéo dài nửa tiếng đồng hồ, thì tàu địch đã hoàn toàn tê liệt. HQ 4 tiến tới, thì đột nhiên tàu Bắc Việt nổ máy… chạy tiếp. Hạm Trưởng HQ 4 quyết định tác xạ thẳng vào con tàu. Những quả đại bác bắn rất chuẩn đích đã làm cho tàu giặc nổ bùng lên trong những khối lửa đỏ cuồn cuộn, những mãnh sắt đã bắn xa đến tận HQ 4 cách đó 1 cây số.  Chiếc tàu địch chìm hẳn xuống đáy đại dương lúc 10 giờ 26 sáng ngày 24 Tháng Tư 1972. Đến 12 giờ trưa, các chiến hạm Việt Nam đã tiến đến vùng tàu địch bị chìm và đã vớt lên được 16 người, trong đó có 6 người bị thương, tất cả đều nói tiếng Bắc. Theo cung từ tù binh, thì thủy đoàn có 22 người, có thể 6 người kia đã mất tích hay chìm theo tàu, người Nhái Việt Nam cố gắng mò tìm 6 thủy thủ này. Đây là chiếc tàu thứ 11 của cộng sản Bắc Việt trên đường xâm nhập đã bị Hải Quân Việt Nam bắt hay bắn chìm. Chiếc tàu bị chìm dài 30 thước, rộng 5 thước 8, trọng tải 185 tấn.

Chiều ngày 26 Tháng Tư1972, khu trục hạm HQ 4 Trần Khánh Dư đã về đến bến Bạch Đằng Sài Gòn. Được loan báo tin chiến thắng trên hệ thống truyền thanh, truyền hình, hàng ngàn đồng bào đã nồng nhiệt ra bờ sông Sài Gòn chào mừng những người lính đại dương, trong đó chúng ta thấy nhiều tà áo thướt tha của những người vợ, em gái hậu phương mà trái tim đang dậy lên những con sóng biển tình xôn xao, khi sắp được thấy lại và nắm tay người trai yêu mến của mình. Thủy thủ đoàn HQ 4 đã được Đề Đốc Trần Văn Chơn, tư lệnh Hải Quân, thân nhân và ký giả trong nước tiếp đón với một mối tình cảm chân thành. Có 4 chiếc huy chương Anh Dũng Bội Tinh cao quý đã được trao tặng cho Hải Quân Trung Tá Nguyễn Ngọc Rắc (với Nhành Dương Liễu), Hải Quân Trung Úy Nguyễn Văn Dậu (với Nhành Dương Liễu), Hạ Sĩ Nhứt Nguyễn Văn Thịnh (với Ngôi Sao Vàng) và Binh Nhứt Nguyễn Văn Ba (với Ngôi Sao Bạc). Hơn thế nữa, 100,000 đồng đã được trao thưởng cho toàn thể thủy thủ đoàn HQ 4 Trần Khánh Dư.

HQ 4 Trần Khánh Dư là chiếc khu trục hạm thứ hai của Hải Quân Hoa Kỳ chuyển giao cho Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tại Căn Cứ Hải Quân Guam ngày 1 Tháng Mười Hai 1971, Hải Quân Trung Tá Nguyễn Ngọc Rắc nhận tàu và là vị hạm trưởng thứ nhất của tàu. HQ 4 được vinh dự mang tên Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, người tướng quân từng có thời bán than trên bến Bình Than, được vua Trần cho phục chức và giữ quyền thống lĩnh Căn Cứ Hải Quân Vân Đồn, Quảng Ninh, với một trọng trách khó ai có thể đảm đương nỗi. Chỉ với vài trăm thuyền nhỏ, Trần Tướng Quân phải chận đánh và phải chiến thắng đạo thủy quân của Ô Mã Nhi, chiến bại là chịu quân luật, nhẹ thì cách chức, nặng là chém đầu. Năm 1287, Thoát Hoan dẫn 200 ngàn quân Nguyên hùng hổ sang đánh nước ta. Ô Mã Nhi chỉ huy năm trăm thuyền chở lương, nghênh ngang dẫn vài trăm chiến thuyền đi trước tiến vào cửa Vân Đồn , rồi từ đó vào sông Bạch Đằng hội quân với Thoát Hoan ở Thăng Long. Nhân Huệ Vương đem thuyền ra đánh. Thế giặc đang mạnh, lại được thế gió, thủy quân Đại Việt đánh không nỗi phải rút lui. Sứ giả đem chiếu vua Trần Nhân Tông đến đòi về chịu tội. Trần Tướng Quân xin sứ giả thư thả cho vài ngày rồi sẽ phục mệnh, ông thề cùng với ba quân tướng sĩ đánh một trận cuối cùng với giặc, dẫu có hy sinh cũng lưu danh thiên cổ. Tên hải tặc Trương Văn Hổ gốc người đảo Hải Nam được nhà Nguyên trọng dụng phong quan tước, ngỗ ngáo dẫn đoàn thuyền lương  500 chiếc nặng nề è ạch đi sau xông qua Vân Đồn. Thủy Quân Đại Việt đổ ra đánh, quân ta bắn tên lửa đốt thuyền giặc, rồi nhảy lên tàu xung sát. Quân Nam đánh quá dữ, vài vạn quân Nguyên hoảng loạn bị giết chết gần hết, Trương Văn Hổ nhảy xuống một chiếc thuyền nhỏ chạy trối chết về Quỳnh Châu, Hải Nam. Chắc chắn là cái đầu của hắn sẽ rớt khỏi cái cổ từ cơn thịnh nộ của vua Nguyên Hốt Tất Liệt. Toàn bộ lương thực đã bị Thủy Quân Đại Việt đốt cháy sạch, Thoát Hoan chỉ còn mỗi nước là… chạy. Những đại tướng Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái đang chờ bộ binh Nguyên trên Ải Nội Bàng giáp biên giới. Hưng Đạo Vương cùng nhiều tướng lãnh kiệt hiệt nhất của nước Nam như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật đang giăng cái bẫy cọc sắt dưới đáy Bạch Đằng chờ bọn Ô Mã Nhi. Cuộc thảm bại kinh hoàng ở cả hai mặt trận bộ và biển đã chấm dứt cơn ảo mộng chiếm lấy Đại Việt của Hốt Tất Liệt. Trong những cơn ác mộng hằng đêm của hắn, trận hải chiến Vân Đồn sẽ ám ảnh đến suốt đời.

Tiếp nối đại công của Tướng Quân Trần Khánh Dư, HQ 4 Trần Khánh Dư cũng đã lập được nhiều chiến tích:

– Đánh chìm tàu cộng sản Bắc Việt tại Phú Quốc ngày 22 Tháng Tư 1972, HQ 4 được ân thưởng Anh Dũng Bội Tinh Với Nhành Dương Liễu.

– Tháng Chín 1972, tham dự cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị. HQ 4 đã bắn yểm trợ quân bạn trên bộ 6,000 quả đại bác, góp công giúp quân ta thượng Cờ Vàng Việt Nam trên Cổ Thành Đinh Công Tráng.

– Tháng Giêng 1973, Hạm Trưởng HQ 4 đảm nhiệm cương vị chỉ huy chiến thuật các đơn vị Hải Quân yểm trợ hỏa lực và đổ bộ tái chiếm cửa biển Sa Huỳnh, Quảng Ngãi.

– Tháng Tư 1973, cùng với HQ 15 bắt giữ một tàu buôn ngoại quốc ngoài khơi Nha Trang, tịch thu 6 tấn ma túy.

– Tháng Bảy 1973, HQ 4 tham dự cuộc hành quân chiếm đóng đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa.

– Ngày 19 Tháng Giêng 1974, Hạm Trưởng Hải Quân Trung Tá Vũ Hữu San HQ 4, cùng với HQ 5, HQ 10 và HQ 16 mở cuộc hải chiến lẫy lừng nhất trong chiến sử quân chủng, đánh chìm 2 tàu và làm hư hại 2 tàu khác của Hải Quân Trung Cộng trên vùng biển Hoàng Sa, khi chúng ngổ ngáo xâm phạm hải phận, thách thức sức mạnh và ý chí bất khuất của Hải Quân và dân tộc Việt Nam. (Phạm Phong Dinh)

Mời độc giả xem phóng sự “Đưa tiếng Việt vào chương trình tiểu học tại Little Saigon”