Friday, April 19, 2024

Không Lực VNCH vượt vĩ tuyến 17 trong các cuộc hành quân ‘Bắc Phạt’

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Ngay cả trước khi cuộc Chiến Tranh Việt Nam chính thức khởi sự vào năm 1960, Không Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã được các quân, binh chủng bạn coi là nguồn hỏa lực thiết yếu bên cạnh hỏa lực trọng pháo vì khả năng yểm trợ cực kỳ đắc lực cho các cuộc phòng thủ diện địa và hành quân tấn công trên khắp các mặt trận thuộc 4 Vùng Chiến Thuật của miền Nam Việt Nam.

Nhưng có một thời gian các hoạt động của Không Lực VNCH không chỉ giới hạn trên vùng lãnh thổ nằm phía dưới vĩ tuyến 17, tức bên này sông Bến Hải, mà lại vượt qua lằn ranh giới hai miền Nam-Bắc. Bởi vì từ Tháng Hai tới Tháng Tư, 1965, các khu trục cơ của những chàng trai tung mây, lướt gió cất cánh từ các phi trường ở miền Nam Việt Nam đã liên tục bay ra oanh tạc các mục tiêu quân sự tại miền Bắc Việt Nam: “Giờ từng đoàn người vượt qua biên giới quyết chiến đấu/ Đã chiếm chiến công ngang trời…” (Không Quân Việt Nam Cộng Hòa Hành Khúc – Văn Cao)

Từ đầu năm 1965, Cộng Sản Bắc Việt đã đưa nhiều đơn vị quân chính quy vượt vĩ tuyến 17 xâm nhập vào miền Nam để thực hiện các cuộc tấn công vào những vị trí phòng ngự của các đơn vị Quân Lực VNCH. Với mục đích triệt hạ các căn cứ tiếp vận của Cộng Sản Bắc Việt ở phía Bắc vĩ tuyến 17, được coi là nơi cung cấp võ khí và quân trang, quân dụng cho Cộng Quân tại miền Nam Việt Nam, từ Tháng Hai đến Tháng Tư, 1965, Không Quân VNCH đã phối hợp với Không Quân Hoa Kỳ mở các cuộc oanh kích nhắm vào một số căn cứ trọng yếu của địch quân trải dài từ Vĩnh Linh đến Thanh Hóa.

Các cuộc oanh kích Bắc Việt trong Tháng Hai, 1965

Ngày 8 Tháng Hai, 1965, Không Quân VNCH thực hiện cuộc oanh kích đầu tiên với một lực lượng gồm 24 khu trục cơ do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, tư lệnh Không Quân, hướng dẫn, cùng với một số phi cơ của Hoa Kỳ, dội bom xuống các căn cứ Cộng Sản Bắc Việt tại Vĩnh Linh, thuộc tỉnh Quảng Bình ở phía Bắc vĩ tuyến 17. Trong trận này, phi cơ của Tướng Kỳ bị trúng bốn viên đạn, một viên xuyên qua nách trên bộ đồ bay (combinaison) của ông.

Ba ngày sau, 11 Tháng Hai, 1965, Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, tư lệnh phó Không Quân, chỉ huy một phi đoàn gồm 28 chiếc Skyraider của Không Lực VNCH cùng với 28 chiếc F-100 Thuderchief của Không Quân Hoa Kỳ mở cuộc tấn công thứ hai vào vùng phía Bắc vĩ tuyến 17. Hai phi đội Không Lực VNCH đã dội 50 tấn bom vào các căn cứ của Cộng Sản Bắc Việt tại Đồi 83 bên sông Rào Quang và Quan Tây, cách sông Bến Hải 15 cây số về phía Bắc. Trung Tá Phạm Phú Quốc, tư lệnh Không Đoàn 23 Chiến Thuật, chỉ huy Phi Đội 1 trong trận này.

Phù hiệu Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. (Hình: wikipedia.org)

Các phi vụ trong Tháng Ba, 1965

Ngày 2 Tháng Ba, 1965, năm phi đội gồm 20 phi cơ của Không Lực VNCH do Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan chỉ huy, đã oanh tạc căn cứ Hải Quân Cộng Sản Bắc Việt tại Quảng Khê, cách Đồng Hới 30 cây số, và gây tổn thất nặng cho đối phương.

Ngày 14 Tháng Ba, 1965, 24 phi cơ do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy đã oanh tạc và phá hủy Đảo Hòn Cọp, một căn cứ của Hải Quân Cộng Sản Bắc Việt.

Ngày 21 Tháng Ba, 1965, 26 phi cơ của Không Lực VNCH bay đến oanh tạc căn cứ Vu Côn, nằm cách Bến Hải 25 km về Tây Bắc. Ngày 28 Tháng Ba, 8 phi cơ Không Lực VNCH oanh tạc dọc trên Quốc Lộ 1, từ Bến Hải đến Đồng Hới, phá hủy Đài Radar Ba Bình, nằm cách Bến Hải 15 km về phía Bắc.

Ngày 31 Tháng Ba,1965, 14 phi cơ Không Lực VNCH oanh tạc Đài Radar Hà Tĩnh.

Các phi vụ trong Tháng Tư, 1965

Ngày 4 Tháng Tư, 1965, 24 phi cơ Không Lực VNCH và 12 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc cầu Đồng Hới.

Ngày 13 Tháng Tư, 1965, 15 phi cơ Không Lực VNCH phá cầu Thanh Yên, Đồng Hới, cùng lúc đó, 15 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc các Đài Radar Hòn Mật và Cửa Lò.

Ngày 14 Tháng Tư, 1965, một phi đội của Không Lực VNCH bay đêm trên bầu trời Bắc Việt lần đầu tiên, oanh kích các đoàn quân xa và rải 3 triệu truyền đơn.

Ngày 19 Tháng Tư, 1965, một phi tuần Không Lực VNCH dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Phạm Phú Quốc đã oanh kích quốc lộ 1. Trên đường quay về miền Nam, chiếc Skyraider do Trung Tá Quốc điều khiển đã bị cao xạ Cộng Sản Bắc Việt bắn hạ gần Hà Tĩnh, Trung Tá Phạm Phú Quốc tử trận.

Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ (1930 – 2011), tư lệnh Không Quân Việt Nam, trở về sau một phi vụ ném bom ở miền Bắc Việt Nam trong Chiến Tranh Việt Nam, ngày 15 Tháng Hai, 1965. (Hình: Le-Minh/Pix/Michael Ochs Archives/Getty Images)

Vai trò và ý nghĩa các cuộc hành quân “Bắc Phạt” của Không Lực VNCH

Chiến dịch “Bắc Phạt” của các phi đoàn và phi đội khu trục cơ của Không Lực VNCH do các phi công A-1 Skyraider thực hiện tại miền Bắc Việt Nam trong năm 1965 bao gồm trên 30 phi vụ oanh kích quy mô vào sâu bên trong lãnh thổ Cộng Sản Bắc Việt. Các phi vụ không kích những mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Cộng Sản Bắc Việt có giá trị chiến lược lớn lao và cần thiết trong những năm đầu của cuộc chiến tại Việt Nam nhằm triệt hạ tiềm năng chiến tranh của quân đội nhân dân ngay tại tuyến xuất phát của họ.

Đây được coi là bước đầu trong kế hoạch “Bắc Tiến” mà Quân Lực VNCH từng nghĩ tới sau khi các lực lượng chiến đấu tại miền Nam Việt Nam được tăng cường bằng các đơn vị Hoa Kỳ và Đồng Minh tham chiến để trợ giúp Quân Lực VNCH chống lại một cuộc chiến tranh du kích cam go và kéo dài, luôn được Cộng Sản Quốc Tế chi viện triệt để, với các chí nguyện quân Trung Cộng, Bắc Hàn và Cuba hiện diện trong các đơn vị phòng không và không quân cùng các chuyên gia Liên Xô hoạt động tại nhiều căn cứ quân sự tại Miền Bắc.

Kế hoạch “Bắc Tiến” của các nhà lãnh đạo miền Nam Việt Nam, cuối cùng, đã bị hủy bỏ, một phần vì các tướng lãnh Hoa Kỳ tại Việt Nam bị các chính trị gia tại Washington “trói tay” không cho tự do hành động, và phần khác do Cộng Sản Bắc Việt là một xã hội khép kín và được tổ chức hết sức chặt chẽ, đến nỗi mỗi người dân được coi như là một chiến sĩ khi cần, chứ không giống như ở Miền Nam Tự Do.

Không Lực VNCH là một quân chủng hết sức đa năng, đa dụng, đảm đương các trọng trách từ không kích tới oanh tạc, từ tuần thám võ trang tới tản thương, và từ không vận tới rải truyền đơn… Vì nhu cầu quá lớn của các chiến trường, nơi thì phòng thủ, nơi thì tấn công, các chiến sĩ Không Quân, nhất là các phi công khu trục, phản lực, trực thăng, và vận tải, đều có số giờ ứng chiến rất cao và được kể như là đội quân tác chiến có tỉ lệ thương vong là sĩ quan cao nhất so với các quân, binh chủng khác chỉ vì tất cả các phi công chiến đấu đều có cấp bậc từ Thiếu Úy trở lên, kể cả các vị tư lệnh như Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ hoặc tư lệnh phó như Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan.

Các cuộc hành quân “Bắc Phạt” tuy đã giáng cho dịch những đòn chí tử ngay tại căn cứ địa của họ nhưng đó cũng là nơi một số phi công ưu tú của Không Lực VNCH đã phải hy sinh tánh mạng để đền nợ nước. Họ là Trung Tá Phạm Phú Quốc và năm sĩ quan phi công khu trục ưu tú khác: Đại Úy Nguyễn Hữu Chẩn, hai Trung Úy Vũ Khắc Huề và Nguyễn Tấn Sĩ, hai Thiếu Úy Nguyễn Đình Quý và Nguyễn Thế Tế.

Vì cuộc chiến vẫn còn kéo dài cả chục năm nữa tiếp theo sau các phi vụ “Bắc Phạt” đó, hàng trăm phi công thời chiến, những “pilotes de guerre,” khác của Không Quân Việt Nam, cũng đã bỏ mình vì lý tưởng “Tổ Quốc – Không Gian” trên các chiến trường gai lửa từ Quảng Trị tới Cà Mau, như Lưu Văn Đức, Nguyễn Hữu Chẩn, Trần Thế Vinh, Phạm Văn Thặng, Trần Sĩ Công, Trương Phùng, Trần Công Soán, Phạm Văn Công, Nguyễn Thế Thân, Quách Thanh Hải, Nguyễn Cao Hùng… “Lúc đất nước muốn bao người con thân yêu ra đi/ Hối tiếc tấm thân làm chi…” [qd]

MỚI CẬP NHẬT