Friday, May 17, 2024

Phải học làm người giàu!

 


(Nhân đọc tin “Trung Quốc trở thành nước xài sang nhất thế giới,” đăng trên Người Việt ngày 18 Tháng Giêng, 2012)


Ðúng là xài sang thật. Tuy nhiên, Trung cộng cũng như Việt cộng chưa hề thấy có một đại gia nào ăn mặc, đi xe tiêu xài rất bình thường, nhưng lại dám bỏ ra mỗi năm hằng mấy trăm triệu đô để làm từ thiện, thí dụ như Bill Gate chẳng hạn. Hơn nữa, tuy nằm trong thời kỳ suy thoái kinh tế, nhưng công tâm mà nói, dân Mỹ vẫn nhiều lần sống cao hơn dân Trung Quốc và Việt Nam. Tuy vậy, các đại gia Mỹ thay vì bỏ tiền ra xài đổng như mấy anh tân trọc phú Trung Quốc và Việt Nam, lại nghĩ đến những người không may mắn, bỏ tiền ra giúp đỡ cũng như xây dựng tương lai cho đất nước. Ðó là một trong những sự khác biệt khá rõ nét của các “đại gia tư bản bóc lột” và các “đại gia do nhân dân mà ra vì nhân dân mà phục vụ.”


Cậu Ba (18 Tháng Giêng)


 


Sáng nay tôi đọc báo Người Việt qua 2 tựa đề “Dân Mỹ Ði Xe ‘Cũ’ Gần 11 Tuổi,” và “Trung Quốc Trở Thành Nước Xài Sang Nhất Thế Giới,” với những xe hiệu “xịn” như Ferrari, Porche, Lamborghini, Rolls Royce… Và mới đây vài tuần, tôi có đọc báo ở VN, 2 ông quan huyện Sóc Trăng đánh bài cờ mỗi ván “chơi nhau” hàng tỉ tiền VN! Những dự kiện này làm tôi khó hiểu, và tự hỏi mình: Tại sao dân Mỹ sống quá ư là thực tế, còn 2 nước cộng sản TQ và VN “chơi” quá sang như vậy? Có lẽ câu trả lời là người dân Mỹ làm ra tiền bằng mồ hôi nước mắt của họ, còn 2 xứ CS kia thì ngược lại và đặc biệt giới “quan liêu” mới xài tiền “ngông” như vậy. Cách đây hơn 20 năm ở TQ ông Ðặng Tiểu Bình đã nói: “Không nên phân biệt mèo trắng (Mỹ) hay mèo vàng (TQ) miễn làm sao nó bắt được ‘chuột.’” Theo tôi đời sống vương giả, quan liêu ở 2 xứ CS này là thành tựu chủ trương bắt được “chuột” đó! Nhưng không ai có thể quả quyết nó thuộc về loại “chuột đồng” hay “chuột cống.” Mặc dù chuột gì chăng nữa, sự hiện diện của chúng đều có hại cho tất cả mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là giới lao động, nông dân… Ðiều này đi ngược lý thuyết CS! Thế nên … “Ðừng nghe những gì CS nói…” là đúng. Hơn nữa đi xe cũ hay mới, xài sang hay không, đó không phải là “tội phạm.” Nhưng làm phiền người khác như các loại “chuột” cho sự “quan liêu” của các cấp lãnh đạo chắc chắn không tồn tại lâu dài, như ngọn lửa phát xuất từ đống rơm vậy thôi.


s.nguyen (18 Tháng Giêng)

Facebook bị chặn ở Việt Nam, nhưng 2 bộ trưởng lại xài xả láng

 


Tư Ngộ/Người Việt 


HÀ NỘI (NV) Mng Facebook là một dịch vụ miễn phí được sử dụng rộng rãi tại phần lớn các nước trên thế giới để người ta có thể chia sẻ bài viết, thông tin, hình ảnh của mình và của người khác.









Trang ‘Những người phát cuồng về Bộ Trưởng Vương Ðình Huệ’ trên Facebook. (Hình: NV)


Nhờ nó mà một biến cố vừa xảy ra, người ta thông báo cho nhau biết liền, trong nhấp nháy. Người ở góc biển này biết ngay cái gì vừa xảy ra đối với người ở chân trời bên kia.


Tại Việt Nam, nó đã bị tường lửa chặn lại từ năm 2009 vì một số người trong và ngoài nước dùng Facebook cho nhu cầu thông tin mà nhà cầm quyền coi là “độc hại” và có ý “lật đổ chính quyền nhân dân.”


Tuy nhiên, bất cứ ai ở Việt Nam muốn vào Facebook thì có thể vào được không mấy khó khăn nếu biết cách “trèo tường lửa.” Nhờ vậy, nhiều tin tức, bài viết thuộc lại “nhậy cảm” vẫn được lọt từ bên trong Việt Nam ra bên ngoài và ngược lại.


Ðó là chuyện “quần chúng tự phát” thì một lẽ. Ðàng khác, theo một bài viết trên blog Beyond Brick của báo điện tử Financial Times, có hai vị bộ trưởng khá nổi bật của nhà cầm quyền Hà Nội lại là các “fan” của mạng Facebook, sử dụng mạng này để giao tiếp với mọi người.


Vương Ðình Huệ, bộ trưởng Tài Chính và Ðinh La Thăng, bộ trưởng Giao Thông Vận Tải là hai người được báo Financial Times đề cập trong bài viết.


Trong một chế độ mà vấn đề quyền lực và đường lối cai trị của đảng theo một khuôn phép thể hiện trong tất cả mọi mặt của xã hội, sự xé rào của hai ông này tuy là cái lạ đối với nhà báo nước Anh, nhưng cũng không mấy ngạc nhiên đối với những ai hiểu xã hội Việt Nam ngày nay. Những kẻ ra lệnh cấm hay có trách nhiệm áp dụng các lệnh cấm thì lại là những kẻ xé rào. Họ là những kẻ nằm ở trên luật lệ. Luật lệ chỉ áp dụng cho đám đông thấp cổ bé miệng khi kẻ bị trị muốn dùng luật lệ theo một nhu cầu nào đó, dù là một thứ luật lệ bị bẻ cong.


Ngôi nhà Cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu trưng bày một cặp ngà voi và một cái trống đồng Ðông Sơn. Ngà voi thì đụng chạm tới luật bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm mà giống voi nằm trong “sách đỏ” cần bảo vệ vì đang tới gần tuyệt chủng. Trống đồng Ðông Sơn là tài sản cấp quốc gia, dấu hiệu của nền văn minh thời cổ đại, không phải các cá nhân được sở hữu.


Ðó chỉ là một thí dụ nhỏ trong hàng ngàn, chục ngàn thí dụ khác để cho hiểu các ông Huệ ông Thăng nếu có xài Facebook thì cũng chỉ là chuyện “thường ngày ở huyện.”


Ông Huệ nổi tiếng vì “dập” những ông quan ở Bộ Kinh Tế và các quan ngành dầu khí đòi tăng giá xăng. Ông Thăng nổi tiếng với những lời tuyên bố bạo mồm nhưng không nhằm nhò bao nhiêu với những khốn khổ của quần chúng về nạn kẹt xe, về ngập lụt. Ông ra lệnh cho các quan lớn nhỏ trong cái bộ của ông không được đánh gôn cũng như đòi thuộc cấp phải leo lên xe buýt đi làm để hiểu nỗi khổ của người dân.


Theo FT, nhân một cuộc đối đáp trực tiếp với dân qua mạng của nhà nước, ông Vương Ðình Huệ được hỏi hôm Thứ Ba vừa qua là ông ở trên Internet bao lâu mỗi ngày và ông có dùng Facebook không. Ông giơ lên cho người ta thấy ông đang có chiếc iPad với sự hăng hái y như lúc người ta giơ cao tấm thẻ đảng, rồi đáp rằng ông là người xài Internet rất nhiều trong ngày, nhất là khi ông cần đọc tin tức.


“Tôi có cái iPad. Nó như cái bóng của tôi. Tôi dùng nó khắp nơi, luôn luôn.” Ông nói.


Ðối với mạng Facebook, ông nhìn nhận khả năng của ông dùng mạng xã hội này của ông kém con gái ông nhưng cho biết thêm là ông “sẵn sàng dùng mạng này để nhận các phản hồi từ độc giả cũng như các người trên cả nước.”


Tìm kiếm trên Facebook thì có vẻ như ông Huệ chưa lập một hồ sơ cá nhân để có một địa chỉ riêng trên Facebook mà chỉ thấy có một người khác giả tên ông. Người Vương Ðình Huệ giả này có 23 “bạn” khi tác giả bài viết trên Beyond Brick tìm kiếm. Tuy nhiên, ông Huệ có một số nhóm bạn trên Facebook (Facebook Fan Group) gồm cả một người tự nhận là “Những người phát cuồng về Bộ Trưởng Vương Ðình Huệ,” có hơn 600 ủng hộ viên.


Ðảng và nhà nước CSVN lúc nào cũng hô hò rầm rĩ là phải “đề cao cảnh giác” đề phòng các “thế lực thù địch” lợi dụng mọi cơ hội để tạo “diễn biến hòa bình” mà hòng lật đổ chế độ độc tài đảng trị. Trong nhiều diễn văn, các lãnh tụ đảng đều cảnh cáo các đảng viên “tự diễn biến,” thoái hóa, biến chất trước các “âm mưu thâm độc” của kẻ thù chế độ. Các ông Huệ, ông Thăng chắc không bị liệt vào đám bị chỉ trích “tự diễn biến” hay “biến chất” nhưng bảo rằng theo đúng những cấm kỵ của chế độ mà các ông phục vụ thì không.


Những người đấu tranh dân chủ hóa tại Việt Nam như Người Buôn Gió, Mẹ Nấm, Huỳnh Thục Vy, Trịnh Kim Tiến, và nhiều bloggers nổi tiếng ở Việt Nam cũng dùng mạng Facebook thường xuyên. Thế ra hai ông bộ trưởng của lề phải lại chơi chung một sân với cái đám người phát tán thông tin “độc hại” bên “lề trái.” Hay sân chơi mênh mông quá họ không nhìn thấy nhau?

Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương lo ngại tranh chấp biển Ðông

 


HAWAII (NV)Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương sắp nghỉ hưu lo ngại các xung đột nhỏ diễn ra quanh quần đảo Trường Sa thể biến thành những xung đột lớn hơn.


Ðô Ðốc Patrick Walsh nhận định hôm Thứ Ba rằng có các nguy cơ cho một biến cố trên biển Ðông tăng cường độ gần giống như sự căng thẳng xảy ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản khi các chiếc tàu của hai nước này đụng nhau gần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật hay Ðiếu Ngư Ðài theo cách gọi của Trung Quốc, mà cả hai bên đều nói thuộc chủ quyền nước mình.










Ðô Ðốc Patrick Walsh. (Hình: US Navy)


“Biến cố leo thang từ một chuyện địa phương có thể kềm chế được, giải quyết được, nhanh chóng biến thành một tranh chấp giữa hai nước.” Ông Walsh nói trong cuộc tiếp xúc tại Bộ Tư Lệnh của ông đặt tại Hawaii ít ngày trước khi trao lại quyền chỉ huy cho Phó Ðô Ðốc Cecil Haney.


Theo ông biển Ðông, theo cách gọi của Việt Nam, là hành lang vận chuyển hàng hóa, dầu khí rất bận rộn của khu vực cũng như của thế giới. Các tàu chở dầu vận chuyển dầu từ Trung Ðông đến các nước ở phía Ðông Châu Á và cũng là hành lang hàng hải vô cùng quan trọng của các nước Á Châu-Thái Bình Dương.


“Dù đứng trên quan điểm nào, sự an ninh và ổn định cũng cực kỳ quan trọng tại vùng biển này,” ông nói. “Bất cứ sự gián đoạn nào cũng gây ra khó khăn thật sự.”











Bản đồ biển Ðông với đường vạch “Lưỡi Bò” mà Trung Quốc ngang nhiên
đưa ra rồi nói cả vùng nằm trong đó là
của nước mình bất chấp Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS)
mà họ cũng như Việt Nam đều là thành viên. (Hình: Internet)


Sáu nước trong khu vực gồm Brunei, Mã Lai, Philippines, Việt Nam, Trung Quốc và Ðài Loan hoặc tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn thể đối với khu vực quần đảo Trường Sa. Riêng Trung Quốc đã chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974. Bên trên đó, Trung Quốc còn tuyên bố gần hết khu vực biển Ðông là của họ nằm trong những đường vạch hình “Lưỡi Bò.”


Vùng biển này, ước tính có một trữ lượng dầu khí lớn lao dưới lòng biển lại càng làm cho vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo thêm phần nghiêm trọng.


Ông Walsh nhắc lại biến cố xảy ra cách đây 2 năm khi một chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc đâm tàu tuyền duyên của Nhật Bản ở khu vực đảo Senkaku. Thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc bị Nhật bắt giữ làm Bắc Kinh tức giận hủy bỏ các liên lạc cấp bộ trưởng với Tokyo và đình hoãn các thương thuyết hợp tác phát triển một số mỏ khí đốt dưới lòng biển. Tiếp theo, Bắc Kinh đã ngưng bán đất hiếm, một thứ kim loại rất cần thiết trong nhiều kỹ nghệ cao. Nhiều cuộc biểu tình chống Nhật đã diễn ra ở Trung Quốc. Cuối cùng thì thuyền trưởng đánh cá Trung Quốc được trả tự do mà không phải trả đồng tiền phạt nào dưới áp lực rất mạnh từ Bắc Kinh.


Ông Walsh cho rằng rất nhiều căng thẳng diễn ra từ sự đe dọa cấm vận bán đất hiếm.


“Vụ việc leo thang nhanh chóng do sự xúc động được kích thích (chủ quyền lãnh thổ) từ cả hai phía là điều tôi quan ngại.” Ông nói.


Các nước tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa cũng có những dấu hiệu không kém xúc động những năm gần đây. Cả Việt Nam cũng như Philippines nhiều lần cáo buộc tàu Trung Quốc vi phạm các vùng biển thuộc chủ quyền của họ khi cắt cáp thăm dò dầu khí hoặc cản trở thăm dò dầu khí.


Trong khi ông Walsh phát biểu ở Hawaii, 4 thượng nghị sĩ Mỹ đang có thăm viếng Philippines rồi đến Việt Nam từ ngày Thứ Năm tuần này. (TN)


 

Tòa trả hồ sơ vụ ký giả bị đốt để điều tra lại

 


LONG AN (NV) Sáng ngày 18 tháng 1, phát ngôn nhân Tòa án tỉnh Long An thông báo cho biết đã chuyển trả hồ sơ vụ ký giả bị đốt cho Viện Kiểm Sát Long An để điều tra lại vụ án ký giả Hoàng Hùng của báo Người Lao Ðộng bị đốt.









Căn nhà của ký giả Hoàng Hùng sau vụ án mạng. (Hình: Báo Tiền Phong)


Tính ra đã tròn một năm sau ngày xảy ra vụ án, hồ sơ điều tra vẫn nhùng nhằng “đi – lại” giữa Công An – Viện Kiểm Sát và tòa án của tỉnh Long An để yêu cầu “điều tra bổ túc.”


Nạn nhân trong vụ án gây chấn động dư luận này là ký giả Lê Hoàng Hùng, cư dân thành phố Tân An bị đốt cháy tại nhà riêng vào ngày 19 Tháng Giêng năm 2011. Vợ của nạn nhân là bà Trần Thúy Liễu một tháng sau đó đã đến công an nộp mình, khai nhận là thủ phạm đốt chết chồng.


Vụ án này “nổi đình nổi đám” vì có sự xuất hiện của “người thứ ba” là ông đội trưởng đội số 5 của Chi Cục Quản Lý Thị Trường tỉnh Long An, Nguyễn Văn Tâm. Ông này bị nghi là tình nhân của bà Thúy Liễu và có can dự vào vụ đốt chết ông Hoàng Hùng.


Tuy nhiên, hồ sơ điều tra lần đầu cũng như lần thứ hai của công an tỉnh Long An vẫn kết luận rằng bà Thúy Liễu “gây án một mình.” Trong khi đó, luật sư của gia đình nạn nhân và mẹ ruột của cố ký giả Hoàng Hùng quả quyết rằng “có bàn tay của người thứ ba giúp bà Liễu dùng xăng đốt chết chồng trong lúc ông đang ngủ say một mình trong phòng riêng.”


Dư luận ồn ào cho rằng công an tỉnh Long An đã bỏ qua lời khai quan trọng của nạn nhân khi nằm điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Ông Hoàng Hùng khi còn sống nói “thấy có một bóng đen nhảy khỏi lan can lầu 1” từ căn phòng bị phóng hỏa làm ông cháy như cây đuốc.


Theo báo Người Lao Ðộng, lời khai quan trọng của cố ký giả Hoàng Hùng lúc sinh thời đã không được công an tỉnh Long An đưa vào hồ sơ khiến dư luận nghi ngờ về độ trung thực của cuộc điều tra.


Báo Tuổi Trẻ cũng cho biết, “cánh” báo chí Sài Gòn, Long An và Tiền Giang tham dự lễ giỗ đầu của cố ký giả Hoàng Hùng tổ chức tại nhà mẹ ruột của nạn nhân ở huyện Thủ Thừa, Long An tỏ ra không vui vì vụ án kéo dài đúng một năm vẫn chưa được đưa ra xét xử.


Cũng theo báo Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Hùng, phó chánh án Tòa án tỉnh Long An sáng ngày 18 Tháng Giêng đã từ chối trả lời chi tiết vấn đề yêu cầu điều tra bổ túc mà chỉ xác nhận rằng “hồ sơ vụ án chưa đủ căn cứ để xét xử.”


Còn theo Viện Kiểm Sát tỉnh Long An, hồ sơ này lại sẽ bị trả trở về công an Long An để “điều tra bổ túc” lần thứ ba. (PL)

Quan sẽ chen với dân xin ấn đền Trần

 


NAM ÐỊNH (NV)Tại cuộc họp báo chiều 17 Tháng Giêng vừa qua, nhà cầm quyền tỉnh Nam Ðịnh cho biết không thiên vị quan hay dân đến chầu chực xin ấn đền Trần năm nay sẽ diễn ra từ 7 giờ sáng ngày rằm Tháng Giêng âm lịch, tức ngày 6 tháng 2, 2012.


Như vậy, cán bộ lãnh đạo cũng sẽ phải chầu chực, xếp hàng và chen lấn với dân thường xin ấn đền Trần để cầu được thăng quan tiến chức trong năm mới.









Cảnh đạp lên nhau để mua ấn đền Trần hồi năm rồi. (Hình: VNEpress)


Ban tổ chức lễ hội đền Trần cũng cho biết sẽ bỏ lệ phát ấn vào lúc nửa đêm, và thay vào đó chỉ bắt đầu lúc 7 giờ sáng.


Tuy nhiên, dư luận cho rằng qui định mới này cũng không ngăn được người dân xếp hàng từ lúc nửa đêm kéo dài tới sáng và chen nhau giành một tờ ấn đền Trần để được hưởng vận may trong công ăn việc làm.


Báo mạng VNExpress cho biết, hàng ngàn người dự lễ hội đền Trần hồi năm rồi đã chen nhau đến té xỉu để giành cho được một tờ ấn cầu may. Nhiều người không muốn chen lấn đã phải mua lại tờ ấn với giá 100,000 đồng, tương đương với 5 đô, trong khi giá “chính thức” chỉ bằng một nửa, 50,000 đồng.


Có người còn “thừa nước đục thả câu,” tung ấn giả ra bán, bỏ túi hàng chục triệu đồng.


Lễ hội đền Trần vừa qua đã gây tranh cãi dữ dội về việc liệu có nên tổ chức phát ấn nữa hay không. Tuy nhiên, vì nguồn lợi từ việc phát ấn quá lớn – thực chất là bán, chứ không biếu tặng, Bộ Thông Tin Việt Nam quyết định cho phép thực hiện tục “phát” ấn đền Trần vào hai tuần lễ tới.


Ðược biết trong dịp đầu năm âm lịch, hàng loạt lễ hội vùng văn hóa Sơn Nam gồm các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Ðịnh, Thái Bình và một phần thuộc tỉnh Hưng Yên, Hà Nội diễn ra rầm rộ. Lễ hội khai ấn đền Trần ở Thái Bình và Nam Ðịnh cùng diễn ra với các lễ hội khác tại chùa Keo, Phủ Dày, đền Tiên La, đền Ðồng Bằng, chùa Bái Ðinh, cố đô Hoa Lư, đền Ðồng Xâm, đền Côn Giang…


Ðền Trần tọa lạc tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Ðịnh thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá, được xây dựng trên nền Thái Miếu cũ của nhà Trần bị quân Minh phá hủy hồi thế kỷ 15.


Theo tục xưa, lễ hội đền Trần diễn ra vào ngày Rằm Tháng Giêng bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý, tức vào lúc nửa đêm. Thời gian gần đây, nhiều người tới hành lễ và mua tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp.


Khung cảnh hỗn loạn diễn ra tại lễ hội phát ấn đền Trần năm rồi khiến không ít người ngán ngẩm. Hoạt động kinh doanh, mua bán công khai đã hủy hoại tính chất thiêng liêng của lễ hội tại đền Trần. Lễ hội còn thu hút khá đông cán bộ lãnh đạo các cấp từ trung ương cho đến địa phương đến “mua chức.” Vì vậy, nhiều người yêu cầu bãi bỏ lệ phát ấn để chấm dứt cảnh chen lấn “loạn cào cào.” (PL)

Cúm gà có nguy cơ bùng phát tại Việt Nam

 


SÀI GÒN (NV) Cúm gà có nguy cơ bùng phát tại Việt Nam với ca tử vong đầu tiên tại tỉnh Hậu Giang và một ổ dịch vừa xuất hiện tại tỉnh Tiền Giang.


Nguồn tin này được ông Lê Hoàng San, phó viện trưởng Viện Pasteur Sài Gòn thông báo trong cuộc họp ngày 18 tháng 1 tại Sài Gòn, chỉ một ngày sau khi Sở Y Tế Sài Gòn họp khẩn về lệnh báo động nguy cơ lan tràn dịch viêm màng não.









Chích thuốc ngừa cúm cho gà tại Việt Nam. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)


Báo Tuổi Trẻ dẫn lời của ông Lê Hoàng San cho biết nạn nhân là một người chăn vịt tại tỉnh Hậu Giang tên LVN. 18 tuổi.


Nguồn tin này cũng cho hay, cậu N. bị mệt vì sốt kéo dài nhiều ngày nên được đưa vào bệnh viện Kiên Giang điều trị.


Ngày 10 tháng 1, bệnh viện Kiên Giang gửi bệnh phẩm của cậu N. đến Viện Pasteur khám nghiệm. Tuy nhiên, nạn nhân đã chết trước khi kết quả xét nghiệm hôm 17 tháng 1 cho thấy bệnh nhân “dương tính với virus cúm A/H5N1.”


Ông Lê Hoàng San cho biết đây là trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 đầu tiên và cũng là bệnh nhân bị thiệt mạng đầu tiên vì H5N1 tại miền Nam Việt Nam trong những ngày đầu năm 2012.


Báo mạng Bee.net dẫn lời của ông San cho hay một bé 2 tuổi cũng đã chết vì cúm gà H5N1 tại tỉnh Banteay Meanchey, Cambodia sáng ngày 18 tháng 1 sau một tuần lễ điều trị tại bệnh viện.


Báo Tuổi Trẻ trước đó cũng nói rằng đúng lúc cán bộ Cục Thú Y Việt Nam, Văn Ðăng Kỳ, khuyến khích người dân “ăn thịt gà thoải mái” trong dịp tết Nhâm Thìn 2012 thì một ổ dịch cúm A/H5N1 bùng phát tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.


Theo báo Tuổi Trẻ, dịch cúm xuất hiện tại tỉnh Tiền Giang là vì chủ trại không chích ngừa cúm cho gà chăn nuôi.


Báo Tuổi Trẻ cũng cho biết, ngành thú y Tiền Giang đã lập tức chích ngừa thêm cho 20% gia súc còn sót lại, phun thuốc dập dịch tức thời. (PL)

Người chết giúp người sống hái ra tiền

 


PLEIKU (NV).- Trong những ngày giáp Tết, hầu hết các nghĩa địa khắp các tỉnh thành tại Việt Nam đều chộn rộn hoạt động dọn dẹp vệ sinh, quét vôi, sơn phết mồ mả để “nhà cửa của người chết cũng tươm tất đón Xuân.” Dịch vụ này làm xuất hiện một lực lượng làm thuê chờ sẵn tại các nghĩa trang để “ai bảo gì làm nấy.”









Dân nghèo Pleiku quét vôi phần mộ người chết để kiếm tiền tiêu Tết. (Hình: Báo Dân Trí)


Báo Dân Trí cho biết đặc biệt tại nghĩa trang thành phố Pleiku thuộc vùng đất nghèo, lực lượng này cũng đã lên tới 50 người. Họ là cư dân ngoại ô thành phố Pleiku, Gia Lai sống về nghề làm ruộng rẫy, thợ hồ, thợ quét vôi…


Trước Tết nửa tháng, họ đã rủ nhau đến các nghĩa địa để làm thuê kiếm tiền tiêu Tết cho cả gia đình.


Từ bảy giờ sáng, nhóm “thợ” tụ họp tại cổng nghĩa trang với đầy đủ “đồ nghề” gồm chổi quét vôi, xô đựng nước, bàn chải v.v… Họ nhận làm đủ việc, từ dọn cỏ, rửa ráy và sau đó quét vôi, trồng hoa chung quanh phần mộ người quá cố.


Bà Võ Thị Hương 39 tuổi, cư dân thành phố Pleiku đã có 29 năm “thâm niên trong nghề” tâm sự: “Hồi mới lên 10 tuổi, tôi đã theo cha mẹ đến nghĩa trang vào những ngày cuối năm để làm ba cái việc lỉnh kỉnh này kiếm chút đỉnh tiền bỏ túi nên vui lắm và cũng đã quen rồi.”


Bà Hương cho biết, sau khi có chồng và sinh hai đứa con, cuộc sống gia đình quá chật vật nên không năm nào mà bà không trở lại nghĩa trang vào dịp cuối năm để kiếm tiền tiêu Tết.


Bà nói: “Tôi làm rẫy còn ông nhà tôi làm thợ hồ. Nếu không kiếm thêm chút đỉnh từ những ngôi mộ hoang lạnh này thì tụi tôi không có Tết.”


Cứ mỗi phần mộ được giao “làm sạch sẽ, khang trang,” vợ chồng bà nhận được từ 50 đến 100,000 đồng, tương đương với 5 đô.


Ðội quân “làm đẹp phần mộ người chết” cho biết họ nhường nhịn và giữ sự công bằng cho nhau.


Báo Dân Trí dẫn lời của một số “thợ” kể rằng họ xếp thành hàng dài chờ đợi trước cổng nghĩa trang, khi có khách gọi thì cứ tuần tự mà nhận việc. Ðiều đó không có nghĩa là họ thụ động chờ đợi, mà phải chạy theo bám riết lấy xe khách mà năn nỉ nhận việc.


Theo một người thợ tên Hiếu, năm nay số người đến nghĩa trang thuê người dọn dẹp phần mộ không đông bằng năm rồi.


Ông chép miệng than: “Năm nay tụi tôi sẽ không có cái Tết khấm khá như mọi năm.” Vì vậy mà đối với những người “thợ” nghèo này, bao nhiêu đồng kiếm được đều dành hết cho con cái của họ – một cái Tết đạm bạc của người nghèo. (PL)

Nạn trấn lột gia tăng ở các bến xe ngày Tết

 


SÀI GÒN (NV)Ngày giáp Tết, những người đi lại tại bến xe Miền Tây về lục tỉnh bị một nhóm người buôn gánh bán bưng móc túi trắng trợn. Hoạt động trấn lột này diễn ra công khai và ngày càng rầm rộ. Nạn nhân không dám kêu ca trong khi cán bộ điều hành bến xe hầu như “không thèm” quan tâm.









Bị ép mua quà bánh, mua nhầm vé giả… là chuyện thường ngày ở các bến xe đò. (Hình: Báo Thanh Niên)


Báo Thanh Niên cho biết, số người này hoạt động ngang nhiên tại bến xe Miền Tây từ sáng sớm cho đến khuya. Họ chặn đường người ra vào bến xe, đi theo kè kè, và dẫn giúp khách đến tận chiếc xe đò trong bãi đậu. Khi khách đã ngồi vào ghế, họ mới chìa ra những túi bánh kẹo và ép mua với giá cắt cổ.


Một người khách đi trên chiếc xe chạy từ Sài Gòn về Sóc Trăng trước giờ xuất bến đã bị ép mua một mẩu bánh chocolate nhỏ với giá 70,000 đồng, tương đương với 3.5 đô.


Ông này kể: “Mẩu bánh đó được bán với đắt gấp đôi cửa hàng ở bến xe. Bà bán hàng nói dai nghe phát mệt và còn hăm dọa đủ điều. Tôi đành phải bấm bụng bỏ tiền ra mua mà không dám than thở một câu.”


Cũng theo ông khách này, có trên 50% hành khách hiện diện tại bến xe Miền Tây là nạn nhân của số người buôn gánh bán bưng này. Ðôi lúc mọi việc diễn ra trước mắt nhân viên bảo vệ bến xe nhưng họ vẫn hoạt động tỉnh bơ còn nhân viên bến xe thì hầu như “bó tay.”


Báo Thanh Niên còn cho biết thêm, người dân nghèo, đặc biệt là giới công nhân, thợ thuyền vì nghèo nên phải đi xe đò chứ không có xe riêng về quê ăn tết, còn bị móc túi bởi nạn tăng giá vé vô lý.


Hầu hết các hãng xe đò đi tuyến miền Trung, nhất là xe đi từ Sài Gòn đến Gia Lai đều tăng giá từ 40 đến 60% trong những ngày này.


Cũng theo báo Thanh Niên, hoạt động đưa đón khách hiện nay rầm rộ nhất trong năm đang diễn ra tại các bến xe Miền Ðông, Miền Tây, An Sương và Ngã Tư Ga, Sài Gòn. Ước tính mỗi ngày có khoảng 40,000 người rời Sài Gòn hướng về các tỉnh thành phía Bắc, miền Nam.


Không chỉ tăng giá vé, một nhóm người bất lương còn tung vé giả ra bán để lừa hành khách. Trong những trường hợp này, các nạn nhân đều… khóc trừ chứ không biết làm sao hơn.


Ðây là chuyện tồi tệ muôn thuở mà nhà cầm quyền hầu như không có cách nào chấm dứt được. (PL)


 

Ðả kích công ty dầu hỏa Mỹ kiếm bạc triệu

 


WASHINGTON (The Daily Caller)Hồ sơ tại tòa vừa công bố thời gian gần đây cho thấy bà Kerry Kennedy, con gái của cố Thượng Nghị Sĩ Robert F. Kennedy và cũng là vợ cũ của Thống Ðốc New York Andrew Cuomo, có thể nhận được tới $40 triệu trong một thỏa thuận bí mật theo đó họ có phần vụ đả kích việc công ty Texaco đào dầu ở Ecuador, theo cuộc điều tra của tờ New York Post.









Bà Kerry Kennedy có thể nhận hàng chục triệu đô la nhờ viết bài chỉ trích việc làm ăn
của một công ty dầu hỏa. (Hình: Andy Kropa/Getty Images for RFK Center)


Ðược tổ hợp luật sư đại diện dân chúng trong thị trấn Lago Agrio ở Ecuador mướn, bà Kennedy viết các bài quan điểm và đi vận động giới chức chính phủ Mỹ về những thiệt hại mà các công ty dầu gây ra trong khu vực rừng rậm rộng khoảng 1,700 dặm vuông.


Khu vực khai thác dầu hỏa quanh thị trấn này bị cho là thiệt hại môi sinh trầm trọng và làm dân làng đau yếu. Trong một phán quyết năm 2011, một thẩm phán Ecuador tuyên án phạt Chevron, nay là chủ công ty Texaco, phải bồi thường $18 tỉ thiệt hại do những hoạt động đào dầu ở nơi này.


Hồ sơ ở tòa cho thấy số tiền $50,000, gồm tiền bồi hoàn chi phí $40,000 và tiền trả lương hàng tháng là $10,000 đã được trả cho bà Kennedy. Hồ sơ cũng cho thấy bà Kennedy cũng được hứa cho hưởng một phần số tiền bồi thường, lên đến khoảng $40 triệu, theo tờ New York Post.


Trung Tâm Nhân Quyền RFK Memorial Center for Human Rights cũng trả bà Kennedy khoảng $225,000 mỗi năm trong chức vụ chủ tịch.


Trong bài viết đăng trên trang Hufftington Post năm 2009, bà Kennedy viết rằng việc khai thác dầu là vi phạm nhân quyền của dân thiểu số ở Ecuador. Cả Hufftington Post lẫn bà Kennedy đều không cho biết là bà có nhận tiền. (V.Giang)

EU điều tra tự do ngôn luận ở Hungary

 


STRASBOURG, France (AP)Tổ chức Liên Âu (EU) hôm Thứ Tư gia tăng việc chỉ trích chính phủ Hungary, nói rằng việc quốc gia này có biện pháp cứng rắn với giới truyền thông là điều vi phạm quyền tự do căn bản nhất trong các quốc gia EU.










Bà Neelie Kroes, phó chủ tịch EU, cho hay hiện có ba vụ kiện nhắm vào Hungary. (Hình: Georges Gobet/AFP/Getty Images)


Phó chủ tịch EU, bà Neeli Kroes, cho hay hiện có ba vụ kiện nhắm vào Hungary và lo ngại là quốc gia này đang rơi trở lại chế độ độc tài như thời Liên Xô.


Lời cảnh cáo này được đưa ra chỉ ít giờ trước cuộc viếng thăm của thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban, tới Nghị Viện Âu Châu để trả lời các chỉ trích.


Ủy Ban Âu Châu hôm Thứ Ba nói rằng họ có đủ bằng chứng để khởi sự các hành động về pháp lý trong ba lãnh vực tư pháp, ngân hàng trung ương và văn phòng bảo vệ dữ kiện tư, những nơi mà quyền tự do dân chủ đang bị đe dọa.


Ủy Ban Âu Châu cũng nói rằng Hiến Pháp mới của Hungary, có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Giêng năm nay, đe dọa sự độc lập của ngân hàng trung ương và hệ thống tư pháp ở Hungary cũng như không tôn trọng các dữ kiện cá nhân của người dân. (V.Giang)

Hoa Kỳ khó lòng chận đứng được nạn mập phì

 


CHICAGO, Illinois (CBS/AP) Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC) hôm Thứ Ba loan báo khó mà ngăn chận được nạn mập phì ở Mỹ.


Theo CDC, trong năm 2009-2010, cứ ba người Mỹ thì có một người bị mập phì, trong khi mập phì ở trẻ em chiếm 17%. Con số này không thay đổi so với hồi năm 2003.









Một phụ nữ mập phì đo huyết áp trong chung cư ở Durham, North Carolina. Theo CDC, trong năm 2009-2010, cứ ba người Mỹ thì có một người bị mập phì. (Hình: AP/Jim R Bounds)


Bà Cynthia Ogden, nhà nghiên cứu của CDC nói, điều khích lệ là chúng ta không thấy mập phì tăng thêm, nhưng ngược lại thì chúng ta không thấy sự sụt giảm ở nhóm nào cả.


Vào đầu thập niên, hơi có sự gia tăng mức mập phì trong số đàn ông da trắng, da đen và Hispanic, kể cả phụ nữ đen và Hispanic.


CDC nhận thấy có hơn 78 triệu người người lớn và 13 triệu trẻ em, tuổi từ 2 đến 19, bị mắc chứng mập phì.


Báo cáo của CDC, công bố trên trang mạng tập san AMA của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ vào ngày 17 Tháng Giêng, tóm tắt kết quả cuộc thăm dò sức khỏe toàn quốc đối với trẻ em lẫn người lớn, vốn được thực hiện mỗi hai năm. Những thăm dò này bao gồm chiều cao và sức nặng của mỗi cá nhân.


Bác Sĩ Elbert Huang, giáo sư trường y khoa của University of Chicago, nói nghiên cứu của ông cho thấy, nếu mập phì vẫn giữ đều mức độ như vậy thì sẽ có sự gia tăng bệnh tiểu đường, kể cả sự tốn kém để chữa trị căn bệnh này. (TP)

Kỹ nghệ phim khiêu dâm dọa rút khỏi Los Angeles

 


LOS ANGELES (AP) Một số nhà sản xuất phim khiêu dâm đang thu xếp chuẩn bị dọn ra khỏi Los Angeles, thành phố được mệnh danh Thủ Ðô Phim Khiêu Dâm, nếu chính quyền địa phương nhất định bắt tài tử đóng loại phim này phải mang bao cao su.









Một trang mạng khiêu dâm xem được trên Ipad. Các nhà sản xuất loại phim này dự trù đi làm ăn nơi khác, khi Los Angesles đòi hỏi tài tử đóng phim phải mang bao cao su. (Hình: Robyn Beck/AFP/Getty Images)


Hôm Thứ Ba, Hội Ðồng Thành Phố bỏ phiếu chấp thuận với tỉ số 9-1, ban hành biện pháp không cấp giấy phép cho nhà sản xuất nào không chấp hành điều lệ về bao cao su. Luật này vừa được chuyển lên Thị Trưởng Antonio Villaraigosa chờ phê chuẩn.


Trước khi luật được hiệu lực, Hội Ðồng Thành Phố kêu gọi thành lập một ủy ban gồm thành viên của cảnh sát, biện lý cuộc, sở y tế tiểu bang cùng vài cơ quan khác, để quyết định xem sẽ áp dụng luật như thế nào.


Ông Steven Hirsch, đồng sáng lập kiêm đồng chủ tịch hãng Vivid, một trong những nhà làm phim khiêu dâm lớn nhất, tuyên bố, theo ông, họ sẽ thấy người ta thôi không quay phim ở Los Angeles nữa. Ông cho biết hãng của ông thành lập từ năm 1984, nằm trong số những hãng sẽ cuốn gói ra đi.


Ông Christian Mann, tổng quản trị hãng Evil Angel, một đại công ty khác của kỹ nghệ phim khiêu dâm nói, thành phố được gì ngoài việc thất thu tiền cấp giấy phép và làm cho các nhà sản xuất bỏ đi nơi khác, một khi kỹ nghệ này không thể tạo một sản phẩm mà thị trường chẳng có ai ưa.


Khoảng 90% phim khiêu dâm Hoa Kỳ sản xuất tại Los Angeles, phần nhiều thực hiện tại khu vực San Fernando Valley. Theo ông Mark Kernes, chủ bút tờ Adult Video News, nếu kể cả phim, tiền tải xuống từ mạng, dụng cụ khiêu dâm và tiền thu vào các vũ trường, đây là một ngành kỹ nghệ có doanh thu hằng năm lên đến $8 tỉ. (TP)

Thủy Quân Lục Chiến Hòa Lan nổ súng đẩy lui hải tặc

 


THE HAGUE, Hòa Lan (AP)Chính phủ Hòa Lan cho hay một toán lính Thủy Quân Lục Chiến đi trên một tàu dân sự đã nổ súng đẩy lui hải tặc định tấn công tàu này trong vùng biển Ả Rập.









Hải Quân Mỹ (phải) cứu tàu Iran trong biển Ả Rập. Hòa Lan cho biết TQLC của họ vừa bắn một nhóm hải tặc trong vùng biển này. (Hình: U.S. Navy via Getty Images)


Bộ Quốc Phòng Hòa Lan cho hay các binh sĩ TQLC vào lúc sáng sớm ngày Thứ Ba đã bắn vào nhóm hải tặc võ trang bằng súng cá nhân và súng phóng lựu, trong khi thủy thủ đoàn của chiếc tàu mang tên Flinstone rút vào ẩn náu trong phòng an toàn. Chiếc tàu này thường dùng vào việc đổ đá xuống các đường ống ngầm ngoài biển.


Lính TQLC Hòa Lan bắn cảnh cáo vào phía sáu hải tặc đi trên chiếc xuồng chạy về phía chiếc Flinstone với vận tốc cao. Nhưng bọn hải tặc lại nhắm súng phóng lựu vào chiếc tàu khiến họ phải bắn thẳng vào mục tiêu. Bộ Quốc Phòng Hòa Lan cho hay “không thể loại bỏ trường hợp có tổn thất” về phía hải tặc.


Chiếc Flinstone bị tấn công khi đang trên đường từ Malta đi Singapore. (V.Giang)

Lãnh tụ Áo Ðỏ gia nhập chính phủ Thái Lan

 


BANGKOK (AFP) Một nhân vật lãnh đạo thành phần Áo Ðỏ bị truy tố có hành động “khủng bố” khi tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ trước ở Thái Lan, nay vừa trở thành thứ trưởng trong chính quyền mới sau cuộc cải tổ hôm Thứ Tư.









Ông Nattawut Saikuar trong một cuộc biểu tình của phe Áo Ðỏ tại Bangkok. (Hình: Roslan Rahman/AFP/Getty Images)


Trong cuộc cải tổ này, Thủ Tướng Yingluck Shinawatra bổ nhiệm ông Nattawut Saikuar vào chức vụ thứ trưởng Bộ Canh Nông.


Ông Nattawut được tại ngoại hậu tra cùng một số nhà lãnh đạo khác của thành phần Áo Ðỏ hồi Tháng Hai năm ngoái, sau khi bị giam chín tháng vì từng lãnh đạo các cuộc biểu tình lớn lao ở Bangkok năm 2010.


Ông Nattawut đắc cử vào Quốc Hội hồi Tháng Sáu năm ngoái trong cuộc bầu cử giúp đảng Puea Thai, đồng minh của thành phần Áo Ðỏ, lên nắm chính quyền dưới sự lãnh đạo của bà Yingluck, em gái út của cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra, người bị quân đội đảo chánh năm 2006 và phải lưu vong để tránh bản án tù.


Một số nhà lãnh đạo Áo Ðỏ được bầu vào Quốc Hội, nhưng không được đưa vào chính phủ trước đây vì sợ phản ứng giận dữ từ phía quân đội và thành phần chống ông Thaksin.


Hơn 90 người, đa số là thường dân, bị giết và gần 1,900 người khác bị thương trong hai tháng trời biểu tình chống chính phủ của phía Áo Ðỏ. (V.Giang)

TT Obama ‘tạm’ bác bỏ dự án đường ống dẫn dầu

 


WASHINGTON (AP)Trong một quyết định gây phản ứng chính trị dữ dội, Tổng Thống Barack Obama hôm Thứ Tư bác bỏ dự án đường ống dẫn dầu từ Canada sang Hoa Kỳ, nói rằng chưa có đủ thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi kỳ hạn do phía Cộng Hòa đưa ra sắp hết.









Ông Alex Pourbaix (trái), chủ tịch công ty TransCanada Corp., nói về dự án đường ống dẫn dầu trong cuộc họp báo ở North Dakata. Kế bên là Thượng Nghị Sĩ John Hoeven (Cộng Hòa-North Dakota). (Hình: AP Photo/James MacPherson)


Quyết định này của tổng thống không có nghĩa là dự án “Keystone XL Pipeline” bị bỏ, nhưng bị trì hoãn, và ông không phải đưa ra một quyết định khó khăn trước kỳ bầu cử tổng thống vào Tháng Mười Một.


Ngay lập tức, tuyên bố của tổng thống tạo ra một “cơn bão” chính trị trên mọi phương diện, nhất là đối với các ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang South Carolina. Tuyên bố này cũng tạo ra một cảm giác khó chịu cho quốc gia láng giềng phía Bắc, một đồng minh thân cận của Mỹ.


Ðối với cử tri Mỹ đang cần việc làm, đường ống dẫn dầu giữa Mỹ và Canada là một biểu tượng tạo ra việc làm theo quan điểm của đảng Cộng Hòa. Tuy nhiên, Tổng Thống Obama nói rằng an toàn công cộng và môi trường cũng phải được cân nhắc khi thực hiện dự án.


Dự án do công TransCanada Corp. có văn phòng tại Calgary thực hiện sẽ dẫn dầu hỏa làm từ cát ở phía Tây Canada xuống tới Texas, qua sáu tiểu bang. Ðường ống có chiều dài 1,700 dặm.


Ông Obama đã cho biết phản đối dự án, vào lúc này, cho tới khi phía hành pháp xem xét kỹ lưỡng và đề nghị đường ống đi qua hướng khác nhằm tránh một số khu đất thiên nhiên cần được bảo tồn ở Nebraska. Cho đến này, đường ống mới vẫn chưa được đề nghị. Tuy nhiên, ông Obama vẫn muốn đưa ra quan điểm của mình trước ngày hết hạn 21 Tháng Hai mà ông đạt được với phía Cộng Hòa trong khi thảo luận dự luật giảm thuế.


Lần này, dự án vẫn sẽ được thực hiện, trừ khi ông Obama lên tiếng bác bỏ vì không có lợi cho quốc gia. Ông Obama đã làm vậy và gặp nhiều phản đối.


“Quyết định này không phải là một đánh giá đúng sai về đường ống dẫn dầu, nhưng là một hành động phản đối tự nhiên đối với kỳ hạn của Quốc Hội đồng thời làm cho Bộ Ngoại Giao không phải thu thập thông tin về dự án và cùng lúc bảo vệ người dân Hoa Kỳ,” Tổng Thống Obama nói trong một thông báo. “Tôi rất thất vọng vì phía Cộng Hòa ép tôi phải đưa ra quyết định này.”


Phía Cộng Hòa phản ứng gay gắt.


“Tổng Thống Obama ‘giết’ hàng chục ngàn việc làm của người Mỹ và chuyển an ninh năng lượng sang tay người Trung Quốc. Không còn từ nào có thể được dùng để diễn tả hành động này. Tổng thống ‘bán đứng’ người dân Mỹ vì lý do chính trị,” Dân Biểu John Boeher (Cộng Hòa-Ohio), chủ tịch Hạ Viện, nói.


Ông cho rằng đường ống dẫn dầu này sẽ tạo ra việc làm cho người Mỹ.


Nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện tuyên bố: “Cuộc chiến này chưa chấm dứt,” cho thấy phía Cộng Hòa có thể một lần nữa “đẩy” tổng thống phải đưa ra quyết định về dự án này. (Ð.D.)

Tiền bạc và hạnh phúc – Lê Mạnh Hùng

 


Lê Mạnh Hùng


Một bức tranh hí họa nếu vẽ hay có thể đạt được một ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với một bài viết về cùng một đề tài. Thành ra trong bức tranh hí họa ngày hôm nay trên nhật báo Daily Mail tại Luân Ðôn, họa sĩ Pugh đã thu được một cách tuyệt vời cuộc tranh luận từ xưa đến nay về quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc: một ông bác sĩ nói với bệnh nhân, “Nếu viên thuốc Prozac này không có hiệu quả, anh hãy cầm lấy đồng 5 bảng Anh này.”


Bức tranh đó là kết luận mà họa sĩ rút ra từ một bản phúc trình dầy 250 trang của hơn một chục giáo sư đại học do Viện Nghiên Cứu Các Vấn Ðề Kinh Tế (Institute of Economic Affairs – IEA) ở Luân Ðôn công bố có tựa đề là “…And the pursuit of Happiness: Well-being and the Role of Government” nhằm lật tẩy chính phủ của ông David Cameron muốn dùng cái gọi là “Chỉ số Hạnh phúc Tổng quát” (General Wellbeing Index) để bổ túc và còn có thể thay thế Tổng sản lượng Quốc nội (GDP) như là thước đo sự thành công của mình.


IEA chọn ngày Thứ Hai vừa qua là ngày để phát hành phúc trình này vì viện biết rằng trong vòng mấy năm qua, báo chí Anh có thói quen là hay đăng những bài dựa trên ý tưởng rằng ngày Thứ Hai của tuần thứ ba của Tháng Giêng được người Anh coi như là “ngày buồn chán nhất của năm.” Ý tưởng này được Cliff Arnall, một người tự nhận là sư phụ trong việc “mưu cầu hạnh phúc” đưa ra vào năm 2005 trong một cuốn sách đầy những lý luận giả khoa học chứng minh rằng ngày Thứ Hai này bao giờ cũng là ngày nhiều buồn chán nhất đối với người Anh. Dù rằng sau này Arnall đã rút lại kết luận đó, nhưng nó đã trở thành thói quen trong báo chí Anh và Viện IEA như đã nói trên đã lợi dụng để kéo sự chú ý của mọi người đối với cái họ gọi là “nghị trình hạnh phúc” của ông David Cameron.


Mọi chuyện bắt đầu vào năm ngoái, khi theo lệnh của phủ thủ tướng, Cơ Quan Thống Kê Quốc Gia Anh mở một cuộc khảo sát hỏi hàng trăm ngàn gia đình người Anh rằng họ “có hạnh phúc hay không” và những câu hỏi tương tự. Và cuộc khảo sát này được đưa ra sau bài diễn văn của ông Cameron năm 2010 chỉ trích rằng “Tổng sản lượng Quốc nội đo đủ thứ trừ việc đo những cái làm cho cuộc đời đáng sống” và ông nhấn mạnh với tư cách là thủ tướng ông sẽ tập trung vào “GWB (General Wellbeing) thay vì GDP.”


Có ít nhất là hai lý do khác nhau giải thích tại sao vị lãnh tụ đảng Bảo Thủ lại theo đuổi nghị trình hạnh phúc này. Thứ nhất là nếu chính sách của ta đã là thắt lưng buộc bụng và giảm chi tất cả, thì đương nhiên là ta phải tìm một cái gì khác hơn là tăng trưởng kinh tế như là thước đo của sự thành công. Và thứ hai là ông Cameron từ trước tới nay vẫn tìm cách giải độc đối với dân chúng vốn vẫn cho rằng đảng Bảo Thủ chỉ gồm những kẻ vị kỷ ham làm giầu cho mình.


Vấn đề là sở dĩ GDP được dùng như một thước đo thành quả chính là vì người ta có thể đo nó được. Trong khi đó hạnh phúc là một cái gì không thể chuyển đổi thành ra một con số được.


Ngoài ra, tâm lý học cũng cho thấy rằng hạnh phúc không phải là điều quan trọng nhất đối với con người. Như Tiến Sĩ Martin Seligman một trong những người đi tiên phong trong lãnh vực tâm lý học nhận xét: “Ðiều con người muốn, không phải chỉ có hạnh phúc, nếu đó là tất cả những gì người ta muốn, chúng ta đã bị diệt chủng từ lâu rồi.”


Tại chính chỗ này, nơi mà kinh tế đụng chạm với tâm lý, nếu có một kết luận chính trị nào có thể đưa ra được thì đó chính là lý luận của cánh tả nói rằng một mức độ bất công kinh tế cao dẫn tới tình trạng thiếu hạnh phúc của đa số dân chúng, và chính phủ có bổn phận phải làm một cái gì để giảm thiểu tình trạng bất công đó qua những biện pháp thuế vụ. Nhưng rõ ràng lại tại Anh các chính phủ đã làm chuyện đó rồi với hàng triệu người nghèo không phải đóng thuế trong lúc những người giầu ở trên phải chịu thuế lợi tức đến 50%.


Nhưng lý luận rằng bất công kinh tế làm người ta thiếu hạnh phúc cũng không hoàn toàn đúng. Như Giáo Sư Paul Ormerod đưa ra trong phần đóng góp của ông ở phúc trình của IEA, có một sự khác biệt giữa sự bất công hiện hữu nói chung giữa thành phần giầu nhất và nghèo nhất của đất nước và sự khác biệt giầu nghèo tương đối giữa những người sống gần bên nhau. Tuy rằng khác biệt giầu nghèo gia tăng nói chung trong xã hội được người ta chú ý tới nhiều, nhưng chính cái khác biệt giầu nghèo tương đối giữa những người sống cạnh nhau mới là nguồn tạo ra thiếu hạnh phúc chính. Như Ormerod viết: “Khác biệt về thu nhập tương đối tạo ra những cái nhìn ghen tỵ qua hàng rào vườn của hai nhà, trong khi bất công kinh tế nói chung đòi hỏi người ta phải có một khái niệm trừu tượng về những kẻ giầu có ở xa.” Nhưng nếu Ormerod nói đúng thì chính phủ đâu có thể làm được gì ngoài việc khuyên người ta rằng đừng nên ganh ghét, xấu lắm.


Còn về vấn đề muôn thuở là liệu tiền bạc có làm cho con người hạnh phúc hơn không thì ta không thể nào qua mặt được câu kết luận của hai Giáo Sư Blanchflower và Oswald “Tiền bạc mua được hạnh phúc. Người ta ai cũng muốn có tiền.” Và cũng như là một cô thiếu nữ người Hoa trên chương trình dating của truyền hình Trung Quốc: “Tôi thích khóc trên chiếc xe BMW hơn là cười trên chiếc xe đạp.”

Bão vùng Tây Bắc Mỹ, trường học đóng cửa, các chuyến bay bị hủy

 


SEATTLE (AP)Các trường học phải lo đóng cửa trước, các toán nhân viên bảo trì đường sá lo đổ muối xuống đường và hơn hai chục chuyến bay đến các thành phố ở vùng Tây Bắc Mỹ bị hủy khi khu vực này chuẩn bị cho trận bão lớn kéo đến hôm Thứ Tư.









Cảnh sát tiểu bang Washington kiểm tra xe trên Xa Lộ 90 trong lúc tuyết rơi. (Hình: AP Photo/Elaine Thompson)


Các tiên đoán khí tượng cho hay từ 3 đến 5 inch tuyết sẽ đổ xuống khu vực thành phố Seattle, và có thể nhiều hơn ở các cộng đồng nằm dọc theo xa lộ liên bang số 5 ở về phía Nam thành phố.


Các trường học trong thành phố đã tạm thời đóng cửa, cũng như các thành phố chung quanh trong tiểu bang Washington như Tacoma, Olympia và Bellingham.


Hãng hàng không Alaska Airlines vào chiều tối ngày Thứ Ba cho hay họ sẽ hủy bỏ 35 chuyến bay đi và đến thành phố Seattle và Porland ở tiểu bang Oregon. Công ty này cho hay sẽ không tính tiền đặt lại chuyến bay cho các hành khách di chuyển trong thời gian từ Thứ Ba đến Thứ Năm ở các thành phố này.


Ðiều kiện đường sá trong thời gian có bão tuyết cũng được cho biết là nguy hiểm vì tuyết sẽ rơi ngay trước giờ cao điểm buổi sáng.


“Ngày Thứ Tư là ngày tốt để nghỉ ở nhà,” theo lời Brad Colman, một chuyên viên khí tượng thuộc văn phòng Sở Khí Tượng Quốc Gia ở Seattle. “Việc di chuyển sẽ rất khó khăn.”


Tuyết rơi nhiều có thể làm tê liệt thành phố Seattle, vốn không có nhiều xe ủi tuyết và người dân nơi đây không có nhiều kinh nghiệm lái xe đường đóng băng hoặc có tuyết phủ.


Một số khách sạn ở trung tâm thành phố cho hay các phòng đều đã có người mướn. Các siêu thị nói rằng khách hàng ào ạt đi mua thức ăn dự trữ. (V.Giang)

Thống đốc California kêu gọi tăng thuế

 


SACRAMENTO (AP) Trong bài diễn văn thường niên về hiện tình tiểu bang California, Thống Ðốc Jerry Brown cho người dân nơi này sự chọn lựa giữa tăng thuế và cắt giảm thêm ngân sách giáo dục cùng các dịch vụ căn bản khác của chính phủ, chuẩn bị dư luận cho cuộc vận động cho dự luật tăng thuế trong kỳ bầu cử Tháng Mười Một năm nay.










Thống Ðốc Jerry Brown đọc diễn văn tại lưỡng viện Quốc Hội California. Ông cho rằng phải tăng thuế để cân bằng ngân sách. (Hình: AP Photo/Rich Pedroncelli)


Vị thống đốc thuộc đảng Dân Chủ này nói rằng nỗ lực thúc đẩy việc “tạm thời” tăng thuế đánh vào người giàu, cũng như tăng mức thuế bán hàng, để thoát ra khỏi tình trạng thâm thủng ngân sách triền miên của tiểu bang và không phải cắt giảm chi tiêu trong lãnh vực giáo dục, an sinh xã hội và dịch vụ y tế cho người nghèo. Ông cho rằng tăng thuế là phương pháp tốt nhất. Ông Brown cho hay ngân sách của ông cho tài khóa tới sẽ lấp được khoản thiếu hụt là $9.2 tỉ nhờ vào biện pháp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu.


“Cả hai biện pháp này đều không làm ai hài lòng, nhưng chúng ta sẽ phải thi hành,” ông nói.


Dù có sự hỗ trợ từ các thành viên đảng Dân Chủ tại Quốc Hội, tiến trình thông qua dự luật tăng thuế của ông Brown sẽ không dễ dàng.


Có ít nhất hai nhóm khác đưa đề nghị thuế của họ ra để cử tri chọn lựa trong kỳ bầu cử tới đây, góp phần tạo thêm đủ mọi loại đề nghị dễ làm cho cử tri rối trí và dễ đưa họ đến quyết định bác bỏ tất cả.


Cùng lúc đó, các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa và các nhóm chống tăng thuế đang chuẩn bị phản bác Thống Ðốc Brown bằng cách nói rằng chính quyền tiểu bang hiện vẫn chưa thể kiểm soát được việc chi tiêu của mình.


Các nhà lãnh đạo phía Cộng Hòa tại Quốc Hội California cũng đưa ra bản thông cáo chung chỉ trích bài diễn văn của ông Brown ngay trước khi ông kịp đọc trước phiên họp khoáng đại.


“Ðiều đáng tiếc là thống đốc chỉ chú trọng đến một việc duy nhất là tăng thuế,” theo lời trưởng khối thiểu số Hạ Viện, Dân Biểu Connie Conway ở Tulare. “Thống Ðốc Brown nói rằng trời sẽ sập nếu người dân California không đồng ý tăng thêm $35 tỉ thuế. Tất cả chúng ta đều biết rằng điều này không đúng.”


Ông Brown cho hay kế hoạch tăng thuế của ông sẽ tạo thêm $7 tỉ mỗi năm từ nay đến năm 2017, bằng cách tăng thuế lợi tức của những người kiếm hơn $250,000 mỗi năm và tăng thuế bán hàng tiểu bang thêm 0.5 cent. (V.Giang)

Thăng Long vào năm Rồng

 


Viên Linh 


Khi bài này được viết ra, không khí trong thành phố thu nhỏ mang tên Sài Gòn, thủ đô văn hóa miền Nam trong nhiều thập niên, đang nhộn nhịp với chợ Tết, hoa Xuân, cây cảnh trang hoàng mừng ngày Nguyên Ðán, các đại nhạc hội giải trí sang mùa, hay các cuộc họp mặt Tất Niên, hay sửa soạn mừng ngày năm mới Con Rồng.










Mỹ thuật thời Lý: Rồng trên bệ tượng Phật chùa Phật Tích, Bắc Ninh, năm 1057. (Hình: Tài liệu Huỳnh Hữu Ủy)


Rồng, linh vật thứ nhất trong tứ linh, đứng trước con ly, con rùa, con phượng. Rồng, linh vật làm vua thủy cung, Long vương, và khi rồng từ mặt nước bay lên, hơn một ngàn năm trước, nhằm đúng lúc thuyền của Lý Công Uẩn vừa cập bến dưới thành Ðại La, chúng ta có Thăng Long, và đó là thủ đô của một nước văn hiến đã ngàn đời. Trong thành Thăng Long có một con sông chảy qua, đó là sông Tô Lịch; thần sông Tô là Long Ðỗ. Nhân đó, Lý Công Uẩn phong cho Long Ðỗ làm “Thành hoàng Ðại vương cai quản Quốc đô Thăng Long.” Ðó là tên thành; còn tên đất, Lý Công Uẩn cũng đặt lại là Phủ Ứng Thiên: đất ở đây hợp với lẽ trời. Ðó là chuyện xưa, tích cũ thời thủ đô của đất nước còn vượng khí huy hoàng, từ ngày Thăng Long bị đổi tên là Hà Nội, vượng khí thủ đô không còn nữa. Thăng Long bị đổi tên ra Hà Nội từ khi nào, và do kẻ nào làm việc ấy, có chủ ý gì không? Ðọc sử sách cũ, người ta có thể tìm ra câu trả lời: vua Minh Mệnh nhà Nguyễn Gia Miêu đã làm việc này. Ông cũng là người chia đất nước làm ba “kỳ,” đặt 13 tỉnh phía Bắc vào một “kỳ,” gọi là “Bắc kỳ.” Hai tiếng Bắc kỳ trở thành một biểu ngữ cho sự kỳ thị, vô tình hay hữu ý.


Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán nhà Nguyễn biên soạn, chuyện này được ghi chép trong cuốn ba (quyển XIII), mục tỉnh Hà Nội. Danh từ “Hà Nội được đặt ra vào năm thứ 12 triều Minh Mệnh.” Ông vua này tên tục là Ðởm, là con thứ tư của Gia Long, sinh năm 1789, lên ngôi vua năm 1820; vậy năm thứ 12 ở ngôi vua là năm 1831. Tên Thăng Long bị ông ta xóa bỏ năm đó, và tên Hà Nội thay vào từ năm đó. Và vẫn theo Ðại Nam Nhất Thống Chí, năm Minh Mệnh thứ 15 lấy 13 tỉnh phía Bắc gộp thành một kỳ, gọi là “Bắc kỳ.” Từ khi mang tên Hà Nội, thành phố trở thành tầm thường như các tình khác: tỉnh ở phía Ðông sông Hồng Hà, thì gọi là Hà Ðông, phía Nam thì gọi Hà Nam, phía Tây phía Bắc thì gọi Hà Tây Hà Bắc; tỉnh gọi là Hà Nội vì nó nằm trong sông Hồng Hà. Hà Nội trở thành thủ đô miền Bắc của thực dân Pháp năm 1888, ngang hàng với Huế và Sài Gòn trong guồng máy cai trị Pháp; trở thành thủ đô của cộng sản năm 1954, xuống cấp mọi mặt so với Sài Gòn thủ đô văn hóa miền Nam thời ông Ngô Ðình Diệm và sau đó tới 1975. Từ 1975, Hà Nội trở thành thủ đô của nước Cộng Hòa Xã Hội Việt Nam, cho tới bây giờ, và trong vài ngày nữa, năm Con Rồng trở lại với Thăng Long.


Mấy năm trước đây tại hải ngoại có phong trào “đòi lại tên Sài Gòn,” và cũng có những vận động để đổi lại tên Hà Nội thành Thăng Long-Hà Nội. Ý nghĩa về sự đặt tên một thành phố thường nằm trong sự vận động của thời thế, của lịch sử, tự nhiên mà thành, hay trong những biện pháp hành chánh khi mà chế độ đắc thế. Kẻ đắc thế tha hồ đặt tên, dân không gọi sẽ thành tên ma, tên quỉ. Dân không gọi thì không thể tồn tại, nên sớm muộn sẽ bị đặt lại, chỉ là vấn đề thời gian. Dân gian có cách gọi tên giản dị, nhiều khi vì thế mà thành vĩnh cửu, như ngã ba Ông Tạ, giồng Ông Tố, ngã ba Chú Ía, xóm Sáu Lèo. Trường nữ trung học đặt tên trường Gia Long nghe không thuận tai chút nào, lại càng nghịch nhĩ với tên vợ “đồng chí” trước mà lại là người tình của vị chủ tịch sau. Dù chế độ áp đặt mà có tên trên giấy tờ, trên bản đồ, nhưng dân không gọi thì cũng chẳng để làm gì, rồi nó sẽ mai một. Nhưng tên Hà Nội sẽ bị bỏ sớm, vì từ thủ đô một nước độc lập văn hiến trở thành thủ đô một guồng máy lệ thuộc thiếu tự chủ, từ thực dân tới cộng sản, nào có hay ho gì, nào có hãnh diện gì, để mà giữ lại. Năm Rồng sắp tới với Thăng Long, hồn Thăng Long sẽ trở lại với kinh thành cũ.


Hồn ấy, mấy trăm năm qua, đã đau đớn thế nào? Từ thời Nguyễn Du, khi thấy quan quân chân đất da đồng từ rừng núi về kinh đô ồn ào ném tiền lên chiếu cô đầu, ả đào, Nguyễn Du đã đau đớn: 


Ôi hỡi Lô giang, ôi Tản viên
Ta về đầu bạc trắng ưu phiền
Thăng Long đất cũ kinh thành mới
Ðường lối quanh co dạ đảo điên.


(Trần Lam Giang dịch từ bài Thăng Long I của Nguyễn Du: Tần lĩnh Lô giang tuế tuế đồng / Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long / Thiên niên cự thất thành quan đạo / Nhất phiến tân thành một cố cung.) 


Nhe nhạc mới của triều đại mới, Nguyễn Du cũng phiền hà, vừa phải nghe nhạc thô, vừa nhớ cả ngàn vạn người đã bị giết: 


Ðường ngõ bốn bề lầm lối cũ
Sáo đàn một khác lộn âm thô


(Nguyễn Quan Hà dịch Thăng Long II của Nguyễn Du: Cù hạng tứ khai mê cựu tích / Quản huyền nhất biến tạp tân thanh.)


Nguyễn Du còn một bài nữa tuy không nói về Thăng Long, nhưng về bạn cũ cùng niềm chính khí nay đã mất, mình đóng cửa không còn tiếp khách, không nói với ai, xem ra có ý mong ngày cây cỏ sương tuyết hóa long (hóa rồng) trở lại: 


Mạc mạc trần ai mãn thái không / Bế môn cao chẩm, ngọa kỳ trung / Nhất thiên minh nguyệt giao tình tại / Bách lý Hồng sơn chính khí đồng / Nhãn để phù vân khan thế sự / Yêu gian trường kiếm quản thu phong / Vô ngôn độc đối đình tiền trúc / Sương tuyết tiêu thời hóa hóa long).


Bụi mù bay khắp không gian
Trong nhà cửa đóng ta nằm nhớ ai.
Trăng xưa núi cũ mộng dài
Việc đời mây nổi bay ngoài mắt xanh.


Tài trai kiếm gỉ bên mình
Thu qua đông lại vẫn cành trúc im.
Nói gì – thôi cứ nín thinh
Mong tan sương tuyết hiện hình rồng lên.
(Viên Linh phóng dịch) 


Những thi sĩ kinh đô khi xa kinh thành, nghĩ gì và nói gì? Ðinh Hùng nhắn nhủ Thăng Long một ngày “cây cỏ nhập thần,” chuyện dời đổi vốn là chuyện ảo hóa, chưa biết cái gì ra cái gì: 


Trăng ơi! Ðừng bỏ kinh thành
Hồn cố đô vẫn thanh bình như xưa.
Nhỡn tiền chợt sáng thiên cơ
Biết chăng ảo phố mê đồ là đâu?


Ta say ánh lửa tinh cầu
Dựng lên địa chấn, loạn màu huyền không.
Trần cười tan hợp núi sông
Cơn mê kỳ thú lạ lùng cỏ hoa


Hý trường đổi lớp phong ba
Mượn tay ngụy tạo xóa nhòa biển dâu.
Hưng vong vạn lý thành sầu
Trăng ơi! Ðừng bỏ mái lầu nhân gian.


Ta chờ thiên địa giao hoan
Nhập thần cây cỏ muôn vàn kiếp sau.
(Ðinh Hùng, Sông núi giao thần)


 Thơ ca về Thăng Long thành phố Rồng Lên còn nhiều lắm, chúng ta sẽ còn nhiều dịp để nói đến. Trạng Trình (?) được nói đến nhiều với câu “Long vĩ sà đầu khởi chiến tranh,” song không có gì được nói rõ hơn. Chỉ nhân năm mới đang đến, bài viết này theo đó gửi đi một niềm hy vọng: Rồng là linh vật của cả loài người, năm Rồng hẳn sẽ cho chúng ta những niềm mong mỏi thành tựu.


 

Một giờ nói chuyện với dịch giả Liêu Quốc Nhĩ (Kỳ 1)

 





LNÐ:
Trong khoảng thời gian 5 năm cuối cùng của 20 năm sinh hoạt văn học miền Nam, sách dịch các loại là hiện tượng nổi bật, mạnh mẽ nhất. Nó lấn lướt tất cả mọi loại sáng tác ở miền Nam. Tới mức độ, nhiều nhà xuất bản danh tiếng, vốn chỉ chú trọng tới những sáng tác mang tính văn học, nghệ thuật cao, cũng quay sang khai thác thị trường sách dịch.


Một bất ngờ, nằm ngoài mọi dự tính, tiên liệu của các nhà xuất bản là sự nổi lên cuồn cuộn như sóng trào của cái gọi là “Hiện tượng truyện Quỳnh Dao.” Vì thế, tạp chí Văn ở Saigon thời đó, đã có một bài phỏng vấn người vô tình tạo nên “cơn bão” truyện Quỳnh Dao, dịch giả Liêu Quốc Nhĩ.


Nhờ công sưu tầm của nhà thơ Thành Tôn, hiện cư ngụ tại miền Nam California, chúng tôi trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn kể trên, thực hiện bởi nhà thơ Du Tử Lê, theo yêu cầu của tạp chí Văn, cách đây cũng đã trên, dưới bốn mươi năm.





 


Du Tử Lê (DTL): Thưa ông, xin ông cho biết nguyên động lực nào, hãy tạm nói như vậy, đưa ông tới việc chọn sách Quỳnh Dao để dịch, mà không phải là một tác giả Trung Hoa khác?










Nhà văn Quỳnh Dao. (Nguồn ảnh Baidu)



Liêu Quốc Nhĩ (LQN):
Quả thực, tôi không dự liệu việc dịch sách. Càng không là dịch sách Quỳnh Dao. Với tôi, việc đó thật là tình cờ. Như một trò chơi. Hồi năm 1958, Ðại Học Khoa Học quyết định ra một đặc san Xuân, và anh em bảo tôi viết cái gì cho vui. Tôi nhớ trước đây không lâu, tôi có đọc một số báo Văn, đặc biệt về Quỳnh Dao. Và sẵn có nguyên bản một số truyện Quỳnh Dao trong tay, tôi bèn dịch một truyện và đưa cho họ. Sau đấy, một anh bạn làm tờ Võ Thuật, muốn làm thêm xuất bản lại bảo tôi chọn một truyện của Quỳnh Dao dịch ra, để cho anh ta in. Thế là tôi dịch trọn vẹn cuốn “Song Ngoại.” “Song Ngoại” là cuốn truyện đầu tiên của Quỳnh Dao được in và phát hành tại đây (Saigon), với nhãn của nhà xuất bản Hàn Thuyên. Ðó là năm 1970.


DTL: Và sau đấy, thưa ông?


LQN: Cũng vẫn là tình cờ thôi ông ạ. Tôi không nhớ khoảng thời gian nào của năm 70, khi tôi đang làm giảng viên cho trường Khoa Học, tôi được gặp anh Ðỗ Quí Toàn. Khi ấy, anh Toàn mới thay anh Uyên Thao trong chức vụ Thư Ký Tòa Soạn của báo Ðời. Anh Toàn bảo tôi dịch cho anh một truyện gì đó. Tôi chọn “Cánh Hoa Chùm Gởi.” Tôi dịch trọn vẹn, xong đưa cho anh Toàn xem. Và anh Toàn đã cho đăng từng kỳ, trên báo Ðời.


Tưởng cũng nên nói thêm với ông rằng cho tới lúc đó, tôi vẫn còn nhìn chuyện dịch sách như một cách để kiếm thêm tiền cho cái lương công chức của tôi mà thôi. Cũng xin được nói thêm nữa là cuốn sách dịch đầu tiên tôi chọn dịch không phải là sách của Quỳnh Dao. Mà của Y Ðạt ông ạ. Ðó là cuốn “Tình Yêu Bóng Tối.” Cuốn này mãi tới bây giờ mới được nhà Vàng Son in ra thành sách.


Trở lại với “Cánh Hoa Chùm Gửi,” khi cuốn truyện đăng dứt, anh Nguyễn Văn Thành ở nhà Hiện Ðại bảo anh Vũ Dzũng liên lạc với tôi để điều đình in. Thoạt đầu anh Vũ Dzũng cũng chỉ định in thử một cuốn của Quỳnh Dao, xem sao… Ðó là cuốn “Cơn Gió Thoảng,” cũng do tôi dịch. Không ngờ “Cơn Gió Thoảng”… ăn khách. Thế là anh Vũ Dzũng in tiếp ngay “Cánh Hoa Chùm Gửi.”


DTL: Ông được bao nhiêu thù lao cho cuốn đầu tiên đó?


LQN: Thưa, bốn mươi ngàn đồng.


DTL: Còn “Cánh Hoa Chùm Gửi”?


LQN: Năm mươi ngàn. Nhưng như ông biết đó, sách Quỳnh Dao không ngờ bán quá chạy. Cho nên không đầy một năm, “Song Ngoại” được tái bản.


DTL: Vâng tôi biết. Nhưng nếu tôi không lầm thì “Song Ngoại” của nhà Hàn Thuyên nào đó đã phải bán “son.” Và ông Thành Nhà H.Ð. đã “móc” nó lên từ hè phố?


LQN: Quả có điều đó thực.


DTL: Cho tới hôm nay, ông đã dịch được tất cả bao nhiêu cuốn sách của riêng Quỳnh Dao?








LQN: Mười cuốn. Cuốn mới nhất là cuốn “Hải Âu Phi Xứ.”


DTL: Trong số tất cả mười cuốn đã dịch, ông ưng ý với cuốn nào nhất? Tôi muốn nói tới những cái như văn chương, bố cục… đại khái như thế.


LQN: Tôi nghĩ đó là cuốn “Bên Bờ Hiu Quạnh” tức “Hàn Yên Thúy.” Nhưng cuốn này hình như lại bán “yếu” nhất ông à. Có lẽ tại vì nó không hợp với độc giả đa số độc giả (?).


DTL: Vậy thì theo ghi nhận của ông, cuốn nào được kể là bán chạy nhất?


LQN: Ðó là cuốn “Cơn Gió Thoảng.” Ông có thể tin là chỉ với 25 ngày thôi, kể từ ngày phát hành, 5.000 cuốn đã được bán sạch.


DTL: Bây giờ, bước vào phần nghề nghiệp và cũng thực tế một chút thì, trung bình ông bỏ bao nhiêu thời gian cho việc hoàn tất bản dịch một cuốn truyện.


LQN: Từ nửa tháng tới bốn mươi lăm ngày. Kể luôn thời gian đọc lại và sửa chữa.


DTL: Chúng ta đang ở giữa những giây “phút nói thật” ông có thể cho độc giả Văn biết ông có dịch một cuốn nào không phải của Quỳnh Dao, tức Quỳnh Dao… giả hay không?


LQN: Không. Dứt khoát không. Sách của tôi dịch, hoàn toàn là sách của Quỳnh Dao… thật. Tôi có thể nói rõ hơn: Riêng về truyện dài, Quỳnh Dao, đến nay, chỉ có mười ba cuốn. Và chính tôi đã dịch mười cuốn như đã kể.


DTL: Tôi nghĩ, có lẽ ông biết rõ hơn ai hết, về số sách Quỳnh Dao… giả đang được bày bán ở đây. Tôi không có ý muốn ông nhắc tới những tiểu thuyết mượn tên Quỳnh Dao mà, chỉ muốn nghe ông nói, hiện có khoảng bao nhiêu cuốn truyện Quỳnh Dao… giả, nếu ông thấy có thể?


LQN: Vâng. Nhiều lắm. Hàng chục. Hoặc hơn thế ông ạ. Trong đó có những cuốn do nhà xuất bản thuê một vài nhà văn nào đó viết cho họ. Nhưng lúc in ra thì họ lại đề là dịch từ của Quỳnh Dao. Ông cho tôi miễn phải kể ra một số tên sách loại đó.


DTL: Vâng. Tôi hiểu. và tôi cũng đã nói với ông là tôi không chờ đợi việc ấy. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là điều ông có thể trả lời được. Ðó là, nếu phải so sánh mãi lực giữa truyện Quỳnh Dao thật và giả, thì loại nào được độc giả đón nhận nhiều hơn?


LQN: Ðương nhiên là loại truyện Quỳnh Dao… giả có mãi lực kém hẳn rồi!


DTL: Gần đây, dưới xuất bản kháo nhau về một cuốn truyện Quỳnh Dao, cũng do ông dịch, đã có số bán đạt mức… kỷ lục. Nghĩa là từ trước tới nay chưa có cuốn nào có được mức tiêu thụ cao đến như vậy. Thưa ông, đó là sự thật hay chỉ là tin đồn?


LQN: Sự thực như vậy đó ông. Không phải tin đồn đâu. Ðó là cuốn “Mùa Thu Lá Bay,” của Quỳnh Dao. Tôi dịch xong, giao cho nhà xuất bản Lá Bối của thầy Từ Mẫn. Sách in ra, chỉ trong vòng 1 tuần thôi, thị trường đã “hút” 7,000 ngàn cuốn. Tôi lập lại, bảy ngàn cuốn bán hết vèo trong vòng một tuần. Chính thầy Từ Mẫn của nhà Lá Bối cũng phải kinh ngạc!


DTL: Tuy nhiên, thưa ông, nếu tính tổng số, nghĩa là cộng chung tất cả những lần tái bản của một cuốn truyện Quỳnh Dao do ông dịch thì, cuốn nào của ông là cuốn có số lượng in cao nhất?


LQN: Dạ, đó là cuốn “Cánh Hoa Chùm Gửi.” Chỉ nội một năm, năm 1971, nhà xuất bản đã phải tái bản tới 3 lần. Như nhà xuất bản cho tôi biết thì lần đầu, họ in 7,000. Hai lần sau, mỗi lần tái bản, họ in đúng 10,000 cuốn.


DTL: Mặc dù ông đã cho biết rằng, truyện Quỳnh Dao giả có số bán rất kém. Nhưng tôi nghe nói, có thể là tôi nghe sai… Rằng, trong số hàng chục cuốn truyện Quỳnh Dao… giả, cũng có một vào cuốn bán chạy. Ông có biết điều này?


LQN: Thưa tôi biết. Nhưng chỉ có một cuốn duy nhất mà thôi. Và cuốn truyện đó cũng chỉ được tái bản một lần rồi bị “chai’ thị trường.


DTL: Là người đầu tiên dịch truyện Quỳnh Dao qua tiếng Việt, dù chỉ là tình cờ… Nhưng sau 10 cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của tác giả này, một cách chủ quan, ông có những nhận xét gì về bút pháp, bố cục, về giá trị văn chương… của Quỳnh Dao?


LQN: Thưa ông, như tôi biết, ở Trung Hoa, Quỳnh Dao không phải là nhà một văn lớn. Theo tôi, cô ta có lối viết “mềm,” dễ gây xúc động cho người đọc. Cô luôn cho tràn ngập trong truyện của cô tình thương giữa người với người… Tôi thấy cần phải nói ngay rằng, chúng ta không đòi hỏi hay chờ đợi giá trị văn chương cao trong truyện Quỳnh Dao. Là một dịch giả dịch nhiều nhất truyện Quỳnh Dao qua tiếng Việt, tôi có thể khẳng định, tiểu thuyết của cô, không có điều đó.


DTL: Cám ơn ông. Ðể thay đổi một chút, tôi muốn hỏi ông rằng, ông có một liên tưởng nào giữa Quỳnh Dao và những nhà văn nữ ở đây chăng?


LQN: Có thưa ông. Cá nhân tôi, tôi thấy có một nhà văn nữ rất gần gũi với Quỳnh Dao. Ðó là nhà văn Lệ Hằng. Truyện của Lệ Hằng cũng rườm rà, éo le, gay cấn…


DTL: Giữa lúc phong trào đọc truyện Quỳnh Dao lên cao nhất, như chỗ tôi biết, thì đã có một vài nhà xuất bản tìm đến và thương lượng với ông, với mục đích giành giựt bản dịch của ông… Việc đó có chăng? Và nếu có thì nó ra sao? Thế nào? Thưa ông?


LQN: Vâng. Ðúng là chuyện ấy có xẩy ra cho tôi. Rất nhiều nhà xuất bản ở đây, trong số ấy, cũng có đôi ba nhà xuất bản có uy tín… đã tìm gặp tôi để yêu cầu tôi trao sách cho họ. Họ sẵn sàng trả thù lao gấp đôi tiền thù lao mà nhà Khai Hóa của anh Vũ Dzũng đã trả cho tôi. Nhưng tôi từ chối. Tôi nghĩ đến cái tình của buổi đầu. Mặc dù tiền thù lao nhà Khai Hóa trả cho tôi phải nói là quá thấp.


DTL: Nhân ông đề cập tới giao tình của ông với nhà Khai Hóa, nếu được, xin ông cho nghe sơ qua việc ông và nhà Khai Hóa chấm dứt sự hợp tác với nhau?


LQN: Thưa, như đã nói, tôi là người trọng cái tình lắm. Nhưng ông nghĩ coi, cuốn sách nào in ra cũng mười ngàn cuốn! Trong khi tác quyền (bản dịch) không tới một trăm ngàn đồng. Ai cũng vậy thôi… Tôi nghĩ vài lần đầu, mình còn có thể bỏ qua được. Nhưng sau, bạn bè, anh em nói quá, chẳng đặng đừng, tôi phải lên tiếng với nhà xuất bản…


DTL: Kết quả ra sao thưa ông?


LQN: Thưa ông, kết quả là cuối cùng, tôi phải quyết định chấm dứt sự hợp tác. Tôi đành phải tự tách ra! Tôi muốn tránh vết xe của Trịnh Công Sơn trước đây… Là chúng tôi chỉ làm giầu cho người khác! Trong khi chính mình thì lại chỉ được mỗi cái quyền lợi là quyền lợi về tinh thần mà thôi!


(Còn một kỳ)

Tin mới cập nhật