Saturday, April 27, 2024

Điểm giao thoa giữa quá khứ và hiện tại

Nguyễn Đình Phượng Uyển

Lại một quãng đường dài cần phải đốt. Đốt chứ. Đốt với tất cả hào hứng, trông chờ, phấn khích nữa vì sẽ có thử nghiệm mới: qua đêm, trên xe, giữa đường.

Nhưng, hào hứng nhất vì câu “ Em muốn giữ bí mật để chị ngạc nhiên.”         

Các ca sĩ của Đêm Phòng Trà trong đêm nhạc giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, tưởng nhớ cố nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn. (Hình: Nguyễn Đình Phượng Uyển cung cấp)                             

Nhạc của ông già, phải nói là khó hát vì quãng trầm bổng khá xa, nhịp lơi như nói, như kể, nghe đủ lời mới hiểu hết ý nông, ý sâu. Hiểu hết không, khi chữ nghĩa của ông mang hẳn một điển tích, một kinh nghiệm sống…

 “ Đêm quê hương”
 “Đêm treo trên một cành ngang”
 “Chôn nhau xong”
 “Làm dấu nhớ chỗ ai nằm”
 Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Đèn
“Cành ngang” ấy là thanh ngang của thập tự giá. Quê hương đã bị đóng đinh.

Bạn tù chôn nhau, đặt một cục đá, một nhánh cây làm dấu vì nghĩa tử với người xấu số, liệu sau này có kiếm ra nấm mồ ấy?
 “Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên”
 “Mất từng con phố đổi tên đường”
 “Khi hẹn nhau đã lạc lối tìm”

(Nước Mắt Cho Sài Gòn)

Người ta đổi tên Sài Gòn, đổi hết tên đường sá.  Đã có thời và ngay lúc này, anh nào hẹn em ở quán cà phê trên đường Tự Do, Hồng Thập Tự, Võ Di Nguy thì em kiếm mút chỉ. 

 “Mong cho người về được nơi sẽ đến” (Mai Tôi Đi)

Thuở ấy, bạn bè, chòm xóm cứ rơi rụng dần. Nay người này vượt biên, mai người kia vượt biên. Tin tức chìm tàu, hải tặc, bão lớn…dội tới ầm ầm, thiên hạ vẫn đi dù khả năng chết nhiều hơn sống, dù sẽ không bao giờ gặp lại.

“Về” là là phải về với gia đình, vợ con, cha mẹ, về nơi quen thuộc. Vậy mà mình lại mong người thân đến được chỗ không nhà cửa, không họ hàng anh em, không nói cùng ngôn ngữ, rồi sẽ định cư, ở luôn nơi đó.

Trong tíc tắc nhạc lướt qua, mấy ai nắm được hàm ý này?

Khi tôi nhận lời để Dương Hòa và Bình Cadillac làm một đêm nhạc tưởng niệm Nguyễn  Đình Toàn, họ cẩn thận gặp tôi trước, hỏi ngữ nghĩa vài bài hát, “Hồn cây xương lá” hay “sương lá”. Nếu chỉ nghe trên Youtube, CD, sẽ không biết chữ nào đúng vì phát âm giống nhau. Họ nhờ tôi gửi bản nhạc có notes để hát chính xác, không chỉ dựa theo ca sĩ trước đây.

“Tôi Đã Cố Bám Lấy Đất Nước Tôi, khúc đầu, phải của bố chị không?” Dương Hòa hỏi.

Bài này Khánh Ly hát trong Thúy Nga Paris 77, từ 2005 thì phải, chêm phần Intro của Phan Ni  Tấn. Dương Hòa và anh Bình tinh ý, nghĩ không phải của bố, gọi tôi liền cho chắc. Tôi quý cách làm việc cẩn thận này. Họ yêu âm nhạc và nhất là tôn trọng tác giả.

Lần đầu tiên được nghe live “Nước Mắt Cho Sài Gòn” đúng từng chữ, từng nốt. Đã tai.

Tôi từng hỏi “ Bố ra ngoài rồi, sao không sửa tựa bài và những nốt người ta hát sai?” Ông nói “ Kệ! Lâu quá rồi, người ta quen, khó sửa, nó thành một version khác.”

Ông già ngộ thật. Tôi nghe ai hát sai một note, một lời, giật mình liền. Có người còn bảo, chính tôi hát sai (???)

Lúc ông cụ gửi lén bài ra nước ngoài, chỉ truyền miệng, không có notes, sai đã đành, nhiều bài ký âm hẳn hoi vẫn khác với “chính chủ”.

“Nước Mắt Cho Sài Gòn” có nhiều version nhất, thậm chí thêm lời, thêm nhạc.

Cách đây mấy năm, tôi viết trên Facebook, ông cụ nhờ một người quen, chuyển ra nước ngoài bài này bằng cách nói anh học thuộc vài ngày, trước khi đi vượt biên. Anh thuộc chữ được chữ mất, còn cái tựa, anh quên béng. Không rõ chính anh hay ai đó chế thành “ Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên”. Một nhà văn comment ngay, cứ ngờ ngợ, không phải chữ của Nguyễn Đình Toàn? 

Tác giả Nguyễn Đình Phượng Uyển (thứ tư từ phải), con gái của cố nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. (Hình: tác giả cung cấp)

Bài hát phát trên VOA radio lần đầu, bố tôi đang ở tù, dù ký tên Hồng Ngọc, an ninh vẫn nghi, gọi ông ra hạch hỏi, bố trả lời “ Anh nghĩ tôi có thể đặt một cái tựa như thế sao?” An ninh ngẫm nghĩ, thấy có lý, bố thoát.

Ông bảo “ Đã Sài Gòn, sao lại không tên”

Bất ngờ khi nghe ca sĩ hát “Mai Tôi Đi” và “Mưa Khuya” theo điệu Rumba, vẫn giữ vẻ êm đềm nhưng mang một không khí mới, lạ tai, ngộ ngộ. MC Quốc Việt bỏ nhỏ “ Ông cụ mà nghe được, chửi chết.” MC là chỗ thân tình với bố, nhờ lời dẫn của MC, khán giả biết rõ hơn về các bài hát, hiểu rõ hơn về tác giả. “Không, bố không chửi đâu. Bố open mà” Tôi cười. Các bạn còn trẻ, chịu nghe và chơi nhạc của bố là vui rồi. Phong cách mỗi người mỗi khác, cảm nhận cũng khác nữa, không chuyển từ thái cực này qua thái cực kia là OK. Nói thật, các bạn đã làm tôi lắc lư theo điệu Rumba của các bạn đó. Thích!

Nhưng ấn tượng nhất là bài kết “ Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi”. Họ bàn với nhau, bài có bi có hùng, không thể hát đều đều từ đầu đến cuối. Riêng nhạc trưởng Bình tâm sự, phải bỏ mất mấy ngày, hết bị ám ảnh bởi lời và nhạc của bài hát, anh mới ngồi xuống soạn hòa âm được. 

 “Nhưng đất đã đỏ”
 “Vì bị nung bằng những lời dối trá”
 “Người bám vào lửa đã đốt cháy tay”
 “Lửa hờn căm”
 “Lửa hiểm thâm”
 “Lửa khốn cùng cay đắng”
 “Người lừa nhau”
 “Trời đất còn bưng mặt thảm thương”

Ba ngày học tập của binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã biến thành bao nhiêu thập kỷ? Trẻ con cho đến giờ, thiếu gì đứa bị đày đọa vì họ thù hằn bố mẹ nó, đừng nói đến những năm tháng vừa đổi thể chế.

 “Ai đâu ngờ”
 “Sau tiếng súng”
 “Đời lại thêm một thời nát tan”

Tiếng hát dồn dập như bão tố trong lòng người. Những hình ảnh xáo trộn, ẩn hiện, tôi nhớ lại…Tôi có tội tình gì mà họ bỏ đói tôi, muốn đuổi học tôi? Họ làm tôi co rúm khi giữa đêm hôm, xông vào nhà lục soát, tôi sợ họ bắt ông cụ. Vậy mà tập làm văn, tôi phải ca ngợi, phải đề cao họ.

Giàn hợp ca dịu lại.
“Tôi cố đợi ngày Việt Nam tái sinh”
“Trong sông biển yêu thương”
 “Cho dẫu lòng đã bạc lòng mong”

Bố là thế, không dùng chữ nghĩa để hằn học, nói nặng ai, dù có ghét họ đến thế nào. Với ông, chữ nghĩa đắt giá lắm. Ông yêu quý và trân trọng nó. Tôi thương bố, dù phải nhận đòn khốc liệt, vẫn ôn tồn, không kêu gọi thù hằn, trả đũa. Ông

 “Chỉ muốn nhắc khẽ rằng”
 “Hay soi lại hồn”
 “Hãy nghe lại lòng”
 “Có thật lòng không”
 Tôi Muốn Nói Với Em

Em tôi đi vượt biên chung với bố. Ở ngoài Bắc cả tháng chờ đợi, đến ngày hẹn, băng ngang mấy thửa ruộng, gốc rạ nhổ lên, trơ những hốc nước, ông bảo giống hốc mắt đẫm lệ, thế là ông quay về, em tôi đi thoát. Ông 

 “Đã đổ mồ hôi”
 “Đổ máu tươi”
 “Để mong ở lại đây”
 “Dù thế nào cũng ở lại đây”

Lòng đã quyết nhưng rồi ông phải ra đi, buộc lòng ra đi để tìm đường sống. Bởi vì, cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa tái sinh.

 “Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi”
 “Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi”
 “Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi”
 “Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi”

Kết thúc, bốn giọng hát nam nữ lập lại câu này bốn lần, bỏng rát như lời kêu thống thiết, tuyệt vọng. Tim muốn vỡ tung lên. Chả ai muốn phụ tình bạc nghĩa với đất mẹ nhưng vì đâu? Vì đâu?

Toàn ban đã khiến tôi ngạc nhiên thật sự, xúc động nữa và tôi tin không ít khán giả mang cùng cảm nhận như tôi.

Phần Hai của chương trình, chủ đề song ca, mang tới một không khí trẻ trung, nhộn nhịp với một số bài hát mới, từ những tác giả mới. 

Trong các buổi văn nghệ, văn gừng, người ta chỉ chú tâm đến ca sĩ, chả để ý tí tẹo nào đến ban nhạc đằng sau. Họ bị bỏ quên hoàn toàn. Đằng sau thì đằng sau, họ vẫn chiếm một nửa (hơn nửa) sân khấu mà. Không đàn, kèn, trống, ca sĩ hát thế nào? Nhạt phèo. Nhạt như thức ăn thiếu muối.

Ban nhạc gồm hai cây Keyboard, thỉnh thoảng Saxo hay Melodica đệm thêm chút chút. Tôi phục tay Orgue chính của Đêm Phòng Trà quá xá. Nhạc vui nhạc buồn, réo rắt, nhộn nhịp, cao trào, êm dịu…anh làm láng, điêu luyện, ngọt ngào, tôn tiếng ca và bài hát thêm mấy cung bậc. Nhưng tôi đặc biệt chú ý đến tiếng bass, ngon, chắc cú, nảy người, như một tay bass chiến đang đánh live. Hỏi ra mới biết anh Bình soạn trước đưa vô máy, phiêu!

Trong mấy tiếng đồng hồ ca hát, bè chính bè phụ hòa quyện, trùng khớp với từng hợp âm, từng phách nhịp, các bạn hẳn phải bỏ nhiều giờ tập luyện. Một số ban nhạc, cừ lắm, ca sĩ “sịn” nữa nhưng họ không ở chung một nhóm với nhau, chỉ tập dượt vài ngày, thậm chí vài giờ trước khi diễn, không hiểu ý, dễ mắc lỗi, thậm chí lỗi rất cơ bản như nhịp, như tông, thời gian chết dài quá… Ca sĩ Đêm Phòng Trà lần này có hát sai vài chỗ vì chưa thuộc lời, loa bị hú nhưng nhìn chung, với riêng tôi, các bạn để lại một ấn tượng đẹp.

Hài lòng khi đến dự đêm nhạc dù phải ngủ bờ ngủ bụi, dù phải nướng gần ngàn cây số đường. 

Thể nào bố cũng có mặt đâu đó, nghe các bạn trẻ hát nhạc của mình và ông đã mỉm cười.

[disqus_shortcode_codeable]