Sunday, April 28, 2024

Thế hệ ngơ ngác

Dương Hoa

Tự mình gọi mình như thế đó. Ngày xưa khi mới nghe bài “Tình Khúc Thứ Nhất,” cũng nghêu ngao suốt, mình mê từng câu chữ, cứ suýt xoa “ôi sao mà hay đến thế!”

Nào là “Thần tiên gãy cánh đêm Xuân…;” nào là “Thành tình nhân đứng giữa trời không khóc mộng thiên đường;” “Ngày về quê sao quá lê thê, trót nghe theo lời u mê…”

Cố nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn. (Hình: Dân Huỳnh)

Trời ạ, nghe mà mê tơi luôn, làm con bé như mình hồi ấy cứ ngẩn ngơ và bái phục …Vũ Thành An. Mãi sau này ra nước ngoài có internet mới biết, lời bài ấy của nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn viết. Chết không chứ!

Từ khi biết tên của ông, mình lại biết và yêu thêm “Căn Nhà Xưa.” Thế là lại một phen suýt xoa, mê thật rồi ạ. Nguyên bài hát là một câu chuyện kể, mình tưởng tượng, người kể cứ thong thả buông giọng nhè nhẹ, đưa mình vào một bức tranh, rất yên, rất thanh bình hiền hòa.

Giai điệu đã êm ả, lời bài hát còn tuyệt diệu hơn, khi gần gũi như chạm vào thịt da, khi thì xa vắng như tiếng chuông chùa ngân nga, khi thì nhẹ như làn khói bay thoảng qua. Từ đó, mình lao vào tìm kiếm Google “Nguyễn Đình Toàn” và qua những tài liệu trên Facebook mà những thế hệ trước yêu quý ông chia sẻ. Càng biêt về ông, càng kính trọng, yêu mến và biết ơn.

Ông là một nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, xướng ngôn viên mà mảng nào ông cũng rất thành công. Tài hoa như thế mà ông lại hiền hòa, trầm mặc và khiêm tốn. Mình theo dõi các clip phỏng vấn, trò chuyện của ông, thấy đuọc ngay một nhân cách lớn, hiền nhưng khí khái. Mình rất nể ạ. Nhất là khi nghe Radio Hồn Việt, trong chương trình Sổ Tay Văn Nghệ, anh Quốc Việt kể, khi được nhà xuất bản (tại Việt Nam) đề nghị cho in lại tiểu thuyết “Áo Mơ Phai” (được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật 1973 VNCH), với người khác có thể vui mừng nhưng ông trả lời, nếu muốn in thì phải ghi chú, lý do vì sao tác giả lại bị 10 năm tù cải tạo? Không gì tuyệt vời hơn.

Từ khi được quen biết ái nữ của ông, chị Phượng Uyển (là khán giả ruột của Đêm Phòng Trà, khi nhóm đi trình diễn tại Sydney) thì mình gọi “bác Nguyễn Đình Toàn” khi nói chuyện với chị. Chính vì sự gần gũi này mà Hòa và Bình càng thấy yêu quý bố chị Uyển một cách đặc biệt. Và tiếc vô cùng khi biết nhiều người, cỡ tuổi mình hoặc lớn hơn chút, và thế hệ sau hoàn toàn không biết gì về nhà văn Nguyễn Đình Toàn. Thật là buồn.

Nghe các anh chị kể, thời VNCH, ông còn phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề, lối dẫn dắt chương trình cuốn hút, chữ nghĩa ông dùng làm say mê bao thế hệ thời ấy và là thần tượng của biêt bao người mê văn chương, văn nghệ.

Ngày 28 Tháng Mười Một vừa qua, ông đã ra đi vĩnh viễn, để lại bao tiếc nuối cho chúng ta.

Với chúng tôi, được biết đến bác Nguyễn Đình Toàn quá muộn màng, để giới thiệu về bác, chúng tôi cũng không đủ chữ nghĩa để nói, để bày tỏ lòng kính mến, trân trọng của thế hệ mình đối với thế hệ cha anh.

Ước mong những bạn trẻ chưa biết về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, nên tìm kiếm lại tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp những tác phẩm của ông, để cùng học hỏi, gìn giữ và vinh danh ông.

[disqus_shortcode_codeable]