Thursday, April 25, 2024

Tưởng nhớ nhà báo Hà Tường Cát

WESTMINSTER, California (NV) – Nhà báo Hà Tường Cát, cựu tổng thư ký nhật báo Người Việt, qua đời lúc 7 giờ 30 phút sáng Thứ Hai, 3 Tháng Tám, 2020, tại bệnh viện Fountain Valley, California, thọ 80 tuổi, vì bệnh già.

Giáo Sư Nguyễn Kim Dung, hiền thê của nhà báo Hà Tường Cát, cho nhật báo Người Việt biết: “Ông bắt đầu bệnh và yếu đi từ 3 năm qua. Lúc 9 giờ 15 phút tối 2 Tháng Tám, ông kêu mệt nên được gia đình đưa vào bệnh viện, đến 7 giờ 30 phút sáng thì mất.”

Theo thông tin từ gia đình, nhà báo Hà Tường Cát sinh năm 1940 tại Hà Nội. Ông di cư vào Nam năm 1954, học trường Chu Văn An, Sài Gòn. Sau đó dạy học tại các trường trung học Ngô Quyền (Biên Hòa), Chu Văn An (Sài Gòn).

Trong thập niên 1960 ở Sài Gòn, ông tham gia vào nhiều hoạt động thanh niên, xã hội, báo chí và du ca, cùng với các tên tuổi thời đó như Đỗ Ngọc Yến, Đỗ Quý Toàn, Đoàn Thanh Liêm, Trần Đại Lộc, Lê Đình Điểu, Phạm Phú Minh, Hoàng Ngọc Tuệ, Nguyễn Đức Quang, Trần Văn Ngô, Đỗ Việt Anh (Đỗ Tăng Bí), Phan Huy Đạt, Phạm Quốc Bảo, Trần Đình Quân, Ngô Mạnh Thu,…

Giai đoạn này, ông từng là sáng lập viên Chương Trình Công Tác Hè 1965, Trưởng Trại Công Trường Giới Tuyến (1965-1966), Huynh Trưởng Bảo Trợ Du Ca Biên Hòa (1966), Huynh Trưởng Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường (Bộ Giáo Dục), Ủy Viên Ban Chấp Hành Thanh Niên Thiện Chí Việt Nam (1966-1975).

Năm 1972, ông về làm phụ tá tổng giám đốc ở Bộ Dân Vận Chiêu Hồi cho đến Tháng Tư 1975 khi Sài Gòn thất thủ.

Sau 30 Tháng Tư, 1975, ông bị Cộng Sản bắt đi tù, cùng đợt với các nghệ sĩ Sài Gòn khác như Doãn Quốc Sĩ, Nhã Ca, Trần Dạ Từ,…

Năm 1987, sau 11 năm trải qua các nhà tù Cộng Sản như Gia Trung (Kon Tum), Hàm Tân (Bình Thuận), ông được trả tự do.

Ba năm sau, 1991, ông cùng gia đình đi định cư tại Mỹ theo diện HO. Ban đầu ông tới Texas, nhưng chỉ hai tuần sau ông được hai nhà báo Đỗ Ngọc Yến và Đinh Quang Anh Thái đón về Nam California và làm việc tại nhật báo Người Việt, với nhiều vai trò khác nhau, cho đến năm 2019, khi sức khỏe yếu dần ông mới ngừng viết.

Từng là tổng thư ký của tờ báo, nhưng độc giả biết nhiều đến cái tên Hà Tường Cát là qua mục “Hồ Sơ” mà ông phụ trách. Dưới ngòi bút của ông, các vấn đề nóng mang tính chính trị, thời sự, khoa học kỹ thuật, hay cuộc sống đời thường,.. được diễn tả hết sức đơn giản, dễ hiểu, và vô cùng lôi cuốn, hấp dẫn.

Không chỉ có thế, đối với những người yêu thích môn bóng đá trong cộng đồng, nhà báo Hà Tường Cát là cây bút và gương mặt quen thuộc, một trong những nhà tổ chức chiếu truyền hình trực tiếp các cuộc tranh tài như World Cup hay EURO Cup tại hội trường báo Người Việt mỗi hai năm một lần trong gần 20 năm qua.

 

 

Hà Tường Cát, tấm lòng tràn đầy với nhân gian

Hoàng Ngọc Tuệ

Vào những năm 60, Hà Tường Cát là đoàn viên Hội Thanh Niên Thiện Chí, Sài Gòn. Anh em chúng tôi quen nhau trong phong trào Phục Vụ Xã Hội. Thời đó, anh là Huynh Trưởng hướng dẫn, Nguyễn Kim Dung là thủ quỹ của phong trào. Họ yêu nhau vì cùng lý tưởng, cùng môi trường sinh hoạt. Mối tình lớn dần, rồi một đám cưới nghèo, đơn sơ, nhưng ấm áp trong vòng tay thương mến và đồng lòng của bằng hữu. Ngoài tình yêu dành cho vợ con, anh còn là một huynh trưởng Thanh Niên, rất năng động, hết lòng trong công tác xã hội giúp người nghèo khó. Anh luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, anh trải lòng với công việc, và tha nhân.

Ngoài ra anh còn là một nhà báo kỳ cựu với những bài phóng sự, hồ sơ… cuốn hút độc giả bằng kiến thức uyên bác, cái nhìn bén nhạy sự việc, cũng như lối hành văn sắc, gọn đầy thuyết phục.

Anh không còn nữa, thật là một mất mát lớn lao, không những riêng trong thân quyến mà còn là một mất mát chung cho làng báo chí, vốn càng ngày càng cạn dần tài nguyên trí tuệ. Vĩnh biệt anh, con người mà tấm lòng tràn đầy với nhân gian.


Nhớ Hà Tường Cát

Đỗ Quý Toàn

Hà Tường Cát với tôi quen thân từ thời Chương Trình Công Tác Hè 65.

Trong công việc đã thấy tánh Cát rất đam mê. Tánh đam mê này, nhất là ham đi xa, giống Đỗ Ngọc Yến! Ông Yến thì có bữa ngồi uống cà phê, có người đứng dậy, nói rằng phải đi Pleiku ngay, Yến hỏi: Máy bay còn chỗ trống không? Còn. Thế là Yến vào Tân Sơn Nhất, bay lên Pleiku, không kịp nhắn cho bà Loan biết. Hôm đó là 29, 30 Tết!

Còn ông Cát thì có lần đã đi ra Quảng Trị làm công tác ở Cam Lộ, tính đi một tuần nhưng kéo dài cả tháng trời. Lúc đi ông chỉ mang một bộ quần áo, cả tháng quên luôn chuyện về nhà mà không có đồ thay cũng mặc! Bà Dung cũng đành chịu! Cái tánh ham đi của Cát rất thích hợp trong nghề làm báo.

Cát còn một đức tính nữa là rất cẩn thận lúc viết bài. Khi phụ trách “hồ sơ” các vấn đề thời sự, viết chuyện gì thì Cát cũng đọc rất nhiều, tìm hiểu, tham cứu rất kỹ, sửa đi sửa lại đến lúc vừa ý mới ngưng. Kiếm được một người viết báo có lương tâm, kính trọng công việc mình làm, kính trọng độc giả như ông Cát cũng rất quý.


Nhớ về Hà Tường Cát

Phạm Phú Minh

Anh Hà Tường Cát đến Mỹ theo diện HO vào năm 1990 và gia nhập ngay vào Ban Biên Tập của báo Người Việt, chuyên viết những bài có tính chất bình luận thời sự chính trị rất hay, được độc giả ưa chuộng.

Từ khoảng hai năm nay, sức khỏe anh Cát dần dần suy yếu vì anh bị một cái bướu trong thận. Anh đã phải nhiều lần vào ra bệnh viện, có thời gian được bệnh viện gửi đến nằm tại nursing home. Khi có dịch corona virus, gia đình đón anh về để săn sóc tại nhà. Ngày 2 Tháng Tám, anh bị đau dữ dội, gia đình phải đưa vào bệnh viện. Anh đã qua đời tại bệnh viện lúc 7 giờ 30 sáng ngày hôm nay, 3 Tháng Tám, 2020.

Quen biết nhau đã trên nửa thế kỷ lúc tóc còn xanh, anh Cát và tôi cùng nhiều bạn khác đã trải qua biết bao vui buồn của vận nước nổi trôi. Ba mươi năm cuối đời tị nạn tại Mỹ, chúng tôi đã bắt đầu cùng nhau vào thập niên tám mươi của cuộc đời. Thời gian 20 năm qua, một số anh em đã rủ nhau đi trước qua bên kia thế giới. Theo lối nói của những người chuyên tổ chức trại, chúng tôi gọi những người đi trước là những kẻ tiền trạm, đi nghiên cứu địa hình địa thế trước để đón đám đóng trại đến sau. Hôm nay anh hẳn đã được gặp những bạn đi trước.

Xin cầu chúc anh Hà Tường Cát một cuộc hội ngộ vui mừng với các bạn bè đang chờ anh ở thế giới bên kia, và xin anh và các bạn khác thong thả chuẩn bị tư thế để đón chúng tôi là những kẻ sẽ đến sau.


Bác Cát là người độc đáo

Phạm Phú Thiện Giao

Tôi có thời gian dài làm việc tại báo Người Việt nên có dịp biết hầu hết các chú, bác mà người ta hay gọi là “nhóm Người Việt.”

Trong các chú, bác này, tôi gần với bác Cát nhất. Bác Cát là người thông minh, sắc bén, thao lược, suy nghĩ và hành động độc lập, một maverick! (Mà đã là maverick thì chắc chắn sẽ làm nhiều người phiền lòng, thậm chí bực bội). Tôi có cảm giác, với bác Cát, cuộc đời này “dễ như không.” Nói chuyện với anh Đinh Quang Anh Thái, tôi nói “bác Cát là người độc đáo.” Anh Thái chỉnh: “Độc đáo LẮM.”

Sẽ luôn nhớ các bài tổng hợp thời sự của bác. Ngắn, dễ hiểu, nắm bắt các khai triển chính của thời cuộc. Cũng sẽ nhớ hoài những giải thích của bác về hiện tượng động đất hay dầu đá phiến.

Mong bác thanh thản nơi cõi vĩnh hằng.


Hà Tường Cát, người nhúm lửa, nhà lãnh đạo

Trần Văn Ngô và các bạn

Anh Cát không chỉ làm việc cho Hội Thanh Niên Thiện Chí. Anh từ môi trường học đường. Anh dạy học. Anh là người nhúm lửa, anh là nhà lãnh đạo. Một chuyện chính anh đâu có nghĩ tới?

Nói như Anh Trần Ngọc Báu, một hội viên kỳ cựu đang ở Thụy Sĩ:

The leadership training that came by itself through Voluntary Youth activities was completely unexpected to most of us. We only knew to serve whenever and wherever needed.

In fact, most founders of Vietnamese youth organizations by 1960’s were at sometimes members of the Voluntary Youth Association.

Thôi thì, vĩnh biệt Cát!


Hà Tường Cát, theo các bạn trong Chương Trình Hè 1965

HDTQ

Tin Hà Tường Cát qua đời đến với chúng tôi, tuy là chuyện đã như có lường trước, vì bạn tôi đã đau yếu từ mấy năm nay, nhưng nó cũng là tiếng chuông báo tử rất buồn của nhóm các bạn thanh niên cùng chí hướng từ thời hoạt động xã hội, thập niên 1960’s tại Sài Gòn. Sổ địa chỉ của chúng tôi ngày càng có nhiều tên của các bạn vĩnh viễn không còn trả lời điện thoại nữa.

Chàng thanh niên gầy gò Hà Tường Cát nổi bật trong trí nhớ chúng tôi luôn luôn có bên cạnh là cô bạn đời Kim Dung. Cả hai người đều năng động, vui vẻ và hạnh phúc thời đó, cũng như trong những ngày tháng làm việc tại các công trường thanh niên của Chương Trình Hè 65, trong các buổi hát nhạc Mẹ Việt Nam mới ra lò, do nhạc sĩ Phạm Duy hướng dẫn, ở trụ sở Sinh Viên (số 4 đường Duy Tân Sài Gòn,) trong các buổi họp mặt chung với lũ con còn chập chững tập đi…

Hà Tường Cát cũng như các bạn thân thiết đã rời thế giới này: Trần Đại Lộc, Trần Đình Quân, Lê Đình Điểu và Phạm Thị Dung, Ngô Mạnh Thu, Đỗ Ngọc Yến, Đỗ Thị Văn, Nguyễn Công Chánh, Nguyễn Đức Quang và Minh Thông, Đoàn Thanh Liêm và gần đây thêm Vũ Ánh, Hoàng Ngọc Biên, Cao Thanh Tùng… là những con người đã tới trái đất này và sinh sống mỗi người mỗi vẻ, nhưng tất cả đều đã sống một cách thiện lành, đáng nhớ tiếc. Xin cầu nguyện cho bạn Hà Tường Cát sớm chung vui với các bạn cùng lý tưởng thời nào, ở một cõi khác vui vẻ và thiện lành hơn thế giới này.


Nhà giáo, nhà báo Hà Tường Cát

Minh Phú

Anh có nụ cười nhẹ nhàng, giọng nói ấm áp nghe như có chân tình, thế nên anh có số rất đào hoa. Chị Kim Dung phải bẻ đi bao nhiêu hoa đào quanh anh. Nhưng nói đi, nói lại cũng phải nhận là anh Cát rất chung tình, chung thủy từ với nơi làm việc đến mái ấm gia đình. Đi đâu loanh quanh rồi cũng về chốn cũ, nơi có chị Dung rất dịu dàng và các con vừa đẹp, vừa giỏi, có hiếu. Các cháu thay nhau chăm sóc khi thì anh, lúc là chị lâm bệnh. Anh rất vui những lúc bệnh nằm trong nhà thương có các anh học trò hoặc bạn Bưởi- Chu Văn An đến thăm. Các con anh kể lại, anh đang rất mệt, thế mà các anh CVA đến, anh vui nên khỏe hẳn, quên cả bệnh.


Nhớ về anh Hà Tường Cát

Hồng Nga

Tôi nhớ… lần đầu tiên tôi và chị Phan Mỹ Sương đã được anh Lê Đình Điểu cho cùng đi tham dự tiệc họp mặt của đại gia đình Người Việt tổ chức tại nhà hàng Grand Garden vào năm 1996.

Ở đó tôi đã gặp anh. Anh có khuôn mặt rất hiền hòa, nụ cười xuề xòa và dáng ốm, dong dỏng cao.

Lúc anh đi ngang qua bàn tiệc nơi tôi ngồi, chị Mỹ Sương kề tai tôi nói nhỏ: Anh Hà Tường Cát, chồng của chị Dung.

Thú thật, lần đó tôi không có một ấn tượng nào về anh. Mãi đến về sau, có dịp đến nhà anh chị, tiếp xúc thêm với anh thì phải nói tôi rất mến gia đình nhỏ của anh. Nơi đó, có chị Dung (vợ anh) nổi tiếng với món thạch tráng miệng. Chị làm món này vừa đẹp mà vừa ngon vô cùng. Các con của anh chị như Tường Hạnh, Kim Chi, Lan Chi rất dễ thương.

Từ hôm nay, anh đã xa rời mọi người. Tôi tin rằng nơi nào đó, anh sẽ tiếp tục nghề làm báo với anh Đỗ Ngọc Yến và các đồng nghiệp đã khuất.

Bình an nơi cảnh giới anh nhé!


Tiễn Hà Tường Cát

Trần Mộng Tú

Gửi Dung

Những trái táo cuối mùa
Rủ nhau rơi xuống gốc

Trái táo lăn một vòng
Tiếng lăn khô không khốc

Họ có chạm nhau không
Những trái rơi xuống trước
Đất mở lòng đất ra
Đất hiền như lòng mẹ

Trái táo lăn nhè nhẹ
Nằm như thủa nằm nôi
Tiếng ai khe khẽ hát
Như tiếng Mẹ à ơi

Táo rơi rơi từng trái
Bâng khuâng nỗi tử sinh
Giữa khoảng không, không đáy
Hoa táo nở an bình.


Ký giả ‘gõ hai ngón’ Hà Tường Cát!

Cát Linh

Tôi nhớ, trong một buổi ăn trưa, tôi gọi ông là “bác Cát từ điển.” Tôi cười ông “sao bác gõ máy tính có hai ngón vậy? Khi nào mới xong bài?” Ông nheo nheo hai cửa sổ tâm hồn, nở nụ cười “trống vắng” và vừa nói: “Mình gõ quen rồi, gõ hai ngón mới… lạ!”

Ừ, lạ thật! rất lạ! Ông là người “lạ” nhất đối với tôi, trong nhật báo Người Việt. Ông “lạ” vì ở độ tuổi đó, khoảng năm năm trước khi ông chưa ngã bệnh, vẫn là một sức viết khủng khiếp; một lượng kiến thức chắc như khắc vào đá; một tâm hồn lang bạc kỳ hồ không màng thị phi.

Với tôi, ông là cuốn tự điển sống.

Với tôi, ông là ký giả “gõ hai ngón” Hà Tường Cát.


Thưa chú Hà Tường Cát

Nguyễn Phương

Rồi ngày ấy cũng đến! Chú đã rũ bỏ cuộc đời vào một sáng sớm đầu tuần để đi về một cõi, cõi vĩnh hằng để chuẩn bị cho một kiếp mới. Một kiếp người đã được khép lại!

Cháu thuộc dạng con cháu và được làm việc chung sở với chú một thời gian tại báo Người Việt, không dài, không ngắn, đủ để hiểu về chú là một người rất đơn giản, bình dị, chân chất và luôn có nụ cười vuikhỏe, yêu đời trên khuôn mặt hom hem vì tuổi đời và cộng thêm năm tháng nhọc nhằn lao tù của Cộng Sản.

Những ngày chú còn viết bài cho tòa soạn, cháu vẫn mê đọc bài chú viết trong mục “Hồ Sơ” và thỉnh thoảng cháu lân la bên cạnh chú để hỏi thêm về những đề tài chú viết mà mình ưa thích. Chú luôn dành giờ để dẫn giải và trò chuyện với cháu như một người bạn, chậm rãi, mạch lạc, rõ ràng…

Khi chú lâm bịnh và không còn gởi bài cho tòa soạn nữa, cháu cảm được sự thiếu vắng mỗi khi theo dõi trang www.nguoi-viet.com để đọc tin. Cháu vẫn mong ngày chú khỏe lại để lại được đọc những bài mới của chú nhưng tiếc thay ngày ấy sẽ mãi chỉ là mơ ước!

Chú đã thật sự nghỉ an, cháu cầu mong chú được sớm siêu thoát, thanh thản ra đi.


Nhớ Bố, Hà Tường Cát

Thưa Bố,

Con nhớ vài kỷ niệm về Bố: Bố hút thuốc rất nhiều. Tụi con than phiền thì Bố bảo lúc nào muốn bỏ thuốc lá cũng được. Con không tin lắm nhưng sau lần đầu vô bệnh viện thì Bố đã bỏ luôn. Con cảm phục Bố về điều đó.

Bố cho con cuộc sống, những gì mà con đang có cũng như những chuyện mà con đã làm được đều là từ Bố ra. Cảm ơn Bố rất nhiều. Con mong Bố luôn được an nghỉ! (Hà Tường Hạnh, con trai lớn nhất)

***

Con sống gần Bố nhiều nhất trong ba anh em. Bố và con có rất nhiều tính giống nhau, ngay cả sở thích ăn uống. Con và Bố đều ghét ăn sầu riêng, ghét ăn mực và rau muống. Hai hôm trước khi Bố mất, mẹ và Ki ăn sầu riêng mùi nồng nặc cả nhà. Con khó chịu phải lấy nước hoa spray các phòng. Sau đó Ki vào xoa bóp cho Bố tay vẫn còn mùi sầu riêng. Bố không nói được nhiều chỉ nói Ki đi lấy nước hoa của Bố xịt chung quanh cho bớt mùi.

Con và Bố có nhiều chuyến du lịch với nhau ở các nước Âu Châu. Con còn nhớ lúc ở Russia vào mùa Hè, 12 giờ đêm trời vẫn còn sáng, con và Bố đi dạo đường phố, vì Bố đã tự học tiếng Nga trong tù nên đã dịch các bảng hiệu bên đường và giải thích lịch sử nước Nga, con rất thích.

Những ký ức ngày xưa Bố đón con đi học đã theo con đến tận bây giờ làm con nhớ Bố khôn nguôi! (Kim Chi, con gái thứ 2)

***

Bố ơi, tụi con nhớ thương Bố vô cùng. Mấy hôm nay nhìn đồ đạc trong nhà đâu đâu cũng đầy hình ảnh của Bố.

Mỗi đêm giật mình tỉnh dậy không còn nghe tiếng chuông Bố lắc kêu réo tụi con sang phụ giúp. Con nhận ra Bố đã đi thật xa và không bao giờ mấy mẹ con có thể được nhìn lại hình dáng Bố nữa.

Bố hãy yên nghỉ đi, Bố nhé! (Lan Chi, con gái út)

***

What I remember the most about my grandpa was how chill my grandpa was. I have never seen him yell or get mad at anyone and that is a feature that I will always remember.

I love you and I will miss you. RIP Grandpa! (Cháu Việt viết về ông Nội)

MỚI CẬP NHẬT