Tuesday, March 19, 2024

Hành trình âm nhạc của tài hoa Hoàng Trọng

 


Du Tử Lê
(Tiếp theo kỳ trước)


Ðược biết, ngay sau khi người nhạc sĩ tài hoa Hoàng Trọng từ trần, truyền thông, báo chí ở quê người đã có rất nhiều bài viết về ông, với tất cả trân trọng và, thương quý.










Ban Hoàng Trọng, đài phát thanh Sài Gòn năm 1958. Từ trái: Nghiêm Phú Phi, Ðan Thọ, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Xuân Tiên, Hoàng Vinh, Hoàng An. Phía sau: Hoàng Lang, Vũ Chấn. (Hình: DienDanHaiDuong.com)


Trong số những cảm nghĩ, ghi nhận ấy, có bài viết của một người trong giới và, cũng là giáo sư dương cầm, nữ ca sĩ Quỳnh Giao. Bài viết nhan đề “Hoàng Trọng: Người Nhạc Sĩ Chân Thành” đề Tháng B?y năm 1998 – Ghi lại những kỷ niệm với cố nhạc sĩ Hoàng Trọng, khi tác giả còn rất nhỏ, được tham gia trong chương trình “Tiếng Tơ Ðồng” của họ Hoàng, trên đài phát thanh Saigon, trước 1975:


“Người nhạc trưởng đang điều khiển dàn nhạc. Hai hàng lệ làm nhòe mắt ông khiến ông không nhìn rõ được dòng nhạc. Nhưng ông có cần nhìn rõ đâu, bởi nó – dòng nhạc – có trong ông đã lâu lắm rồi, nó là xương là máu của ông mà!… Những người nhạc sĩ đang cắm cúi đàn, đều là những người đã làm việc với ông từ hơn hai thập niên trước, có người là bạn của ông từ nửa thế kỷ qua. Người ngồi dương cầm là nhạc sư Nghiêm Phú Phi, cộng tác với Hoàng Trọng từ bao lâu rồi nhỉ, có lẽ là từ khi mới du học bên Pháp về, vào đầu thập niên 50. Nơi hàng ghế đầu của dàn violons có Ðan Thọ, bạn của ông từ ngày ở ngoài Bắc, trong ban nhạc Bảo An, người đã trình tấu những đoạn ad-lib có phong điệu tzigane bất hủ cho nhưng bài tango trác tuyệt của Hoàng Trọng. Tiếng đàn Ðan Thọ vẫn như xưa: lả lướt mềm mại, nhưng khuôn mặt ông, cũng như của nhạc sĩ Hoàng Trọng, đã đầy nếp nhăn (…).

“Hai người ca sĩ nhìn về phía khán giả, tức là quay lưng về phía dàn nhạc đang trình bày song ca bản Lạnh Lùng, bài hát ông viết từ mùa Ðông 1946. Ðó là bài song ca ông soạn cho một nam và một nữ. Người nữ ca sĩ đang hát, nhìn về phía khán giả, nhưng không nhìn thấy gì trước mắt cả, mà chỉ thấy lại khung cảnh cũ, đã mấy chục năm qua. Nàng thấy lại phòng thu thanh nóng bức, đầy khói thuốc lá. Nàng nghe lại tiếng cười nói vui nhộn và thân mật của những người ca sĩ xung quanh, mà nàng gọi họ bằng cô, bằng chú. Ngày ấy nàng mới 16, 17 thôi. Cô bé vừa chạy thục mạng gọi xích lô đến đài cho kịp giờ thu, trên áo dài trắng còn mang huy hiệu trường Gia Long. Cuốn sách nhạc nàng viết tay những bài hát mình yêu thích còn nằm trong cặp, để trên bàn (…).

“…ngay trang đầu tiên của tập nhạc là bài hát do người trưởng ban đề tặng: ‘Tặng cháu bài chú viết từ mùa Ðông năm cháu vừa chào đời.’ Nàng thích làm sao lời đề tặng! Vì nó cho thấy rõ sự ý nhị kín đáo mà lại đầy tình cảm của ông. Ông mà đề năm 1946, thì cũng thường thôi, có phải không? Bài hát đó mang tên Lạnh Lùng (…).

“Không cần phải kể thêm, chắc độc giả đã đoán cô học trò đó chính là kẻ viết bài này…”

(Quỳnh Giao, nguồn đd.)


Dù vậy, đối với quần chúng thưởng ngoạn, có thể có nhiều người không biết gì về nhân thân của tác giả “Lạnh Lùng,” cũng như nhiều người không hề biết một số ca khúc họ từng yêu thích, là của nhạc sĩ Hoàng Trọng.

Theo trang mạng Wikipedia-Tiếng Việt thì, nhạc sĩ Hoàng Trọng, người được mệnh danh là “Ông Hoàng Tango Việt Nam,” tên thật là Hoàng Trung Trọng. Ông sinh năm 1922 tại tỉnh Hải Dương, Bắc phần. Năm 1927, khi lên 5, gia đình ông chuyển về sống tại thành phố Nam Ðịnh, một nơi chốn được coi là chiếc nôi lớn của văn học, nghệ thuật miền Bắc.

Năm 11 tuổi, cố nhạc sĩ Hoàng Trọng đã được học về âm nhạc từ người anh trai tên là Hoàng Trung Quý. Bốn năm sau tức năm 1937, ông được học âm nhạc tại trường Thầy Dòng Saint Thomas Nam Ðịnh…

Về lãnh vực sáng tác ca khúc, vẫn theo tài liệu của Wikipedia thì, năm 1968, khi mới 16 tuổi, cố nhạc sĩ Hoàng Trọng đã có ca khúc đầu tay, nhan đề “Tiếng Ðàn Ai.” Ca khúc này còn được biết dưới hai tên khác nhau nữa là “Ðêm Trăng” hay “Ðêm Trăng Sáng” Một số sáng tác kế tiếp của họ Hoàng, viết theo thể điệu Tango cũng được dư luận những người cùng giới đánh giá cao.

Khi chiến tranh xẩy ra, cố nhạc sĩ Hoàng Trọng di chuyển khỏi Nam Ðịnh. Ông đi qua nhiều nơi trước khi chọn định cư tại Hà Nội. Ðó là năm 1947. Thời gian này, ông sáng tác ca khúc “Phút Chia Ly,” một nhạc phẩm tango giá trị, do nhạc sĩ Nguyễn Túc, bạn ông đặt lời. Cũng trong thời gian ở Hà Nội, nhạc sĩ Hoàng Trọng đã sớm có liên hệ tốt đẹp với những ca, nhạc sĩ của đài phát thanh như: Mộc Lan, Minh Diệu, Mạnh Phát, Châu Kỳ… Nhờ đó các nhạc phẩm của ông được phổ biến.

Những năm đầu thập niên (19)50, họ Hoàng có nhiều sáng tác rất mau chóng trở thành nổi tiếng, được phổ biến cùng khắp… Ðó là những ca khúc: “Gió Mùa Xuân Tới,” “Nhạc Sầu Tương Tư,” “Dừng bước giang hồ”…

Năm 1954 nhạc sĩ Hoàng Trọng di cư vào miền Nam. Tại Saigon, ông thành lập những ban nhạc trình diễn trên các đài phát thanh và truyền hình như đài phát thanh Saigon. Ðài Quân Ðội. Ðài Tiếng Nói Tự Do và Ðài Truyền Hình Việt Nam.

Những năm tháng ở Saigon của nhạc sĩ Hoàng Trọng được ghi nhận là khoảng thời gian mà, sức sáng tác của ông sung mãn nhất. Rất nhiều ca khúc giá trị, nổi tiếng mang tên Hoàng Trọng, ra đời trong thời điểm này. Trong số đó, có những ca khúc tới hôm nay, vẫn còn được nhiều ca sĩ chọn để trình bày… Có thể kể như các ca khúc: Ngàn Thu Áo Tím, Hai Phương Trời Cách Biệt, Tìm Một Ánh Sao, Lạnh Lùng, Bạn Lòng, Mộng Lành, Nhạc Sầu Tương Tư, Gió Mùa Xuân Tới, Dừng Bước Giang Hồ, Người Tình Không Chân Dung, v.v…

Thời gian từ tới 1975, nhạc sĩ Hoàng Trọng cũng được nhiều hãng phim mời ông viết nhạc cho phim của họ. Những ca khúc nổi tiếng của họ Hoàng ở lãnh vực này, có thể kể như “Xin nhận nơi này làm quê hương.” “Người tình không chân dung”… Riêng ca khúc ông viết cho phim “Triệu Phú Bất Ðắc Dĩ,” đã được trao giải Văn Học Nghệ Thuật 1972-1973.

Từ 1975 tới 1991, nhạc sĩ Hoàng Trọng bị kẹt lại ở Saigon. Ðây là khoảng thời gian chẳng những ông sáng tác rất ít mà, cũng không cho phổ biến một ca khúc nào. Bản nhạc cuối cùng của họ Hoàng ở thời điểm này là ca khúc “Chiều Rơi Ðó Em.” Năm 1992, nhạc sĩ Hoàng Trọng cùng gia đình được định cư tại Hoa Kỳ.

Ông qua đời ngày 16 Tháng Bảy năm 1998 tại miền Bắc tiểu bang California, hưởng thọ 76 tuổi.

(Kỳ sau tiếp)

MỚI CẬP NHẬT