Tổng Thống Trump tự ân xá được không?

Ngô Nhân Dụng

Câu hỏi trên, cho tới giờ, chưa có câu trả lời dứt khoát. Các tổng thống Mỹ có quyền ân xá, và nhiều người đã sử dụng. Nhưng ân xá cho chính mình? Chưa biết. Người nói có, người nói không.

Nói có: Vì Hiến Pháp trao cho tổng thống quyền ân xá mà không cấm việc tự ân xá cho mình. Quyền ân xá của tổng thống chỉ bị giới hạn trong các trường hợp được Hiến Pháp ghi rõ: Tổng thống không được ân xá những người bị “đàn hạch.” Ðiều II, khoản 2, Hiến Pháp Mỹ viết vị tổng thống có “Quyền miễn tội và ân xá những vụ vi phạm luật pháp Liên Bang Hiệp Chúng Quốc, trừ các trường hợp đàn hạch.” (…the Power to grant Reprieves and Pardons for offenses against the United States, except in Cases of Impeachment).

“Ðàn hạch” khác với những vụ truy tố và kết án bình thường, vì không nằm trong hệ thống tư pháp. Chỉ Quốc Hội Mỹ mới nắm quyền đàn hạch; họ có thể hỏi tội và huyền chức tổng thống, phó tổng thống, đại biểu Quốc Hội, xuống tới các bộ trưởng, các vị thẩm phán, vân vân. Trong Ðiều II, khoản 2 trên, tổng thống không thể ân xá bất cứ ai bị Quốc Hội đàn hạch, trước khi, trong khi và sau khi vụ đàn hạch diễn ra. Và quyền ân xá của tổng thống cũng được giới hạn trong phạm vi luật pháp liên bang. Với những vụ vi phạm luật pháp tiểu bang thì không!

Nhưng một điều cốt yếu là Ðiều II không ghi một câu nào cấm tổng thống tự ân xá cho chính mình. Eureka!

Nhưng ý kiến trên chỉ cách giải thích Ðiều II Hiến Pháp Mỹ của giới học giả bên ngoài. Nơi cao nhất có thẩm quyền giải thích Hiến Pháp là Tối Cao Pháp Viện. Tòa Tối Cao chưa bao giờ nêu ý kiến về vấn đề này. Vì chưa ai bị kiện về hành động tự ân xá, chưa tòa án nào xử cả! Trong lịch sử Mỹ chưa vị tổng thống nào áp dụng quyền ân xá cho chính mình cả.

Trong khi chờ đợi, có nhiều ý kiến khác nhau, và hiện đang là một đề tài bàn luận sôi nổi cho các sinh viên Luật Khoa!

Thí dụ, năm 1974, bốn ngày trước khi Tổng Thống Richard Nixon từ chức vì vụ Watergate, đã có một viên chức Bộ Tư Pháp nêu ý kiến rằng ông Nixon không thể tự ân xá chính mình. Bà Mary C. Lawton biện luận bằng một quy tắc căn bản trong Hiến Pháp có thể viện dẫn một câu tiếng La Tinh: “nemo judex in causa sua”: không ai có thể làm quan tòa xử chính mình. Vị tổng thống dùng quyền ân xá tức là đang đảm nhiệm vai trò một quan tòa, do đó không được phép tha cho mình.

Nhưng có người nghĩ khác. Năm 1998, khi Tổng Thống Bill Clinton đang bị đàn hạch, Dân Biểu Bob Goodlatte, Cộng Hòa, tiểu bang Virginia, nói rằng ông Clinton có thể tự ân xá cho mình – ông Clinton thuộc đảng Dân Chủ. Hiện nay ông Goodlatte đang đứng đầu Ủy Ban Tư Pháp của Hạ Viện. Nếu được hỏi ý kiến, chắc ông vẫn giữ ý kiến cũ, không phải vì Tổng Thống Trump cùng thuộc đảng Cộng Hòa.

Câu chuyện Tổng Thống Donald Trump có thể “tự ân xá được không?” được nêu ra vào cuối tuần qua, sau khi chính ông nhấn mạnh trong một thông điệp tuýt, “…tất cả mọi người đồng ý rằng tổng thống có quyền ân xá toàn diện…”

Những chữ “quyền toàn diện” (complete power) của ông Trump diễn tả đúng ý nghĩa điều ghi trong Hiến Pháp. Năm 1866, Tối Cao Pháp Viện Mỹ đã phán quyết về vụ Tổng Thống Andrew Johnson dùng quyền ân xá, nói rõ rằng quyền ân xá của một tổng thống “mở rộng cho tất cả các vụ phạm tội ghi trong luật pháp, và có thể thi hành bất cứ lúc nào, trước khi bắt đầu việc truy tố hay khi đang tiến hành, cũng như sau khi xét xử và kết án.”

Các vị tổng thống Mỹ gần đây ai cũng sử dụng quyền ân xá cả, ông Trump chưa thử dùng lần nào. Nếu ông ban lệnh ân xá toàn diện thì hậu quả trước mắt như thế nào?

Nếu Tổng Thống Trump ân xá cho các người cộng sự trong cuộc vận động tranh cử năm ngoái (trong đó có các con và con rể ông), thì công tố viên đặc biệt Robert Mueller sẽ khó làm việc. Ông không thể ra lệnh cho họ tới lấy cung, không được điều tra về các hành động của họ liên quan tới mục tiêu cuộc điều tra. Vì không thể truy tố họ nữa.

Nhưng cuộc điều tra của ông Mueller có bị bắt buộc phải chấm dứt hay không?

Không chắc. Vì sứ mạng được Bộ Tư Pháp giao cho ông Mueller là tìm hiểu về mối nghi ngờ chính phủ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ, do các cơ quan tình báo đưa ra. Cuộc điều tra trong phạm vi tình báo này sẽ dính dáng tới những ai, có người nào đáng truy tố hay không, họ được ân xá hay không, chỉ là hậu quả. Có thể so sánh với hai cách đặt câu hỏi: Một là “Ai cướp ngân hàng?” Nếu người tình nghi thủ phạm được ân xá thì thôi. Cách thứ hai là, “Ngân hàng bị cướp như thế nào?” Mục đích là tìm hiểu nội vụ để ngăn ngừa đừng bao giờ xảy ra nữa.

Như vậy, trong khi tiếp tục cuộc điều tra, Robert Mueller vẫn có thể mời các “nhân chứng” tới hỏi, để biết rõ hơn mà trả lời cho câu hỏi: Gián điệp Nga có can thiệp vào việc dân Mỹ đi bầu hay không. Nếu được Tổng Thống Trump ân xá trước, các nhân chứng này được bảo đảm không bao giờ lo bị truy tố cả. Nhưng đó không chắc là một lợi thế cho họ, và cho Tổng Thống Trump. Vì hành động ân xá chỉ có thể ngăn không cho Bộ Tư Pháp (qua ông Mueller) truy tố các người bị điều tra, nhưng không cấm được Quốc Hội gọi những người đó tới điều trần. Và trong khi điều trần, các nhân chứng này sẽ mất một quyền tự vệ xưa nay vẫn hay được sử dụng: Viện dẫn Ðiều số Năm (V) trong Hiến Pháp Mỹ.

Nhiều người hay viện dẫn Ðiều số Năm, nói rằng các nhân chứng có quyền từ chối không trả lời các câu hỏi nếu thấy rằng điều họ sẽ nói ra có thể dùng để buộc tội họ. Nếu những người này đã được tổng thống ân xá rồi, thì họ không có lý do nào đề viện dẫn Ðiều Năm nữa. Khi họ bị bắt buộc phải trả lời các câu hỏi, sau khi tuyên thệ, thì không biết họ sẽ nói những gì! Không biết có điều nào sẽ gây tai hại cho ông tổng thống, ít nhất về mặt chính trị, hay không!

Hơn nữa, các cuộc điều tra của Bộ Tư Pháp (tức ủy ban Mueller) và của Quốc Hội cũng có thể đưa tới việc truy tố các viên chức của chính phủ Nga, trong các ngành tình báo, ngoại giao, quốc phòng, vân vân, nếu tìm ra chứng cớ họ phạm tội ở Mỹ. Tổng Thống Trump không có thẩm quyền ân xá những người ngoại quốc đó. Những người Mỹ liên can tới họ sẽ bị triệu tập tới làm chứng, không thể yên ổn ngồi nhà, dù đã hoàn toàn được ân xá.

Cuối cùng, Tổng Thống Trump có thể tự ân xá cho mình được không? Dù ông nhận mình có phạm tội nào cả, ông Trump vẫn có thể ân xá cho các người cộng sự và tự ân xá để chấm dứt những cuộc điều tra lôi thôi rắc rối, nhất là chấm dứt các tin mật liên tiếp bị rò rỉ tiết lộ cho giới truyền thông. Nếu ông tự ân xá cho mình, có thể đoán ngay rằng sẽ có nhiều người chống và kiện ra tòa. Cuối cùng, sẽ tới lúc Tối Cao Pháp Viện sẽ phải xác định rằng một vị tổng thống Mỹ có quyền tự ân xá hay không!

Nhưng ông Trump không cần phải đưa mình vào hoàn cảnh hồi hộp chờ tòa phán quyết như vậy. Có cách khác!

Năm 1974, bà Mary Lawton, một luật sư trong Bộ Tư Pháp thời Tổng Thống Nixon, đã thấy rằng một vị tổng thống có thể đi đường vòng để tự ân xá cho mình. Theo Hiến Pháp Mỹ, khi một vị tổng thống lâm vào cảnh “mất năng lực” thì phó tổng thống sẽ đảm nhiệm quyền hành pháp. Nếu ông tổng thống chỉ mất năng lực trong một thời gian, một tuần hay một tháng, trong thời gian đó vị phó tổng thống có thể dùng quyền của mình ân xá cho ông tổng thống. Sau một tuần, nhờ an dưỡng ông tổng thống lấy lại năng lực, lại tiếp tục làm việc như cũ.

Một mối rủi ro phải thấy trước, nếu đi con đường vòng này. Nếu một người chấp nhận được ân xá, thì điều đó có nghĩa rằng người này cũng công nhận mình đã phạm tội hay không? Nếu một vị tổng thống có tội, thì Quốc Hội vẫn có thể dùng quyền đàn hạch, mà người bị đàn hạch thì không một tổng thống nào có thể ân xá nữa.

Chắc vì thấy rắc rối như vậy cho nên năm 1974 ông Nixon, một luật sư, không theo con đường bà Lawton vạch ra. Ông từ chức, Phó Tổng Thống Gerald Ford kế vị, và một tờ giấy đầu tiên ông ký là lệnh ân xá cho Richard Nixon.

Vì thế, cho tới nay, các chuyên gia về luật Hiến Pháp vẫn chưa đồng ý được với nhau là một tổng thống Mỹ có quyền tự ân xá hay không! Nếu Tổng Thống Donald Trump thử, ông sẽ giúp cho vấn nạn này được giải đáp. Vì chắc chắn Tối Cao Pháp Viện Mỹ sẽ phải xét xử. Trong Tòa Tối Cao hiện nay, đa số có khuynh hướng bảo thủ; hy vọng ít nhất 5 trong số 9 người sẽ công nhận vị tổng thống có quyền tự ân xá, vì Hiến Pháp không hề cấm!