Thursday, April 25, 2024

Người Việt Hiệp Kỵ 2019

 


Trong tinh thần Tưởng Nhớ những người từng góp công sức để nhật báo Người Việt được là Người Việt hiện tại, hôm nay chúng tôi kính mời quý độc giả, cùng chúng tôi lắng tâm, tưởng nhớ các thành viên nhật báo Người Việt: Những người đã không còn ở cùng chúng ta nữa.


 

*Nhà báo Đỗ Ngọc Yến

Ông Đỗ Ngọc Yến sinh năm 1941 tại Sài Gòn, là một khuôn mặt lớn trong lãnh vực truyền thông ở hải ngoại. Ông là người sáng lập Nhật báo Người Việt, tờ báo tiếng Việt có đông độc giả nhất tại hải ngoại.
Thuở thiếu thời ông học trường Trung học Trương Vĩnh Ký, sau đó tự học để đậu bằng Tú Tài Việt Nam. Ông ghi tên theo học tại Ðại học Văn khoa Sài Gòn nhưng không theo đuổi một bằng cấp nào. Ông dành thời gian tham gia các hoạt động thanh niên và sinh hoạt báo chí từ khi còn học trung học.
Từ năm 1964 Ông viết cho các nhật báo Sống, Sóng Thần, Ðại Dân Tộc, tạp chí Văn Nghệ, tuần báo Ðời, và nhiều tờ báo khác. Bắt đầu từ thập niên 1970 ông cộng tác với nhiều phóng viên các báo ngoại quốc, hoạt động tại Việt Nam.
Rời Việt Nam năm 1975, ba năm sau đó, ông cùng với gia đình và một số bằng hữu bắt đầu thành lập báo Người Việt tại quận Cam
Ông từng được tặng giải thưởng của Hiệp Hội Ký Giả Á Mỹ
Ông qua đời lúc 16g30 ngày Thứ Năm, 17 tháng Tám năm 2006, để lại vợ là bà Lã Phương Loan, cùng ba con gái Ðỗ Bảo Anh, Ðỗ Châu Dao, Phương Liên và một con trai là Ðỗ Ngọc Tùng.

Nhà báo Đỗ Ngọc Yến (Hình: Người Việt)

Ký ức về bố sẽ ở mãi trong tôi!
Ký ức của tôi về bố tôi, không nhiều nhưng mãnh liệt và đầy chất thơ. Sức mạnh của ký ức ấy, vừa đơn sơ vừa bao la, cho tôi biết, tôi yêu bố tôi biết nhường nào!
Bố tôi là con trai giữa của một gia đình năm anh chị em. Ở tuổi 20 ông tham gia và tổ chức biểu tình, và khi chiến tranh Việt Nam khốc liệt, ông trở thành phóng viên chiến trường. Ông tranh luận say mê cùng đồng nghiệp về tương lai của đất nước, và về kết cục của Sài Gòn, thành phố thân yêu của bố thất thủ. Bố tôi, mẹ tôi, tôi và các em tôi cùng ra đi, hướng về nước Mỹ.
Ngày ấy Little Saigon chỉ mới bắt đầu những doanh nghiệp nhỏ nằm lẻ loi đây đó. Thế rồi giữa thập niên 1980, cộng đồng ấy bắt đầu phát triển… Từ cộng đồng ấy, từ hoàn cảnh ấy, Nhật Báo Người Việt ra đời, trưởng thành và trở thành tờ báo tiếng Việt lớn nhất Hoa Kỳ.
Cuộc sống của bố trở nên bận rộn, những cú điện thoại từ mọi ngõ ngách của cuộc sống. Những nhạc sĩ, nhà văn, ca sĩ gọi điện thoại cho bố… Đối với bố, những khó khăn của bạn là khó khăn của chính mình, công việc của bạn là công việc của chính mình…
Bố dạy chúng tôi rằng, trong cuộc sống, thứ quý giá nhất không phải là vật chất, tiền tài, mà là chữ nghĩa, tinh thần, sự mẫn cán và năng lực làm việc. Mỗi tuần, bố dắt chúng tôi đến thư viện, giảng nghĩa cho chúng tôi nhạc điệu của thơ, rồi buổi chiều cả gia đình trở về nhà, bố sẽ chơi piano cho mọi người nghe. Bố vui tính làm sao.
Bố thích đọc hồi ký, tự truyện, tôn giáo, như nội bộ, và cả các fliers. Bố muốn biết khi nào hội đồng thành phố họp hàng tháng, khi nào tiểu bang sẽ ra luật này, luật nọ. Bố tin rằng chẳng bao giờ bố có đủ thời gian để học hỏi…
Tôi viết bài này cho bố, thật đau lòng phải dùng thì quá khứ. Bố tôi vẫn hiện diện đâu đây, trên màn ảnh computer của tôi, chiếm ngự tâm trí tôi, đôi mắt bố thật sáng, giọng bố thật nhẹ, bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện mới. Những điều bố dạy bảo tôi vẫn còn đây thôi, trong ký ức tôi.
Cuối cùng, điều khiến tôi hạnh phúc nhất, đó là tôi là con của bố! (Đỗ Bảo Anh)

 

*Ông Tony Trương Thanh Quang

Trương Thanh Quang, là tổng giám đốc (CEO) công ty Người Viet năm 2017 cho đến khi qua đời vào Tháng Mười, thọ 58 tuổi.
Ông từng làm giám đốc điều hành (COO) công ty Người Việt vào năm 2008 trước khi từ giã để trở về điều khiển công ty của mình, Surgical Optics LLC, sản xuất và phân phối dụng cụ y khoa.

Cô Tổng Giám Đốc Tony Trương Thanh Quang (Hình: Người Việt)

Ông Trương Thanh Quang, thường gọi là Tony, sinh năm 1959 tại Sài Gòn, theo cha mẹ qua Mỹ tị nạn năm 1975. Ông tốt nghiệp B.S ngành kỹ sư điện tại Đại Học California – Santa Barbara và MBA tại Đại Học Santa Clara. Trong hai thời gian ngắn tại Công ty Người Việt, Trương Thanh Quang đã đóng góp rất nhiều vào phương pháp quản trị; hợp lý hóa việc phân công và thưởng, phạt; đặt trọng tâm vào khả năng cùng thành quả cụ thể trong công việc thay vì dựa trên thâm niên, tình cảm, hoặc quan hệ cá nhân như tập tục vẫn thi hành trước đó.
Trong năm 2017 Trương Thanh Quang đã đề nghị một sơ đồ tổ chức mới giảm bớt tính chất hệ cấp trên dưới và nhấn mạnh vào tương quan hàng ngang giữa các bộ phận của công ty. Ông phác họa và áp dụng một mạng lưới khiến cho mỗi ban chuyên biệt phải biết mình cần trao đổi thông tin với các ban liên hệ theo một lịch trình thường xuyên như thế nào, để tăng lượng thông tin nội bộ. Ông đặt ra thủ tục mỗi kỳ họp các trưởng ban mọi người phải thay phiên nhau chủ tọa, để ai cũng phải chú ý đến công việc của ban khác và tạo thói quen lãnh đạo. Những cải thiện đó vẫn được áp dụng trong công ty cho đến bây giờ. (Đỗ Quý Toàn)

 

*Nhà báo Vũ Ánh

Nhà báo Vũ Ánh tên thật là Vũ Văn Ánh, ông sinh ngày 5 tháng 5 năm 1941 tại Hải Phòng. Ông là nhà báo kỳ cựu của làng báo Việt Nam trước năm 1975 cũng như tại Quận Cam từ khi ông sang Mỹ theo diện H.O. vào năm 1992.
Trong 50 năm trời, từ khi mới ra đại học năm 23 tuổi, ông liên tục làm báo cho tới giờ phút chót. Bài báo cuối cùng, “Hà Nội vẫn chưa đủ niềm tin cởi trói báo chí”, được viết chỉ khoảng vài phút hay vài giờ trước khi ông qua đời đột ngột tại nhà riêng thuộc Quận Cam, Hoa Kỳ vào ngày 14 tháng 3 năm 2014.

Nhà báo Vũ Ánh (Hình: Uyên Nguyên)

Thử tưởng tượng ở một nơi chốn nào đó, anh Yến, anh Điểu, anh Nguyễn Đức Quang và anh Lê Thiệp đang ngồi nói chuyện với nhau thì bỗng dưng anh Vũ Ánh lù lù bước đến. Các anh gặp nhau tay bắt mặt mừng, sau đó thế nào anh Yến cũng bảo “mình có nhau ở đây phải làm một cái gì đi chứ”. Lúc đó, tôi tin anh Lê Thiệp sẽ la toáng lên “bây giờ có thêm thằng Vũ Ánh, mình làm báo lại đi các ông ạ”. Chỉ như thế thôi, một tờ báo mới sẽ ra đời, và tôi tin chắc tờ báo đó sẽ mang tên “Tờ Báo Cộng Đồng” vì đó là ước mơ của anh Vũ Ánh.
Và với tôi, người xứng đáng nhất để giữ vai trò chủ bút vẫn phải là anh Vũ Ánh. (Nguyễn Khanh)

 

*Nhạc sĩ Lý Văn Chương

Nhạc sĩ Lý Văn Chương, Bút hiệu Nguyên Chương, sanh ngày 25-01-1954, người được biết tới với những ca khúc tình cảm nhẹ nhàng và những ca khúc đấu tranh sôi nổi.
Là một cựu học sinh trung học Phan Chu Trinh, Đà Nẵng. Ông tham gia phong trào Du Ca Đà Nẵng và bắt đầu sáng tác nhạc khi chưa tới tuổi 20. Qua Mỹ năm 1975 ông theo học và tốt nghiệp Cal State Pomona về ngành kiến trúc. Ông dành nhiều thời gian sinh hoạt với sinh viên Việt Nam tại các đại học Pomona, UCLA, OCC…
Sau những năm dài chống chõi với bệnh tiểu đường trầm trọng, ông từ trần sáng sớm ngày Thứ Ba 16 tháng 11, năm 2005 tại quận Cam.

Nhạc sĩ Lý Văn Chương (trái) và nhà thơ Lê Đình Điểu (Hình Người Việt)

… Ðó là một buổi họp, một buổi gặp gỡ nhiều bạn trẻ thì đúng hơn và tôi nhớ Chương là người đã làm tôi, một người vừa từ trại đảo qua lấy làm ngạc nhiên với cái lý luận rất sắc bén về nhiều vấn đề, kể cả nhạc thanh niên. Và rồi Chương đã khơi cái chất máu hăng của tôi bằng những đề nghị tổ chức các buổi sinh hoạt đầu tiên cho tôi trên nước Mỹ. Cái nhanh nhảu của anh chàng này vượt qua cả những bạn du ca khác.
Trong những ngày đầu tiên ấy, Chương cũng thường xuất hiện trên sân diễn với chiếc đàn guitar thật thô sơ và tiếng hát của Chương cũng thô sơ không kém. Tiếng hát Chương lúc đó cũng không mấy ai tán thưởng vì cái âm miền Trung của chàng thật khó trau chuốt cách nào cho nó ngọt ngào hơn được. Chương thú nhận là từ hồi chơi du ca ở Ðà Nẵng với trưởng Trần Ðình Quân, Chương không được cho vào ban hát, một phần vì còn nhỏ quá, nhưng phần chính vì không có giọng hát hay.
Chương đã đến với nhạc sinh hoạt, nhạc đấu tranh và cả những khúc nhạc tình. Âm thanh của Chương đẫm hương thơm và hơi thở đồng nội từ ban đầu đến lúc cuối, anh vẫn đi trên một dòng sông. Chỉ tiếc là không biết vì một cơ duyên gì, các công trình của Chương không bao giờ tới được cái vùng ánh sáng rực rỡ của nó. Trừ đợt nhạc tranh đấu anh viết khá gai góc các bài về quê hương, và tới đợt nhạc tình thì lại quyến rũ dễ nghe dễ hát, đầy nhịp điệu. Chương chỉ cần nung thêm một lửa nữa là đủ độ bền, những ca khúc của Chương sẽ chắp cánh bay xa.
Nhưng Lý Văn Chương đã ra đi và chúng ta thương tiếc Chương. (Nguyễn Đức Quang)

 

*Nhà thơ Lê Đình Điểu

Ông sinh năm 1939, tại Ngọc Hà. Ông làm thơ viết văn ký bút hiệu Y Dịch. Ông là sáng lập viên đài VNCR và hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA). Ông mất ngày 24 tháng 5 năm 1999

Nhà thơ Lê Đình Điểu và phu nhân (Hình: Ysa)

 

Sinh nhật 12 tuổi của tôi, bố làm một chiếc bánh bằng khoai mì. Bố kiên nhẫn ngồi nghiền khoai mì, nặn thành chiếc bánh tròn. Có cả hoa hồng và chữ “Mừng sinh nhật Y Sa” ở bên cạnh.
Không dư dả gì, bố mẹ vẫn cố gắng cho anh em chúng tôi học nhạc. Anh tôi học guitar. Một buổi chiều bố chở về nhà một cây đàn tranh. Cây đàn này bố “tậu” của chú Trần Đại Lộc. Bố đưa tôi đến xin học cô Thúy Hoan, nhà ở mãi Hòa Hưng. Sau này vì bận dạy học, bố không đưa tôi đi học được nữa nên bố mời cô Ngọc Châu đến dạy ở nhà.
Mỗi buổi tối, nếu không có giờ học Anh Văn, bố ngồi dịch truyện tranh tiếng Anh và tiếng Pháp cho chúng tôi nghe. Bố diễn tả rất sống động khiến chúng tôi say mê theo dõi. Lúc này nhà chúng tôi không còn TV (đã bán từ lâu), nên đây là món giải trí được chúng tôi háo hức mong đợi và rất hậm hực nếu phải đi ngủ trong khi truyện đến hồi gay cấn!
Bố mua khá nhiều sách báo cho chúng tôi đọc. Đối với sách báo, bố tiêu hoang ghê lắm… (Lê Đình Ysa)

 

*Ông Trần Đại Lộc

Ông sinh ngày 2 tháng 5 năm 1942 tại Bạc Liêu, học Petrus Ký, Chu Văn An, tốt nghiệp cử nhân giáo khoa triết. Ông là dạy học các trường Petrus Ký, Nguyễn Trãi, sau chuyển sang làm ở bộ Dân Vận.
Ông cùng gia đình định cư tại Mỹ năm 1993 theo diện HO, làm việc tại báo Người Việt (Westminster, Calif.) cho đến khi phát giác ra bệnh ung thư gan vào cuối năm 1996, qua đời ngày 30 tháng Chín 1997 tại Fountain Valley.
Lộc đến với đời và rời khỏi đời đều trong cung cách cố hữu của anh, là nhẹ nhàng và giàu tình. Cá tính, cách đối phó và tổ chức công việc, cũng như việc thực hiện các thú vui nghệ thuật của anh tuyệt nhiên không bao giờ ồn ào. Nhưng không phải là âm thầm lặng lẽ, vì cái tình của anh đối với mọi người mọi việc luôn luôn nồng nhiệt một cách trong sáng, làm cho đời sống lúc nào cũng đầy vẻ tích cực và vui…

Ông Trần Đại Lộc (Hình DĐTK)

… Lộc sống ở đời như chỉ để thực hiện điều vui và điều đẹp. Có người đến với cái vui và cái đẹp hơi ích kỷ vì chỉ với tính cách là kẻ thưởng ngoạn và hưởng thụ, còn Lộc đến như là một kẻ sáng tạo, thực hiện nên niềm vui và vẻ đẹp để cống hiến cho người khác. Anh là một nghệ sĩ đích thực, có tài năng và có tấm lòng. Năm mươi lăm năm đi trên dương thế chưa bao giờ anh gây một sự phiền muộn cho ai, dù là gia đình, bạn bè hay người ngoài xã hội. Anh chỉ mang đến vẻ đẹp và niềm vui. Nhưng anh không bao giờ thỏa hiệp với cái ác, Lộc giữ điều ấy như một nguyên tắc rất vững chãi. Trong một buổi họp mặt bạn bè cũ ở Sài Gòn thời gian trước khi anh đi Mỹ, một người bạn trước 30 tháng Tư 75 đã theo Cộng sản, tâm sự với anh em rằng “tôi đã lầm lẫn như cả nước này đã lầm lẫn,” Lộc vội vàng chỉnh ngay: “Trong đó không có tôi.” Không có Lộc cũng tức là không có rất nhiều người như Lộc, nhưng anh chỉ buông một câu ngắn ngủi, không tranh cãi, không làm mất hòa khí. Tâm lưọng thong dong của Lộc cùng với niềm vui và vẻ đẹp anh tạo ra đã đóng góp cho đời nhiều lắm. Sau khi Lộc mất đi, làm sao để những gì anh đã tạo ra còn tiếp tục tồn tại với đời, đó là điều mong mỏi của tất cả những người thân thiết của anh. (Phạm Phú Minh)

 

*Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang:

Ông sinh năm 1944 ở Sơn Tây, năm 1979 ông định cư tại Mỹ.
Theo gia đình vào Nam năm 1954. Sinh sống tại Ðà Lạt từ năm 1958. Tốt nghiệp đại học Ðà Lạt phân khoa Chính Trị Kinh Doanh khóa 1.
Bắt đầu sáng tác nhạc năm 1961. Ca khúc đầu tay dành cho Hướng đạo với tên Gươm Thiêng Hào Kiệt.
Năm 1979 cùng gia đình đến Hoa Kỳ, ông cộng tác với báo Người Việt, Viễn Đông và sáng lập 2 tuần báo Chí Linh và nguyệt san Phụ Nữ Diễn Đàn. Ông được Hướng đạo Việt Nam tặng Bắc Đẩu Huân Chương. Ông mất ngày 27 tháng 3 năm 2011.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (Hình: Dân Huỳnh)

Nguyễn Đức Quang không đứng ngoài để đi hành quân làm lính cậu như Nguyễn Bắc Sơn… Không một lời thù hận bên này hay bên kia.
Nguyễn Đức Quang là tiếng hét nhân bản, là lời réo gọi của nguyên một thế hệ sắp bị mất đi những giá trị của một xã hội đang bốc cháy.
Nguyễn Đức Quang không phòng trà não ruột, không tình ái bi thảm, không chính trị một chiều, không thù hận đằng đằng.
Nguyễn Đưc Quang đến với người nghe và nhất là những người hát nhạc của ông bằng tất cả chân tình của một thanh niên Việt.
Sự quyến rũ của Nguyễn Đức Quang là ở đó.
Mấy chục năm đã qua, nhưng Nguyễn Đức Quang không bao giờ rời xa hẳn chúng ta. Vẫn còn có những buổi sáng, hai ba câu hát của chàng vẫn tiếp tục ám ảnh chúng ta.
Và như thế, có nói là thế hệ này đã tìm được người phát ngôn thì cũng không sai. Nguyễn Đức Quang nói hộ chúng ta biết bao nhiêu điều chúng ta loay hoay nói không được và có nói cũng không hết.
Nguyễn Đức Quang qua đời sáng hôm Chủ Nhật nhưng ông vẫn sống tiếp bằng âm nhạc của ông, chừng nào mà quê hương Việt Nam còn ngạo nghễ, chừng nào mà còn những người đi trên những nẻo đuờng Việt Nam, chấp nhận đó là quê hương.
Nguyễn Đức Quang, ông đang nằm đó. Nhưng chúng tôi biết ông đang nghe chúng tôi. Ông sẽ còn nghe mãi những bản nhạc ông viết cho thế hệ này. Chúc ông thanh thản về cõi vĩnh hằng.
Vĩnh biệt Quang. (Bùi Bảo Trúc)

 

*Nhạc sĩ Trần Đình Quân

Ông sinh năm 1939 tại Huế, giáo sư trường Phan Chu Trinh Ðà, bị tù cải tạo từ 1975 đến 1981, định cư tại Mỹ năm 1985, ngoài tên thật còn có bút hiệu là Trần Đại Mỹ.
Trần đình Quân tuổi Mậu Dần (1938), mặc dù trong khai sinh ghi là 1939. Thân phụ là cụ Trần đình Dần, người làng Tam Đa, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (bây giờ là Hà Tây). Thuở trai trẻ, cụ ở Hà Nội, làm việc tại tòa soạn Báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Thân mẫu là bà Bùi thị Uyển nổi tiếng nhan sắc một thời, người làng Mỹ Xá, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
Nhạc sĩ Trần Đình Quân mất vào lúc 9:30 sáng Thứ Bảy ngày 27 tháng 9 năm 2003.

Nhạc sĩ Trần Đình Quân và gia đình (Hình: Quốc Học 55-58)

Ngày 22.9.2003 (27-8 âm lịch) Quân tạ thế tại California, Hoa Kỳ . Mấy người bạn của tôi ở CaLi email về cho biết, ngay khi anh vừa nằm xuống. Lần này tôi thấy bình tĩnh lạ, không hốt hoảng, không choáng váng giao động như ngày nào… Tôi thông báo cho các bạn bè cũ của Trần Đình Quân ở Đà Nẵng. Tôi gọi điện thoại vào cho hai người em của Trần Đình Quân ở SàiGòn. Hai em của Q. cũng đã biết tin rồi, đang chuẩn bị tổ chức tang lễ vọng cho anh và dự định về Huế tổ chức cầu siêu cho anh. Tôi đến dự buổi Mặc Niệm Trần Đình Quân tại nhà anh chị Đ.Ng., do một số học trò cũ trường Nữ Trung học Hồng Đức ĐN tổ chức. Ngồi lặng nghe các em nữ sinh, bây giờ đã là mẹ là vợ, nhắc lại những kỷ niệm về Trần Đình Quân, những vui những buồn với anh một thời đã xa, tôi thấy tâm hồn êm ả, bình an chi lạ. Thôi, cho nó qua đi, luyến tiếc làm gì! Chuyện gì đến thì đã đến rồi!. Thời gian anh mắc bệnh kéo dài lâu quá rồi, sống đời thực vật vô tri vô giác thì sung sướng gì đâu! Chỉ làm khổ thêm cho vợ cho con mà thôi. (Trần Hoan Trinh)

 

*Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng

Trầm Tử Thiêng tên thật là Nguyễn Văn Lợi, sinh ngày 1 tháng 10 năm 1940 Quảng Nam.
Năm 1958 Trầm Tử Thiêng tốt nghiệp trường Sư phạm. Năm 1966, ông nhập ngũ, thuộc Cục Tâm lý, Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Sau nhiều lần vượt biên không thành, ông bị tù cải tạo một thời gian. Sau đó, ông đến Hoa Kỳ và định cư tại Little Saigon năm 1985. Ông là cố vấn ban chấp hành Hội Ký giả Việt Nam Hải ngoại. Ông cộng tác với Mây Productions, Hollywood Night và trung tâm Asia, Trầm Tử Thiêng đã cùng Trúc Hồ sáng tác nhiều ca khúc cho thể loại nhạc đồng ca.
Ngày 25 tháng 1 năm 2000, Trầm Tử Thiêng mất tại trung tâm y tế Anaheim Tây.

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng (Hình: Người Việt)

Dõi theo bước chân âm nhạc, khai phá của Trầm Tử Thiêng, từ Việt Nam qua tới quê người, có dễ Trầm Tử Thiêng là người nhạc sĩ duy nhất của chúng ta, đã bắt được nhịp đập cái trái tim thời sự, trái tim đất nước, cho nên trong cõi nhạc của ông, lúc nào cũng tươi rói những dự kiện thời sự, và luôn cả những tựu thành tốt đẹp của nhân loại nữa. Nhạc sĩ Anh Bằng từng thán phục họ Trầm ở lãnh vực này. Ông nói:

“Trầm Tử Thiêng có một khả năng đặc biệt, hơn tôi rất xa. Đó là khả năng nhậy bén của một nhạc sĩ viết được những ca khúc giá trị cho chiến dịch…”

Riêng tôi, tôi vẫn nghĩ, Trầm Tử Thiêng không chỉ là kẻ viết sử bằng âm nhạc mà, ông chính là nhân chứng của từng giai đoạn lịch sử đa đoan, hàm hỗn của đất nước. (Du Tử Lê)

 

*Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu

Ông sinh ngày 12 tháng 9, 1938 tại Hà Ðông, ông dùng nhiều bút danh: Trần Thái Mưu, Thùy Trân, Trần Tú.
Từ ngày qua Mỹ ông chỉ còn dùng một bút hiệu, đó là tên ông.
Ông tốt nghiệp Thủ khoa trường Ca Vũ Nhạc Phổ Thông Saigon. Thủ khoa về Hợp Ca, Ca Trưởng ở Trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon.
1994 sang Mỹ tiếp tục sinh hoạt mạnh mẽ và bền bỉ, dựng lại Du Ca, đóng góp cho Gia Đình Phật Tử, tái sinh phong trào hát cộng đồng, hoạt động văn nghệ trẻ với VAALA, dựng nhóm hát Hùng Sử Ca, thúc đẩy phong trào Ca Nhạc Phật Giáo, góp sức viết ca khúc, thực hiện các tài liệu ca hát cho các Trung Tâm Việt Ngữ… Ông còn giữ một phần mục rất được thương mến “Chúng ta Đi Mang Theo Quê Hương” trên đài VNCR
Ông mất ngày 17 tháng 8 năm 2004, hưởng thọ 67 tuổi.

Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu (Hình: Uyên Nguyên)

Bố,
… Khi con ở tuổi thiếu niên, những câu chuyện cổ tích có tính cách ngụ ngôn qua những lá thư bố gửi từ trong nước. Bố đã chỉ dạy những đức tính “bao dung (hay từ bi) tha thứ (hay hỷ xả) với mọi người và nghiêm khắc với chính mình (hay thanh tịnh để tinh tấn) phải là châm ngôn cho con đường sống của mình để vươn lên ngày càng tốt đẹp hơn. Ðó là những đức tính cần thiết cho một người có tâm chí và có tâm hồn”.
Những bài học về tinh thần và vật chất chỉ là phương tiện. Cứu cánh của mỗi người chính là con người với trọn vẹn tình người của nó. Chính điều này khiến con người trở thành động vật cao quý.
Những điều bố tin tưởng tuyệt đối về tình thương không nhất thiết chỉ có trong ruột thịt mà còn có cả trong cộng đồng xã hội nữa là những điều bố luôn luôn nhắc nhở chúng con.
Thưa bố,
Chúng con hiểu bài học đó không dễ để thực hành, nhưng chúng con sẽ hết sức. Chúng con xin hứa trước vong linh của bố trước giờ chúng con không còn bao giờ trông thấy bố bằng xương thịt của tấm thân tứ đại. Nhưng bố sẽ ở mãi bên chúng con, chúng con biết chắc như thế. Mấy ngày hôm nay mẹ mệt nhiều, bố yên tâm, chúng con sẽ hết lòng yêu thương nhau và hết lòng chăm sóc cho mẹ. (Ngô Lê Trọng Tú)

 

*Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng

Nguyễn Xuân Hoàng sinh ngày 7 tháng 7 năm 1940 tại Nha Trang.
Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm, giảng dạy môn Triết tại trung học Ngô Quyền ở Biên Hòa, Pétrus Ký ở Sài Gòn. Ngoài ra, ông còn làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn ở Sài Gòn (1972-1974).
Năm 1985, ông cùng gia đình đến Hoa Kỳ và định cư tại San Jose.
Ông từng làm tổng thư ký báo Người Việt, tạp chí Thế kỷ 21.
Ông qua đời lúc 10:50 phút sáng thứ Bảy, ngày 13 tháng 9 năm 2014

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (Hình: Cuong Tran)

…Trong mắt tôi, cha tôi chỉ là một người đàn ông giản dị và nghèo, lái chiếc xe Toyota Celica cũ kỹ. Người làm việc cực khổ để có nhà để ở, có miếng ăn cho gia đình, vợ con. Cha tôi không phải là người ưa thích vật chất. Ông chỉ có một bộ complet, ba quần jean, hai đôi giầy, và vài chiếc áo sơ mi. Tôi ghét chiếc xe Celica cũ của cha tôi, ông lái chiếc xe này hàng chục năm nay. Ông kể cho tôi nghe là chiếc xe ông ước mơ là một chiếc BMW. Ông bảo loại xe đó đẹp lắm. Có lần tôi hỏi Ba thích sao Ba không mua một chiếc, Ba cứ giữ chiếc Celica đi hoài. Ông nói rằng phải dùng tiền vào những việc ích lợi hơn mua xe mới, chẳng hạn như để trả tiền học cho anh chị em chúng tôi, hay tiền đưa gia đình đi ăn nhà hàng Sizzler mỗi khi mẹ tôi đi làm về trễ. Người thích tiêu tiền vào những việc để cả gia đình chúng tôi có dịp ngồi lại với nhau, cùng hưởng hạnh phúc hơn là mua chiếc xe ước mơ. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao tôi thích đi ra ngoài ăn tiệm chung với gia đình. Mỗi khi chúng tôi đi ăn tiệm lại khiến tôi nhớ lại những lần được ngồi ăn chung với cha tôi, và gia đình.
Tôi chưa sẵn sàng đón nhận cái chết của cha tôi. Người ta nói đã đến lúc nên để cha tôi đi, ông chết cách đây hai tuần. Nhưng tôi vẫn không thể chấp nhận được điều này. Tôi còn đang giữ chiếc khăn quàng cổ của ông tôi đã lấy trong tủ quần áo mùa đông năm ngoái khi tôi đến thăm ông. Tôi ôm lấy chiếc khăn, và ngửi nó mỗi ngày. (Violet Nguyễn)

 

[disqus_shortcode_codeable]

Ông Phạm Hoài

Ông Nguyễn Chí Thông

Ông Huỳnh Nhâm