Friday, April 26, 2024

Bà ngoại tôi nói lịu

Lê Mai Uyên

Ngày xưa tôi gọi bà là bà ngoại nói lịu. Tôi luôn khoe với tụi bạn học: “Tao có bà ngoại vừa ăn trầu vừa nói lịu.” Bà ngoại ăn trầu còn vài đứa có, bà ngoại nói lịu chỉ có mình tôi.

Trầu cau ở Quy Nhơn, Việt Nam. (Hình minh họa: Getty Images)

Năm tôi vừa lên 8, bà đã được 70 tuổi. Bà nhỏ nhắn, tóc bạc trắng, mắt còn đen nhánh, môi đỏ hồng cắn chỉ vì bà nghiện trầu. Đi đâu bà cũng đeo theo một túi lỉnh kỉnh đựng đồ nghề ăn trầu. Tôi mê mẩn cả bộ đồ ăn trầu bằng bạc khắc hoa văn tinh xảo như đồ hàng của con nít này của bà, nào là bình vôi có quai hình chùm cau, ống vôi nhỏ xíu có dây xà tích đeo cầu kỳ, cối giã trầu và cái ống ngoáy chỉa ba, con dao bổ cau ngắn chỉ bằng ngón tay mà bén ngót, đến cái ống nhổ loe miệng cũng trổ khảm cầu kỳ.

Không chỉ có bộ đồ trầu đặc biệt, cách bà têm trầu cũng đầy duyên dáng và khéo léo. Từ cách bà chọn trái cau ngon cân hạt, loại lá trầu bánh tẻ tươi mởn để tỉa thành hình cánh phượng mời khách quý hay cánh kiến, cánh quế, mũi mác để đơm trên bàn thờ mỗi dịp giỗ.

Tôi hay luẩn quẩn bên bà, say sưa ngắm bà tẩn mẫn, cầu kỳ têm miếng trầu, quẹt vôi vào lá trầu, quấn thêm vỏ quạch, vỏ quế, vỏ chay đã giả nát, và nhón bỏ vào miệng đầy tao nhã. Từ người bà luôn tỏa ra mùi hương cay cay say nồng của vôi, của cau và trầu lá, làm con ngây ngây, lim dim hai con mắt nhỏ. Bà cười móm mém: “Tổ cha con chó con, sau rồi cũng ghiền trầu giống bà!”

Bà ngoại ăn trầu còn vài đứa có, bà ngoại nói lịu chỉ có mình tôi. (Hình: Lê Mai Uyên cung cấp)

Nhưng tôi thích mê nhất khi nghe bà nói lịu.

Bình thường bà tỉnh táo, tươi cười, nói chuyện rất duyên. Nhưng khi có ai làm bà giật mình, bà hốt hoảng tuôn bất chợt một tràng: “Úi lù xù lèo xèo, con mèo trèo lên cây cau… Tổ cha đứa nào làm tao giật cả mình!”

Những chữ, những âm có vần có điệu cứ thế tuôn tràn ra trong vô thức. Bà duyên dáng ngay cả khi nói lịu làm tôi vừa cười nắc nẻ, vừa mê say.

Tôi nũng nịu níu lấy bà: “Bà đúng là nhà thơ rồi, bà nói lịu cũng có vần có điệu hay quá bà!”

Bà cười nói: “Tổ cha con chó con, bà nói lịu là bà giật mình chứ hay ho cái gì!”

Ngày còn nhỏ tôi rất rắn mắt, hay rình tìm đủ cách làm cho bà giật mình để nói líu. Tôi đâu ngờ đó là triệu chứng đầu tiên đẫn đến bệnh Alzheimer, mất trí nhớ của bà vào những năm cuối đời. Con cố ý đánh bể cái chén, là bà lập cập: “Ý chít cha mày ra, ý chít cha bà già…”

Tôi chui trong gầm bàn, ngồi cười nắc nẻ.

Bà không giận mà ôm con vào lòng, gõ nhẹ lên cái trán “dô” rồi nói: “Con chó con muốn nghe bà nói lịu lắm phải hông? Không cần phải chọc bà, ngồi im ngoan bà nói lịu cho mà nghe hay hơn nè.”

Rồi bà thong thả quệt một miếng vôi hồng lên đuôi lá trầu, cuốn kèm miếng cau và nhẹ nhàng bỏ vào miệng nhai. Tôi chúi đầu vào lòng bà năn nỉ: “Bà nói lịu đi bà.”

“Lằng quằng lịt quịt, lăng quằng trứng. Lằng quằng lịt quịt, lằng quằng rừng…Đố con là cái gì!” bà nheo nheo mắt hỏi tôi.

Tôi ngẩn ngơ, tròn xoe mắt. “Bà nói nữa đi bà,” tôi nằn nì níu lấy lưng quần bà.

Bà nói: “Mẹ bây không cho bà nói lái, thì chừ bà nói thơ đây:

Dòng châu lai láng, đĩa dầu chong

Công khó đợi chờ, biết có không?

Nhắc bạn thêm thương người nhạn Bắc

Trông đời ngao ngán giữa trời Đông”

Tôi vỗ hai bàn tay nhỏ xíu vào nhau reo lên: “Ui chao, hay quá bà ơi! Bà nói lịu chi mà hay dữ thần!”

Hai bà cháu cứ như vậy rì rầm rúc rích cả đêm. Cho đến khi tôi say ngủ, hai bàn tay quàng vào cổ bà ngoại, mái tóc bum bê ngắn ngũn dụi sâu vào bụng bà, thiếp đi trong giấc mơ nồng nồng mùi trầu và say say hương cau.

Hè đẹp nhất đã trôi qua. Mùa hè năm sau bà ngoại hoàn toàn mất trí nhớ. Nhiều sự kiện thương tâm đã làm bà đau đớn đến xóa sạch trí nhớ.

Tôi nhớ mùa Hè cuối cùng tôi về gặp bà, bà ngồi thơ thẩn trước hiên phơi nắng, mái tóc phơ phơ bạc màu, đôi mắt cũng bạc màu như nắng úa. Con nắm lấy bàn tay gầy héo nhăn nheo của bà thì thào: “Bà ơi, cháu về thăm bà nè.”

Bà mĩm cười bâng quơ nhìn tôi: “Con cháu nhà ai mà nhìn ngộ ri bây?”

Tôi ngồi rưng rức khóc, mà bà vẫn cười hồn nhiên: “Có chuyện chi buồn mà khóc rứa bây?”

Rồi bà cứ hồn nhiên như vậy mà ra đi, không nhớ lại một điều gì, không mang theo một chút buồn của trần gian về thế giới khác.

Mỗi đêm mưa, tôi bần thần thèm mùi trầu và nhớ giọng nói lịu của bà. Tôi tập tễnh nếm thử mùi trầu để biết thế nào là vị nồng nẫu và đắng cay.

Mà đắng cay thật, bà à!

Thư và bài viết liên quan trang Tưởng Nhớ, xin gửi về: [email protected]

[disqus_shortcode_codeable]