Friday, April 26, 2024

Sống vị tha, chết Bồ Tát – Tưởng nhớ Tôn Thị Ngọc Dung

Tiểu Huyền

Khi còn sống, Ngọc Dung lúc nào cũng giúp ích người khác. Khi qua đời, em lại có cơ hội tặng nhiều bộ phận thân thể mình cho bệnh viện để người ta chuyển ngay đi, ghép cho những người đang cần được cứu. Em đúng là một vị bồ tát.

Mới 65 tuổi, người khỏe mạnh, Ngọc Dung chỉ bẩm sinh vẫn yếu tim. Một cơn đứng tim bất ngờ làm em té xỉu. Gọi 911, khi xe cứu thương tới họ phải làm việc tới 15 phút mới giúp con tim đập lại. Quá trễ. Bộ óc thiếu máu đã tắt dần, dù nhà thương đã dùng những thứ máy móc trợ sinh. Khi hai toán bác sĩ đồng ý bộ óc đã “chết” thì khuôn mặt em vẫn hồng hào! Nhưng bệnh viện cũng xin gia đình em đồng ý cho em được giúp đời một lần nữa. Cả nhà chấp thuận. Ngọc Dung làm công việc giúp đời lần sau cùng!

Mươi lăm năm trước đây, chúng tôi quen nhau trong một khóa tu tập tại tu viện Lộc Uyển. Trong giờ nghỉ trưa, tôi ngạc nhiên thấy Ngọc Dung say sưa giảng cho một số người về phép chữa bệnh bằng Diện Chẩn. Và em châm các huyệt đạo trên mặt để “chữa bệnh” cho họ. Giọng nói mạnh đầy nội lực và tiếng cười hồn nhiên của em khiến tôi muốn tới gần nghe ké, chừng dăm ba phút. Trong lòng tôi chưa có chút tin tưởng nào về phép chữa bệnh kỳ lạ này – dù tôi đã học Thầy Lê Mộng Ngọ và thực hành phép bấm huyệt (Accupressure) để chữa bệnh.

Trong một lần sửa soạn cơm chay gây quỹ cùng nhóm bạn tăng thân Xóm Dừa, tôi bị cảm cúm khá nặng. Ngọc Dung đã cố gắng thuyết phục tôi để em tới nhà châm huyệt chữa cho tôi sớm khỏi, “để chị có sức mà làm việc.” Dù tôi chọc ghẹo em, nói rằng tôi không tin chuyện Diện Chẩn này đâu, đừng mất công lái xe một quãng đường dài tới chữa cho tôi, Ngọc Dung vẫn nhất định: “Em sẽ chữa chị lành bệnh, để chị phải tin vào phương pháp này, rồi em sẽ dạy chị để giúp người khác nữa!” Thật bất ngờ, chỉ sau một lần bấm huyệt và xoa bóp của bàn tay có khả năng chữa bệnh, Ngọc Dung đã giúp tôi dứt hẳn các triệu chứng cảm cúm: người ấm áp, dễ chịu và cơn ho giảm rất nhiều – hai ngày sau thì tôi lại sinh hoạt được bình thường như trước cơn cảm cúm. Và chúng tôi bắt đầu thân nhau từ đó. Không ngờ tôi được quen với một con người có tấm lòng vị tha rất lớn, và có khả năng giúp được nhiều người bệnh như em. Dù chỉ mới quen biết hay do người khác giới thiệu, Ngọc Dung không bao giờ nề hà lái xe từ vùng El Monte xuống quận Cam để châm huyệt, giúp cho người cần trị bệnh. Tiếng cười dòn dã và tâm từ bi của em đã giúp được bao nhiêu người bị đau nhức hay cảm cúm… Em tự học phép Diện Chẩn trong Internet, và chỉ về Việt Nam tìm gặp để học thêm với  ông thầy Bùi Quốc Châu đúng một lần. Nhưng ai cũng phải công nhận em rất mát tay!

Ngày Thứ Hai, 29 Tháng Giêng, 2018, gần 20 tăng thân Xóm Dừa chúng tôi đã buộc phải tiễn em ra đi; sau khi các bác sĩ bệnh viện Methodist of S. California tuyên bố em đã lìa trần vì cơn đứng tim (heart attack) đã làm hư bộ não của em! Tôi đã nắm bàn hay em rất lâu, ấm áp và tròn trĩnh, với các ngón tay búp măng đã mang lại hạnh phúc cho gia đình và bao người thân. Bàn tay em đã từng chữa bệnh, làm các tấm chăn Quilt tỉ mỉ, đầy màu sắc để bán đi lấy tiền làm việc thiện, đã từng làm ra bao món đặc biệt cho người thân quen thưởng thức, trong có món hồng sấy 36 giờ theo kiểu Đại Hàn. Hai bàn tay ấy cũng đã phân phát một vài loại thuốc đặc biệt trị đau mà em mua từ Việt Nam, giúp cho bất kỳ ai hỏi. Cô cháu tôi một lần bị đau thần kinh tọa, không ra khỏi được cái giường trong mấy ngày, Ngọc Dung đã lái xe mang thuốc tới cho tôi để cháu thử. Không có cách nào khác giảm cơn đau, cháu uống thử món thuốc lạ, với lòng tin rằng cô Dung trị bệnh rất mát tay! Cái đau của cháu giảm tức thì sau một viên thuốc, thật khó tin nổi! Và chỉ cần uống viên thứ hai là cháu đi đứng lại được!

Ngọc Dung cũng đã chữa cho một bà chị ruột ở miền biển xa xôi, có sức chịu đựng được những kỳ hóa trị bệnh ung thư. Trong thời gian cô sống bên bà chị, mấy bà Mỹ hàng xóm của bà chị cũng được nhờ cái mát tay của Ngọc Dung mà đỡ hẳn các chứng đau nhức kinh niên.

Khi tôi viết những dòng này, mặc dù não bộ đã ngưng hoạt động, thân thể Ngọc Dung vẫn còn đang tiếp tục thở nhờ máy móc. Chỉ trước đây một giờ đồng hồ, con trai Dung cho biết thi hài em đã được đưa vào phòng giải phẫu, để các bác sĩ lấy ra mấy bộ phận “còn nguyên vẹn” trong cơ thể em, tặng cho các bệnh nhân nan y đang có nhu cầu. Em đang hiến tặng lá gan, buồng phổi, trái tim, quả thận v.v… cho những người không quen biết. Tôi nghĩ có lẽ tâm thức em đã xui khiến cho chồng và các con đồng ý với nhà thương, thể hiện tấm lòng Bồ Tát dùm vợ và mẹ, dù họ rất đau lòng. Ngọc Dung được coi như đã lìa đời vì trái tim ngừng đột ngột, trong khi sức khỏe của cô rất tốt, không hề bị một chứng bệnh nan y nào. Cô con gái sống chung với Ngọc Dung cho biết, mấy ngày trước khi bị đứng tim, mẹ cháu đã làm sẵn rất nhiều đồ ăn, để dành trong tủ lạnh… “Cháu chưa bao giờ thấy mẹ nấu nướng nhiều như vậy”! Phải chăng em đã có linh tính sẽ dứt nghiệp trần?

Khi sinh thời, Ngọc Dung cho biết em ngồi thiền hàng ngày, nhập vào trạng thái Định rất nhanh chóng, chỉ sau mấy hơi thở theo phương pháp khí công.

Sống vị tha, chết vẫn làm được hạnh nguyện bố thí của Bồ Tát, Ngọc Dung có thói quen gọi mấy “bà chị” mà em thân thương là “Bồ Tát của em,” mỗi  khi em nhờ chúng tôi giúp một việc rất nhỏ – như  mang tiền cúng dường các việc thiện hoặc cúng dường tu viện, chùa chiền. Lần chót tôi gặp Ngọc Dung là khi em ghé nhà tôi lấy mấy cuốn kinh và góp tiền ấn tống! Vậy mà chỉ hai tháng sau, chúng tôi đã phải chia tay với cái thân bất động của em!

Sau khi nhà thương “khai tử” cho em, chỉ giữ thân em để chờ tặng các bộ phận cho người cần, chúng tôi cùng các con em đã tụng kinh cầu siêu cho Dung. Muốn cho các con em đỡ đau buồn, tôi kể câu chuyện Tô Đông Pha (thi sĩ đời Đường) trêu chọc một thiền sư… Cùng lúc đó, tôi mới hiểu vì sao Ngọc Dung hay gọi chúng tôi là “Bồ Tát của em.”

Ông Tô Đông Pha một bữa thăm vị thiền sư mà ông rất thân tình, đã hỏi: “Sao bữa nay tôi thấy mặt thầy giống mặt con heo vậy?” Ông thầy từ tốn chắp tay: “Còn tôi thì nhìn thấy thí chủ có mặt của đức Phật.” Ông thi sĩ đắc chí vì đã chọc ghẹo mà ông thầy không đối chọi được mình! Khi về nhà, Tô Đông Pha kể cho cô em gái mấy lời đối thoại này, dương dương tự đắc: “Vậy là ông thầy thua anh một keo rồi?”

Không ngờ cô em của thi sĩ, Tô Tiểu Muội vốn hiểu Phật pháp hơn anh. Cô cười phá lên: “Trời ơi, vậy mà anh nghĩ thắng ông thầy sao? Tâm ông ấy là Phật, nên nhìn thấy mặt Phật trên mặt anh, còn tâm anh thì là gì mà thấy ổng ấy có mặt heo vậy?”

Ngọc Dung có trái tim Bồ Tát, nên em nhìn ai cũng là Bồ Tát. Và em đã có khả năng chữa bệnh cho mọi người bằng diện chẩn hay một thứ thuốc bình thường, phần chính có lẽ là nhờ năng lượng Bồ Tát trong trái tim từ bi, vị tha của em. Tuy không tham gia các sinh hoạt tu tập thường xuyên với tăng thân Xóm Dừa, nhưng bất cứ khi nào chúng tôi làm tiệc chay hay tổ chức văn nghệ gây quỹ để giúp trẻ nghèo, em đều hết lòng hỗ trợ. Em thường xuống nhà tôi ngủ đêm hôm trước, để có thể khởi sự công việc từ sáng sớm ngày hôm sau. Ngoài ra, em mang các loại trái cây ngon trong vườn nhà tới đóng góp, nào nhãn, nào hồng, ổi và táo nhỏ. Trái nào cũng ngon ngọt hơn hẳn trái cây ngoài chợ. Khi đi chữa bệnh cho bằng hữu, em cũng hái vài mớ rau sắn chùa Hương, hay vài trái mướp đắng, dưa leo… để làm quà.

Bàn tay em có “những ngón mầu xanh” (green thumb) khiến em trồng trọt rau trái nào cũng tươi tốt. Tiếng cười vui hồn hậu, cư xử dễ thương với tất cả mọi người, Ngọc Dung trao cả trái tim từ ái cho người bệnh khi em chữa trị hay tặng thuốc cho họ. Càng ngày em càng bận rộn với người quen người lạ, và các ông anh bà chị trong gia đình… Tuy nhiên, em vẫn có đầy năng lượng để chăm sóc ông xã bị hư thận, vẫn đang chờ người nào đó tặng cho mình.

Ngọc Dung sống với tâm từ bi, ra đi rồi vẫn tiếp tục giúp được đồng loại. Tấm lòng thương người đó chính là phúc đức em để lại cho con cháu, là tấm gương cho các cháu noi theo. Chúng tôi trong nhóm Xóm Dừa, ai cũng thuơng tiếc và chắc chắn sẽ nhớ mãi em, sẽ học theo hạnh từ bi của em! Chúng tôi cũng tin một ngày kia, Dung sẽ lại biểu hiện trong cuộc đời này, tiếp tục làm Bồ Tát cứu độ mọi người, như mấy câu kinh mà chúng tôi thường tụng:

“Đệ tử xin nguyền trở lại
Sống trong hiện tại nhiệm mầu
Vườn tâm ươm hạt giống tốt
Vun trồng Hiểu Biết Thương Yêu…”

[disqus_shortcode_codeable]