Friday, April 26, 2024

Tưởng nhớ nhà báo Phạm Kim

LTS: Bài vở và hình ảnh liên quan đến trang Tưởng Nhớ xin gửi về: [email protected]

***

K.L

 

“Chú cháu mình hết giận nhau, chú Kim nhé!”

Nhà báo Phạm Kim. (Hình: Võ Thành Đông)

Sáu năm trước…

Tôi đến sân bay Seattle trong một tâm trạng khá… bất an. Bất an vì không quen biết ai. Bất an vì không biết chú ấy có đến đón mình như đã hứa hay không? Vì vốn dĩ hai chú cháu chưa từng biết nhau. Tôi chỉ mới nói chuyện qua điện thoại với chú một lần, do một người quen giới thiệu, nhờ chú hướng dẫn cho chuyến đi công tác lần này. Tôi lo, không biết chú có “dễ chịu” hay không? Tôi lo không biết chú có nhớ là đã hứa tìm giùm một khách sạn gần khu cộng đồng người Việt hay không? Nói chung, đủ thứ lo.

Đang đứng lơ ngơ, chuẩn bị lấy điện thoại ra để gọi cho chú, thì tôi nghe tiếng gọi phía sau:

-KL phải không?

-Dạ, con đây. Chú là chú Phạm Kim ạ?

-Ừ, chú đây. Ôi trời, sao mà nhỏ xíu vậy đó hả? Nhỏ xíu vậy mà đi làm phóng sự một mình không sợ sao?

-Dạ, thì… có chú giúp con nè

-Đi. Chú dẫn đi ăn cái gì chút. Chú đã đặt khách sạn cho cháu rồi. Ăn xong về nghỉ ngơi. Tối nay chú dẫn đi đến một bữa tiệc của cộng đồng ở đây.

-Cháu cảm ơn chú.

Thế là, nỗi lo biến mất. Bất an cũng không còn.

Tôi nhớ năm đó, chú Phạm Kim cao gầy, nhanh nhẹn. Chú đi nhanh… hơn cả tôi. Trên đường đi, ngang qua bất cứ khu nào có dấu ấn của cộng đồng Việt Nam là chú kể chi tiết. Chú kể về lịch sử làm báo của chú, kể về những lúc “có mình ên chú vừa đi lấy tin, vừa viết bài, vừa đi lấy quảng cáo, vừa đi… đòi nợ.”

Câu chuyện cứ thế rôm rả suốt đoạn đường.

Tối hôm đó, như đã hẹn, chú Kim chở tôi đến bữa tiệc của cộng đồng Việt Nam trong thành phố. Chú dẫn tôi đi giới thiệu từng bàn, hồ hởi: “Đây, phóng viên từ Nam California đến nhé.” Sáu năm rồi, thật sự tôi cũng quên vì sao có bữa tiệc đó. Tôi chỉ nhớ có rất nhiều vị cao niên của thành phố có mặt.

Sau khi “tác nghiệp” xong, nghĩa là hỏi chuyện các cô bác về lịch sử cuộc sống định hình của cộng đồng Việt Nam từ khi đặt chân đến Seattle sau năm 1975, chú Kim chở tôi về khách sạn.

Trên đường về, hai chú cháu có thêm nhiều đề tài để nói với nhau. Tôi hỏi chú về một việc mà tôi từng nghe trước chuyến đi này, đó là “có những gia đình gốc Việt trồng marijuanas (cần sa).” Không ngờ đề tài này làm cho cuộc đối thoại của hai chú cháu trở nên căng thẳng.

-Cái này tế nhị lắm, khó lắm. Cháu không thể nghĩ đến đề tài này.

-Sao vậy chú?

-Chú sẽ giới thiệu cháu tất cả những gì nổi bật của cộng đồng mình ở đây. Những người khi nãy cháu gặp là những người thành công ở đây.

-Chắc chắn cháu sẽ viết về sự thành công đó, nhưng về marijuanas thì sao? Mình có thể tìm hiểu không? Mình có thể làm dạng phóng sự điều tra không?

-Cháu muốn điều tra cái gì?

Giọng nói của chú Kim bắt đầu… nặng rồi. Tôi cảm nhận như thế, nhưng vẫn ráng nói tiếp.

-Dạ, ý cháu không hẳn là điều tra gì hết. Cháu chỉ muốn có một phóng sự đặc biệt. Cháu cũng đâu có biết có thật về vụ cộng đồng mình trồng marijuanas hay không. Cháu nghe những người khác nói. Thì công việc của cháu là đi tìm hiểu xem sự thật thế nào. Cháu nghĩ mình làm báo thì… những tin tức đặc biệt mình cần làm mà.

-Cháu không cần dạy chú. Chú đã nói không được là không được. Cháu đừng nghĩ cháu là phóng viên của NV rồi muốn ăn nói kiểu gì thì nói. Cháu xuống xe đi. Đồ…

Tôi… hết hồn. Không ngờ chú Kim giận đến như thế. Cũng may lúc đó đã về đến khách sạn, nếu không tôi không biết làm sao… xuống xe. Lúc đó, tôi… cũng giận lại. Tôi nói: “Cháu không nghĩ là chú có thể nói như vậy. Cháu chào chú.”

Sau đó, tôi ở lại Seattle thêm hai ngày để hoàn thành công việc. Dĩ nhiên từ sau đêm đó, tôi di chuyển bằng… taxi. Trước khi bay về lại miền Nam California, tôi chỉ nhắn tin rất ngắn cho chú rằng: “Cháu cảm ơn chú Kim đã giúp cháu những ngày ở Seattle.” Chú không hồi âm cho tôi.

Bẵng đi vài tháng. Tôi cũng quên mất câu chuyện này. Bỗng một buổi sáng, đang ngồi làm việc, điện thoại báo có tin nhắn. Trên màn hình là dòng chữ “Nhà báo Phạm Kim.” Tôi hồi hộp mở lên xem: “Chào KL. Cho chú xin lỗi về thái độ hôm đó. Chú thật không đúng. Chú là bậc cha, chú nhưng đã xử sự không đúng mực. Cháu đừng giận chú nhé.”

Đến bây giờ, tôi cũng không hiểu sao lúc đó dù tâm trạng rất vui, nhưng tôi đã lưỡng lự rất lâu cho việc trả lời tin nhắn của chú Kim. Cuối cùng tôi ghi lại cho chú y như tin nhắn cũ: “Cháu cảm ơn chú Kim đã giúp cháu những ngày ở Seattle.”

Từ đó đến nay, hai chú cháu hoàn toàn “mất liên lạc.” Thật nực cười. Thời đại này mà nói “mất liên lạc nhau.” Phải nói là “Tôi đã rất vô tình” hoặc đã rất “thờ ơ” với một mối quan hệ hữu duyên. Tất cả loại tình cảm trên đời này cũng như cây cỏ, không vun đắp thì nó sẽ héo tàn, và chết. Tôi thật đáng trách. Người xử sự không đúng cách, chính là tôi.

Chú Phạm Kim ơi, chú cháu mình hết giận nhau nhé! Dẫu… đã muộn màng.

[disqus_shortcode_codeable]