Saturday, May 4, 2024

Ông Obama hay ông George W. Bush thứ hai?


Khoảng thời điểm này cách đây 8 năm, Thượng Nghị Sĩ Barack Obama đứng trước diễn đàn Thượng Viện, dõng dạc lên tiếng chỉ trích chính sách chống khủng bố của Tổng Thống George W. Bush. Bằng những lời lẽ nặng nề nhất, ông nói rằng chính quyền Bush đã đi ngược hẳn với hiến pháp khi cho phép các cơ quan an ninh theo dõi các hoạt động của người dân Hoa Kỳ, cho biết ông sẽ cùng với một số thượng nghị sĩ Dân Chủ khác đưa ra dự luật giới hạn quyền lực của ông Bush, không chấp nhận chuyện lợi dụng lý do vì an ninh quốc gia để giới hạn quyền tự do của người dân Mỹ.







Tổng Thống Barack Obama trở về Tòa Bạch Ốc sau hai ngày ở California. (Hình: NICHOLAS KAMM/AFP/Getty Images)
Những điều vị nghị sĩ trẻ tuổi nói ở Thượng Viện cũng như những gì ông đưa ra với dân chúng trong cuộc vận động tranh cử bắt đầu từ giữa năm 2007 hoàn toàn khác với những lời giải thích được ông trình bày hôm Thứ Sáu tuần trước tại San Jose, California. Một cách tổng quát, ông bảo, các chương trình thu tóm tài liệu điện thoại và Internet mà ông cho thực hiện nhắm vào hai mục đích: Thứ nhất để theo dõi và phá vỡ các hoạt động âm mưu của bọn khủng bố, thứ nhì để bảo vệ an ninh cho quốc gia và cho người dân. Ông nói chính quyền “không thể nào đảm bảo an ninh 100%” đồng thời cũng đảm bảo “không phạm đến quyền lợi riêng tư của người dân 100%”, khéo léo nhắc nhở mọi người biết hiểm họa của khủng bố vẫn còn, chính phủ phải “có những quyết định” và mọi người đều có trách nhiệm phải cùng chính phủ bảo vệ an toàn cho quốc gia, kể cả chuyện phải hy sinh một phần tự do cá nhân.

Lời giải thích của tổng thống Hoa Kỳ khiến một số người ngạc nhiên. Quyền tự do cá nhân được xem là “quyền tự do căn bản và quan trọng nhất của người dân Mỹ” là điều ông từng nói khi ra tranh cử để phê bình chính phủ George W. Bush, đi kèm với những lời chỉ trích nặng nề về những điều ông Bush đã làm, vi phạm đến quyền căn bản quan trọng đó và những quyền căn bản khác. Trước những chỉ trích đó, Tổng Thống George W. Bush có lần phải lên tiếng nói rằng đừng quên trong cương vị của một nhà lãnh đạo hàng ngày ông được nghe báo cáo về an ninh quốc gia “và có những lần nghe xong mà thấy rợn cả người”. Trước khi rời Tòa Bạch Ốc, Ðệ Nhất Phu Nhân Laura Bush cũng nói điều tương tự, cho rằng những điều người khác chỉ trích chồng bà là “những điều hoàn toàn không đúng”, giải thích “Tất cả những gì nhà tôi làm đều nhắm vào mục đích phục vụ người dân, đảm bảo không cho khủng bố có cơ hội” như chúng đã làm hôm 11 Tháng Chín 2001.

Ðó cũng là giải thích được các viên chức thân cận nhất của Tổng Thống Barack Obama đưa ra để trả lời câu hỏi tại sao chính phủ vi phạm dân quyền khi xin trát tòa để thu thập hồ sơ điện thoại và hồ sơ Internet của cả triệu người dân. Một trong những người thân tín của tổng thống là ông cựu cố vấn David Axelrod bảo “Khi là tổng thống Hoa Kỳ, ngày làm việc của bạn sẽ bắt đầu bằng báo cáo về an ninh. Tôi biết và hiểu rất rõ là Tổng Thống Obama ngày nào cũng phải đối đầu với thực tế vì những hiểm họa có thể xảy đến cho quốc gia, đương nhiên là ông có trách nhiệm phải làm những gì có thể làm để phá vỡ những âm mưu phá hoại đó”. Ông cựu cố vấn Tòa Bạch Ốc nói thêm “Ðó là điều ai cũng phải làm khi ở trong cương vị của một nhà lãnh đạo”.

Ðiều ông Obama làm được sự ủng hộ của đối thủ chính trị John McCain, từng đại diện đảng Cộng Hòa tranh chức tổng thống hồi 2008. Xuất hiện trong cuộc phỏng vấn trưa Chủ Nhật của đài CNN, ông McCain nói rằng “Nếu chuyện này xảy ra hôm 12 Tháng Chín 2001 (tức 1 ngày sau vụ khủng bố tấn công nước Mỹ), chắc chắn sẽ chẳng ai nói gì cả”. Vị nghị sĩ uy thế của đảng Cộng Hòa bảo thêm chuyện này “nổ lớn” vì xảy ra cùng lúc với những thắc mắc của người dân về những việc làm sai trái Cơ Quan Thuế Vụ Hoa Kỳ, về chuyện từ năm ngoái Tòa Bạch Ốc vẫn tìm cách che giấu sự thật xảy ra ở Benghazi, cho đến chuyện nhà báo của hãng thông tấn AP và FOXNews cũng bị FBI thu tóm hồ sơ điện thoại xem họ gọi cho những ai và những ai gọi cho họ.

Ông McCain có vẻ dễ dãi, những vị dân cử khác lên tiếng bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn. Thượng Nghị Sĩ Rand Paul của cánh Tea Party cho rằng chương trình theo dõi diện thoại và Internet của dân chúng “vi phạm hiến pháp” và ông đang suy nghĩ xem có nên yêu cầu Tối Cao Pháp Viện nhập cuộc hay không. Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Mark Udall của tiểu bang Colorado cho rằng chương trình này “chưa hẳn đã đem lại hiệu quả” trong kế hoạch chống khủng bố của chính phủ Obama, đòi hỏi “đã tới lúc phải cứu xét lại toàn bộ luật USA Patriot Act” mà chính phủ George W. Bush đã ban hành ngay sau biến cố 11 Tháng Chín 2001 và chính ông Obama yêu cầu Quốc Hội lưu hành ngay sau ngày nhậm chức. Theo giải thích của Thượng Nghị Sĩ Udall, đạo luật này cho chính phủ quá nhiều quyền, kể cả quyền “giới hạn tự do của người dân”.

Ông Udall vừa lên tiếng nói điều này lúc trưa Chủ Nhật, vài giờ sau đó một đồng minh chính trị của Tổng Thống Obama cũng tiết lộ một chuyện quan trọng. Bà Laura Murphy, người điều hành văn phòng đặc trách liên lạc Quốc Hội của Hiệp Hội Bảo Vệ Dân Quyền Hoa Kỳ (American Civil Liberties Union) kể lại hồi 2005, “Chỉ vài tuần sau khi nhậm chức thượng nghị sĩ, ông Obama cho mời tôi và những tổ chức tranh đấu cho dân quyền khác để bàn thảo về điều ông muốn làm là làm thế nào giới hạn luật USA Patriot Act”. Hôm đó Thượng Nghị Sĩ Obama nói gì? “Ông bảo luật này đi quá đà”, báo cho mọi người biết ông sẽ soạn một dự luật khác để giới hạn bớt những quyền hạn của chính phủ. Hôm đó, ông Obama có nói gì thêm không? Bà Murphy từ chối trả lời câu hỏi này, nhưng một người khác có mặt trong cuộc họp yêu cầu không nêu tên bảo rằng “Nếu tôi nhớ không lầm, Thượng Nghị Sĩ Obama rất bực bội khi nói về USA Patriot Act, nhắc lại ông từng là một giáo sư giảng dậy môn luật hiến pháp và ông không nghĩ là chính phủ có quyền muốn làm gì thì làm, vì điều đó vi phạm hiến pháp”.

Dự luật Thượng Nghị Sĩ Obama bảo trợ hồi 2005 không được Thượng Viện thông qua, đến năm 2006 khi bắt đầu tính chuyện tranh cử tổng thống, ông bỏ phiếu ủng hộ tiếp tục sử dụng USA Patriot Act với một vài sửa đổi nhỏ, đến năm 2009 khi bước chân vào Tòa Bạch Ốc ông yêu cầu Quốc Hội giữ nguyên đạo luật đang được áp dụng. Ngay lúc đó, đã có những lời gièm pha của các tổ chức bảo vệ dân quyền và những tổ chức cấp tiến hết lòng vận động giúp ông thắng cử, cho rằng Thượng Nghị Sĩ Obama và Tổng Thống Obama là hai con người chính trị khác nhau. Một trong những lời chỉ trích vẫn được giới quan sát chính trị ở Washington nói đến với giọng diễu cợt, cho rằng về điểm này (bảo vệ dân quyền) “thành phần cấp tiến của nước Mỹ cứ tưởng họ thoát được ông George W. Bush, đâu ngờ họ lại rước một ông George W. Bush thứ hai vào ngồi ở Tòa Bạch Ốc”.

Như vậy ở điểm này, ông Bush và ông Obama giống nhau chứ gì?

“So sánh như vậy là so sánh khập khiễng”, ông phụ tá cố vấn An Ninh Quốc Gia Ben Rhodes trả lời, nhắc lại mới tháng trước Tổng Thống Obama đã dọc bài diễn văn quan trọng nói về chính sách mới mà ông đưa ra để chống khủng bố hữu hiệu hơn cũng như phù hợp với tình thế hơn. Ông Rhodes – người giúp tổng thống soạn bài diễn văn này – nhắc lại những điểm Tổng Thống Obama đã làm, từ chuyện kết thúc cuộc chiến Iraq cho đến chuyện năm tới sẽ rút quân khỏi Afghanistan “Hai mặt trận hàng đầu của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”, chuyện ông Obama ra lệnh cấm không được tra tấn tù nhân đến những nỗ lực để đóng cửa trại tù Guantanamo được dựng để nhốt những kẻ tình nghi hoạt động khủng bố. “Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chính phủ sẽ bỏ những biện pháp chống khủng bố khác” vì cuộc chiến vẫn còn, an ninh quốc gia vẫn bị đe dọa.

Ðó cũng chính là giải thích được tổng thống Hoa Kỳ đưa ra khi trả lời các câu hỏi của giới truyền thông. Ông kể lại “Tôi bước vào Tòa Bạch Ốc với những thắc mắc về các chương trình được (chính phủ tiền nhiệm George W. Bush) áp dụng. Các nhân viên của tôi duyệt xét lại tất cả những chương trình đó thật cặn kẽ. Chúng tôi đã mở rộng một số biện pháp, tăng cường thêm an ninh cho quốc gia. Ðiều tôi và các nhân viên của tôi đồng ý làm những việc đó vì đó là những cách chống lại những âm mưu muốn tấn công của quân khủng bố”. Ông kết luận bằng câu “Thật là đáng giá để chúng ta làm những việc như vậy”.

Câu kết luận của Tổng Thống Obama dẫn mọi người đến câu kết luận của bà Laura Murphy của Hiệp Hội Bảo Vệ Dân Quyền Hoa Kỳ, người từng được nghe Thượng Nghị Sĩ Barack Obama chỉ trích chuyện chính phủ George W. Bush nghe lén điện thoại của dân chúng. Bà bảo là các chính trị gia bao giờ cũng thế, “Họ có lập trường nhưng chẳng bao giờ giữ vững lập trường cả”.

Người lộ chuyện NSA nghe lén điện thoại trốn ở Hồng Kông


WASHINGTON, D.C. (Washington Post)
– Người lộ tin Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (NSA) nghe lén điện thoại của khách hàng Verizon là một cựu nhân viên hợp đồng quốc phòng từng làm việc cho CIA trước đây, theo tin của nhật báo The Washington Post (Mỹ) và tờ báo The Guardian (Anh) đưa ra ngày Chủ Nhật.







Ông Edward Snowden, người tiết lộ tin NSA nghe lén điện thoại. (Hình: AP Photo/The Guardian)
Ðó là ông Edward Snowden, 29 tuổi.

“Lý do tôi đưa thông tin này ra là vì muốn cho công chúng biết những gì xảy ra với tên của họ và những gì nguy hại có thể đến với họ,” ông Edward Snowden được tờ The Guardian trích lời nói.

Ông Snowden trước đây là một nhân viên kỹ thuật làm việc cho CIA và NSA trong bốn năm, theo Washington Post.
Ông cho biết ông nghỉ việc để chuyển đến làm cho công ty cố vấn điện toán Booz Allen Hamilton ở Hawaii với mức lương khoảng $100,000/năm. Ông cũng cho biết, khi tiết lộ tin này, ông đang ở trong một khách sạn ở Hồng Kông để đề phòng chuyện bất trắc xảy ra cho cá nhân ông.

“Tôi sẵn sàng chấp nhận tất cả vì tôi không thể chấp nhận tình trạng chính phủ Hoa Kỳ vi phạm quyền riêng tư, tự do Internet, tự do căn bản đối với con người toàn thế giới, với một bộ máy theo dõi người dân một cách bí mật,” ông Snowden được trích lời nói.

Người đầu tiên muốn truy tố ông là Dân Biểu Peter King (Cộng Hòa-New York), chủ tịch Tiểu Ban Nội An và là thành viên Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện.

“Nếu ông Snowden thật sự tiết lộ thông tin của NSA như ông nói, chính quyền Mỹ phải truy tố ông theo đúng luật, và nên dẫn độ ông về Mỹ càng sớm càng tốt,” ông Peter King nói qua một thông báo. “Hoa Kỳ phải nêu rõ quan điểm là không chấp nhận bất cứ quốc gia nào cho ông tị nạn. Ðây là một vấn đề gây hậu quả lớn đối với tình báo quốc gia Hoa Kỳ.”

Hôm Thứ Tư, tờ báo The Guardian cho biết là công ty điện thoại Verizon bị yêu cầu phải nộp thông tin và dữ kiện, bao gồm thời gian, địa điểm và số điện thoại, các cuộc gọi của khách hàng cho NSA trong thời gian từ ngày 25 Tháng Tư đến ngày 19 Tháng Bảy.

Tờ báo cũng cho biết, yêu cầu của NSA được một tòa án phụ trách các vấn đề pháp lý liên quan đến tình báo chấp thuận.

Ngày hôm sau, hai tờ báo của Anh và Mỹ tiết lộ chương trình PRISM, cho phép các phân tích gia của NSA theo dõi các hoạt động Internet của khách hàng thuộc một số công ty điện toán, trong đó có cả Microsoft, Google, Apple, bao gồm âm thanh, hình ảnh, video, email và tài liệu cá nhân.

Ông Snowden nói rằng hành động của NSA là một “de dọa đối với nền dân chủ”. Ông nói ông hy vọng chính quyền Obama chấm dứt chương trình này khi vị tổng thống tuyên thệ nhậm chức lần đầu hồi năm 2009, thế nhưng, thay vào đó, tổng thống lại “đẩy mạnh chính sách này, một chính sách mà ông nghĩ ông Obama không bao giờ thực hiện”.

“Tôi không nghĩ tôi là anh hùng, bởi vì những gì tôi đang làm chỉ là cá nhân,” ông Snowden nói. “Tôi chỉ không muốn sống trong một thế giới mà không có sự riêng tư, không thể phát triển trí tuệ và không thể sáng tạo.”

Theo báo The Guardian, ông Snowden lớn lên ở North Carolina và Maryland, từng gia nhập quân đội, nhưng được giải ngũ năm 2003 sau khi bị gãy hai chân trong một lần huấn luyện. Ông chưa bao giờ tốt nghiệp trung học, nhưng tự học điện toán tại một đại học cộng đồng ở Maryland.

Ông làm nhân viên an ninh cho một cơ sở của NSA tại đại học University of Maryland, rồi làm việc cho CIA. Năm 2009, ông làm việc cho một số công ty tư nhân có hợp đồng với NSA.

Ông Snowden nói với tờ The Guardian rằng ông bay qua Châu Á hôm 20 Tháng Năm và không cho gia đình và bạn gái ông biết dự định của ông. Mặc dù Hồng Kông bây giờ thuộc Trung Quốc, vùng đất cựu thuộc địa của Anh vẫn thoải mái với tự do ngôn luận và tôn trọng quan điểm khác biệt, vì đây là vùng tự trị. (Ð.D.)

Nam, Bắc Hàn gặp nhau lần đầu trong hai năm


SEOUL, Nam Hàn (CSMonitor) – Các giới chức Bắc và Nam Hàn hôm Chủ Nhật có cuộc họp lần đầu tiên trong hai năm, giải quyết các chi tiết cho cuộc họp cấp cao hơn tuần nay trong khi cho thấy có nỗ lực tái lập sự hợp tác sau nhiều tháng căng thẳng.







Bà Kim Song Hye, đại diện phái đoàn Bắc Hàn, bắt tay một giới chức Nam Hàn tại làng đình chiến ở Bàn Môn Ðiếm, hôm Chủ Nhật. (Hình: AP Photo/South Korean Unification Ministry, HO)
Cuộc họp diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Ðiếm (Panmunjom), ở phía Nam Hàn, nơi ký kết cuộc đình chiến năm 1953.

Mục tiêu chính của cuộc họp này là để chuẩn bị cho cuộc họp cấp bộ trưởng dự trù diễn ra vào ngày Thứ Tư, 12 Tháng Sáu, này.

Trong những tuần lễ gần đây, Bắc Hàn đã đề nghị có cuộc họp với các doanh gia và thành viên một tổ chức tư nhân Nam Hàn, tuy nhiên, Seoul từ chối không cho phép những người này sang Bắc Hàn, đòi hỏi phải có cuộc họp giữa hai chính phủ trước nhất.

Việc Bắc Hàn đồng ý quay trở lại bàn hội nghị được các quan sát viên quốc tế cho rằng đã được Bình Nhưỡng chuẩn bị để diễn ra cùng lúc với cuộc họp của chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng Thống Obama tại California.
Chương trình họp cấp bộ trưởng vào ngày Thứ Tư dự trù có việc tái khởi động các kế hoạch cộng tác giữa Bắc và Nam Hàn, đặc biệt là tái tục hoạt động tại khu chế xuất Kaesong. (V.Giang)

Lụt làm hàng ngàn người dân Ðức di tản


BERLIN, Ðức (AP) – Hàng ngàn người dân Ðức trong một khu vực ở phía Ðông quốc gia này đã phải rời bỏ nhà cửa đi di tản vì mực nước sông Elbe dâng cao và xuyên thủng con đê, theo giới hữu trách hôm Chủ Nhật.








Hai cư dân Magdeburg, Ðức, di tản vì nước sông Elbe dâng cao gây ra lụt lội. (Hình: Sean Gallup/Getty Images)


Có ít nhất 21 người đã thiệt mạng vì lụt tại vùng Trung bộ Âu Châu, nơi các con sông như Danube, Elbe và Vlatava đã tràn bờ sau một tuần lễ mưa tầm tã và gây thiệt hại trầm trọng ở khu vực Trung và Nam Ðức, Cộng Hòa Tiệp, Áo, Slovakia và Hungary.

Nạn nhân mới nhất là một cụ ông 80 tuổi, chết vì lên cơn đau tim ở Áo hôm Chủ Nhật trong lúc đang dọn dẹp căn nhà bị nước lụt tràn ngập, theo hãng thông tấn DPA của Ðức.

Tại Magdeburg, thủ phủ vùng Saxony-Anhalt ở phía Ðông nước Ðức, có hơn 23,000 người dân phải rời bỏ nhà cửa đi di tản vào trưa Chủ Nhật sau khi nhiều con đường và tòa nhà bị nước tràn vào và điện bị cúp, theo DPA.

Khoảng 8,000 người được di tản khỏi thành phố Aken và các làng mạc chung quanh sau khi một con đập ở sông Elbe bị xuyên thủng hôm Thứ Bảy, theo tin cảnh sát. (V.Giang)

10,000 người biểu tình phản đối phủ nhận tội ác Khmer Ðỏ


PHNOM PENH, Cambodia (RFI) – Hôm Chủ Nhật, khoảng 10,000 người tham dự một cuộc biểu tình ở thủ đô Phnom Penh, Cambodia, để phản đối một dân biểu thuộc phe đối lập bị cáo buộc là đã tỏ thái độ nghi ngờ về sự tồn tại của nhà tù Toul Sleng, dưới thời Khmer Ðỏ cầm quyền, trong lúc Quốc Hội, vừa thông qua đạo luật trừng phạt việc phủ nhận tội ác diệt chủng, theo một bản tin của đài RFI.







Khoảng 10,000 người biểu tình ở Phnom Penh phản đối phủ nhận tội ác Khmer Ðỏ. (Hình: TANG CHHIN SOTHY/AFP/Getty Images)
Những người biểu tình tập hợp trong một khuôn viên ở thủ đô Phnom Penh để nghe những người sống sót từ nhà tù Toul Sleng kể lại những hành động tra tấn của các đao phủ, trước khi họ hành quyết các tù nhân.

Sau đó, những người biểu tình kéo đến trước trụ sở chính của đảng Cứu Nguy Dân tộc (CNRP). Vị dân biểu không thừa nhận tội ác diệt chủng của Khmer Ðỏ là lãnh đạo số hai của đảng này.

Trong một băng ghi âm được công bố trên trang web của chính phủ Cambodia, Dân Biểu Kem Sokha đã khẳng định rằng nhà tù Toul Sleng là do bộ đội Việt Nam dàn dựng ra, sau khi lật đổ chế độ Khmer Ðỏ.

Thế nhưng, vị dân biểu này cho rằng các phát biểu của ông đã bị cắt xén, bóp méo và đảng CNRP tố cáo chính quyền tìm cách “gây ra những vấn đề chính trị” trước cuộc bầu cử lập pháp, sẽ được tổ chức vào ngày 28 Tháng Bảy.

Trước đó, hôm Thứ Sáu, Quốc Hội Cambodia thông qua luật trừng phạt hai năm tù giam đối với những ai tìm cách giảm nhẹ hoặc phủ nhận tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Ðỏ.

Trong thời gian cầm quyền từ năm 1975 đến năm 1979, chính quyền Khmer Ðỏ đã giết chết khoảng hai triệu người trong khi thực thi chính sách xã hội chủ nghĩa kiểu dưới thời cách mạng Trung Quốc. (Ð.D.)

Mỹ – Trung đồng ý về Bắc Hàn nhưng bất đồng về tin tặc


RANCHO MIRAGE, California (NYT) – Ngay cả trong khi cùng nhau hứa hẹn xây dựng một “khuôn mẫu mới” cho mối bang giao giữa hai nước, Tổng Thống Barack Obama và Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn không đồng ý được về cách giải quyết tấn công tin tặc và một số vấn đề khác, dù rằng có vẻ sẽ cùng nhau áp lực Bắc Hàn về vấn đề nguyên tử.








Tổng Thống Barack Obama (trái) và Chủ Tịch Tập Cận Bình tại dinh thự Sunnylands, Rancho Mirage, California. (Hình: JEWEL SAMAD/AFP/Getty Images)


Tuy cả hai nhà lãnh đạo hai cường quốc lớn nhất thế giới không đưa ra bản thông cáo chính thức nào trong ngày thứ nhì của cuộc thảo luận, sự bất đồng ý kiến của họ, từ tin tặc, bán võ khí cho Ðài Loan, tranh chấp biển đảo trong vùng biển Ðông và tỉ giá hối đoái đồng yuan, đã được nhìn thấy khi giới chức cao cấp hai nước xuất hiện trước báo chí để cho biết chi tiết về cuộc họp.

Ngay từ đầu, Tòa Bạch Ốc nói rằng mục tiêu của các cuộc họp ở Rancho Mirage không phải là để loan báo các thỏa thuận mới, nhưng là tạo ra mối quan hệ cá nhân gần gũi giữa ông Obama và Tập Cận Bình, người vừa lên nắm quyền hồi Tháng Ba ở Trung Quốc.

Tuy vậy, Tòa Bạch Ốc cũng loan báo là hai bên đạt được ít nhất là một thỏa thuận về môi trường, giúp giảm thiểu việc thải khí hydrofluorocarbon, (HFC), được dùng trong hệ thống làm lạnh và chất cách nhiệt.

Ông Obama và Tập Cận Bình cũng đồng ý về việc cần phải áp lực Bắc Hàn giảm bớt thái độ hung hăng và đồng ý thương thảo giải giới nguyên tử.

Cả hai bên thảo luận với nhau trong gần tám giờ đồng hồ, khởi sự từ tối ngày Thứ Sáu, và có vẻ mong muốn vượt qua được các căng thẳng do bất đồng ý kiến về kinh tế, chính trị và ngoại giao thời gian gần đây. (V.Giang)

Làm mát dầu hộp số: Transmission Cooler Lines


Bài và hình: Phạm Ðình


Hộp số là bộ phận quan trọng và đắt tiền trong xe, nên vấn đề dầu hộp số cần phải được chủ xe chú ý đúng mức, như chú ý để đừng bao giờ bị thiếu dầu, và thay dầu theo định kỳ. Trong các bài trước chúng ta đã đề cập nhiều đến vấn đề này, hôm nay xin nói về một bộ phận phụ thuộc, đó là Transmission Cooler Lines.








Anh Long, chủ nhân Anthony Auto Body & Repairs, dẫn giải về tầm quan trọng của hộp số.


Transmission Cooler Lines là gì?


Dầu hộp số quan trọng không chỉ vì nó giúp thực hiện việc chuyển đổi các bậc số khi xe chạy, mà nó còn hiện diện để giải nhiệt, giúp cho hộp số bớt nóng. Không có nó, các bộ phận hộp số sẽ rơi vào tình trạng Overheat và không còn sử dụng được nữa. Không tính tới những thứ ô nhiễm khác, chỉ nguyên nhiệt độ trong đầu máy cũng làm cho dầu hộp số bị thoái hóa theo thời gian sử dụng.

Gần đây có một số kiểu xe đời mới xuất hiện trong thị trường với lời quảng cáo của đại lý “Dầu hộp số trong xe này có thể chạy cả đời, không phải thay!” Nếu bạn đang chạy một cái xe như thế, thì tin lời quảng cáo đó hay không là chuyện của bạn. Nhưng xin nghe ý kiến của một người trong nghề, anh Long, chủ nhân Anthony’s Auto Body & Repairs tại Westminster, California: “Chẳng có dầu hộp số nào là không thoái hóa. Ngay cả những hệ thống gọi là sealed system (hệ thống kín), cũng không kín 100%, nó vẫn có những khe hở cho không khí tràn vào. Hợp với nhiệt độ và những vẩn bụi rơi ra từ những bộ phận trong xe, dầu sẽ từ từ mất phẩm chất, và phải được thay mới sau một thời gian… Ấy là chưa kể nó có thể bị hao hụt do nhiều nguyên nhân, buộc chúng ta phải kiểm tra thường xuyên, chứ đừng ỷ y tin rằng dầu hộp số của mình là lifetime”. Với nhận xét như trên của một người trong nghề, dĩ nhiên tin hay không tin cũng là chuyện của bạn. Theo Phạm Ðình thì lời tuyên bố “dầu hộp số trong xe chúng tôi là lifetime không thoái hóa” chỉ là những lời quảng cáo “đại ngôn”. Hoặc, đúng hơn chúng ta nên hiểu rằng, cái lifetime đó chỉ có nghĩa là “100,000 dặm”, tức là thời gian mà xe còn trong hạn bảo hành. Dĩ nhiên, trong 100,000 dặm đầu tiên, cái xe ấy chưa thể xảy ra những hư hại trầm trọng, cho dù dầu hộp số thực sự đã thoái hóa. Và nếu sang tới dặm đường thứ 105,000, mà hộp số hoặc những bộ phận liên quan bị trục trặc, chắc không ai nghĩ rằng đó là do thiếu dầu hoặc dầu đã thoái hóa?

Trở về vấn đề nhiệt độ gia tăng khi hệ thống vận hành, dầu hộp số đương nhiên bị nóng lên. Thông thường, dầu hộp số được chế tạo để chịu đựng sức nóng trong khoảng 160 độ F tới 200 độ F (71 tới 93 độ C). Khi nhiệt độ trong đầu máy vượt quá mức đó, dầu sẽ bị cháy khét, làm giảm phẩm chất cũng như số lượng dầu cần thiết để luân lưu, sinh ra tổn hại cho các bộ phận cọ xát cần tới sự bôi trơn của dầu, làm hại tới hộp số là bộ phận mắc tiền nhất trong xe.

Chính vì thế, nhà sản xuất phải thiết kế một phương thức giải nhiệt dầu hộp số qua 2 đường dẫn chạy vào trong két nước Coolant (Radiator). Hai đường dẫn đó là Transmission Cooler Lines, một đường đưa dầu nóng về Radiator, và một đường đưa dầu đã được giải nhiệt ra khỏi bình trở về hệ thống. Hai đường dẫn này nằm bên trong Radiator, thông ra bên ngoài bằng 2 “mỏm” (Inlet/Outlet), và từ 2 mỏm này lại có những đường ống khác, lớn hơn (hose) nối đường lines nằm trong Radiator với hộp số.







Ðường dẫn làm mát dầu hộp số có thể nằm ngang trong Radiator.
Theo trình bày của chủ nhân Anthony Auto Body & Repairs, các đường dẫn Transmission Cooler Lines này có thể nằm ngang, hoặc nằm dọc trong Radiator, tùy theo thiết kế của hãng xe.

Nếu xe thường kéo nhiều chở nặng, người ta còn lắp đặt thêm một bộ phận phụ thuộc để làm mát dầu hộp số, gọi là Extra. Ðối với đa số chúng ta, vốn chỉ sử dụng xe đi làm bình thường, việc gắn thêm extra cooler là không cần thiết.


Những vấn đề về Transmission Cooler Lines


Những trục trặc liên quan Transmission Cooler Lines có thể khiến dầu hộp số bị hao ngót, và kinh hoàng hơn nữa, có thể bị ô nhiễm, hoặc làm ô nhiễm nước coolant và nhớt máy. Sau đây là một số trường hợp cụ thể:

-Các khớp nối giữa “mỏm” inlet/outlet và đường ống bên ngoài xoáy không chặt, khiến dầu hộp số hao ngót: Nếu nguyên nhân hao ngót dầu được xác định là ở đây, thì số bạn vẫn còn nhiều may mắn. Bởi vì xoáy lại các khớp Inlet (outlet) cho chắc chắn là công tác không khó khăn lắm, những người chủ xe kiên nhẫn có thể tự làm được.

-Các ống dẫn dầu nằm bên ngoài Radiator có thể bị rỉ, khiến dầu hộp số hư hao. Vì thế, cần phải kiểm tra luôn để kịp thời thay thế.







Ðường dẫn này cũng có thể nằm dọc trong Radiator.
-Hoặc, chính những đường dẫn dầu nằm trong Radiator bị rò. Khi đó dầu hộp số sẽ rỉ ra, làm ô nhiễm nước coolant. Và đổi lại, nước coolant tràn vào bên trong đường dẫn, khiến dầu hộp số cũng bị ô nhiễm theo. Một triệu chứng dễ thấy nhất là nước Coolant đổi sang màu sậm nâu, trông giống như màu sữa chocolate. Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ phải đối phó với cả 2 hệ thống: Hộp số và nước coolant. Về dầu hộp số, có thể bạn chỉ cần thay dầu và lọc dầu là đủ. Nhưng về hệ thống nước coolant, chắc phải thay luôn cả cái két nước (Radiator) luôn đó. Và nói để cho bạn chuẩn bị, tốn phí trong công tác này chắc phải lên tới vài trăm đô, như trường hợp thực tế đã xảy ra sau đây:

“Xe của tôi là Jaguar S-TYPE 4.2 đời 2006. Cách đây 3 tháng, tôi có mang xe đi thay nhớt máy. Trong khi xe được cẩu lên cao, tôi có nhìn thấy một vệt dầu từ 2 ống kim loại nối hộp số với đáy bình radiator. Thực ra, đó không rõ là vết rò, mà chỉ là vết bụi đọng trên đường ống đó. Tuy nhiên, điều này cũng làm tôi quan tâm và để ý theo dõi.

Tuần trước, tôi lại mang xe đi thay nhớt, và yêu cầu thợ máy kiểm tra kỹ càng khu vực đó. Thợ máy báo cho biết là đường dẫn Transmission Cooler Lines đã bị rò. Lần này không phải chỉ là vết bụi, nhưng tôi có thể nhìn thấy rõ vệt ướt trên các đường ống. Như vậy là rõ ràng đường dẫn dầu hộp số bị rò, nhưng kinh khủng nhất là phí tổn sửa chữa: Gần $700!

Tôi xin người thợ cứ tạm thời để đó, bởi vì tôi còn mua bảo hành phụ trội (extended warranty) cho hộp số. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với đại lý thì họ nói rằng đường ống (hoses) không nằm trong nội dung bảo hành, họ chỉ sửa chữa nếu hộp số bị hư. Nhưng nếu sự tổn hại đó gây ra do thiếu dầu hộp số, họ cũng không chịu sửa chữa. Chắc bạn hiểu cho tôi là, nếu tình trạng rò rỉ phát sinh trong lúc mình chạy xe, thì làm sao mình biết được? Nếu chờ tới lúc gặp trục trặc, chẳng hạn như trượt gai (slipping), hoặc hộp số bị overheat thì cũng coi như không, họ không chịu sửa. Trong tình trạng này, chắc mình phải ngửa cổ, bỏ tiền ra thôi. Không thấy người thợ nói gì về việc thay Radiator, không hiểu số tiền gần $700 đó có bao gồm Radiator hay chưa… Nếu bạn có ý kiến gì về việc này, xin cho biết.”

Ðể góp ý đầy đủ về vấn đề này, chúng ta hẹn nhau trong bài lần sau.

[email protected]
Xe lột dên, xe kêu lóc cóc, xe rỉ nhớt…? Xin xem Cẩm Nang Bảo Trì Tập III đã phát hành. Cùng với Tập I, Tập II, mỗi tập $6.00+$2.00 cước phí. Money Back Guarantee 3 tháng. Gửi cheque cho: Phạm Ðình 9800 Bolsa Ave., # 86, Westminster, CA 92683 (địa chỉ mới). Tel: 714 675 8628. Cho biết điện thoại và email, nếu có. Có thể hỏi tại nhà sách Tú Quỳnh 714-531-4284; hoặc Tự Lực 714-531-5290.


 

Định phạt, rồi lại không phạt người mua dâm

SÀI GÒN (NV).- Sáng ngày 8 tháng 6, bản tin điện tử của Bộ Công an CSVN cho hay, tạm thời thu hồi dự thảo nghị định xử phạt người mua dâm, đồng thời nói rằng, ngừng thu thập ý kiến của người dân trong việc chuẩn bị ban hành nghị định phạt tiền người mua dâm.
 






Người bán dâm bị phạt nhưng chính quyền Việt Nam loay hoay vẫn chưa tìm ra cách phạt tiền người mua dâm. (Hình: VNExpress)

Trước đó, Bộ Công an soạn thảo và tung ra công luận một nghị định ấn định biện pháp xử phạt các vi phạm hành chính, trong đó có điều khoản phạt tiền người mua dâm từ 5 đến 10 triệu đồng, tương đương 250 – 500 đôla.
 
Điều khoản này gọi tên hành vi bị trừng phạt là “mua dâm đồi trụy,” đồng thời cũng qui định mức phạt “người lôi kéo, ép buộc người khác mua dâm.”
 
Báo mạng VNExpress cho biết, mức phạt tiền nói trên nhiều gấp mười lần mức phạt dành cho hành vi bán dâm. Nghị định này theo dự tính, sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 7, 2013.
 
Còn đối với người ngoại quốc dính líu tới hoạt động mua bán dâm, mức phạt được ấn định khoảng 1 triệu đồng, tương đương 50 đô kèm với biện pháp trục xuất khỏi Việt Nam. Dự thảo nghị định cũng không loại trừ việc phạt vạ những người cung cấp, cho thuê địa điểm mua bán dâm; người môi giới, dụ dỗ, dẫn dắt và bảo kê hoạt động của các tú bà, gái điếm…
 
Báo VNExpress dẫn lời luật sư Vũ Tiến Vinh ở Sài Gòn cho rằng điều khoản trừng phạt người “mua dâm có tính chất đồi truỵ” không khả thi. Ông này cho rằng, khó có thể phân biệt và định nghĩa một cách chính xác hành vi “mua dâm đồi trụy,” với “mua dâm không đồi trụy” để mà phạt vạ.
 
Trong khi đó, người đại diện của Bộ Công an Cộng sản Việt Nam cho biết, chỉ tạm thời rút bỏ dự thảo nói trên để sửa lại. Người này nói rằng khi nào việc sửa chữa hoàn tất, lại sẽ tung ra trình làng để thu thập ý kiến của người dân.
 
Theo dư luận, các ngành cưỡng chế luật pháp ở Việt Nam muốn đẩy lùi tình trạng mãi dâm bằng cách trừng trị nặng người mua dâm, đa số là các “quý ông.” Tuy nhiên, ý muốn này lập tức gặp sự phản đối của dư luận vì dự thảo nghị định đặt tên cho hành vi bị chế tài là “mua dâm đồi trụy.” (PL) 



 

Bún làm ở Tây Ninh có chất ‘gây ung thư’

TÂY NINH (NV).- Một phúc trình của Phòng Cảnh sát chống tội  phạm và môi trường – PC49 của tỉnh Tây Ninh cho hay, kết quả giám định cho thấy nguyên liệu sản xuất bún tại hai cơ sở có chứa chất gây ung thư. 







Bún, món ăn được nhiều người ưa chuộng đang là mầm mống gây ung thư ở Việt Nam. (Hình: Internet)

Báo Thanh Niên dẫn phúc trình nói rằng trong mẩu nước, bột, và nguyên liệu lấy được tại 2 cơ sở sản xuất bún có chứa huỳnh quang màu vàng chanh và chất chống mốc (Sodium Benzoat), kể cả hàn the. Hai cơ sở này của ông Võ văn Ánh và ông Trần văn Cương, đặt tại thị xã Tây Ninh.
Báo Thanh Niên còn cho biết, hai cơ sở này hoạt động từ năm 2007 và 2009 đến nay. Mỗi ngày, họ phân phối khoảng 400 – 500kg cho các chợ ở tỉnh Tây Ninh. Cả 2 ông chủ cơ sở đều nhìn nhận có sử dụng chất tẩy trắng và chất chống mốc để chế biến bún tươi.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, cựu Phó chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các loại chất kể trên bị cấm sử dụng để sản xuất bún tươi. Trong đó, huỳnh quang là loại hoá tuyệt đối không được dùng để chế biến thực phẩm. Đây là loại hóa chất được dùng trong ngành kỹ nghệ, làm tăng độ sáng bóng, màu sắc óng ả cho sản phẩm.
 
Bác sĩ Huỳnh Mai cũng cho hay, chất chống mốc Sodium Benzoat chỉ được dùng giới hạn trong một số thực phẩm dưới hình thức chất phụ gia. Tuy vậy, bà Huỳnh Mai nói rằng Sodium Benzoat bị cấm sử dụng trong công nghệ sản xuất các loại tinh bột như bún, bánh canh, mì, hủ tiếu…

Ông Trần Văn Ký, hội viên Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho biết thêm, huỳnh quang, còn gọi là chất tẩy trắng cực độc cho sức khỏe con người. Các tạp chất kim loại trong huỳnh quang, theo thời gian tích tụ lại trong cơ thể, ngấm vào máu, gây rối loạn gan, thận, thần kinh, dẫn đến những bệnh mãn tính và gây ung thư.

Cũng theo bác sĩ Trần Văn Ký, hàn the cũng gây ra nhiều biến chứng và dẫn đến ung thư ở người sử dụng.

Trước đó, hồi đầu tháng 5, 2013, người ta cũng đã khám phá việc sử dụng chất tẩy trắng và chống mốc để làm bánh canh tại bốn cơ sở khác ở thị xã Tây Ninh. (PL)

Quân đội Libya loan báo kiểm soát các căn cứ dân quân ở Benghazi


BENGHAZI, Libya (Reuters) – Quân đội Libya sẽ kiểm soát các căn cứ của một lực lượng dân quân ở thành phố Benghazi, nằm về phía Ðông quốc gia này, sau khi xảy ra đụng độ khiến 31 người thiệt mạng, theo lời một phát ngôn viên quân sự Libya hôm Chủ Nhật.








Người biểu tình Libya đụng độ với nhóm Libya Shield tại Benghazi. (Hình: ABDULLAH DOMA/AFP/Getty Images)


Cuộc giao tranh bộc phát hôm Thứ Bảy tại bộ chỉ huy lực lượng dân quân có tên Libya Shield, khi đám đông biểu tình đòi giải tán lực lượng võ trang vẫn còn hoạt động gần hai năm sau khi chế độ Moammar Gadhafi bị lật đổ.

Tình trạng an ninh chỉ được tái lập ở thành phố lớn thứ nhì Libya này sau khi lực lượng đặc biệt của chính phủ đến chiếm bộ chỉ huy của nhóm Libya Shield, vốn chỉ huy các nhóm dân quân võ trang riêng rẽ khắp thành phố Benghazi.
Chính phủ trung ương ở Tripoli trong thời gian qua đã nhờ nhóm này giữ an ninh trật tự trong thành phố đầy những kẻ võ trang và không theo một luật lệ nào. (V.Giang)

Thêm 3 lính Mỹ bị lính Afghanistan bắn chết

KABUL, Afghanistan (AP) – Một quân nhân Afghanistan bất ngờ nổ súng bắn vào toán huấn luyện viên Mỹ ở vùng phía Ðông Afghanistan hôm Thứ Bảy, làm thiệt mạng ba người, trong khi một kẻ tấn công bằng lựu đạn làm thiệt mạng một quân nhân Ý ở phía Ðông quốc gia này.








Binh sĩ Mỹ tuần tra Kuschamond, tỉnh Paktika. Một binh sĩ Afghanistan vừa bắn chết ba binh sĩ Mỹ tại tỉnh này. (Hình minh họa: JOHANNES EISELE/AFP/Getty Images)

Vụ nổ súng ở tỉnh Paktika là vụ mới nhất trong hàng loạt các cuộc tấn công từ những kẻ bội phản bên trong, nhắm vào cả đồng đội Afghanistan cũng như quân đồng minh. Các cuộc tấn công này cũng tạo sự nghi ngờ về khả năng cũng như mức độ tin tưởng nơi quân chính phủ Kabul trước thời điểm quân đội ngoại quốc rút đi năm 2014.

Cuộc tranh cãi giữa người lính Afghanistan và các huấn luyện viên Mỹ có vẻ là lý do đưa đến vụ nổ súng hôm Thứ Bảy tại một căn cứ quân chính phủ Kabul ở quận Kher Qot thuộc tỉnh Paktika.

Người lính Afghanistan giận dữ nổ súng trong cuộc tranh cãi, làm thiệt mạng ba lính ngoại quốc và làm bị thương ba người khác, theo bản thông cáo của văn phòng tỉnh trưởng Paktika. Phía quân nhân ngoại quốc bắn trả, làm thiệt mạng người lính này, cũng theo nguồn tin trên.

Hồi tháng qua, hai cảnh sát viên Afghanistan mới được tái thu nhận đã nổ súng bắn chết cấp chỉ huy của mình và sáu đồng đội ở một nút chặn ở vùng Nam Afghanistan.

Trong khi đó, ở tỉnh Farah ở về phía Tây Afghanistan, một binh sĩ Ý thiệt mạng và ba người khác bị thương sau khi một kẻ tấn công liệng lựu đạn vào chiếc xe bọc sắt của họ, theo tin từ chính phủ Ý.

Nguồn tin này cho hay đoàn xe tuần tiễu của quân Ý đang trên đường về căn cứ, phải đi chậm lại vì xe cộ đông đảo, và khi đến gần ngã tư thì có kẻ ném lựu đạn vào chiếc xe đi đầu. Phía Taliban nhanh chóng lên tiếng nhận trách nhiệm và nói rằng kẻ tấn công là một thiếu niên 11 tuổi. (V.Giang)

Lính Nhật sang California tập trận

SAN DIEGO, California (AP) – Một số binh sĩ Nhật sẽ đến tập trận với quân đội Mỹ trong vùng bờ biển phía Nam tiểu bang California trong hai tuần tới, nhằm tăng cường khả năng tấn công đổ bộ đường biển của Nhật.








Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta (trái) thăm căn cứ Camp Pendleton hồi Tháng Ba 2012. Một số binh sĩ Nhật sẽ cùng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tập trận tại căn cứ này tuần tới. (Hình minh họa: MIKE BLAKE/AFP/Getty Images)

Các giới chức quân sự Mỹ và Nhật nói rằng cuộc tập trận này, lần đầu tiên trong lịch sử hợp tác quân sự giữa hai nước, sẽ do Thủy Quân Lục Chiến Mỹ điều hành nhằm giúp Lực Lượng Phòng Vệ Nhật có khả năng phối hợp chặt chẽ hơn với quân đội Mỹ, đồng minh chính của Tokyo, và đối phó dễ dàng hơn với các trường hợp khẩn cấp như thiên tai.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc có thể nhìn điều này khác hơn, nhất là trong hoàn cảnh có sự căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh vì cuộc tranh chấp biển đảo ở vùng biển Hoa Ðông.

“Ðây sẽ là một chỉ dấu khác mà phía Trung Quốc sẽ cho rằng có sự mở rộng hợp tác quân sự Mỹ-Nhật,” theo ông Tai Ming Cheung, một phân tích gia về các vấn đề an ninh Trung Quốc và Ðông Á tại đại học UC San Diego.
Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ và Nhật hủy bỏ cuộc tập trận này, dự trù sẽ diễn ra hôm Thứ Ba, theo hãng thông tấn Kyodo ở Nhật.

Các giới chức quân sự Mỹ nói rằng việc tăng cường khả năng đổ bộ đường biển của Nhật rất quan trọng trong lúc Mỹ đang chú trọng hơn vào việc hình thành chiến lược Á Châu-Thái Bình Dương.

Nhật gửi sang ba chiến hạm, với khoảng 1,000 quân nhân và bốn trực thăng chiến đấu để tham dự cuộc tập trận và cũng lần đầu tiên đánh dấu việc các quân nhân quốc gia này được chở bằng chiến hạm đến lãnh thổ xa bên ngoài nước Nhật, theo Trung Tá Takashi Inoue, phát ngôn viên Lực Lượng Phòng Vệ Nhật.

Các đơn vị Tân Tây Lan và Canada cũng sẽ tham dự cuộc tập trận, với các cuộc đổ bộ ở San Clemente Island và ở căn cứ Pendleton của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. (V.Giang)

Tình hình và xu hướng chính trị tại Việt Nam hiện nay


Nguyễn Hưng Quốc
(Nguồn: VOA)


Theo dõi tình hình chính trị Việt Nam, hầu như giới quan sát, từ người Việt đến người ngoại quốc, đều đi đến kết luận giống nhau: Chưa bao giờ Việt Nam yếu như hiện nay.

Tuy nhiên, nói đến cái yếu của Việt Nam, phần lớn đều tập trung vào quan hệ đối ngoại, chủ yếu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có thể nói, ở Châu Á, không có nước nào bị Trung Quốc “ăn hiếp” nhiều như Việt Nam. Với Nhật Bản hay Philippines, họ chỉ dòm ngó một hai hòn đảo; với Việt Nam, họ dòm ngó cả chùm đảo và cả một vùng biển mênh mông. Với các nước khác, lâu lâu họ đưa tàu đánh cá hay tàu hải giám lượn qua lượn lại vài vòng thị uy; với Việt Nam, họ tung tàu đánh cá và tàu hải giám ào ạt như vào chỗ không người, hơn nữa, còn bắt bớ, thậm chí, hãm hại cả ngư dân Việt Nam. Cũng có thể nói, trước sự đe dọa của Trung Quốc, không có nước nào có phản ứng nhu nhược như Việt Nam. Nhật Bản dám dọa đánh chìm tàu Trung Quốc, Philippines đem Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế, còn Việt Nam? Ngay cả một lời lên án, họ cũng không dám nói; và khi, trước áp lực của dân chúng, phải nói, thì chỉ nói một cách thì thầm. Vừa lên án vừa run lẩy bẩy.

Tuy nhiên, cái yếu của Việt Nam còn thể hiện ở nhiều lãnh vực khác nữa. Phân tích những cái yếu ấy, chúng ta dễ thấy xu hướng phát triển của tình hình chính trị tại Việt Nam hiện nay.

Trước hết là lãnh đạo yếu.

Nói đến lãnh đạo chủ yếu là nói đến đảng Cộng Sản, và nói đến “yếu” là nói đến tương quan quyền lực với các thiết chế khác. Công thức phân quyền ở Việt Nam, ai cũng biết, là “Ðảng lãnh đạo, nhà nước quản lý”. Suốt hơn nửa thế kỷ, hầu như mọi quyền lực đều nằm trong tay đảng. Còn nhà nước, như chính lời thú nhận của Phạm Văn Ðồng, người làm thủ tướng lâu nhất ở Việt Nam (1955-1987), với những người quen: Chưa có ai làm thủ tướng lâu mà bất lực như ông. Ông không những bị lép vế trước Lê Duẩn, tổng bí thư, mà còn bị lép vế cả trước Lê Ðức Thọ, trưởng ban tổ chức trung ương đảng. Là thủ tướng, Phạm Văn Ðồng hoàn toàn không có quyền hạn gì trong việc chọn lựa, bổ nhiệm hoặc cách chức các bộ trưởng hay thứ trưởng, thậm chí, các giám đốc sở ở địa phương. Quyền lực tập trung hết trong tay giới lãnh đạo đảng, chủ yếu là tổng bí thư. Tuy nhiên, sau Lê Duẩn, rõ ràng quyền lực của tổng bí thư cứ giảm dần. Quyền lực của các tổng bí thư kế tiếp Lê Duẩn, từ Trường Chinh (14/7/1986-18/12/1986) đến Nguyễn Văn Linh (1986-1991) và Ðỗ Mười (1991-1997), không thể so sánh được với Lê Duẩn. Tuy nhiên, dù vậy, họ vẫn giống như những ông vua. Yếu thế, nhưng vẫn là vua. Chỉ từ Lê Khả Phiêu (1997-2001) trở đi, quyền lực của tổng bí thư mới bắt đầu mờ nhạt. Hơn nữa, càng lúc càng mờ nhạt. Nông Ðức Mạnh (2001-2011) mờ nhạt hơn Lê Khả Phiêu. Ðến nay, mờ nhạt nhất là Nguyễn Phú Trọng, người được lên làm tổng bí thư từ ngày 19 tháng 1 năm 2011.

Vai trò mờ nhạt của Nguyễn Phú Trọng thể hiện rõ nhất là qua hai lần thua cuộc trước Nguyễn Tấn Dũng. Lần thứ nhất, ở hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10 năm 2012, khi Nguyễn Phú Trọng liên kết với Trương Tấn Sang tấn công Nguyễn Tấn Dũng – người được gọi là “đồng chí X”, nhưng cuối cùng, cả hai đều thất bại. Lần thứ hai, mới đây, ở hội nghị Trung ương 7 vào đầu tháng 5 năm 2013, Nguyễn Phú Trọng lại thất bại trước Nguyễn Tấn Dũng lần nữa khi đề nghị đưa Nguyễn Bá Thanh và Vương Ðình Huệ vào Bộ Chính Trị nhưng bị trung ương đảng bác bỏ. Thế vào đó, Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu. Cả hai đều là người của Nguyễn Tấn Dũng.

Có thể nói, trong lịch sử đảng Cộng Sản Việt Nam, chưa bao giờ có một tổng bí thư nào lại thua cuộc một cách thê thảm và nhục nhã đến như vậy.

Nhưng việc tổng bí thư và cùng với ông, cả cái đảng do ông lãnh đạo yếu thế và việc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng tỏ quyền lực mạnh mẽ của mình như vậy có làm cho chính phủ mạnh hơn không?

Không.

Thủ tướng mạnh. Nhưng chính phủ vẫn yếu. Nguyễn Tấn Dũng mạnh đủ để thoát các đòn tấn công hiểm hóc của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang, nhưng chính phủ do ông cầm đầu, trên nguyên tắc, vẫn phải được lãnh đạo bởi đảng. Các chính sách lớn vẫn do đảng quyết định.

Như vậy, ở đây, chúng ta thấy một nghịch lý: Người có chức năng lãnh đạo thì yếu; còn người mạnh lại không thể lãnh đạo. Hậu quả là ở Việt Nam hiện nay, giới cầm quyền, từ đảng đến chính phủ, chỉ quản lý (management) chứ không hề có lãnh đạo (leadership). Sự khác biệt căn bản giữa quản lý và lãnh đạo là với quản lý, người ta chỉ làm theo mệnh lệnh và chỉ nhắm tới những mục tiêu ngắn hạn; nhưng khi không có lãnh đạo, người ta vừa không có tầm nhìn xa lại vừa không có mệnh lệnh cụ thể để thực hiện. Một nền quản lý thiếu lãnh đạo bao giờ cũng vừa thiển cận vừa lúng túng, vá víu và đầy mâu thuẫn. Chúng ta có thể thấy rõ những điều đó qua các chính sách và cung cách làm việc của nhà cầm quyền Việt Nam những năm gần đây. Rõ nhất là qua cuộc thảo luận về thay đổi Hiến pháp do chính họ đề xướng. Thoạt đầu, bảo không có vùng cấm trong thảo luận; sau, lại lên án kịch liệt những người kiến nghị. Thoạt đầu, hứa hẹn như một sự thay đổi lớn lao; sau, cứ thu hẹp dần lại. Thoạt đầu, định thay đổi cả tên nước; sau, lại loại bỏ ý định ấy, v.v. Nhưng nguy hiểm nhất là thái độ lúng ta lúng túng của họ trong việc đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ độc lập và chủ quyền lãnh thổ. Ngoài vài lời thề nguyền là sẽ không bán nước, cho đến nay, vẫn không có ai trong giới lãnh đạo phác họa được một chiến lược rõ ràng, chưa nói đến việc có hiệu quả hay không. Một chút rõ ràng cũng không có.

Ðảng lãnh đạo yếu, chính phủ cũng yếu, hậu quả tất nhiên là đất nước yếu theo. Tất cả những sự nhu nhược được đề cập ở phần đầu bài viết này đều là hậu quả của hai cái yếu ấy. Ngư dân Việt Nam đi đánh cá ngoài biển cả bị “tàu lạ” đâm chìm, bắt bớ hay giết chết, không có ai can thiệp. Dân chúng hàng ngày phải ăn uống hoặc tiêu dùng những thứ độc hại được nhập cảng chính thức hay qua các con đường không chính thức không hề được ai bảo vệ. Kinh tế ngày càng kiệt quệ, gánh nặng nợ nần trên đầu người càng ngày càng chồng chất, không có ai quan tâm. Những người có lòng với đất nước đứng lên chống lại Trung Quốc bị đối xử như tội phạm. Mở các trang báo ngoại quốc, mỗi khi thấy tin tức về Việt Nam, đoán mười lần đến chín lần đúng: Tin xấu. Nếu không phải tham nhũng thì là trấn áp.

Ðảng yếu, chính phủ cũng yếu. Vậy thì ai mạnh?

Thứ nhất, các phe phái mạnh.

Thật ra, đảng Cộng Sản lúc nào cũng có nạn phe phái. Trong hồi ký của mình, Hoàng Tùng, nguyên bí thư ban chấp hành trung ương đảng và tổng biên tập báo Nhân Dân, giám đốc nhà xuất bản Sự Thật, kể, lúc Hồ Chí Minh còn sống và ngay cả trước mặt Hồ Chí Minh, các thành viên trong Bộ Chính Trị cũng không thèm nói chuyện với nhau. Hồ Chí Minh khuyên mấy cũng không được. Nhưng, dù vậy, những sự xung khắc ấy chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân. Không có phe hay nhóm nào dám công khai chống lại phe Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ. Thành ra, Lê Duẩn và dưới bóng Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ tha hồ tác oai tác quái. Sau này, các phe phái nổi lên rõ hơn, nhưng không có lúc nào các phe phái lại tấn công nhau một cách công khai như bây giờ. Trước, nếu tranh chấp, hầu như chỉ dừng lại trong phạm vi mấy người trong Bộ Chính Trị với nhau; bây giờ, chúng bày ra trước trung ương đảng gồm cả gần 200 người; hơn nữa, còn tràn ra cả trước quần chúng, dù được ngụy trang dưới mật danh “đồng chí X”.

Thứ hai, vai trò của các nhóm lợi ích. Cần nói ngay, ở nước nào cũng có các nhóm lợi ích luôn tìm cách ảnh hưởng đến các chính sách của nhà nước. Ở các quốc gia dân chủ, các nhóm lợi ích ấy có thể là các nhà tài phiệt, các công đoàn, các tổ chức xã hội dân sự, các hội nghề nghiệp, v.v. Các nhóm lợi ích ấy thường hoạt động công khai, một cách trực tiếp, dưới hình thức kiến nghị hoặc thậm chí, đình công và biểu tình, hoặc qua trung gian các cơ quan lobby chính thức, chuyên đi ngả tắt. Ở Việt Nam, trước đây, ngay cả sự hiện diện của cái gọi là “nhóm lợi ích” như thế cũng không thể có, thậm chí, không thể tưởng tượng được. Thế nhưng gần đây, các nhóm lợi ích ấy lại phát triển rất mạnh và khuynh đảo cả tình hình chính trị Việt Nam.

Theo Trần Kinh Nghị, chiến thắng của Nguyễn Tấn Dũng đối với Nguyễn Phú Trọng trong hai kỳ hội nghị 6 và 7 của trung ương đảng vừa qua chính là chiến thắng của nhóm lợi ích đối với nhóm bảo thủ. Mới đây, trong bài “Ðổi luật chơi trong đảng”, nhà bình luận chính trị Ngô Nhân Dụng cũng có quan niệm tương tự khi cho lý do chính khiến Nguyễn Tấn Dũng chiến thắng liên tiếp là nhờ biết sử dụng một thứ luật chơi mới: Dựa trên tiền.

Thường, để cai trị, người ta sử dụng một trong hai, hoặc cả hai yếu tố: Quyền và tiền. Quyền để khai thác lòng sợ hãi; tiền để kích thích lòng tham. Trước, người ta chỉ dùng quyền; bây giờ, người ta dùng cả quyền lẫn tiền. Theo Ngô Nhân Dụng:
“Từ khi làm thủ tướng năm 2006, […]Nguyễn Tấn Dũng tập trung quyền điều động các xí nghiệp quốc doanh vào phủ thủ tướng, thay vì chia quyền cho các ‘bộ chủ quản’ theo lối cũ. Từ đó, người đóng vai thủ tướng tạo cơ hội kiếm tiền cho tay chân của mình; phân phát cơ hội kiếm tiền để mua lòng trung thành của đồng đảng. Các ủy viên trung ương đảng được chia chỗ trong Hội Ðồng Quản Trị của các doanh nghiệp nhà nước. Các chương trình kinh tế đều nhằm tạo cơ hội kiếm tiền cho những thủ túc chứng tỏ lòng trung thành. Khi người dân Việt Nam nhận thấy cả guồng máy cai trị là một mạng lưới tham nhũng chằng chịt liên kết với nhau, người cầm đầu mạng lưới đó là ông thủ tướng.”

Như vậy, cái mà Trần Kinh Nghị gọi là nhóm lợi ích ấy chủ yếu là những kẻ vừa có quyền vừa có tiền. Sức mạnh của Nguyễn Tấn Dũng so với Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang chính là sức mạnh của nhóm lợi ích vừa có quyền vừa có tiền ấy.

Sự thao túng của nhóm lợi ích ấy dẫn đến hai hệ quả:

Thứ nhất, nó tạo ra một vẻ dân chủ giả, thường được gọi là dân chủ trong nội bộ đảng (intra-Party Democracy). Bộ Chính Trị đề nghị kỷ luật thủ tướng, trung ương đảng bác bỏ: Bộ Chính Trị chịu thua. Tổng bí thư đích thân đề cử Nguyễn Bá Thanh và Vương Ðình Huệ vào Bộ Chính trị, trung ương đảng bác bỏ: Tổng bí thư chịu thua. Giới quan sát chính trị quốc tế, ở xa, dễ ngỡ đó là dân chủ. Nhưng không phải. Một là, thứ dân chủ nội bộ ấy không biến thành dân chủ xã hội (social democracy). Hai là, nó chỉ là cuộc đấu đá quyền lực trong nội bộ. Chứ không phải là dân chủ.

Thứ hai, sự thắng thế của các nhóm lợi ích vừa có quyền vừa có tiền ấy biến đảng Cộng Sản thành một đám mafia không những khuynh loát chính trị mà còn vét kiệt hết tài nguyên của đất nước và tài sản của dân chúng, ngay cả của những người dân chưa ra đời (với số nợ khổng lồ nó tạo ra!).

Ðiều đáng chú ý là tất cả các hiện tượng trên, từ chuyện đảng và chính phủ yếu đến chuyện phe phái và các nhóm lợi ích mạnh đều cũng xuất hiện ở Trung Quốc. Trong bài “The end of the CCP’s resilient authoritarianism? A tripartite assessment of shifting power in China” đăng trên tạp chí The China Quarterly năm 2012, Cheng Li cũng phân tích các hiện tượng tương tự tại Trung Quốc. Chỉ có hai sự khác biệt lớn. Thứ nhất, ở mức độ: Cũng yếu, nhưng cái yếu của đảng và chính phủ Việt Nam ở mức trầm trọng hơn hẳn ở Trung Quốc. Ở Trung Quốc, quyền hạn của chủ tịch đảng chưa bao giờ bị thách thức một cách nghiêm trọng như ở Việt Nam. Quyền lực của Tập Cận Bình cũng như của Hồ Cẩm Ðào chưa bao giờ lớn bằng Mao Trạch Ðông hay Ðặng Tiểu Bình nhưng dù sao vẫn nghiêng trời lệch đất; cả trung ương đảng cũng không dám chống lại. Thứ hai, theo Cheng Li, nhiều nhà phân tích chiến lược tin tưởng: Ðảng Cộng Sản Trung Quốc có thể yếu và càng ngày càng yếu, nhưng đất nước Trung Quốc thì vẫn mạnh.

Còn Việt Nam?

Chính cái mạnh không cưỡng nổi của Trung Quốc là một tai họa cho Việt Nam. Việt Nam càng yếu, cái họa ấy càng lớn.

Xe khách Mai Linh rơi đèo: 3 người chết, 34 bị thương

*150 người chết vì tai nạn giao thông trong một tuần 
 
QUẢNG NAM (NV).- Tai nạn thảm khốc lại xảy ra tại Quốc lộ 1A đoạn ngang huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam khoảng 7 giờ sáng ngày 9 tháng 6 làm ít nhất 3 người thiệt mạng, 34 người bị thương.







Chiếc xe đò hiệu Mai Linh rơi xuống vực làm 3 người chết. (Hình: báo Thanh Niên)

Chiếc xe lâm nạn 52 chỗ của hãng Mai Linh chạy tuyến đường Ban Ma Thuột – Đà Nẵng rơi xuống vực, cách mặt đường khoảng 5 thước tại đoạn đường trên, lật ngửa, mui bẹp dúm.
 
Nguồn tin sơ khởi của báo Tuổi Trẻ cho biết, tổng cộng khoảng 37 nạn nhân đã được đưa vào hai bệnh viện địa phương cứu chữa. Tuy nhiên, sau đó có một người chết trên giường bệnh tại Bệnh viện Vĩnh Đức, và hai người nữa qua đời tại Bệnh viện Điện Bàn.
 
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, ngay sau khi tai nạn xảy ra, hàng chục cư dân địa phương đã dùng đủ loại vật dụng, từ xà beng đến đà chống cốt pha đập cửa, phá xe để cứu người.
 
Một nạn nhân may mắn sống sót sau tai nạn, ông Nguyễn Đức Tâm 28 tuổi, cư dân tỉnh Đắk Lắk, sinh viên trường đại học Bách Khoa Đà Nẵng cho biết, chiếc xe lật nhào mấy vòng, rơi xuống vực, nằm gọn trên mặt ruộng. Ông Tâm bị chấn thương đầu, trật bả vai đang được điều trị tại bệnh viện. Ông cho hay, đang trên đường từ Đắk Lắk đến Đà Nẵng chuẩn bị làm bài thi tốt nghiệp, chẳng may gặp nạn.
 
Ba người tử nạn tên là Danh Thị Hiền 23 tuổi, quê ở Đắk Lắk; Đoàn Hải Nam 9 tuổi và Nguyễn Hoàng Vũ 33 tuổi, quê quán ở Đà Nẵng. Trong số 34 người bị thương, chỉ có một người đang trong tình trạng nguy kịch. Phần lớn các nạn nhân bị gãy tay, gãy chân hoặc bị chấn thương.
 
Theo báo Thanh Niên, tài xế lái xe tên Phan Lưu 45 tuổi, cư dân Đà Nẵng chỉ bị thương nhẹ. Ông này tâm sự rằng đã định giải nghệ từ mấy năm trước, nhưng sau đó vẫn phải cầm lái để kiếm tiền nuôi gia đình. Cũng theo ông Lưu, xe xuất phát tại bến Ban Ma Thuột, Đắk Lắk khoảng 5 giờ chiều ngày 8 tháng 6 và đi suốt đêm. Xe chỉ ngừng trong chốc lát để thay người lái khoảng 3 giờ rưỡi sáng ngày 9 tháng 6 tại Sa Huỳnh, Quảng Ngãi.
 
Tai nạn thảm khốc thứ hai cũng đã xảy ra vào chiều cùng ngày làm chết tổng cộng 6 người. Chiếc xe vận tải nặng bị lạc tay lái đã tông vào hai chiếc xe gắn máy chạy chiều ngược lại tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Năm người ngồi trên hai chiếc gắn máy chết tại chỗ. Người còn lại chết tại bệnh viện.
 
Thêm vụ tai nạn thảm khốc này, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khó “rớt hạng” một trong chín tỉnh có nhiều “điểm đen tử thần” tại Việt Nam.
 
Báo mạng VNExpress dẫn nguồn từ Thông tấn xã Việt Nam cho biết, gần 340 vụ tai nạn giao thông xảy ra tại Việt Nam chỉ nội tuần lễ đầu tháng 6, làm 151 người chết và 232 người bị thương.
 
Mới hôm 7 tháng 6, chiếc xe 30 chỗ chở thầy cô giáo và thân nhân trường tiểu học Hòa Phước 2, Đà Nẵng bị đứt thắng đâm vào vách núi làm 7 người chết. Tai nạn rùng rợn này đến nay vẫn còn gây xúc động dư luận. Rất nhiều câu chuyện kể nói rằng hầu hết các cô giáo đều đã phải chắt chiu từng đồng lương mới được đi một chuyến du lịch. Đối với một số người không may tử nạn, đó là chuyến du lịch mong ước đầu tiên và cũng là chuyến đi cuối cùng.
 
Báo Sài Gòn Tiếp Thị dẫn lời một cán bộ ban An toàn – giao thông tỉnh Khánh Hòa, nói rằng nếu tài xế không cho xe ủi vào vách đá thì chiếc xe có thể bị rơi xuống vực sâu ở trước mặt, cách nơi xảy ra tai nạn khoảng 20 thước. Ông này cho rằng, trong tình huống xấu nói trên, chắc chắn sẽ không còn ai trên xe sống sót. (PL)
 



 

Nông dân Đồng Nai lo vì ‘trồng bắp không trái’

 ĐỒNG NAI (NV).- Hàng trăm gia đình nông dân huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai đang lo sốt vó vì cây bắp 40 ngày tuổi không cho trái như lệ thường.
 






Bắp, loại ngũ gốc rất được ưa chuộng tại Việt Nam. (Hình: Internet)

Theo báo Tuổi Trẻ, khoảng 200 gia đình nông dân ở các xã Xuân Đông, Xuân Tây và Sông Ray thuộc huyện Cẩm Mỹ đã mua giống bắp lai của một công ty nhập cảng từ ngoại quốc về. Từ lúc xuống giống cho đến nay đã hơn bốn mươi ngày, cây bắp ốm nhom, èo uột và không cho trái. Một số nông dân cho biết, trung bình mỗi gia đình đã bỏ ra khoảng 16 triệu đồng Việt Nam, tương đương 800 đôla để mua giống bắp nói trên, với hy vọng mỗi ha cho ít nhất 8 tấn bắp.
 
Một nông dân quả quyết rằng có thể bị mất trắng vụ mùa năm nay vì bốn mươi ngày qua rồi mà cây bắp vẫn chưa cho trái. Ông Cao Văn Tham, nông dân xã Xuân Tây cho biết: “Tôi gieo gần 20 kí hạt giống trên 1.4 ha đất. Đến nay, chỉ có 20% diện tích đất gieo trồng cho ra trái nhưng bị héo râu. Còn lại thì cây bắp vẫn là… cây bắp.”
 
Theo đại diện nông dân Cẩm Mỹ, công ty Syngenta Việt Nam tọa lạc tại Khu kỹ nghệ Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai đã nhập cảng và phân phối giống bắp lai nói trên cho nông dân trồng. Hay tin chẳng lành, công ty này đã cử đại diện đến xem xét và đồng ý bồi thường khoảng 8 triệu đồng, tương đương 400 đô mỗi ha cho 200 gia đình nông dân. Tuy nhiên, phía nông dân không đồng ý vì số tiền bồi thường chỉ mới bằng một nửa số tiền đầu tư của nông dân trên mỗi ha trồng bắp.
 
Một số nông dân còn cho biết, đại diện Công ty Syngenta nhìn nhận đã nhập cảng nhầm giống bắp… đực nên cây không cho trái.
 
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, số ruộng bắp trồng giống của Công ty Syngenta lên tới 240 ha. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết đơn khiếu nại của nông dân. (PL)
 



 

Các blogger làm kẻ đàn áp biểu tình ‘chột dạ’

HÀ NỘI (NV) – Một hạ sĩ quan cảnh sát của Công an thành phố Hà Nội, vừa tự đóng trang cá nhân trong hệ thống facebook, sau khi bị công chúng xác định là đã tham gia đàn áp người biểu tình chống Trung Quốc.









Một kẻ mặc thường phục đang vung tay đấm vào mặt ông Nguyễn Văn Phương (phải). Lai lịch của kẻ mặc thường phục đó đã được xác định là một hạ sĩ quan cảnh sát tên Lê Ngọc Tùng. (Hình: Internet)

Cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông diễn ra tại Hà Nội hôm 2 tháng 6 đã bị Công an Hà Nội đàn áp thô bạo. Công an của thành phố này đã bắt giữ 29 người tham gia biểu tình. Một số người đã bị đánh đập tàn nhẫn.


Hình ảnh được đưa trên một số blog, trang facebook cho thấy Công an Việt Nam đã dùng dùi cui quất tét đầu ông Trương Văn Dũng. Công an cũng đã dùng dùi cui đánh đập và để lại nhiều thương tích trên người các ông: Nguyễn Chí Đức, Nguyễn Văn Phương. Cả ba ông này đều là những người thường xuyên tham dự các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội.


Hình ảnh được đưa trên một số blog, trang facebook còn cho thấy nhân dạng của những kẻ tham gia đàn áp. Đa số mặc thường phục. Cũng vì vậy, một số blogger, facebooker đã kêu gọi mọi người nhận diện những kẻ tham gia đàn áp để cảnh tỉnh họ đừng mù quáng thi hành các mệnh lệnh bất nhân, phi lý của thượng cấp, đàn áp đồng bào của mình. 


Cuối tuần vừa qua, những người dùng Internet ở Việt Nam đã chính thức điểm mặt, chỉ tên Lê Ngọc Tùng – hạ sĩ quan cảnh sát của Công an Hà Nội, là một trong những người đã đánh ông Nguyễn Văn Phương.


Ngoài việc xác định lai lịch của Lê Ngọc Tùng, những người dùng Internet ở Việt Nam còn xác định Tùng có một trang cá nhân trong hệ thống facebook.


Blogger Nguyễn Lân Thắng đã cung cấp nhiều hình ảnh mà Lê Ngọc Tùng giới thiệu trên trang cá nhân ở facebook.


Ông Thắng cho biết, việc điều tra, công bố lai lịch những kẻ tham gia đàn áp biểu tình nhằm gửi một thông điệp đến những kẻ thừa hành. Đó là bất kỳ hành động xấu xa nào đối với những người yêu nước cũng sẽ bị phát giác. Thông điệp đó còn muốn nhắc các sĩ quan cao cấp, đừng lợi dụng những cảnh sát trẻ làm hại những người yêu nước.


Cũng theo lời ông Thắng, các blogger, facebooker sẽ tiếp tục tìm kiếm thôg tin để xác định lai lịch những kẻ khác, đã đánh đập người biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, diễn ra tại Hà Nội hôm 2 tháng 6.


Đến nay, Lê Ngọc Tùng đã xóa hết những hình ảnh mà anh ta đã đưa lên trang cá nhân trên facebook và tự khóa trang cá nhân của mình lại. Trả lời BBC, ông Nguyễn Lân Thắng phỏng đoán, điều đó có thể vì anh ta bị nhiều facebooker mắng chửi quá.


Trên facebook, Lê Ngọc Tùng mở trang cá nhân có tên “Tùng trọc”. Tại đó, “Tùng trọc” thường chửi thề, tâm sự  “muốn đâm, muốn chém, muốn đấm thằng nào quá” vì bị thượng cấp giữ lại không cho về. “Tùng trọc” cũng chửi “lắm thằng nhìn ngu”!


Nhận diện, công bố lai lịch những kẻ vâng lệnh thượng cấp, đàn áp đồng bào vốn là chuyện không mới.









Người dùng Internet đã nhận diện và công bố lai lịch của Phạm Hải Minh – đại úy, làm việc tại Đội An ninh Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội – kẻ đã đạp vào mặt ông Nguyễn Chí Đức khi ông bị một nhóm công an khiêng ra xe bus, nhằm giải tán một cuộc biểu tình chống Trung Quốc, diễn ra hồi năm 2011. (Hình: Internet)

Người dùng Internet tại Việt Nam đã từng nhận diện, công bố lai lịch của Phạm Hải Minh – đại úy, làm việc tại Đội An ninh Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chính là kẻ đã đạp vào mặt ông Nguyễn Chí Đức, khi ông bị một nhóm công an khiêng ra xe bus, nhằm giải tán một cuộc biểu tình chống Trung Quốc, diễn ra hồi năm 2011.


Người dùng Internet còn xác định Phạm Hải Minh, chính là kẻ đã kẹp cổ sinh viên Nguyễn Tiến Nam trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc khác, diễn ra hồi năm 2008. Những tấm ảnh này từng làm nhiều người xúc động vì cách hành xử tàn bạo của công an Việt Nam, đối với những người chỉ muốn bày tỏ sự bất bình của họ đối với Trung Quốc một cách ôn hòa.









Một sĩ quan an ninh theo dõi ông Đỗ Nam Hải đã vội vàng dùng ghế che mặt khi bị ông Hải chụp ảnh. (Hình: Internet)

Trước nữa, cũng chính người dùng Internet đã nhận diện, công bố lai lịch của Nguyễn Minh Tân – đại úy, sĩ quan Phòng PA24 Công an Thừa Thiên Huế – sau khi hình ảnh Tân bịt miệng linh mục Nguyễn Văn Lý,  tại phiên tòa xử linh mục này – được công bố vào  năm 2007.     


Người dùng Internet tại Việt Nam còn công bố hình ảnh, lai lịch của nhiều sĩ quan an ninh chuyên theo dõi, tra vấn, đánh dập những nhân vật bất đồng chính kiến, lên tiếng đòi tự do, dân chủ.


Đây cũng là lý do dẫn tới thực trạng, càng ngày, các sĩ quan an ninh, cảnh sát càng hay chạy trốn, dùng báo, đôi khi dùng cả ghế để che mặt, lúc bị những người bị họ theo dõi, đàn áp chụp ảnh hay không dám đeo bảng tên khi “thi hành công vụ”. (G.Đ)


 

Trường Việt Ngữ Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam làm lễ bế giảng


WESTMINSTER, California (NV) – Sáng Chủ Nhật, 9 Tháng Sáu, trường Việt Ngữ Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam tổ chức lễ bế giảng niên khóa 2012-2013 tại trường Warner, Westminster, với sự tham dự của nhiều quan khách, ban giám hiệu, thầy cô, phụ huynh và học sinh.



Nhân dịp này, trường cũng phát thưởng cho 150 học sinh xuất sắc thuộc các lớp từ Mẫu Giáo đến Lớp Bảy, các lớp sáng và chiều.

Ðại diện của thượng nghị sĩ tiểu bang Califonia Lou Correa cũng có mặt để trao bằng tưởng lục cho trường và một số giáo viên. Trong hình, các thầy cô được bằng tưởng lục chụp hình kỷ niệm. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

Quốc hội CSVN bất nhất với báo chí

Cho, cấm rồi lại cho tường thuật ‘lấy phiếu tín nhiệm’



HÀ NỘI (NV) – Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm của Văn phòng Quốc hội CSVN vừa loan báo sẽ cho báo chí tham dự buổi “lấy phiếu tín nhiệm”, diễn ra vào ngày 10 tháng 6.









Một buổi bỏ phiếu của Quốc hội Việt Nam. (Hình: Dân Trí)

Giới theo dõi các diễn biến chính trị tại Việt Nam tin rằng, áp lực càng lúc càng lớn từ dư luận đã khiến nhà cầm quyền Việt Nam bối rối và trở nên bất nhất, khi phải quyết định, có cho báo giới tham dự sinh hoạt này hay không.


Theo một nghị quyết do Quốc hội CSVN thông qua hồi cuối năm ngoái, thì tại kỳ họp quốc hội lần này, các đại biểu Quốc hội sẽ bày tỏ sự tín nhiệm, ‘đối với 49 cá nhân đang là: Chủ tịch Nhà nước, Phó Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và những thành viên khác của chính phủ, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước’


Ở bước đầu tiên “lấy phiếu tín nhiệm”, nếu cá nhân nào bị 2/3  đại biểu Quốc hội xác định là “tín nhiệm thấp” thì Quốc hội Việt Nam sẽ thực hiện tiếp bước thứ hai – “bỏ phiếu tín nhiệm”, để quyết định có miễn nhiệm cá nhân đó hay không.


Hồi đầu, khi công bố nghị quyết về “lấy phiếu tín nhiệm”, Quốc hội CSVN loan báo sẽ công khai toàn bộ diễn biến và kết quả.


Sau đó, blogger Trương Duy Nhất, tổ chức cho độc giả của blog “Một góc nhìn khác”, bày tỏ sự tín nhiệm của họ đối với các viên chức lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, rồi kết quả cho thấy, phần lớn các viên chức này không được tín nhiệm để đảm trách chức vụ hiện tại.


Quốc hội Việt Nam tiếp đó đột ngột thông báo, họ đã quyết định không cho báo giới tham dự buổi báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị tổ chức ‘lấy phiếu tín nhiệm’, ‘bỏ phiếu tín nhiệm’ và các phiên thảo luận về vấn đề này”.


Riêng blogger Trương Duy nhất thì bị “bắt khẩn cấp”.


Chuyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội CSVN đổi ý, cấm báo chí tham dự những buổi họp, thảo luận về “lấy phiếu tín nhiệm” cũng như việc bắt giữ blogger Trương Duy Nhất đã bị chỉ trích kịch liệt.


Cuối cùng, vào giờ chót, Chủ nhiệm của Văn phòng Quốc hội thông báo, báo giới sẽ được tham dự ngay từ đầu (từ lúc các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu cho đến lúc công bố kết quả số phiếu theo từng chức danh). Kết quả sẽ được công bố theo ba mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.


Cũng theo Văn phòng Quốc hội CSVN, các đại biểu Quốc hội sẽ chỉ bày tỏ mức độ tín nhiệm của họ đối với 47 cá nhân, hiện là: Chủ tịch Nhà nước, Phó Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và những thành viên khác của chính phủ, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao. Chứ không phải là 49 cá nhân như thông báo ban đầu, bởi hai cá nhân hiện là Bộ trưởng Tài chính và Tổng kiểm toán Nhà nước, vừa được Quốc hội phê chuẩn.


Dù Quốc hội CSVN đã cho báo giới tham dự – tường thuật buổi “lấy phiếu tín nhiệm” nhưng rất ít người tin rằng, kết quả “lấy phiếu tín nhiệm” sẽ phản ánh đúng mức độ tín nhiệm của dân chúng, đối với các viên chức lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.


Tuần trước, qua báo chí, ông Dương Trung Quốc, một đại biểu của Quốc hội Việt Nam khuyên dân chúng, “đừng quá kỳ vọng” vào chuyện “lấy phiếu tín nhiệm”. (G.Đ)


 

VAYLC 2013, khóa huấn luyện tuổi trẻ Mỹ gốc Việt


Tâm Việt


ARLINGTON, Virginia – Hôm rồi vào Tòa Bạch Ốc và lên Quốc Hội dự ngày vận động cho nhân quyền Việt Nam (Vietnam Advocacy Day) của Boat People S.O.S., tôi thấy khá vui là nhận diện được ra không ít các anh chị thanh niên đã từng là học viên của khóa huấn luyện tuổi trẻ mà hàng năm Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa kỳ đã tổ chức đều đặn từ năm 1999.








Người tham dự VAYLC gặp Dân Biểu Mike Honda (giữa) (Dân Chủ-California) sau khi tham dự khóa huấn luyện năm ngoái. (Hình: VAYLC.org)


Khóa huấn luyện này thường được biết dưới tên là VAYLC (đọc “Vê lách”), tắt cho Vietnamese American Youth Leadership Conference, và vì mỗi năm có một khóa nên VAYLC năm nay gọi là “VAYLC 2013”.


Thứ Sáu, 19 Tháng Bảy: Tiếp cận chính quyền Mỹ


VAYLC năm nay sẽ diễn ra ở địa điểm chính là khuôn viên Arlington (Virginia) của trường đại học George Mason University, một địa điểm khá quen thuộc với cộng đồng Việt Nam vùng Hoa thịnh đốn bởi nhiều sinh hoạt đã được tổ chức tại đây, ở nơi mà người ta quen gọi là Trường Luật George Mason (School of Law, 3301 N. Fairfax Drive, Arlington, VA 22201).

Khóa huấn luyện sẽ diễn ra trong hai ngày, Thứ Sáu 19 và Thứ Bảy 20 tháng 7, với ngày Thứ Sáu dành cho các cuộc viếng thăm Tòa Bạch Ốc, Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao, để cho các em có một khái niệm rõ ràng về thể chế dân chủ của xứ này.

Buổi đoản thuyết diễn ra tại Tòa Bạch Ốc (WH Briefing) sẽ giới thiệu các em với một vài nhân sự hiện giữ một số nhiệm vụ quan trọng trong chính quyền Obama. Họ sẽ nói với các em về cách nào họ đến được những chức vụ hiện tại của họ và những điều họ đang đóng góp cho chính quyền và nước Mỹ. Tóm lại, họ có thể là những “role models” cho các em noi theo hay ít nhất cũng cảm thấy là mình có thể noi theo được.

Ở Tòa Bạch Ốc ra, các em sẽ được hướng dẫn lên Quốc Hội để gặp một số dân biểu và các phụ tá pháp lý của họ, trong đó cũng có một số là người Mỹ gốc Việt. Những vị này sẽ nói về cách làm luật ở xứ này (tức nhiệm vụ chính của ngành Lập pháp) và cách nào chúng ta có thể thành dân biểu (như điển hình là cựu Dân Biểu Cao Quang Ánh ở Louisiana hay các dân biểu tiểu bang ở Texas hay California trước đây), tức thành những người dân cử (elected officials). Tại đây các em cũng có thể hỏi về các phương thức làm việc giữa hai ngành Lập pháp và Hành pháp.

Ðến chiều cùng ngày, các em sẽ được đưa sang Bộ Ngoại Giao để nghe thuyết trình và nói chuyện với các nhân viên chuyên lo về Việt Nam hay/và ở trong Văn Phòng Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Ðộng, tóm lại về những vấn đề liên hệ trực tiếp đến bang giao Mỹ-Việt.

Ðây chính là đặc điểm nổi bật của khóa huấn luyện tuổi trẻ của nghị hội mà không chương trình Mùa Hè nào dành cho các em ở ngoài Washington có được. Các trại hè ở những tiểu bang khác có thể rất đông, lên đến hàng trăm, thậm chí cả hàng ngàn, rất vui nhộn và học hỏi được khá nhiều, nhưng vẫn không có cơ hội tiếp cận với tổ chức chính quyền trung ương và liên bang ở xứ này.


Thứ Bảy, 20 Tháng Bảy: Huấn luyện kỹ năng lãnh đạo


Sang ngày hôm sau, các em sẽ về sinh hoạt chung với nhau ở khuôn viên Arlington của trường George Mason University. Nơi đây, các em sẽ trao đổi và tìm hiểu về nhau, như chúng ta có những ước vọng gì, cho chính mình, cho cộng đồng và cho quê hương. Xong các em cũng sẽ được dịp gặp gỡ và trao đổi với những diễn giả đã thành công trong sự nghiệp của mình ở xứ này. Như năm ngoái, các em được nghe một diễn giả phụ nữ gốc Việt, Ðại Tá Giao Phan, phó giám đốc tậu mua cho ngành Vệ Binh Duyên Hải Hoa Kỳ (U.S. Coast Guard), cai quản một ngân sách lên đến 27 tỷ đô la, trong đó có cả những vụ như tậu mua hàng không mẫu hạm. Nhìn vào quá trình học hỏi của bà, ta sẽ thấy là bà có bằng kỹ sư từ trường Virginia Polytechnic mới từ năm 1981 rồi lấy bằng Master về Quản trị từ Florida Institute of Technology vào năm 1997.

Năm nay, các em sẽ được gặp nói chuyện với vị thẩm phán liên bang đầu tiên ở Virginia là Luật Sư John Tran, mới được Tổng Thống Obama chỉ định vào ghế thẩm phán liên bang này, cũng như nói chuyện với Luật Sư Tony Pham, làm ở văn phòng công tố viên tiểu bang ở Richmond.

Các em gái có lẽ cũng sẽ rất thích thú để gặp gỡ và trao đổi với các nữ quân nhân trong Quân lực Hoa Kỳ hay/và những phụ nữ gốc Á Ðông mà hiện là những vị dân cử ở cấp tiểu bang (như bà Grace Han Wolf, gốc Ðại Hàn) hay liên bang.
Chưa kể cũng sẽ có những buổi trao đổi về một số ngành nghề mà chúng ta có thể đi vào-như các doanh nghiệp độc lập hay các nhà tiểu doanh thành công ở xứ này.

Muốn biết thêm về chương trình VAYLC năm nay, gia đình và các em có thể vào Website www.vaylc.org, vừa để tìm hiểu thêm về khóa huấn luyện năm nay cũng như ghi tên hay xem các cơ hội có thể có học bổng. Ngoài ra, các em cũng có thể gọi số điện thoại của nghị hội (703) 971-9178 để biết thêm chi tiết.

‘Trăm Năm Ly Hợp,’ nỗi đau ly tán dân tộc



… Các mảnh vỡ từ hai bên cố ráp vào vẫn rời ra,
xộc lệch không tài nào ăn khớp.
(LKH)


“Trăm Năm Ly Hợp” là một cuốn sách của tác giả Lê Khắc Hoan, một ký giả, nhà văn cũng là nhà giáo “bên thắng cuộc,” vừa xuất bản ở Việt Nam, nói về chuyện đoàn tụ và ly cách của dòng họ Lê Khắc từ một ngôi làng nhỏ của miền Trung sỏi đá: Văn Xá, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Dòng họ này cũng như hằng trăm dòng họ của đất nước Việt Nam, bởi thảm nạn từ Việt Minh đến Cộng Sản, dưới danh nghĩa giải phóng dân tộc để đem gông cùm Cộng Sản choàng vào cổ người dân Việt Nam, đã chịu cảnh ly tán trong một thời gian dài, nhưng rồi khi nghĩ có thể kết hợp được, lại càng ly tán, xa cách nhau hơn.








Hình bìa sách “Trăm Năm Ly Hợp”. (Hình: Huy Phương)


Nhan đề cuốn sách là “Trăm Năm…” nhưng thực tế từ lúc tác giả ra Bắc đến lúc trở về lại quê hương, vỏn vẹn có 30 năm. Sau khi thân phụ ông, nguyên là tri phủ Quảng Trạch và Duy Xuyên, sau ngày Việt Minh cướp chính quyền, qui ẩn về Văn Xá được cử làm “Chủ Nhiệm Việt Minh Xã” qua đời, gia đình của tác giả, hai bà mẹ và hơn chục anh em, theo ông anh rể, một viên chức chính quyền Việt Minh ra Bắc.

Tám năm sau, về phía miền Nam, năm 1954, khi đất nước chia cắt, cũng có những người tập kết ra Bắc, để lại gia đình bên này sông Bến Hải. Ở miền Bắc thì sau hiệp định Geneve, một triệu người xuống tàu bỏ tài sản, ruộng vườn, làng mạc, mồ mả cha ông di cư vào Nam, không ít gia đình đã chịu cảnh ly tán, người bên này kẻ bên kia.

Trong cuốn “Trăm Năm Ly Hợp” tức “Lê Khắc Gia Phả Chí” lẽ cố nhiên cũng nhắc đến cội nguồn tổ tiên và những vị sinh tiền đã gầy dựng nên một dòng họ Lê Khắc đông đúc ngày nay. Vì làng Văn Xá nằm về phía Nam sông Bến Hải, nên nếu chia hai dòng họ cho hai bờ Bắc Nam, thì phía Nam nhân sự đông đúc gấp bội bờ Bắc. Ca ngợi dòng họ và xiển dương những bậc tài trí về cả phía văn lẫn võ, tác giả cố gắng đem lại sự quân bình cho dòng họ ở cả hai miền. Nhưng khi tác giả trở về Nam, một số thân tộc đã bỏ nước ra đi, một số phải chịu cảnh tù đày, một số khác thất vọng, cay đắng, trừ những người ít bị thương tổn, không muốn liên lạc hay hợp tác, nhận họ với phía “giải phóng”. Khi tác giả gặp gỡ những người ở lại, thì dù là anh em, họ ít muốn nói đến những người ra đi, cho nên tập sách, nói là “gia phả chí,” dưới hình thức ký sự, cũng không tránh khỏi nhiều thiếu sót.

Một cuốn sách của một người “bên kia” dù là viết về dòng họ của riêng mình, cho bà con hai bên cùng đọc, cũng không tránh khỏi chuyện đi cho đúng lề, và để cuốn sách được xuất bản, cũng có đoạn ca tụng “bác Hồ”, dùng chữ “ngụy quyền Saigon,” kêu gọi bà con “về đầu tư, xây dựng đất nước”, ca tụng làng Văn Xá Anh Hùng chống Mỹ (!),thiết nghĩ không có sức thuyết phục để anh em trong dòng tộc ngồi lại với nhau, mà chỉ gây thêm chia rẽ:

“Trong cuộc chiến 30 năm đằng đẵng, những người ở lại bám trụ làng quê đã lập võ công hiển hách. Văn Xá được nhà nước vinh phong Ðơn vị Anh hùng. Xứng đáng với quê hương, đông đảo anh em họ Mạc của Văn Trí (bút hiệu của tác giả), những người Lê Khắc thoát ly đi kháng chiến mà còn sống, khi quay về đều đỏ ngực Huân chương.”

Tác giả bị ám ảnh bởi màu đỏ của huân chương, huy chương, và ông đã nói với một người chú ruột: “Nếu chú Lự của cháu tập kết ra Bắc thì cháu đoan chắc chú sẽ nhận được tấm huân chương cao nhất trong số bà con Lê Khắc hiện diện ở miền Bắc” (trang219), trái lại tôi lại bị ám ảnh bởi màu đỏ của máu. Ba mươi năm trước, vào tuổi lên 10, tác giả ra Bắc, cũng với tuổi đó ở lại quê hương, tôi đã mục kích bao nhiêu cảnh Việt Minh bắn người trên bờ ruộng, cắt cổ, mổ bụng, thả xác trôi sông rất hãi hùng, sợ đến nỗi ban đêm không dám ra vườn đi đái. Mỗi đêm nghe tiếng chó sủa là dân làng lạnh người, co rúm lại vì sợ.

Và ở một đoạn khác:

“Máu đào của bà con Lê Khắc cùng với hàng ngàn đồng bào đồng tộc làng Văn đã tô thắm lá cờ ‘Ðơn vị anh hùng,’ danh hiệu vẻ vang nhà nước phong tặng nhân dân và lực lượng vũ trang Hương Văn! Về thăm quê hương, Văn Trí từng ngó thấy chứng tích căn cứ Lữ đoàn 101 hơn 2,000 lính Mỹ đóng quân trên địa bàn Văn Xá năm 1968. Trong kháng chiến, 1,100 người làng cầm súng thoát ly. Văn Xá đã phối hợp với bộ đội chính quy đánh 1,200 trận. Riêng lực lượng bán vũ trang của làng độc lập chiến đấu hơn 500 trận. Văn Xá có 125 thương binh và 605 liệt sĩ!” (trang 364)
Chúng tôi, người viết bài này, là người em họ của tác giả, có mặt trong cái dòng họ Lê Khắc này, là một người lính miền Nam, suốt thời gian tác giả ra Bắc, từ năm 1966 (nếu tác giả cho là thời điểm lực lượng Hoa kỳ có mặt tại miền Nam) cho đến năm 1972 (sau hiệp định Paris 1973, quân đội Mỹ đã về nước), vẫn thường về thăm viếng quê hương nhiều lần. Văn Xá vẫn thanh bình yên ổn, lâu lâu có anh du kích rình mò thảy mấy quả lựu đạn vào chốt gác nghĩa quân.

Cũng là một nhà báo quân đội, chúng tôi có quan tâm và có các thông tin về các trận chiến, nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy hay nghe nói có 2,000 lính Mỹ đóng ở địa phận làng Văn Xá, mà ở đây lại có đến 1,200 trận chiến thư hùng + 500 trận của du kích Văn Xá, đầy tưởng tượng như trên. (Cứ thử lấy con số 1,700 trận chiến bom đạn, chia cho thời gian 6 năm, mỗi năm xảy ra 283 trận, mỗi tháng gánh chịu hơn 23 trận, như vậy cứ gần một ngày, Văn Xá xảy ra một trận đánh. Một trận đánh kéo dài bao nhiêu giờ, mà ở đoạn kế tiếp, tác giả lại nói: “…vẫn nguyên vẹn mái đình Văn Xá, vẫn yên lành nhà thờ Lê đại tộc, nhà thờ phái Lê Khắc, nhà thờ Trung Phụng đại phu và mấy trăm phần mộ đồng loạt đúc bia phái Lê Khắc.”)

Nếu “tài liệu” của tác giả là thật, thì Văn Xá đã trở thành bình địa, một vũng bùn hay là một đống “xà bần” như cổ thành Quảng Trị rồi! Nên nhớ diện tích làng Văn Xá là 1,390 Km2, và làng chỉ có 8,663 người dân.

Tác giả cho đây là “điều thần diệu,” nhưng với tôi, đó là điều mâu thuẫn vì những tài liệu mà tác giả dẫn chứng trên, hầu như đã trích từ một tờ Quân Ðội Nhân Dân nào đó, thường nhắm vào chiến dịch tuyên truyền thành tích cho dân ngu, không nói thành có, không hề căn cứ vào những sự thật rất sơ đẳng! Một phần tác giả cũng bị ảnh hưởng bởi thứ “thành tích truyền khẩu” để bị lầm lẫn những địa danh cách xa nhau hằng trăm cây số như Ashau, A Lưới với một ngôi làng nhỏ Văn Xá thanh bình, trên quốc lộ 1 nằm trên trục lộ Huế-Quảng Trị, chỉ cách Huế 13 km, nườm nượp xe cộ qua lại hằng ngày.

Trong suốt 432 trang in, “Trăm Năm Ly Hợp” tác giả đã có thiện ý tạo sự đoàn kết của dòng tộc sau nửa thế kỷ chia lìa. Tác giả đã thú nhận gửi đi hằng trăm e-mail, lời nhắn cho bà con, nhưng không hề được hồi âm, và ngay đối với người viết bài này, những đứa cháu ở Việt Nam cũng ngần ngại không muốn cho tác giả biết địa chỉ, dù là địa chỉ e-mail. Ðiều này chứng tỏ, “miền Bắc nhận hàng” đã xong, nhưng miền Nam vẫn còn miễn cưỡng, chưa muốn “nhận họ”. Cuốn sách ra đời, tôi nghĩ là tác giả muốn hàn gắn lại vết thương cho họ hàng, dù từ bên này hay bên kia, dù ở trong nước hay lưu lạc xa quê hương, nhưng hình như những cố gắng của tác giả không đem lại sự mong muốn.

Sau 30 năm, khi con tàu xuyên Việt có thể nhả khói, kéo những hồi còi, chạy suốt, nối Hà Nội-Huế với Sài Gòn, nhân gian, bao nhiêu dòng họ tưởng là đoàn tụ, nhưng đây là lúc chia cách lớn nhất, không còn là vì khoảng cách của sông núi, mà bởi lòng người ly tán, tưởng chừng, rồi đây cả trăm năm sau, cũng chưa thể hàn gắn được.

Sau chiến tranh Nam-Bắc, người cha tập kết trở về dắt díu theo một bà vợ của đảng, mấy đứa cháu của bác, để rồi nhìn nhau trong ngỡ ngàng, lạnh nhạt, thống hận và đắng cay. Họ không còn giống nhau từ sự hiểu biết, giọng nói, lối sống và tư tưởng. Vợ chồng mà đó, anh em ruột thịt mà đó, cha con mà đó, nhưng xa cách nghìn trùng, càng dùng ngôn ngữ để tiến lại gần nhau, càng thấy xa nhau.

Trong suốt cuốn sách, những dòng chữ sau đây có thể nói là suy nghĩ chân thật nhất của một người trở về nhận ra cái tan hoang của dòng tộc:

“Ấy là năm 1975, quy cố hương, đại đoàn tụ. Văn Trí mấp mé tuổi 40, hát váng lên ‘Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công”, rồi nghẹn ngào “Tôi lớn rồi mà như ngây thơ…” Sướng vui cực điểm.

Và hẫng hụt lập tức. Ơ hay, nước Việt toàn thắng, sao người Việt không ai vui trọn vẹn. Tổ quốc hòa bình, gia đình chiến tranh. Hơn 20 ông chú bà cô của Văn Trí, gia đình đông đúc, năm 1946 cũng rẽ làm đôi, phần ra Bắc, phần vào Nam. Hòa bình hội tụ cả trăm con cháu Lê Khắc, mừng mừng tủi tủi. Nhưng các mảnh vỡ từ hai bên cố ráp vào vẫn rời ra, xộc lệch không tài nào ăn khớp.

Việt Nam độc lập thống nhất, non sông nguyên vẹn còn đây, nước không mất, nhưng nhà tan. Dòng tộc ly tán. Tiếng súng im mà lòng người xao xác không yên. Các mối xung đột tự bên trong gia tộc âm ỉ, rồi bùng phát. Con cháu tung tóe tứ tán mười phương. Ôi, ra là thế, tự khi nào, cuộc chiến sắc tộc khốc liệt đã quyện xoắn với nỗi niềm bứt phá giằng xé chia rẽ trong từng dòng họ, từng gia đình, thậm chí từng người. Cuộc đối đầu đụng độ khủng khiếp giữa hai hệ tư tưởng ấy, làm sao chỉ mặt đặt tên phanh phui lý giải, ngõ hầu hòa giải đồng bào tộc Việt, gắn kết huynh đệ họ Lê? Công cuộc này khốc liệt cam go không thua 30 năm bom đạn. Dòng tộc thân thương ơi, lẽ nào phải chắp nối trăm năm mới hoàn nguyên chu trình ly hợp? (trang 21)

Có thể trong số những người bên kia trở về năm 1975, ít có ai nhìn thấy được sự ly tán ngay trong giờ khắc mà chúng ta tưởng là sum họp, nỗi buồn xót xa trong ngày mà những người thắng cuộc tưởng là vui. Tác giả Lê Khắc Hoan có thể nhìn thấy nỗi đau xót ấy của một dòng họ, nhìn cây thấy rừng, như trong trăm nghìn dòng họ trên đất nước Việt Nam, nhưng có lẽ ông chưa tìm thấy nguyên nhân của sự việc, vì còn mải mê với sự nghiệp “ngực đỏ huân chương” của những đứa con Lê Khắc trở về.

Ðể kết luận, tác giả đã bày tỏ: “Hai phần ba thế kỷ trong vòng xoáy đối đầu tàn khốc, rốt cuộc, không một người nào ở phía nào được hạnh phúc vẹn tròn. Cho dù công danh hiển đạt. Cho dù vợ đẹp con khôn. Cho dù tiếng tăm lừng lẫy, chính trực nhân từ, tài ba uyên bác cũng nổi chìm quăng quật trong cuộc chiến đa diện, đa phương…”

Thưa tác giả, cũng là người anh họ của tôi!

Chúng tôi nghĩ, hạnh phúc sẽ được vẹn toàn, nếu từ nửa thế kỷ trước, nếu đất nước này không bất hạnh có nhân vật Hồ Chí Minh, mang chủ nghĩa Cộng Sản từ Liên Xô về để đày đọa dân tộc Việt Nam trong bao nhiêu năm, và chắc chắn chúng ta sẽ có “hạnh phúc vẹn toàn,” đó là ngày chế độ Cộng Sản tàn lụi trên quê hương Việt Nam.

Tin mới cập nhật