Friday, March 29, 2024

Giáo viên phản ứng đối với đề nghị ‘giải cứu giáo viên’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đề nghị “giải cứu giáo viên” bằng cách cha mẹ của mỗi học sinh đóng thêm 100,000 đồng/tháng, của chủ tịch hội đồng quản trị một trường đại học đã làm dấy lên cuộc tranh luận kịch liệt, chưa có hồi kết tại Việt Nam.

Hiện nay, “giải cứu” đã được mở rộng từ lĩnh vực nông nghiệp sang giáo dục, đối tượng giải cứu không chỉ là nông sản mà còn là giới được xem như lõi của hệ thống giáo dục Việt Nam. Trong khi trước đây, “giải cứu” là hai từ được sử dụng thường xuyên trong việc kêu gọi người tiêu dùng mua gia súc, gia cầm, rau, củ, trái cây… bị ứ đọng, mất giá có thể khiến nông dân của cả một vùng phá sản.

Theo báo Lao Động, mới đây, ông Lê Trường Tùng, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị trường Đại Học FPT, kêu gọi “giải cứu giáo viên.”

Ông Tùng nói với báo giới rằng, tuy có và còn nhiều thứ cần “giải cứu” nhưng “giải cứu giáo viên” là quan trọng và cấp bách nhất để giáo viên có thể sống được bằng lương.

Theo đề nghị của ông Tùng, trước mắt cần “giải cứu” ngay giáo viên các trường tiểu học công lập vì đó là bậc học đông giáo viên nhất (khoảng 390,000 người), lương thấp nhất (khởi điểm chỉ có 1.3 triệu đồng, sau 10 năm chỉ được 3.5 triệu đồng/tháng), trong khi là bậc học quan trọng nhất vì là nền tảng của các bậc học còn lại.

Ông cho rằng, cần “giải cứu” ngay giáo viên các trường tiểu học công lập vì đó là tương lai 7.7 triệu học sinh tiểu học công lập.

Với mức lương và giá sinh hoạt như hiện nay, mỗi giáo viên tiểu học công lập cần thêm khoảng 2 triệu đồng/tháng mới đủ sống.

Để đạt được mục tiêu này trong bối cảnh ngân sách đang “giật gấu, vá vai,” chủ tịch hội đồng quản trị Đại Học FPT đề nghị cha mẹ của mỗi học sinh đóng thêm 100,000 đồng/tháng cho một quỹ mà ông Tùng đề nghị gọi là “Quỹ Giải Cứu Giáo Viên Tiểu Học,” hoặc “Quỹ Khuyến Dạy.”

Đề nghị vừa kể đã dẫn đến một cuộc tranh luận nảy lửa. Tờ Lao Động vừa tạm tóm tắt ý kiến một số độc giả về đề nghị của ông Tùng. Theo đó, nâng lương của giáo giới lên để họ không phải nhịn đủ thứ như vừa qua là cần thiết. Không chỉ cần nâng ngay lương của giáo viên tiểu học công lập mà còn cần nâng ngay lương của giáo viên các bậc học khác, kể cả nhà trẻ, mầm non.

Nhiều phụ huynh tán thành việc chăm sóc cho giáo giới để giáo giới yên tâm trong việc chăm sóc con cháu của mình nhưng theo tờ Lao Động, nhiều độc giả của họ cho rằng, đóng tiền để “giải cứu giáo viên” không phải là cách giải quyết vấn đề thu nhập của giáo giới tới nơi, tới chốn.

Tờ báo này dẫn lời hai phụ huynh, một bảo rằng, khi đến trường, con cháu của họ đã phải đóng đủ thứ tiền, đối với nhiều gia đình, đóng thêm 100,000 đồng/tháng/đứa trẻ học tiểu học là vấn đề lớn. Nâng lương cho tương xứng với công sức của giáo giới là trách nhiệm của ngành giáo dục, của chính quyền, không thể đổ trách nhiệm đó lên đầu phụ huynh. Tương tự, một phụ huynh khác nêu thắc mắc, “giải cứu giáo viên” như đề nghị của ông Tùng thì ai “giải cứu phụ huynh?”

Đáng chú ý là nếu đề nghị của ông Tùng được hiện thực hóa, dù thu nhập có thể tăng nhưng nhiều giáo viên không tán thành.

Nói với báo điện tử Infonet, Giáo Sư Văn Như Cương, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị trường Trung Học Phổ Thông Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho hay: “Đó là một đề xuất phi lý và không thể thực hiện được. Tôi tin rằng, nếu đưa ra đề xuất đó thì nhiều phụ huynh sẽ phản đối và tôi cũng vậy. Việc bảo đảm cho giáo viên có thể sống bằng lương của mình là việc cần làm nhưng đó là trách nhiệm của nhà nước.”

Ông Vũ Hoàng Sơn, giáo viên trường Tiểu Học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, Sài Gòn), cho hay: “Cá nhân tôi không đồng tình việc lập quỹ để ‘giải cứu giáo viên như giải cứu dưa hấu, giải cứu lợn.’ Điều này đã làm tổn thương không nhỏ đến giáo viên nói chung và giáo viên tiểu học nói riêng. Điều này, phần nào cũng xem giáo viên tiểu học như là một ‘món hàng’ cần đến sự giúp đỡ, giải cứu của mọi người.”

Bà Nguyễn Hương T., giáo viên trường Tiểu Học Ngô Gia Tự (Gia Lâm, Hà Nội), cho hay: “Ai cũng biết nghề giáo chúng tôi vất vả trong khi thu nhập lại thấp. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã phải làm những nghề phụ như buôn bán, cắt may để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Tuy nhiên, chúng tôi không phải ăn mày trên mồ hôi công sức của phụ huynh học sinh.” (G.Đ)

Philippines tìm cách nhận dạng kẻ tấn công sòng bài ở Manila làm 36 người chết

MỚI CẬP NHẬT