Thursday, April 18, 2024

Ði chợ trời, nghe người Lào nói tiếng Việt

 


Chu du cùng độc giả từ đất mũi lên thủ đô (Kỳ 2)


LGT: Với một người làm báo, thì niềm vui, nỗi buồn gần như gắn liền với độc giả. Không chỉ vậy, phóng viên Người Việt lại là người khá may mắn khi nhận được sự quan tâm, “chiếu tướng” của nhiều bạn đọc gần xa. Loạt ký sự dưới đây viết về chuyến ngao du của phóng viên Ngọc Lan cùng một số độc giả của nhật báo Người Việt đến từ Pháp, Úc, California, Oregon, Florida, Virginia và New York trong suốt 10 ngày, xuống biển, lên rừng, vào hang động, lên thủ đô.


Ngọc Lan/Người Việt


Ði chợ trời, nghe người Lào nói tiếng Việt


Chợ trời Wagon Wheel ở Pinellas Park trông có vẻ lớn hơn chợ trời Aloha ở Haiwaii. Do không có đủ thời gian đi hết, nên cả nhóm chỉ tập trung đi loanh quanh ở khu buôn bán rau cải từ các nông trại đưa đến, hoặc có người mang từ nhà ra.


Ðiều đặc biệt là có rất nhiều người Lào buôn bán rau quả nơi đây. Dĩ nhiên cũng có cả người Việt.


Khách hàng thì đủ hết. Ði lòng vòng cũng nghe loáng thoáng có tiếng Việt đâu đó vang lên.


Người ta bán nhiều mặt hàng lắm, quan trọng là cái nào nhìn cũng tươi ngon. Rau thì đủ loại, từ rau muống, bồ ngót, mồng tơi, đậu rồng, hoa thiên lý, củ riềng, cho đến mụt măng, bắp chuối, lá chuối, khoai từ, lá dứa… Trái cây cũng nhiều món, nhưng dễ chừng mấy chục năm rồi, mới thấy lại trái lê-ki-ma được bán ở đây, bên cạnh những cây mía còn nguyên lá nguyên vỏ.










Một góc chợ trời Wagon Wheel ở Pinellas Park, FL. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Tếu nhất là nhìn mọi người vừa đi vừa ăn mía ghim, rồi lại chia nhau mấy chiếc bánh “coconut cake” mua từ gian hàng của một cặp vợ chồng Lào để vừa đi vừa nhai như con nít thuở nào.


Gặp một bà người Lào nói tiếng Việt bán những chậu cây nho nhỏ nào me, nào lá trầu, nào chùm ngây cũng vui vui. Bà nói do làm cho chủ nông trại là người Việt trong một thời gian dài nên bà biết nói chút ít tiếng Việt, khi cần giải thích nhiều thì bà nói tiếng Anh.


Chợ trời Wagon Wheel có bán cả cá, mực, và vịt nữa, nhưng là vịt làm thịt rồi chứ không phải nguyên con chạy lạch bạch. Có bán cả hoa lan, cả những cây phượng vĩ nhỏ cao tầm một mét.


Buổi chiều, sau khi ăn, ngủ xong (rất đúng nghĩa đi-ăn-chơi) chủ nhà chất hết mọi người lên xe chạy ra biển Coquina Beach để ai bơi thì bơi, ai câu thì câu, ai học câu cũng được luôn.


Lần đầu tiên trong đời tôi được cầm cái cần câu, được hướng dẫn bài học đầu tiên về cách cầm cần như thế nào, quăng câu ra sao.


Nhìn người ta cầm cái cần khảy nhẹ một cái, sợi dây cước có móc mồi tung lên trời rồi phóng xuống nước xa thật xa. Chốc chốc lại thấy họ quay cần liên tục, kéo vào thấy một con cá cắn câu. Họ gỡ cá ra, rồi quăng lại xuống biển. Nghe nói vì cá phải đủ kích cỡ mới được bắt, không thì bị phạt.


Ðến phiên tôi ném cái cần câu một cái. Thấy miếng mồi bay lên, xong, rớt ngay trước mặt, hehehe.


Lần nữa, thảy một cái, wow, nhìn cũng xa được… cả mét chứ chẳng chơi. Rồi cũng cầm cần, im lặng, tạo vẻ đăm chiêu của ngư ông, chờ chờ rồi quay dây kéo vô, được một nhúm… rong biển. Thôi, sự nghiệp quăng câu này coi bộ không xong rồi. Trong tủ lạnh nhà gia chủ thấy có sẵn mấy con cá, chắc câu từ đó vô nồi dễ hơn.


Lại lục tục kéo nhau về nhà chủ đất thưởng thức món nem nướng Ninh Hòa “home made.” Ngon thở không nổi luôn.


Thăm lại nhà vườn Homestead


Ngày thứ tư của hành trình, chúng tôi rời Bradenton hướng về Homestead thăm vườn trái cây cô Chín, nơi cách đây tròn một năm tôi đến làm phóng sự.


Gần bốn tiếng lái xe, không tính nửa tiếng dừng lại dọc đường lôi bánh mì chả cá ra “chap,” đến nơi, vắng hoe, khác hẳn sự ồn ào náo nhiệt tôi từng bắt gặp năm rồi. Ra là Chủ Nhật mùa này thợ thầy được nghỉ ngày cuối tuần, bù cho những tháng làm liên tục 7 ngày/tuần.


Không thấy ai bên ngoài, gọi điện thoại vô nhà hỏi thăm cô Chín. Nghe ai đó trả lời là “Cô Chín đi vắng, không có nhà.” Buồn 5 phút. Chỉ kịp nhắn, “Vui lòng nói lại với cô Chín có Ngọc Lan bên báo Người Việt ghé thăm.” Không thấy bên kia trả lời. A lô ô la một, hai câu nghe im re, chưa biết thế nào thì thấy cửa nhà mở, cô Chín đi ra.


Tay bắt mặt mình. Vui như gặp lại cố nhân.


Cô lại lái chiếc golf cart chở hết mọi người đi thăm vườn. Chở ra ruộng dưa gang, cô xuống cắt cho cả chục trái hơn, nói mang về ăn. Rồi lại ra vườn cóc, hái cả thùng bảo cho mang về làm cóc ngâm đường. Rồi cô lại mang cả thùng nhãn ra cho mọi người ăn. Lấy thêm thùng nữa cho mang về. Nhãn nhà vườn mới hái thiệt là ngon có khác.


Cô Chín nhắc nhờ những bài báo tôi viết, những khúc phim tôi làm mà nhiều người quen xưa đã liên lạc được với vợ chồng cô.


Nhưng vui nhất, với tôi, là lời mời được nhắc đi nhắc lại, “Nhớ khi nào rảnh thì xuống cô chơi nghen.” Tôi xem đó là phần thưởng cho nghề nghiệp của mình, khi nhân vật trong những bài viết đã xem mình như một người thân quen.


Rời nhà cô Chín cả nhóm hướng về Key West, nơi tận cùng nước Mỹ, mà thẳng tiến.










Cột mốc Southermost Point ở Key West – nơi cách Cuba chỉ 90 dặm (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Ðến Key West thăm nhà “Ngư Ông và Biển Cả”


Càng đi về nơi gần với CuBa cảnh vật càng khác. Ngoài con đường thẳng tắp dẫn đến mũi… Cà Mau có hai bên là biển. Biển rất gần, cảm tưởng như sát đường. Dừng xe lại là có thể thò chân xuống biển. Mặt đường thấp đến vậy hay mặt nước cao đến thế. Tôi cứ băn khoăn không biết có khi nào nước tràn cả lên đường hay không.


Ðến khách sạn đã 5 giờ chiều, lại là ngày không nắng, có mây mù nên coi như hoạt cảnh ngồi im lặng bên sông, ý quên, bên biển, nhắm mắt thả hồn ngắm mặt trời lặn coi như lọt sổ. Chỉ còn rủ nhau đi ăn cho bõ công lội đến xứ này.


Ðã đến đây rồi thì không thể nào lại không tìm đến cột mốc Southermost Point – nơi cách Cuba chỉ 90 dặm để mà chụp một tấm hình đem về “nổ” với mọi người rằng, “à, nếu không bị ngăn cản là tôi đã bơi sang Cuba rồi đó.”


Ði loanh quanh Key West, khám phá ra là người ta bán cigars rất nhiều, nhiều một cách đặc biệt. Thế là nảy ra ý nghĩ rồ dại: mua cigars về cho mấy ống khói tàu trong tòa soạn.


Nhưng quá trời loại thì mua làm sao? Thế là được một bài học cơ bản là ngoài chuyện cigars có nhiều kích cỡ, và độ đậm nhạt của lá quấn thuốc cũng thể hiện đó là loại cigars nhẹ hay nặng.


Thêm nữa, Cigars có rất là nhiều mùi vị, bạc hà, cà phê, dâu tây, cognac,…


Nghe xong rồi thì lùng bùng lỗ tai, thôi mua một hộp mà người ta bán như gift. Chứ ai đời thuốc không biết hút mà lại còn đòi đi mua cigars cho dân sành điệu thì cứ như là “Không biết gì về điện mà lại đòi đi sửa xe tăng” (tức cái gì cũng trớt quớt hết trơn).


Key West giống như nhiều thành phố biển khác, tức có các hoạt động về đêm khá ồn ào, chủ yếu là các vũ trường, quán bar.


Một đặc điểm ở Key West mà chưa thấy ở nhiều nơi khác là xe hơi có rất nhiều màu sắc, hồng có, cam có, vàng có, tím có, và xe đạp cùng Scooper hay nhiều loại xe tay ga khác cũng đủ sắc lung linh.


Cũng ở nơi đất Mũi này, giữa trưa mùa Thu lại nhìn thấy phượng vĩ, nghe tiếng gà trống gáy. Lại ngập tràn nỗi nhớ những hàng phượng đỏ cả sân trường trung học, đại học ngày nào…


Và Key West có ngôi nhà của Ernest Hemingway, tác giả của Ông Già và Biển Cả.


Thật sự có đến những nơi này, mới lại thấy việc gìn giữ và bảo tồn di tích văn hóa ở Mỹ nó hơn hẳn xứ Việt đến mức nào. Ý thức đó không chỉ có ở nơi người có nhiệm vụ, mà nó thể hiện cả ở cách của người đến viếng thăm.










Thăm nơi ở của văn hào Ernest Hemingway, tác giả của “Ngư Ông và Biển Cả”, “Chuông Nguyện Hồn Ai,” “Giã Từ Vũ Khí”… tại Key West, cực nam nước Mỹ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Nói như anh Ken Zip là “vào đây thấy một nỗi xúc động gì lạ lắm. Bởi đây là người mình từng đọc, từng mê, giờ lại có dịp đứng ngay tại ngôi nhà của ông, nhìn những máy đánh chữ, những bản thảo của ông… Không còn đòi hỏi gì hơn nữa.”


Tôi cũng nghĩ vậy, cảm xúc của việc được chạm vào ký ức. Tự dưng nhớ bạn bè, nhớ đồng nghiệp. Mình đã bao lần nói về Hemingway, giới thiệu với học trò về Hemingway, về “lý thuyết tảng băng trôi,” giờ mình lại đứng ngay tại ngôi nhà ông đã sống, nhìn những trang đánh máy còn sót lại của “Ông già và biển cả,” những quyển sách “Giã từ vũ khí,” “Chuông nguyện hồn ai” ở lần xuất bản đầu tiên. Nhìn hình ảnh con tàu Pilar của ông để hiểu sự trải nghiệm của chính ông được mang vào tác phẩm là như thế nào…


Tôi chụp nhiều hình ảnh nơi đây, để tặng bạn bè mình, như một tư liệu văn học, cả tấm hình Hemingway ở vào thời điểm khoảng ba tuần trước ngày ông tự sát, hay hình ảnh của “thế hệ bỏ đi” (Lost Genneration)…


Ði quanh trong căn nhà có những ô cửa màu lá mạ, độc giả Florida nói, “Nổi tiếng đến như thế mà ông vẫn cảm thấy mình bế tắc trong cuộc sống này để tự kết liễu đời mình bằng súng.”


Ừ, cuộc đời, lòng người, đâu chỉ là những gì mình nhìn qua con chữ. Mỗi người mang trong mình những nỗi niềm, những u uẩn mà ngay chính họ còn không tìm thấy lối thoát thì mình làm sao có thể cho rằng mình đã hiểu rất nhiều, về họ.


Rời Key West, nơi tận cùng của nước Mỹ, cả nhóm trực chỉ về Orlando để ăn tôm hùm “All you can eat.”


Ðường xa, cả 7 tiếng lái xe, theo GPS thì phải đến hơn 9 giờ tối mới tới, nên hành trình dài hôm nay có tiết mục mới, đó là chương trình “ca nhạc tra tấn nhau.”





Xin mời xem thêm video: Thế giới có hơn 45 triệu người nô lệ thời hiện đại


Thành phần ban nhạc có hai ca sĩ kiêm tài xế lẫn phụ xế. Khán giả cũng có đến hai người là chị Cục Cục Cục và Bidong. Còn lại một hành khách thà ngủ chứ không chịu điếc tai là An Lành. Không cần khán giả yêu cầu, ca sĩ Ốc và Ngọc Lan “đệ nhị” mần láng các thể loại từ sang đến sến, từ tân nhạc đến cổ nhạc, rồi cả tân cổ “dô diên,” đến luôn cải lương tuồng tích. Và kết thúc bằng bài Bến Thượng Hải bằng tiếng Tàu lai.


Rồi cũng đến nơi, nhà hàng Boston Lobster Feast ở Orlando. Lần đầu tiên vào tiệm buffet mà chỉ ăn duy nhất một món: tôm hùm, với giá $55/người.


Những con tôm hùm chỉ chừng độ một pound, chắc nụi, ngọt ngay. Dù ngon đến cỡ nào, ăn nhiều đến cỡ nào thì chắc không ai có thể ăn quá bảy con. Ứ hự. Thỏa mãn.


Lái xe tiếp gần 2 tiếng nữa mới về đến nhà. Ngày mới đã sang.


(Kỳ 3: Vườn xưa đã mất. Ðến thủ đô, thăm RFA, về miền Eden)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT