Friday, April 19, 2024

Chống Hồi Giáo kiểu Donald Trump tăng mạnh ở Âu Châu


ERFURT, Đức (NV)Ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa Donald Trump từng kêu gọi cấm người Hồi Giáo nhập vào Mỹ, nhưng ở Âu Châu, tinh thần chống người Hồi Giáo cũng đang trên đà dâng cao.





 

 Dân Hồi Giáo cầu nguyện bên ngoài trường đại học ở Berlin, Đức, phản đối việc họ không được phép dùng phòng cầu nguyện ở trong trường. (Hình: Getty Images/Markus Heine)
Theo báo Washington Post, ở Âu Châu, nơi tổ chức Hồi Giáo cực đoan mở cuộc tấn công khủng bố tại một số nước và làn sóng di dân từ Trung Đông đông kỷ lục, là một thử thách ý chí bảo vệ quyền lợi sắc dân thiểu số của lục địa này kể từ sau Thế Chiến 2.

Tại Đức, một thời là lực lượng tiến bộ chống lại đồng euro và cứu nguy cho Hy Lạp, đảng Alternative for Germany (AfD) nay quay sang hàng ngũ chống Hồi Giáo.

Trong những tuần gần đây, AfD mở chiến dịch khích bác Hồi Giáo khi lên tiếng báo động “sự bành trướng và hiện diện của số dân Hồi Giáo đang ngày càng đông” trên lãnh thổ Đức.

Một sự kiện vừa xảy ra gần đây như thêm lửa cho chiến dịch của đảng AfD khi chính quyền Đức hôm Thứ Năm bắt giữ ba người Syria trà trộn vào Đức theo dòng người tị nạn.

Họ bị cáo buộc có âm mưu tấn công trung tâm lịch sử Dusseldorf, nhân danh tổ chức khủng bố ISIS.

Với tiêu chí bảo vệ quyền phụ nữ, an ninh quốc gia và văn hóa nước Đức, đảng AfD được 16% cử tri ủng hộ, kêu gọi cấm mang khăn trùm đầu ở trường học, đồng thời cũng đang chuẩn bị công bố một “bản tuyên ngôn” chống Hồi Giáo dựa theo “nghiên cứu khoa học.”

Xuất phát từ vùng Đông Đức cựu Cộng Sản, AfD còn đi xa hơn khi tung ra nỗ lực ngăn chận việc xây một đền Hồi Giáo đầu tiên tại thành phố Erfurt.

Theo thống kê, 75% tổng số 200,000 dân của thành phố này nói rằng họ “không theo đạo nào.”

Đảng AfD phẫn nộ trước viễn ảnh một tháp Hồi Giáo sẽ vươn cao trong thành phố, không xa ngọn tháp các giáo đường Thiên Chúa Giáo cổ xưa cách đó chỉ vài khu phố.

Năm nay, ít nhất hai trường đại học ở Đức cấm người Hồi Giáo lập phòng cầu nguyện trong trường, lý luận rằng môi trường đại học là nơi thế tục và rằng không đạo nào được “đối xử đặc biệt.”

Ở Đức cũng như nhiều nơi khác trên lục địa Âu Châu, nhiều đền thờ Hồi Giáo bị tấn công dưới hình thức đốt cháy hoặc phá hoại.

Giới lãnh đạo Hồi Giáo nhận thấy sự chống đối đạo Hồi ở Đức cũng cùng hiện tượng đang trổi mạnh như ở Hoa Kỳ, Pháp, Áo, Hòa Lan, Ba Lan và các nước khác ở Âu Châu.”

Một lãnh đạo Hồi Giáo nói: “Điều này nhắc nhở chúng ta đến thời kỳ của Hitler.” (TP)

MỚI CẬP NHẬT